Trận "Dunkerque" (*) giữa ngành F&B Việt Nam và biến thể Virus Delta
Sau 100 ngày giãn cách xã hội theo các biện pháp nghiêm ngặt nhất thì hôm qua ngày 09/09/2021 Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép người kinh doanh ẩm thực được phép kinh doanh bán mang về qua các ứng dụng giao hàng. Thế nhưng phản ứng các chủ kinh doanh và khách hàng khá dè dặt với thông tin này vì nhiều lý do không thuận tiện hoạt động sau thời gian giãn cách khá dài.
Và các chỉ số kinh tế theo thời gian cho thấy biến thể Delta đang làm chậm sự phục hồi ở nhiều lĩnh vực và F&B bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các khảo sát cho thấy 20 tháng sau khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam, Covid vẫn gọi các mũi tiêm phòng - vaccin ngừa cho người dân và vaccin "tiền" cho doanh nghiệp.
Giai đoạn tiếp theo của quá trình phục hồi đòi hỏi người dân cần phải rời khỏi nhà, đi du lịch, đến các cửa hàng, nhà hàng và trung tâm thương mại. Nhưng thực tế rất ít người sẵn sàng làm chuyện này khi bức tranh kinh tế nhận được nhiều chỉ báo tiêu cực.
Nhà hàng ẩm thực đã bị đại dịch đè bẹp. Theo ước tính tôi khoảng hơn 100 ngàn nhà hàng đã và sẽ đóng cửa vĩnh viễn hoặc lâu dài trong thời gian đại dịch.
Giờ đây, biến thể Delta đang tạo thêm thách thức cho những vấn đề đau đầu do thiếu nhân công và giá cả tăng cao trong tương lai.
Không Còn Đường Tiến, Chỉ Có Bước Lùi
Trong thời gian 100 ngày qua, chúng ta thấy một số ít doanh nghiệp đã tìm cách xoay sở khi phát triển những sản phẩm sơ chế gần như thành phẩm, khách hàng chỉ cần làm một ít công đoạn là có thể tự nấu một món ăn ngon như trong nhà hàng và các sản phẩm này được phân phối bán qua các kênh online. Mô hình này đã đạt được một ít thành công khi đơn đặt hàng giao hàng và mua mang về đều tăng nhưng tổng thể doanh thu và lợi nhuận vẫn không đủ trang trải cho các chi phí vận hành doanh nghiệp.
Khảo sát của cá nhân tôi với nhiều doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực thì sau khi được hỗ trợ tiền thuê trong tháng 06 và 07 với mức giảm từ 50 - 80% thì qua tháng 08/2021 số chủ kinh doanh được hỗ trợ chi phí thuê đã giảm dần khi một số chủ thuê cũng gặp khó khăn về kinh tế và khoảng 50% chủ nhà hàng cho biết họ không thể trang trải tiền thuê nhà trong tháng 09/2021 và phương án tài chính cho các tháng tiếp theo.
Gió Đổi Chiều Với Các Vị Trí Vàng Của Kinh Doanh Ẩm Thực
Các trung tâm thương mại vẫn đang quay cuồng với Covid, cũng đang bị bóp nghẹt bởi biến thể Delta. Không còn những dòng người ồ ạt tới các khu ẩm thực, cửa hàng thời trang, shop mỹ phẩm, khu vui chơi trẻ em...cuối tuần và các ngày trong tuần nữa. Tương lai đây vẫn sẽ là nơi cần có sự kiểm soát nghiêm ngặt và khách hàng sẽ rất cẩn trọng lựa chọn những địa điểm đông người thì các nhà hàng nằm các vị trí này sẽ cần rất nhiều giải pháp để trụ vững trong tương lai.
Một điểm rắc rối tiềm ẩn khác: Di chuyển bằng đường hàng không. Kể từ cuối tháng 08/2021 hàng không nội địa đã tạm ngưng cho các biện pháp chống dịch cho đến khi có thông báo mới. "Hộ chiếu vaccine" là một giải pháp được đề xuất cho hàng không quốc tế và đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam xúc tiến điều chỉnh các quy định về xuất nhập cảnh tạo thuận lợi hơn nữa cho các chuyên gia, lao động và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nghiên cứu, triển khai chương trình thí điểm du lịch khép kín (Phú Quốc đã được chọn làm thí điểm) đối với khách quốc tế đã được tiêm đủ vaccine để vào Việt Nam. Thị trường lớn nhất là du lịch vẫn chưa có cột mốc thời gian cụ thể khi triển khai "hộ chiếu vaccine" và điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh ẩm thực tại vị trí vàng ở các sân bay này khi chúng ta nhìn lại số liệu 18 triệu khách du lịch quốc tế tới Việt Nam năm 2019.
Đã Đến Chương Cuối Của Đại Dịch?
Chúng ta nhận thấy các hoạt động kinh tế chậm lại trong nửa cuối tháng 05/2021, từ bán lẻ, chi tiêu dịch vụ, đến các hoạt động công nghiệp, trùng với làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 tại Việt Nam. Tin tốt là sự chậm lại trong các hoạt động tiêu dùng ở các tỉnh thành rủi ro cao dường như không đe dọa đến sự phục hồi kinh tế nói chung. Các chuyên gia kinh tế đã nghiên cứu và không lo lắng về một cuộc suy thoái sắp xảy ra, đây là niềm an ủi nhỏ đối với các chủ nhà hàng, những người đang phải vật lộn để trả tiền thuê, chi phí vận hành khác và hy vọng về tương lai tốt đẹp.
Tuy nhiên, vào tuần trước một tổ chức Nikkei ở Nhật nhận định thẳng thắn về chỉ số phục hồi Covid-19 của các quốc gia Đông Nam Á trong bài viết “COVID Recovery Index: Delta strain and late jabs hold ASEAN back” - Căng thẳng do biến thể Delta và chậm tiêm chủng kìm hãm quá trình phục hồi của ASEAN. Nikkei nhấn mạnh rằng, các quốc gia có chỉ số (index) càng cao trong Bảng Chỉ số Phục hồi Covid-19 thì càng tiến gần đến trạng thái phục hồi hậu đại dịch với số ca nhiễm coronavirus mới thấp, tỷ lệ tiêm chủng (độ bao phủ) vaccine cao và/hoặc ít phải áp dụng loạt biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực thoát khỏi “vũng lầy COVID-19”. Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN đang phải vật lộn để vượt qua đợt bùng dịch nghiêm trọng do biến thể Delta lây lan nhanh chóng. Việt Nam, Philippines, Myanmar và Thái Lan lần lượt đứng ở bốn vị trí cuối cùng –cuối bảng - trong danh sách mới nhất của Nikkei về Chỉ số Phục hồi, trong đó Malaysia đứng thứ 7 từ cuối bảng trở lên. Việt Nam xếp cuối cùng - ở vị trí 121/121.
Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank -WB) tại Việt Nam Rahul Kitchlu đã từng nêu vấn đề, liệu nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi vào nửa sau 2021 hay không và tăng trưởng GDP đất nước sẽ ra sao. Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, tất cả còn phụ thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vaccine, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi hậu Covid-19.
Cá nhân tôi vẫn có những hy vọng rằng làn sóng Delta này sẽ nhanh chóng đạt đến đỉnh điểm, giống như ở các quốc gia khác, cho phép việc phục hồi nhà hàng trở lại đúng hướng nhưng đây là một trận chiến quan trọng, sự chắc chắn duy nhất chính là sự không chắc chắn. Bảo toàn lực lượng, rút lui, chờ đợi thời cơ để phản công trước kẻ thù quá nguy hiểm (biến thể Delta) là lời khuyên của tôi dành cho các bạn.
------------------------------------------------------
(*) Trận Dunkerque (hay Trận Dunkirk) là một trận đánh quan trọng nổi tiếng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, diễn ra tại xã Dunkerque, Pháp từ ngày 26 tháng 5 cho đến ngày 4 tháng 6 năm 1940 giữa quân đội Đồng Minh và Đức Quốc xã, một phần của Trận chiến nước Pháp thuộc Mặt trận phía Tây. Trước sức ép tấn công tới tấp của Đức, các lực lượng Đồng Minh đã phải vừa đánh đỡ vừa rút lui ra bãi biển và mở cuộc tháo chạy khổng lồ theo đường biển về Anh Quốc. Lực lượng tham chiến trong trận đánh bao gồm Cụm Tập đoàn quân Anh-Pháp do tướng Georges Maurice Jean Blanchard chỉ huy và các Cụm Tập đoàn quân A, B (Đức) lần lượt do 2 tướng Gerd von Rundstedt va Fedor von Bock chỉ huy.