Startup cần làm gì để vươn ra thế giới? – 3 lời khuyên từ CEO AnyMind Group
Trong thời đại toàn cầu hoá, thành công của một công ty khởi nghiệp không chỉ nằm ở ý tưởng hay mô hình kinh doanh mà còn nằm ở tốc độ phát triển. Việc mở rộng ra thị trường quốc tế là một bước đi chiến lược mà các nhà khởi nghiệp cần lưu tâm nếu muốn phát triển doanh nghiệp của mình.
Các công ty khởi nghiệp thường nghĩ chỉ những doanh nghiệp với nguồn lực dồi dào mới đủ sức để vươn ra biển lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mở rộng ra thị trường quốc tế trở nên khả thi và nhanh chóng hơn với sự phát triển của công nghệ và toàn cầu hoá. So với các doanh nghiệp lớn, các công ty khởi nghiệp tuy có quy mô nhỏ hơn nhưng lại dễ thay đổi và thích nghi với thị trường hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa việc mở rộng thị trường là một nhiệm vụ dễ dàng với các công ty khởi nghiệp.
Vậy nhà khởi nghiệp cần lưu ý điều gì khi muốn mở rộng sang thị trường quốc tế? Dưới đây là 3 lời khuyên từ ông Kosuke Sogo, CEO và Đồng sáng lập của AnyMind Group.
Khi nào là thời điểm thích hợp để mở rộng ra thị trường quốc tế?
Các nhà sáng lập thường đặt ra câu hỏi liệu họ nên mở rộng ra thị trường quốc tế ngay từ giai đoạn đầu hay đợi sau khi doanh nghiệp đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước. Sẽ không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này, tất cả tuỳ thuộc vào tính chất của từng doanh nghiệp nhưng về cơ bản các nhà sáng lập nên xem xét các yếu tố về tài chính, nguồn lực nội tại của công ty, sản phẩm và tập khách hàng. Một sản phẩm thành công tại Singapore không có nghĩa cũng sẽ thành công tại Việt Nam, Indonesia hay Trung Quốc.
Để làm được điều này, các nhà sáng lập cần phải có tư tưởng và suy nghĩ về mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế ngay từ khi hình thành ý tưởng kinh doanh hay phát triển những sản phẩm đầu tiên. Điều này sẽ giúp các công ty khởi nghiệp tránh khỏi sai lầm tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của một thị trường mà khó có khả năng mở rộng sang những khu vực khác.
Với chúng tôi, việc mở rộng ra thị trường quốc tế được thực hiện ngay khi mới thành lập văn phòng ở Singapore. Thái Lan là thị trường đầu tiên chúng tôi hướng đến bởi tốc độ phát triển ấn tượng của quốc gia này. Chúng tôi thành lập công ty vào tháng 4/2016 nhưng chỉ đến cuối năm đã có mặt tại Singapore, TP.HCM, Đài Bắc và Jakarta. Tốc độ là yếu tố được ưu tiên hàng đầu bởi chúng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội giành lấy thị phần. Lợi thế của chúng tôi nằm ở việc sản phẩm dễ nhân rộng cũng như sở hữu đội ngũ nhân viên am hiểu thị trường và sẵn sàng cung cấp những giải pháp tốt nhất cho khách hàng.
Đâu là thị trường tiềm năng mà startup nên khai thác?
Vận hành startup tại thị trường nội địa khó một thì ở thị trường quốc tế khó mười bởi vốn am hiểu về ngôn ngữ, văn hoá kinh doanh, nhu cầu, hành vi người tiêu dùng còn hạn chế, chưa kể đến sự cạnh tranh từ các đối thủ bản địa. Do đó điều quan trọng nhất của startup là phải quyết định thị trường nào sẽ khai thác đầu tiên và thị trường nào tiếp theo.
Việc lựa chọn thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm năng phát triển, nhu cầu thị trường, hay hiểu biết của nhà sáng lập về thị trường đó. Vào năm 25 tuổi, trong một lần thực hiện nhiệm vụ giúp công ty mở rộng thị trường ra Đông Nam Á, tôi đã nhận thấy tiềm năng của khu vực này. Đây là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh và có nhiều cơ hội cho các công ty khởi nghiệp. Những lí do kể trên cộng thêm kinh nghiệm và am hiểu của bản thân về thị trường này đã khiến tôi quyết định thành lập AnyMind Group tại Singapore và mở rộng ra nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Việc lựa chọn thị trường cần được thực hiện kỹ lưỡng bởi mỗi thị trường sẽ có những điểm riêng biệt và khách hàng ở mỗi thị trường cũng khác nhau, đặc biệt là với thị trường Châu Á. Có một điểm mà các nhà khởi nghiệp cần lưu ý là hãy vứt hết những giả định của bản thân đi, và thay vào đó là tập trung nghiên cứu và khảo sát thị trường. Không thể áp đặt bài học từ thị trường này sang thị trường khác mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ những điểm nhỏ nhất và xây dựng điểm tiếp xúc khách hàng phù hợp. Các sản phẩm và dịch vụ, theo đó, cũng cần phải thay đổi khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nên đầu tư hạ tầng công nghệ hay khai thác nguồn tài nguyên sẵn có?
So với các doanh nghiệp lớn, các công ty startup không có nguồn lực dồi dào để mở rộng ra nước ngoài. Cái khó nhất với các công ty khởi nghiệp là không có hệ thống cơ sở hạ tầng dữ liệu hay nguồn lực để tiếp cận thị trường mới một cách nhanh chóng, dẫn đến mất ưu thế so với đối thủ. Các công ty khởi nghiệp thường gặp khó khăn trong việc quản lý con người, dữ liệu kho vận, hậu cần, hàng hoá hay thậm chí tìm điểm tiếp xúc với khách hàng mục tiêu.
Trừ khi bạn là một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ còn không việc phải đầu tư xây dựng hạ tầng từ đầu nhiều khi sẽ trở thành rào cản lớn với các công ty khởi nghiệp. Các công ty thay vào đó nên khai thác cơ sở hạ tầng từ các nền tảng đám mây và phần mềm trực tuyến để điều hành kinh doanh; từ đó xoá bỏ những lo lắng về những rào cản giữa các thị trường hay phòng ban, hay thậm chí giữa các phân khúc khách hàng.
Mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số sẽ dễ dàng được nhân rộng mà không tốn quá nhiều nguồn lực để vận hành.
Ví dụ, nền tảng quản lý hậu cần giúp đơn giản hoá quy trình cũng như giúp doanh nghiệp xây dựng, vận hành, giám sát chất lượng sản phẩm và quản lý toàn bộ quy trình hậu cần từ xa. Một doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất hàng tại Indonesia và muốn chuyển hàng sang Thái Lan. Thông thường hàng hoá sẽ chuyển từ Indonesia sang Việt Nam để kiểm duyệt và sau đó mới sang Thái Lan. Tuy nhiên, với nền tảng quản lý hậu cần, hàng hoá có thể được chuyển thẳng từ Indonesia sang Thái Lan, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực. Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp cũng có thể tận dụng các nền tảng hỗ trợ thương mại điện tử để tạo gian hàng trực tuyến và tăng độ nhận diện với khách hàng.
Mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số sẽ dễ dàng được nhân rộng mà không tốn quá nhiều nguồn lực để vận hành. So với việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng của riêng mình, việc khai thác các nền tảng sẵn có đem đến nhiều lợi ích về chi phí, thời gian, tính hiệu quả hơn cho các công ty khởi nghiệp.
Cuối cùng, mở rộng sang thị trường nước ngoài là một bài toán khó nhưng không có nghĩa là không có lời giải. Hãy lên kế hoạch chi tiết ngay từ những ngày đầu tiên và đối mặt với thử thách. Thành quả sẽ đến chuẩn bị bạn chuẩn bị kỹ lưỡng và không bỏ cuộc.