Ultimate guide: Làm thế nào để tìm kiếm khách hàng “xịn” trên LinkedIn?
Facebook, Instagram, blog cá nhân là những nền tảng hữu ích để quảng bá thương hiệu cá nhân. Nếu biết cách sử dụng Facebook, bạn còn có thể kiếm được nhiều khách hàng từ đó. Và trong những năm gần đây, chúng ta không thể bỏ qua LinkedIn.
Đã có nhiều cây viết tự do thành công trong việc tìm kiếm khách hàng “xịn” trên LinkedIn. Họ đã làm như thế nào? Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ cách tăng thêm thu nhập từ mạng xã hội nhiều tiềm năng này.
Đôi nét về LinkedIn
Vì sao LinkedIn là nơi lý tưởng để tìm khách hàng?
Mỗi tuần có hơn 40 triệu người tìm kiếm việc làm trên LinkedIn. Hiện nay, LinkedIn xuất hiện phổ biến và rộng rãi trên 200 nước, bao gồm Việt Nam. Vào tháng 10/2020, có 14 triệu công việc được liệt kê trên LinkedIn. Cho đến hiện tại, mạng xã hội này có 756 triệu tài khoản và con số vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày, mỗi tháng. Như vậy, khi sở hữu một tài khoản LinkedIn, bạn sẽ có cơ hội tương tác với nhiều người ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Không giống như Facebook hoặc các nền tảng mạng xã hội khác, LinkedIn chọn lọc hơn và là nơi chỉ dành cho công việc. Giao diện của LinkedIn được thiết kế phù hợp để tìm kiếm việc làm, chỉ cần gõ từ khoá lên ô tìm kiếm, bạn sẽ thấy có nhiều công ty đăng bài tuyển dụng giống như Vietnamworks, Careerlink...
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Blog là kênh cần thiết để xây dựng thương hiệu cá nhân, nhưng để có thành quả, bạn cần sự kiên trì, công sức và thời gian. Trong khi đó, LinkedIn là cách đơn giản hơn để đưa tên bạn lên bản đồ sự nghiệp viết lách chuyên nghiệp. Bạn chỉ cần xây dựng hồ sơ thật chuyên nghiệp, tạo mạng lưới kết nối với nhà tuyển dụng, tận dụng các chức năng trên LinkedIn. Từ đó, cơ hội việc làm sẽ đến với bạn nhiều hơn.
Cập nhật tin tức trên timeline
Giống như Facebook, khi đăng nhập vào LinkedIn, bạn sẽ dễ dàng biết được hoạt động của những người bạn đã kết nối như công ty, đồng nghiệp, khách hàng thông qua các bài đăng của họ trên dòng thời gian. Nhiều người lựa chọn phương pháp này để đăng tin tuyển dụng hoặc tìm kiếm khách hàng.
Chia sẻ kiến thức và thể hiện năng lực trên LinkedIn là cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của khách hàng và nhà tuyển dụng. Nếu bạn đã có tài khoản LinkedIn nhưng chưa bao giờ hoạt động, đăng bài hoặc tương tác với những công ty khác thì sẽ khó nhận ra sức mạnh tiềm ẩn của LinkedIn. Vì vậy, mình sẽ hướng dẫn cách tìm được khách hàng “xịn” thông qua việc xây dựng hồ sơ chuyên nghiệp và tạo mạng lưới kết nối trên LinkedIn.
8 cách tìm kiếm khách hàng “xịn” trên LinkedIn
1. Hoàn thiện và tối ưu hoá hồ sơ LinkedIn
Một hồ sơ Linkedin hoàn chỉnh sẽ giúp bạn tăng thêm gấp 21 lần lượt xem hồ sơ và 36 lần gửi tin nhắn. Nếu bạn muốn mở rộng mạng lưới và tiếp cận đối tượng mục tiêu nhanh hơn, điều đầu tiên bạn cần làm là cập nhật hồ sơ đầy đủ.
Để truy cập vào LinkedIn, bạn cần có tài khoản. Khi tạo tài khoản, bạn nên nhớ lựa chọn địa chỉ email sử dụng thường xuyên. Hiện tại LinkedIn có 2 sự lựa chọn: miễn phí (Basic) và có phí (Premium). So với gói Basic, gói Premium có thêm nhiều lựa chọn hơn như phát triển kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm việc làm dễ hơn... Hãy cân nhắc về mục đích để lựa chọn cho phù hợp. Bạn có thể dùng thử (free trial) trong vòng 30 ngày, sau 30 ngày bạn được quyền huỷ và quay trở lại bản miễn phí nếu quyết định không mua.
Bước 1: Chọn hình ảnh đại diện
Nghiên cứu cho thấy, một hồ sơ có ảnh đại diện sẽ tăng cơ hội được tìm thấy trên LinkedIn gấp 7 lần. Nếu muốn tăng sự chú ý của khách hàng, bạn nên lựa chọn một tấm hình đại diện thể hiện mức độ chuyên nghiệp. Vì khi tìm kiếm tài khoản, điều đầu tiên khách hàng nhìn thấy đó là hình ảnh, sau đó mới đến kinh nghiệm làm việc, công việc hiện tại...
Bạn nên chọn những tấm hình được chụp gần đây nhất, tránh trường hợp sử dụng hình đã quá cũ. Khuôn mặt nên chiếm 60% của khung hình và xuất hiện hoàn chỉnh trong khung, tránh lựa chọn những bức hình chụp quá xa, thay vào đó là chọn tấm được chụp rõ nét, mặc trang phục chỉnh tề, tốt nhất là những trang phục đi làm hằng ngày.
Bạn có thể sử dụng công cụ cắt ảnh trên LinkedIn khi chèn hình. Hình đại diện nên theo tiêu chuẩn kích thước sau:
- 400×400 (width x height)
- Kích thước file: tối đa 8Mb
- Định dạng PNG hoặc JPG
Bước 2: Tạo ảnh bìa
Để tìm được ảnh bìa phù hợp, trước tiên hãy nghĩ về dịch vụ mình cung cấp cho khách hàng. Bạn muốn khách hàng tìm thấy gì khi nhìn ảnh bìa? Bạn là người viết về y học, chăm sóc nuôi dạy con cái, phát triển bản thân hay ẩm thực? Bạn vừa là người viết vừa là coach? Bạn sẽ bán gì cho khách hàng? Bạn nên nhớ mình chỉ có vài giây để truyền đạt thông điệp đến khách hàng, vì vậy hãy chọn và lọc ra các thông tin quan trọng. Dưới đây là một số ví dụ về ảnh bìa bạn có thể tham khảo:
Nhìn vào ảnh bìa trên, bạn sẽ thấy rõ dịch vụ cô ấy đang cung cấp là gì. Bên dưới dịch vụ còn có thông tin số điện thoại và call-to-action. Hình ảnh bên phải còn cho thấy cô ấy là một diễn giả. Góc bên trái trên cùng chính là logo của công ty.
Ở ảnh bìa này, bạn nhìn lướt qua sẽ nắm được khái quát hồ sơ của Maggie. Chị ấy là nhà văn, người viết; có kinh nghiệm viết sách, làm YouTube, podcast và kèm đường link blog cá nhân.
Một cách khác để làm ảnh bìa đó là liệt kê những nhãn hàng hoặc công ty bạn từng làm việc cùng. Cách làm này sẽ rất hiệu quả để xây dựng thương hiệu cá nhân nếu bạn là Founder của một công ty hoặc doanh nghiệp.
Bạn đã từng làm việc chung với những người nào nổi tiếng trong lĩnh vực của bạn chưa? Bạn có tấm hình nào lưu giữ lại khoảnh khắc đó không? Nếu có, hãy tận dụng làm ảnh bìa cho trang cá nhân. Bằng cách này, bạn sẽ cho khách hàng thấy mức độ nổi tiếng của mình trong ngành nghề. Ví dụ trên là hình ảnh của Jennifer Lopez, người được công chúng biết đến là một diễn viên nhưng ít ai biết cô cũng là một doanh nhân. Cô ấy thay đổi thương hiệu cá nhân bằng bức hình làm việc với những người khác để chứng tỏ mình là một doanh nhân chuyên nghiệp.
Bước 3: Điền thông tin cá nhân
Mỗi tuần có hơn 300.000 lượt tìm kiếm trên LinkedIn được thực hiện thông qua bộ lọc. Do đó, đối với thông tin cá nhân, bạn càng đưa ra chi tiết khách hàng càng dễ dàng tìm thấy bạn. Một số thông tin cá nhân không thể bỏ qua khi cập nhật trên tài khoản LinkedIn:
- Headline: Thông tin xuất hiện ngay bên dưới ảnh đại diện và tên
Việc điền thông tin ở ô này rất quan trọng với mục đích làm nổi bật hồ sơ, giới thiệu nhanh về bản thân và mở rộng network. Để viết phần này, bạn cần trả lời một số câu hỏi: bạn muốn từ khoá nào xuất hiện trên LinkedIn? Bạn muốn được biết đến vì điều gì? Tại sao mọi người nên nói chuyện với bạn? Nếu không biết nên viết như thế nào, bạn có thể bắt đầu bằng từ khoá liên quan đến nghề nghiệp bạn đang làm, tìm hiểu xem từ thường xuyên xuất hiện nhất là gì và sử dụng nó làm headline.
Bạn cũng có thể bắt đầu với chức danh tại một vị trí nào đó, ví như như Founder/ CEO tại công ty A hoặc sử dụng hashtag để làm nổi bật một số thành tựu đạt được. Bạn cũng có thể đưa một số chứng nhận đã đạt được, liệt kê các website, công ty bạn từng cộng tác viết bài. Để thêm sự chú ý, bạn có thể sử dụng emoji kêu gọi mọi người hướng xuống nút Follow hoặc Connect.
Một ví dụ tham khảo:
Một ý tưởng khác để viết headline đó là call-to-action – kêu gọi hành động. Bạn sẽ cung cấp dịch vụ nào để giúp khách hàng giải quyết vấn đề? Bạn sẽ giúp họ như thế nào? Ví dụ như trong headline bên dưới, Sarah Johnston đã nói rõ mình là một coach giúp các bạn thể hiện bản thân ấn tượng trong buổi phỏng vấn để có được công việc mong muốn.
Khi đã hoàn thành headline, bạn điền tiếp các thông tin như:
- Current position: Vị trí công việc hiện tại
- Education: Trình độ học vấn, bạn nên liệt kê những nơi bạn đã theo học để làm nổi bật hồ sơ
- Country/region/location: Bạn không cần nêu chính xác địa chỉ, nhưng nên cho khách hàng biết tỉnh thành bạn đang sinh sống. Vì sẽ có một số công việc, khách hàng cần gặp mặt trực tiếp để trao đổi.
- Industry: Bạn đang theo đuổi mảng hoặc lĩnh vực nào?
- Website URL: Điền thông tin trang blog cá nhân hoặc portfolio
- Phone: Số điện thoại (không bắt buộc).
Bước 4: Viết About
Đây là nơi để bạn quảng cáo bản thân đến khách hàng. Hãy tưởng tượng nếu chỉ có 30 giây để nói chuyện với họ, bạn sẽ nói gì?
Một bản tóm tắt tốt sẽ giúp bạn gây ấn tượng với khách hàng hoặc nhà tuyển dụng. LinkedIn sử dụng thuật toán ở Headline, vị trí làm việc và About. Bằng việc chèn thêm từ khoá vào những mục này đồng nghĩa với việc tăng cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng hơn trong kết quả tìm kiếm. Ví dụ, một số từ khoá liên quan đến nghề viết bạn có thể sử dụng như: freelance writer, content, SEO, marketing... sẽ thu hút được nhiều lượt xem.
Khi viết nội dung trong About, có 5 điều bạn cần phải lưu ý:
- Truyền đạt rõ ràng giá trị bạn sẽ mang lại: Đối tượng mục tiêu, lợi ích khi họ thuê bạn viết, điều gì làm nên sự đặc biệt ở các dịch vụ của bạn so với những người khác.
- Lý do họ nên chọn bạn: Nói với họ vì sao bạn chọn nghề viết và động lực nào để bạn vẫn tiếp tục theo đuổi nghề này đến bây giờ. Bạn có thể chia sẻ câu chuyện nghề nghiệp trong những năm qua để lấy được thiện cảm từ khách hàng. Họ sẽ trả nhiều hơn nếu thấy được sự cống hiến của bạn đối với nghề viết.
- Sử dụng khoảng trắng: Đừng bắt khách hàng đọc một văn bản dài từ đầu đến cuối mà không có khoảng cách hoặc xuống dòng. Bạn nên nhớ, đây là trang bán hàng, vì vậy hãy cố gắng viết ngắn và đi vào trọng tâm của vấn đề. Bạn có thể chèn thêm một số sở thích cá nhân để tạo sự thân thiện nhưng đừng lạm dụng quá đà mà quên mất thông điệp chính cần truyền tải.
- Sử dụng từ khoá: Sử dụng từ khoá liên quan đến nghề viết, vì khi tìm thấy bạn, họ sẽ quét nhanh bài tóm tắt và tìm kiếm xem bạn có thực sự là người họ đang cần hay không.
- Tập trung vào những điều bạn làm được: Khách hàng sẽ không muốn đọc quá nhiều về những lời tâm sự như “self-motivated”, kinh nghiệm, sự đáng tin cậy ở bạn. Họ chỉ muốn tập trung vào những điều bạn có thể giúp để giải quyết vấn đề của họ. Hãy chỉ ra bạn hiểu khách hàng đang muốn gì và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó bằng cách chuyển trọng tâm của bài viết từ bản thân sang mong muốn được làm việc với khách hàng.
Lưu ý: Chỉ sau 2 dòng, LinkedIn sẽ cắt đoạn giới thiệu sang chế độ “see more”. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu nội dung thật ấn tượng để khơi gợi trí tò mò của khách hàng và buộc họ phải dành thêm thời gian để đọc toàn bộ bài viết. Dưới đây là một ví dụ về đoạn “About” ấn tượng.
Bước 5: Bổ sung kinh nghiệm làm việc
Điền đầy đủ kinh nghiệm làm việc giúp khách hàng đánh giá được năng lực và sự chuyên nghiệp của bạn thông qua công việc đã làm trong quá khứ và thành tựu đạt được. Theo thống kê của LinkedIn, những người đưa vào hồ sơ hai kinh nghiệm làm việc trước đây giúp tăng gấp 12 lần khả năng được nhà tuyển dụng/ khách hàng tìm thấy.
Hãy gạch đầu dòng tất cả thành tựu bạn đạt được trong quá trình làm nghề viết, ví dụ thời gian xuất bản cuốn sách đầu tiên, những thương hiệu hoặc nhãn hàng bạn đang đồng hành…
Bước 6: Thêm kỹ năng bạn đã đạt được
Càng có nhiều kỹ năng, hồ sơ của bạn càng mạnh. Một số kỹ năng dành cho người viết như: viết báo, content, SEO...
Bước 7: Sử dụng Featured
Năm 2020, Linkedin ra mắt một công cụ mới để làm đẹp tài khoản của bạn, đó là Featured Section. Công cụ giúp bạn đưa ra những thành tựu, kinh nghiệm làm việc hoặc nội dung nổi bật. Nếu bạn sử dụng tài khoản công khai, khách hàng sẽ dễ dàng thấy được khi họ vào hồ sơ của bạn.
Hãy lựa chọn những bài viết có nhiều lượt tương tác nhất trên timeline của bạn, những nội dung làm rõ các thế mạnh, trích dẫn một số đường link của tờ báo, website nói về bạn hoặc những nơi bạn đã cộng tác viết bài... cho mục này.
2. Xây dựng mạng lưới LinkedIn để tìm thêm công việc freelance
Networking là một trong yếu tố quan trọng để bạn tìm kiếm khách hàng khi làm cây viết tự do, đặc biệt đối với những bạn mới bước chân vào nghề.
Tuy nhiên, xây dựng mạng lưới trên LinkedIn không đơn giản như ở Facebook hoặc Instagram, vì bạn kết nối với họ không phải để giải trí mà vì mục đích công việc. Mạng lưới càng mạnh, cơ hội việc làm càng cao. Thay vì tập trung kết nối với những mối quan hệ ngắn hạn, không có mục đích rõ ràng, bạn cần dành thời gian để tập trung tìm kiếm khách hàng đích hoặc mối quan hệ cụ thể.
Để bắt đầu xây dựng network trên LinkedIn, cách dễ dàng nhất là tiếp cận bạn bè, đồng nghiệp mới và cũ hoặc những người bạn đã biết. Linkedin cung cấp công cụ để bạn tìm kiếm hoặc kết nối trực tiếp tới bạn bè, bằng cách nhập địa chỉ email của bạn lên ô tìm kiếm (vào My network → Connection → nhìn phía tay phải, bạn sẽ thấy hộp như bên dưới), LinkedIn sẽ nhập và lưu trữ thông tin chi tiết về các địa chỉ liên hệ trong sổ địa chỉ của bạn, sau đó đề xuất những địa chỉ liên hệ phù hợp để bạn kết nối với người bạn biết.
Để tìm thêm kết nối với những người có liên quan đến công việc, bạn vào My Network ở phía trên màn hình. Sau đó, phía dưới sẽ xuất hiện một danh sách bao gồm những người bạn đã biết hoặc chưa biết. Nếu tìm thấy người muốn kết nối, chỉ cần nhấn vào nút Connect. Sau đó, một hộp thoại sẽ xuất hiện. Bạn có thể viết một vài lời giới thiệu ngắn về bản thân và lý do bạn muốn kết nối với họ. Khi viết xong, nhấn nút Send.
Bạn cũng sẽ biết được số lượng kết nối ở phía bên phải của trang My Network. Nhiều người cho rằng, hồ sơ mạnh hay không phụ thuộc vào số lượng kết nối. Nhưng thực ra, chất lượng hơn số lượng. Nếu bạn có 50 kết nối mạnh thì sẽ tốt hơn là 200 kết nối nhưng tương tác yếu. Do đó, bạn nên cân nhắc lựa chọn đúng đối tượng và chuẩn mục tiêu.
Sau khi kết nối với khách hàng, bạn nên tạo và duy trì tương tác với họ y như cách bạn vẫn thường làm trên Facebook. Ví dụ, khi họ đăng bài, bạn có thể bình luận về bài đăng hoặc nhấn nút like. Nếu họ cần sự trợ giúp ở một lĩnh vực nào đó nằm trong khả năng, bạn nên chủ động giúp họ giải quyết vấn đề. Điều này sẽ làm mối quan hệ giữa bạn và khách hàng trở nên tốt hơn, từ đó gia tăng cơ hội cho bản thân.
Bạn cũng có thể gửi tin nhắn cảm ơn họ đã chấp nhận lời mời của mình. Nếu họ trả lời, hãy tận dụng cơ hội để giới thiệu thêm với họ về bạn, lĩnh vực đang làm và mời họ uống cà phê nói chuyện trực tiếp nếu có dịp. Bạn có thể áp dụng cách làm tương tự như khi kết bạn với một người ở Facebook, chỉ khác là trong LinkedIn, bạn nên sử dụng ngôn từ lịch sự hơn.
Làm thế nào để tìm kiếm công việc từ network?
Rất nhiều bạn khi tham gia LinkedIn đã có một lượng kết nối rất lớn, đến từ bạn bè, đồng nghiệp cũ từ nhiều công ty, từ những người bạn không thực sự biết nhưng có một vài điểm chung về nghề nghiệp. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ sẽ kết nối với họ để hỏi thêm thông tin và tìm kiếm cơ hội từ đó?
Để biết một người có mối liên quan đến những công ty bạn đang nhắm tới hay không, bạn gõ tên công ty hoặc nhà xuất bản muốn hợp tác làm việc lên ô tìm kiếm. Tiếp theo, bạn chọn những doanh nghiệp đó và xem thử trong danh sách network của bạn có ai mang điểm chung hay không. Nếu có, bạn lựa chọn một trong số những kết nối đó và gửi tin nhắn đến họ, giới thiệu bản thân và hỏi họ có thể giúp bạn kết nối hoặc xin email để liên lạc trực tiếp đến công ty hoặc nhà xuất bản đó không.
3. Tham gia các nhóm trên LinkedIn
Nhóm là nơi các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn, tìm kiếm lời khuyên và xây dựng mối quan hệ công việc. Nhóm còn là nơi bạn tạo dựng thương hiệu cá nhân và tìm kiếm khách hàng khi làm nghề viết tự do.
Không giống như nhóm ở Facebook, bạn có thể nhìn thấy bài đăng nếu quản trị viên cài đặt ở chế độ công khai, còn nhóm ở LinkedIn thì chỉ thành viên của nhóm mới đọc, bình luận, đăng bài hoặc tương tác với những thành viên trong nhóm.
Cách tham gia nhóm như sau: Gõ tên từ khoá liên quan đến chủ đề của nhóm bạn muốn tham gia, ví dụ bạn muốn tìm kiếm nhóm về viết lách, gõ “writer” trên ô tìm kiếm. Phía dưới sẽ xuất hiện một số nội dung liên quan đến “writer”. Bạn chọn “writer in group” và nhấn enter.
LinkedIn sẽ đưa ra nhiều nhóm để bạn lựa chọn. Bạn click vào nhóm muốn tham gia và nhấn request to join rồi đợi quản trị viên chấp nhận.
Nếu bạn tìm được một nhóm phù hợp, đừng quên dành thời gian tương tác với các thành viên để xây dựng mối quan hệ và cố gắng trở thành thành viên hoạt động tích cực. Mình gợi ý một vài cách như sau:
- Cống hiến giá trị của bạn cho nhóm: Điều này sẽ tạo niềm tin và mang giá trị lâu dài cho bạn. Trước khi đăng bài, hãy dành thời gian tìm hiểu về quy định và mục đích chính của nhóm để lựa chọn bài đăng cho phù hợp. Tránh trường hợp đăng những chủ đề không liên quan để rồi bị loại khỏi nhóm hoặc bị nhận xét là spam.
- Lắng nghe: Dành thời gian để đọc và lắng nghe những chia sẻ của các thành viên khác, chú ý đến chủ đề, tông giọng và người tham gia.
- Thảo luận nhiều hơn: Đưa ra câu hỏi, sau đó lắng nghe và phản hồi để đưa cuộc nói chuyện đi xa hơn.
- Hãy luôn chuyên nghiệp: Đây là môi trường làm việc chuyên nghiệp giống như chốn công sở. Do đó, hãy cẩn thận khi sử dụng ngôn từ. Nếu bạn không thể dùng cách nói chuyện ấy cho sếp hoặc đồng nghiệp thì cũng không nên sử dụng ở đây.
Bạn lưu ý là các thành viên tham gia nhóm ở LinkedIn đều mang mục đích riêng. Có người tham gia để tìm kiếm khách hàng. Có người tham gia để xây dựng thương hiệu cá nhân. Bạn cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu về nhóm hơn so với khi tham gia trên Facebook. Bạn tìm đến LinkedIn để kiếm người mua sản phẩm/ dịch vụ của mình thì cũng có những người lên LinkedIn để tìm kiếm người bán. Bạn và họ sẽ gặp được nhau nếu cả hai tìm được điểm chung.
Bạn cũng có thể sử dụng LinkedIn làm kênh tạo danh sách khách hàng tiềm năng bằng cách sử dụng các tính năng nhóm và lọc thành viên tham gia dựa vào tên công việc, công ty, vị trí. Từ danh sách này, bạn gửi tin nhắn đến từng người và kết nối. Hãy nói với họ bạn là ai, làm công việc gì, có kỹ năng nào và bày tỏ mong muốn hợp tác với họ trong những dự án tới. Họ sẽ dễ dàng chấp nhận lời mời của bạn hơn nếu họ biết chút ít về bạn. Nhưng phải đảm bảo luôn duy trì sự tồn tại của mình trong nhóm và hồ sơ của bạn được tối ưu hoá để tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Bạn cần phải kiên nhẫn và hoạt động tích cực trên nhóm để xây dựng hình ảnh là một người có chuyên môn trong lĩnh vực viết. Bất cứ khi nào gặp câu hỏi trên nhóm, bạn hãy cố gắng trả lời thật cẩn thận và tỉ mỉ, thể hiện cho người khác biết bạn thật lòng muốn giúp đỡ họ. Cũng đừng quên đăng tải bài viết lên nhóm định kỳ. Bạn có thể gửi bài tự viết hoặc chia sẻ nội dung của người khác.
4. Không chỉ kết nối mà hãy tương tác
Bạn đừng chỉ kết nối mà không tương tác với những người trong network. Vì nếu không tương tác, họ sẽ quên bạn rất nhanh. Hãy nhân cơ hội họ đang chú ý đến bạn và tương tác tích cực với họ.
Bạn không cần phải quá cầu kỳ trong câu chào hỏi đầu tiên. Một vài gợi ý giúp bạn có thể tự tin hơn để bắt chuyện với họ:
- Gửi lời cảm ơn vì đã chấp nhận lời mời của bạn
- Nói với họ lý do bạn gửi lời mời (ở bước này, bạn đừng biến họ thành khách hàng ngay lập tức, bạn chỉ kết nối với họ vì cảm thấy hồ sơ của họ ấn tượng; khéo léo gợi ý nếu họ cần giúp đỡ gì, bạn đều sẵn sàng)
- Nếu cuộc nói chuyện bắt đầu trở nên tốt đẹp, bạn có thể hẹn họ một buổi uống cà phê (hoặc đề cập đến sở thích của họ – những điều họ đã chia sẻ trong hồ sơ)
- Tiếp tục gửi thêm 1 hoặc 2 tin nhắn và lồng ghép vào một số dịch vụ miễn phí mà bạn có sẵn, biến họ thành khách hàng tiềm năng
Quan trọng hơn cả, hãy xây dựng chiến lược để tạo dựng mối quan hệ lâu dài với những người bạn mới, đừng biến họ thành những danh thiếp cũ và không bao giờ nhớ tới. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi để bạn tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì vậy, hãy sử dụng một cách khôn ngoan.
5. Tận dụng lợi thế của tính năng “Ai đã xem hồ sơ của bạn”
LinkedIn có một tính năng mà các nền tảng mạng xã hội khác chưa có, đó là báo cáo về những người đã vào xem hồ sơ của bạn. Đối với bản miễn phí, tính năng này sẽ bị giới hạn, bạn sẽ không biết được tất cả những người vào xem hồ sơ của mình. Tuy nhiên, với bản premium, bạn hoàn toàn có thể biết được.
Đừng bỏ qua cơ hội khi bạn biết được người từng xem qua hồ sơ của mình vì họ có thể là khách hàng tương lai. Những người đó tìm đến bạn có thể do những bài đăng hoặc thông qua các đặc điểm chung về nghề nghiệp, hay họ tìm đến bạn vì muốn tìm kiếm người viết tự do.
Vì vậy, khi có người xem hồ sơ của bạn, hãy làm điều tương tự: vào nhà họ và tìm hiểu về hồ sơ của họ. Nếu bạn nghĩ họ có tiềm năng trở thành khách hàng trong tương lai, đừng ngần ngại gửi lời kết bạn và nhắn tin làm quen, giới thiệu một số dịch vụ bạn đang cung cấp.
Bạn có thể tham khảo ví dụ dưới đây:
Tiêu đề: Bạn có đang tìm kiếm một người viết bài chuẩn SEO cho nội dung ẩm thực?
Chào bạn,
Mình để ý gần đây bạn đã vào xem hồ sơ LinkedIn của mình. Vì vậy, hôm nay mình gửi những dòng tin nhắn này để hỏi bạn có đang cần người viết nội dung SEO chuyên sâu cho các sản phẩm bên bạn hay không. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề viết, mình tin sẽ giúp công ty bạn tăng lượng truy cập và trang web của công ty luôn đạt top tìm kiếm Google nhờ các bài viết chuẩn SEO và nội dung chất lượng.
Hiện tại, mình vẫn có thể nhận thêm một vài công việc viết lách và sẽ rất sẵn sàng nếu bạn cần mình. Nếu bạn có nhã hứng, mình có thể gửi một số bài viết mẫu chuẩn SEO để bạn tham khảo.
Mình rất vui nếu nhận được lời phản hồi từ bạn.
Mỹ Hường
6. Đăng tải nội dung có giá trị
Trước khi bạn bắt đầu sa đà vào việc đăng tải bài viết trên LinkedIn, hãy nhớ rằng, mục đích mình có mặt ở đây là để thu hút và tìm kiếm khách hàng. Bình thường, những người viết thường mắc sai lầm (kể cả mình) đó là chia sẻ những nội dung về viết lách. Những bài viết này chỉ thu hút những người viết khác chứ không phải khách hàng.
Thay vào đó, bạn nên đăng những nội dung liên quan đến thị trường ngách của bạn. Ví dụ như các bài viết liên quan đến y học, chăm sóc sức khoẻ, ẩm thực. Và bạn cần cam kết với thị trường ngách đó để tạo nên dấu ấn cho khách hàng. Khi có những công việc liên quan đến những vấn đề trên, họ sẽ lập tức nghĩ đến bạn. Mình đã áp dụng cách này và chia sẻ những bài viết liên quan đến trà và cà phê, kết quả là sau vài tháng mình nhận được lời mời tham gia tiếp thị liên kết từ một công ty trà ở Anh.
7. Tận dụng LinkedIn Publisher
Hiện nay, LinkedIn có một tính năng mới giúp bạn đăng bài viết giống như blog, đó là dạng “write article”. Việc đăng nội dung có sử dụng tính năng này sẽ giúp bài viết được tìm thấy thông qua từ khoá. Bạn có thể tận dụng đăng những bài viết cũ ở blog cá nhân lên LinkedIn nếu chủ đề đó vẫn còn phù hợp với hiện tại.
Những bài đăng ở LinkedIn sẽ giúp bạn tăng thêm lượt tương tác với nhiều độc giả khác và có khả năng bài viết đó sẽ được “ưu ái” xuất hiện trên trang tìm kiếm Google.
Nếu bạn bè hoặc khách hàng thấy bài viết của bạn và họ nhấn thích, bình luận hoặc chia sẻ thì những người ngoài mạng lưới của bạn vẫn nhìn thấy nội dung này. Bạn sẽ nhận được thông báo khi có người nào đó nhấn “thích” bài viết. Nếu bạn và họ chưa kết nối với nhau, bạn có thể gửi lời mời vì biết đâu họ sẽ trở thành khách hàng tiềm năng sau này.
Bất kể người nào cũng có thể theo dõi bài viết của bạn. Họ không cần phải kết nối với bạn qua LinkedIn nhưng vẫn theo dõi những bài viết tiếp theo của bạn qua nút Follow.
Nếu bạn lo lắng số lượng kết nối quá ít, không đủ để tăng tương tác cho bài viết thì đừng lo. Vì LinkedIn luôn khuyến khích bạn chia sẻ bài viết như status hằng ngày và chèn thêm hashtag liên quan để người đọc biết bạn muốn nói về vấn đề gì. Những người khác có thể tìm kiếm bài viết của bạn thông qua hashtag; bất kỳ bài viết nào có hashtag đều xuất hiện và bao gồm bài viết của bạn.
Như vậy, nếu thường xuyên đăng tải những bài viết chất lượng, bạn sẽ thu hút được sự chú ý từ nhiều người khác, tăng sự hiện diện của khách hàng tiềm năng tìm đến với bạn.
8. Quảng bá bản thân đến khách hàng tiềm năng đã kết nối với mình
Sau khi đã kết nối được với khách hàng tiềm năng, đây là lúc bạn bắt đầu pitching những dịch vụ đang có để tìm kiếm việc làm. Hãy gửi đến họ một đoạn tin nhắn ngắn bao gồm: giới thiệu bản thân, những gì bạn có thể làm để giúp họ phát triển nội dung, quảng bá sản phẩm.
Bạn có thể tham khảo bài mẫu dưới đây để soạn cho mình một bài pitching hoàn hảo:
Hi (Prospects name),
Thanks a lot for connecting with me here on LinkedIn; I genuinely appreciate it. I see we are both in the content marketing niche, and I wondered if you outsource content writing to freelance writers. As a blogger and B2B freelance writer for (your blog name or client URL), I help B2B marketers generate targeted leads, drive organic traffic, and increase ROI with high-quality evergreen content. You can check my work on the following sites where it is featured:
- [Article link]
- [Article link]
- [Content link]
Hence, I can help you at (prospects company or website) with top-notch content that converts to enable you to increase leads and sales. If you would be available for a brief call to discuss how we can work together, I will appreciate it. Or, if you would prefer email correspondence, it’s all good and well recognized.
Please, let me know the time and day that works best for you for a brief call.
Thanks a lot for your time, as I look forward to hearing from you.
Sincerely,
(Your name)
Lưu ý: Trước khi gửi tin nhắn pitching 1-2 tuần, bạn nên tạo tương tác với họ bằng cách bình luận, thả like những bài viết của họ, gửi lời chúc mừng tới những thành tựu họ đạt được... Sau khi pitching, bạn vẫn tiếp tục thích, chia sẻ, bình luận bài viết của họ.
Bạn có thể không nhận được câu trả lời ngay, nhưng hãy kiên nhẫn đợi thêm vài ngày. Nếu họ vẫn không phản hồi, bạn gửi tin nhắn để nhắc nhở họ. Nếu họ vẫn không có liên lạc gì với bạn thì có thể họ không cảm thấy cần dịch vụ của bạn ở thời điểm hiện tại. Khi đó, hãy bỏ qua và tiếp tục gửi tin nhắn pitching với những khách hàng khác. Thực tế, pitching là một công việc dễ gây nản nhất đối với người viết nhưng chỉ cần bạn kiên trì, vào một ngày không xa, bạn sẽ nhận được lời hồi đáp tương xứng.
Biến LinkedIn trở thành công cụ “kiếm cơm” không khó, nhưng để thấy được thành quả, bạn phải kiên trì và thực sự đầu tư cho nó. Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn xây dựng hồ sơ “chất” và kiếm được khách hàng “xịn” từ LinkedIn. Nếu bạn có phương pháp nào để “bán thân” tốt hơn trên LinkedIn, đừng ngần ngại chia sẻ nhé.
* Nguồn: Vietlachkiemtien