Hướng dẫn chi tiết 16 kỹ thuật giúp bài viết hấp dẫn hơn và thu hút nhiều độc giả (P.1)
Đối với nhiều người, quá trình sáng tạo nội dung có thể là phần khó nhất trong bất kỳ hoạt động tiếp thị nội dung nào. Nó rất khó khăn và dễ gây nản chí bởi chúng ta phải tính toán từ thời gian cho đến nguồn lực cần thiết. Chúng ta cũng phải lo lắng xem liệu nội dung đó có đủ tốt và hiệu quả hay không.
Từ kinh nghiệm tư vấn chiến lược tiếp thị và sáng tạo nội dung cho các thương hiệu lớn trên thế giới, tôi sẽ hướng dẫn chi tiết 16 kỹ thuật đã áp dụng thử và thành công mà bạn có thể dùng để cải thiện chất lượng nội dung ngay lập tức, và thu hút được nhiều độc giả hơn.
1. Viết tiêu đề thu hút sự chú ý của độc giả
Khi nói đến tiêu đề, có một câu ngạn ngữ dù không mới nhưng luôn đúng: Bạn không bao giờ có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên. Theo Nielsen Norman Group, tiêu đề không chỉ là thứ đầu tiên mà có thể là thứ duy nhất mọi người nhìn thấy và đọc.
Đúng vậy, đôi khi chỉ vì một tiêu đề nhàm chán mà chúng ta có thể hủy hoại tất cả công sức bỏ ra để nghiên cứu, dành thời gian và cả tình yêu mà chúng ta đã dồn vào các bài báo, bài đăng trên blog, sách điện tử, podcast, hội thảo và hơn thế nữa.
Nhưng trước khi bắt đầu, bạn hãy cùng tôi tìm hiểu các loại tiêu đề thu hút sự chú ý của người đọc. Một bài viết của Melanie Duncan đã nhắc đến công thức “Easy4U” - cách để độc giả phải nhấp vào tiêu đề mọi lúc:
-
Tiêu đề hữu ích (Useful): Việc tìm kiếm thông tin hoặc câu trả lời trên mạng đã trở thành thói quen của chúng ta. Vì thế, nếu bạn tạo tiêu đề hữu ích sẽ giúp thu hút sự chú ý của độc giả ngay từ khâu tìm kiếm thông tin.
-
Tiêu đề khẩn cấp (Urgent): Nỗi sợ bỏ lỡ điều gì đó mà mình muốn hoặc cần là lý do rất thuyết phục để mọi người nhấp vào.
-
Tiêu đề độc đáo (Unique): Sally Hogshead đã nói, "sự khác biệt còn tốt hơn cả thứ tốt hơn." Bà là một tác giả được yêu thích nhất của Thời báo New York, diễn giả của Hiệp hội Diễn giả Quốc gia, giám đốc điều hành của How to Fascinate và là một cựu giám đốc công ty quảng cáo.
-
Dòng tiêu đề nên có con số cụ thể (Ultra-specific): Những dòng tiêu đề này cho bạn biết chính xác những gì mà mình mong đợi. Và một bí mật nhỏ là bạn nên chọn con số lẻ.
Cách tạo dòng tiêu đề phù hợp
Bạn chỉ thành công một nửa nếu biết được loại tiêu đề nào khiến mọi người nhấp vào. Nửa còn lại chính là bạn cần biết cách viết nên dòng tiêu đề thu hút:
-
Tiêu đề cần thể hiện nội dung chính.
-
Tiêu đề cần rõ ràng: Đừng đặt một tiêu đề độc nhất vô nhị và có vẻ thu hút sự chú ý nhưng thiếu rõ ràng. Mọi người vẫn muốn biết họ sẽ nhận được lợi ích gì từ nội dung của bạn trước khi quyết định đọc nó.
-
Tiêu đề phải ngắn gọn: Đi thẳng vào vấn đề và thực hiện nó một cách nhanh chóng.
-
Đảm bảo tiêu đề thân thiện với các công cụ tìm kiếm: Trên website, tiêu đề thường xuất hiện ở những nơi như kết quả tìm kiếm trên Google, luồng truyền thông xã hội, bài đăng trên blog và nguồn cung cấp tin tức...
Nếu bạn chưa chắc chắn, hãy thử dùng công cụ phân tích tiêu đề
Nếu bạn chưa chắc chắn về tính hiệu quả của tiêu đề hoặc bạn muốn có một vài gợi ý để cải thiện tiêu đề hiện tại cho tốt hơn, hãy sử dụng công cụ phân tích tiêu đề CoSchedule Headline Analyzer.
CoSchedule Headline Analyzer cung cấp các hướng dẫn hữu ích về cách điều chỉnh và cải thiện dòng tiêu đề để tối đa hóa hiệu quả của chúng, bao gồm:
-
Thêm các từ phổ biến, không phổ biến, diễn tả cảm xúc và chỉ sức mạnh: Kết hợp một cách hợp lý có thể cải thiện số lần nhấp vào.
-
Xem xét loại tiêu đề: Bạn có cảm thấy quá chung chung không? Hay bạn đang nhắm đến điều gì đó hữu ích hơn?
-
Kiểm tra tính cảm xúc: Bạn đang nhắm đến tiêu đề tích cực hay tiêu cực?
-
Tính toán số lượng ký tự: Dòng tiêu đề khoảng 55 ký tự thường có hiệu quả hơn.
-
“Đo” khả năng đọc lướt: Các từ đắt giá có ở đúng vị trí để thu hút sự chú ý của độc giả không?
Bí quyết: Phần tiêu đề được nhắc đến đầu tiên trong danh sách 16 kỹ thuật, nhưng khi viết, bạn nên đặt tiêu đề sau khi đã hoàn thành xong phần nội dung. Vì tiêu đề đóng vai trò như một bản tóm tắt toàn bộ nội dung nên sẽ tốt hơn nếu bạn dành phần này ở bước cuối cùng.
2. Tập trung vào chất lượng chứ không phải số lượng
Bạn có thể nghe nói rằng Google yêu thích nội dung mới mẻ và ưa chuộng dạng bài long-form. Thực tế thì Google (và cả các công cụ tìm kiếm khác) chú trọng nội dung chất lượng.
Như Neil Patel - tỷ phú người Anh, chuyên gia Marketing giải thích, các công cụ tìm kiếm thích những nội dung có ba đặc điểm chính sau đây và thường không ai để tâm đến việc bài viết có bao nhiêu từ:
-
Nội dung sâu sắc: Chiều sâu nội dung là rất quan trọng. Hãy đi sâu vào chủ đề bạn chọn và làm rõ các khía cạnh một cách kỹ lưỡng.
-
Nội dung bao quát: Nội dung cần tập trung vào một chủ đề cụ thể nào đó và có thể sẽ tương đối dài. Tuy vậy, điều quan trọng là bạn có thể làm rõ vấn đề đến mức độ nào.
-
Nội dung tập trung vào từ khóa: Tuy chúng ta không làm theo cách của 11 năm về trước (năm 2010) là nhồi nhét từ khóa, nhưng ít nhất bạn nên đảm bảo rằng nội dung chứa từ khóa bạn muốn nhấn mạnh và nó được lặp lại một cách tự nhiên trong toàn bài.
Điều này có thể trái với suy nghĩ và quan điểm của một số chuyên gia SEO, nhưng hiện nay các bản cập nhật của Google đã thay đổi theo hướng ưu tiên người dùng và các nội dung chất lượng. Vì thế trải nghiệm người dùng giờ đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng bài viết trên Google.
Bí quyết: Để tối ưu hóa nội dung và chi phí, bạn hãy áp dụng ngay quy tắc 1:8. Tức là với mỗi mảng nội dung lớn, hãy đặt mục tiêu tạo ra ít nhất 8 phần nội dung nhỏ hơn trong đó.
3. Viết theo hình tháp ngược để cung cấp thông tin
Có một thực tế là khá nhiều người đọc không thực sự đọc; họ chỉ lướt nhanh các trang để nắm thông tin chính. Mặc dù đây có thể là một đòn giáng mạnh vào tâm huyết của chúng ta khi sáng tạo nội dung, nhưng vẫn có cách “giữ chân” độc giả lâu hơn và giúp họ đọc lướt hiệu quả hơn với cách tiếp cận hình tháp ngược khi tạo nội dung.
Mô hình tháp ngược được sử dụng nhiều trong quan hệ công chúng (PR) và báo chí vì nó đảm bảo thông tin quan trọng nhất được truyền đạt trước tiên. Để áp dụng mô hình này cho bất kỳ phần nội dung nào, bạn chỉ cần làm theo cấu trúc tương tự như sơ đồ bên dưới:
Nguồn: Writing for Strategic Communication Industries
-
Đầu tiên là cung cấp những thông tin quan trọng (need-to-know). Nếu cần truyền đạt một ý tưởng lớn cho độc giả của mình, bạn hãy nhắc đến nó đầu tiên.
-
Thêm thông tin hỗ trợ vào giữa: Thử tưởng tượng độc giả của bạn đã có được thông tin quan trọng rồi. Vậy thì có điều gì khác họ muốn hoặc cần biết không? Chúng ta có thể cung cấp thêm thông tin nào để khiến họ tiếp tục đọc?
-
Kết thúc bằng thông tin hữu ích (nice-to-know). Tuy đây không phải là thông tin thừa, nhưng cũng cần hữu ích để độc giả không có cảm giác “cố đọc cho hết” nội dung của chúng ta.
Bí quyết: Đừng để các thông tin quan trọng ở sau cùng. Độc giả sẽ không muốn và không cố đọc đến cuối để có được nó. Hãy thu hút người đọc ngay từ câu đầu tiên bằng cách cung cấp thông tin hoặc hiểu biết có giá trị, khiến họ muốn đọc đến dòng cuối cùng.
4. Viết cho những độc giả hàng đầu của bạn
Bạn sẽ thất bại ngay lập tức nếu cố gắng thu hút tất cả mọi người bằng nội dung của mình, bởi nó sẽ không hấp dẫn được ai hết. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tạo nội dung cho những nhóm người cụ thể và là độc giả hàng đầu của bạn.
Bạn không biết mình đang hướng đến nhóm độc giả nào? 4 bước dưới đây sẽ giúp bạn.
Bước 1: Xem ai thực sự muốn đọc hoặc mua sản phẩm dịch vụ bằng nội dung của bạn.
Bạn có thể bắt đầu phát triển các nhóm độc giả của mình bằng cách xem xét các độc giả hiện tại. Bạn đang có những kiểu độc giả nào? Nếu bạn đang viết nội dung cho các doanh nghiệp, bạn hay tương tác với ai nhất tại doanh nghiệp đó?
Bước 2: Xem xét những độc giả tiềm năng mà bạn muốn hướng đến.
Sau khi xác định được mục tiêu của mình từ danh sách hiện tại, hãy xem xét các nhóm độc giả mà bạn muốn thu hút và thêm họ vào danh sách.
Bước 3: Chọn 5 nhóm độc giả mục tiêu hàng đầu của bạn.
Hãy bắt đầu chỉ với 5 nhóm trước. Sau đó bạn luôn có thể bổ sung thêm sau khi đã có một số nội dung thành công.
Bước 4: Khám phá sở thích của độc giả.
Bạn có thể có nhiều thông tin về độc giả của mình hơn những gì bạn nghĩ. Tuy vậy, bạn sẽ cần xem xét sự kết hợp giữa chất lượng các phản hồi và dữ liệu định lượng để có được thông tin tổng thể về độc giả:
-
Chất lượng các phản hồi: Tìm kiếm thông tin này từ các cuộc phỏng vấn khách hàng, khảo sát cơ sở dữ liệu, vẽ sơ đồ tư duy, tìm hiểu tính cách, các phản hồi trên mạng xã hội, bộ câu hỏi về dịch vụ khách hàng v.v.
-
Dữ liệu định lượng: Đi sâu vào các con số biết nói, như phân tích dữ liệu truy cập trang web, số lượng tương tác trên mạng xã hội, thông tin nhân khẩu học hoặc thậm chí thuê outsource bên ngoài để làm khảo sát.
Bạn càng biết nhiều về độc giả của mình, thì nội dung của bạn càng phù hợp với họ và giữ chân họ càng lâu.
Bí quyết: Bạn cần biết bạn đang viết cho khách hàng chứ không phải cho mình. Vì thế, hãy đánh giá nội dung thông qua các mục tiêu, mong muốn, nhu cầu và câu hỏi cụ thể đối với khách hàng.
5. Hãy viết tốt hơn những người khác
Theo Mark Twain, “Không có cái gọi là ý tưởng mới. Đó là điều không tưởng. Chúng ta chỉ đơn giản là lấy rất nhiều ý tưởng cũ và đưa chúng vào một lăng kính vạn hoa mà thôi.”
Nếu thử tìm kiếm một lệnh đơn giản trên google về bất cứ chủ đề nào, chắc chắn bạn sẽ thấy đã có ai đó viết trước đây rồi. Điều quan trọng là đừng tập trung vào niềm tin của Mark Twain rằng không có cái gọi là ý tưởng mới. Bạn hãy để ý đến khái niệm của ông về “sự kết hợp mới mẻ và gây tò mò”. Đây chính xác là những gì chúng ta có thể làm với nội dung của mình.
Bước 1: Tìm kiếm nhanh về chủ đề của bạn.
Đầu tiên, hãy thực hiện một tìm kiếm đơn giản trên Google về những gì bạn định viết. Tìm hiểu xem ai đang viết về nó, họ đang nói gì và quan điểm của họ về chủ đề này là gì? Nó như thế nào so với những gì bạn muốn viết? Quan điểm của bạn là gì? Nội dung của họ còn thiếu gì mà bạn có thể thêm vào cho hữu ích và hấp dẫn hơn? Làm thế nào bạn có thể thêm giọng nói chuyên gia của mình vào chủ đề này?
Thứ hai, bạn cũng có thể thực hiện cuộc tìm kiếm chuyên sâu với Buzzsumo và nhận các số liệu thực tế về những chủ đề bạn đang cân nhắc
Cuối cùng, bạn hãy xem ý tưởng chung về bối cảnh chủ đề bạn muốn viết sẽ như thế nào.
Bước 2: Tạo ra nội dung tốt hơn.
Khi bạn có ý tưởng về bối cảnh chủ đề sẽ trông như thế nào, hãy tạo ra nội dung tốt hơn bằng cách làm cho nó:
-
Phù hợp hơn với độc giả hàng đầu của bạn. Bạn hãy nhớ mình viết nội dung để giải quyết được mục tiêu, thắc mắc và nhu cầu của độc giả.
-
Chuyên sâu và chi tiết hơn. Bạn có thể làm rõ thêm các khía cạnh của chủ đề này không? Bạn có thể giải quyết vấn đề sâu hơn so với những người khác trong bài viết của mình không?
-
Giao diện thân thiện với người dùng hơn. Thông tin có được truyền tải tốt hơn bằng video hay hình ảnh chất lượng không? Hoặc bạn có thể viết dưới dạng ebook miễn phí có thể tải xuống?
-
Thông tin cập nhật hơn. Bạn có thể thêm thông tin hoặc số liệu chi tiết, hữu ích và mới nhất không?
Bí quyết: Việc tạo nội dung tốt hơn, chi tiết và rõ ràng hơn đôi khi là tất cả những gì bạn cần để vượt qua các đối thủ cạnh tranh.
Nguồn: 16 Techniques to Power Up Your Content Creation (convinceandconvert.com)
Đọc Phần 1 và Phần 2 đầy đủ tại https://www.vietlachkiemtien.com/