Dự đoán xu hướng truyền thông Bất động sản 2021: Bán nhà qua Livestream, TMĐT, Ứng dụng và cả... TikTok
Trong khi cách thức bán và tiếp thị bất động sản truyền thống đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thì các giải pháp marketing bất động sản “số hoá” đang cho thấy khả năng hoá giải “điểm nghẽn” tiếp cận khách hàng, đồng thời tối ưu về thời gian và chi phí cho cả khách hàng, chủ đầu tư và nhà môi giới. Dưới đây là các xu hướng tiếp thị bất động sản sẽ giúp nhà đầu tư “đi tắt đón đầu” trong năm 2021.
1. Livestream bán hàng bất động sản
Trong những năm gần đây, người dân Việt Nam đã quen thuộc với hình thức livestream bán hàng nhiều loại sản phẩm khác nhau. Và trong năm 2020, livestream để bán dự án bất động sản đã trở thành một trong những phương thức tiếp thị được nhiều chủ đầu tư và các đơn vị môi giới sử dụng.
Một ví dụ không thể không kể đến đó là kỷ lục “chốt đơn” của Vinhomes khi ra mắt và mở bán dự án Vinhomes Ocean Park. Vào tháng 5/2020, Vinhomes đã tổ chức mở bán dự án theo hình thức livestream và đặt hàng trực tiếp trên website online.vinhomes.vn. Sự kiện đã xác lập kỷ lục giao dịch tại công ty khi hai toà căn hộ S1.08 và S1.07 tại Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội) lần lượt bán hết 50% và hơn 60% số lượng căn mỗi toà trong 60 phút mở bán. Tỷ lệ tương tác trực tuyến đạt tới 500.000 lượt trên các nền tảng.
Khác với đối thủ Vinhomes, hoạt động livestream của Cenhomes không mang mục đích bán trực tiếp dự án, mà tập trung vào hoạt động cung cấp thông tin cho khách hàng quan tâm đến dự án và thị trường bất động sản. Theo đó, Cenhomes đã thực hiện 1-2 video livestream mỗi tuần dưới hình thức toạ đàm với sự tham gia của các giám đốc dự án và các cán bộ tại Cenhomes. Những video livestream này đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo các nhà đầu tư bất động sản, với lượng tương tác đều đặn, trung bình từ 7.000-8.000 lượt tương tác.
Ngoài hai ông lớn Vinhomes và Cenhomes, các sàn giao dịch bất động sản lớn cũng nhanh nhạy chuyển sang phương thức bán hàng online thông qua: Mở các buổi livestream, hội thảo giới thiệu dự án, cơ hội đầu tư trực tuyến trên website để tìm kiếm khách hàng, giúp gia tăng trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu chủ đầu tư.
2. Sàn thương mại điện tử bất động sản qua website
Vinhomes đã ra mắt sàn thương mại điện tử bất động sản Vinhomes Online với phương châm “Stay home – Buy home”, kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng thông qua máy tính hoặc điện thoại. Trên nền tảng tích hợp đa phương tiện, khách hàng có thể thực hiện toàn bộ quá trình mua nhà từ xa, từ việc tìm thông tin dự án, vị trí, quy hoạch, tiếp cận tài liệu bán hàng đến tư vấn, hỗ trợ, thậm chí là đặt mua, thanh toán hoàn tất giao dịch.
Nền tảng Cenhomes.vn cũng có xu hướng tiến tới hình thức giao dịch online bất động sản giống Vinhomes Online. Ra mắt từ năm 2019, website Cenhomes Online đã ghi nhận 250.000 lượt truy cập/tháng từ cách khách mua bán, thuê và cho thuê bất động sản, với tổng lượng giao dịch online năm 2020 là 2.094 giao dịch.
Ngoài các sàn thương mại điện tử bất động sản từ các chủ đầu tư, các công ty proptech cũng vào cuộc. Điển hình trong đó là RETI, website được giới thiệu về tính năng đột phá, đó là khả năng “Check căn trực tuyến theo thời gian thực” và “Giữ chỗ – đặt mua ngay tức thì”. Theo lãnh đạo của RETI, đây là hai tính năng sẽ đảm bảo cho toàn bộ quá trình giao dịch luôn tuyệt đối minh bạch. Người dùng có thể tự mình kiểm tra xem ở ngay thời điểm hiện tại, căn nhà mình muốn mua còn hay hết, đã có người đặt chỗ chưa, còn bao nhiêu căn có thể mua... từ đó có thể trực tiếp tiến hành giữ chỗ ngay trên trang web.
Việc mua nhà online đem lại những hiệu quả kinh tế đáng kể, giúp cho các bên tham gia vào thương vụ tiết kiệm được thời gian cũng như tối ưu chi phí. Đây là một hình thức đã diễn ra từ lâu tại Mỹ, cũng như các nước phát triển trên thế giới, và dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai để đáp ứng nhu cầu giao dịch online của người Việt Nam.
3. Ứng dụng bất động sản
Khi đại dịch bùng phát, các ứng dụng kinh doanh bất động sản đang trở thành phương thức kinh doanh chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản, thay thế cho cách mở bán, gặp gỡ khách hàng thông thường.
Đầu tiên phải kể đến là CenGroup, doanh nghiệp dường như đang thắng đậm khi ứng dụng bán hàng trực tuyến trên nền tảng Cenhomes đã đưa vào hoạt động từ 2 năm nay đang cho thấy hiệu quả rõ rệt trong mùa dịch. Hiện có đến 90% các giao dịch thành công của CenGroup được thực hiện qua kênh bán hàng này.
Tiếp bước Cenhomes, Sunshine Group cũng đang đẩy mạnh hoạt động bán hàng, đầu tư bất động sản thông qua ứng dụng bán hàng trực tuyến Sunshine App – một ứng dụng Fintech tích hợp đồng bộ nhiều tính năng trên nền tảng công nghệ.
Vinhomes cũng đã ra mắt ứng dụng Vinhomes Ocean Park dành riêng cho khách hàng quan tâm đến dự án này, tạo cơ hội cho khách hàng tương tác trực tiếp với dự án thông qua hệ thống tour VR chân thực.
Nhiều ông lớn bất động sản như Hưng Thịnh, Novaland, DKRA, Phú Đông Group đã bắt đầu triển khai công nghệ bán hàng online cho nhân viên và xem đó là kim chỉ nam trong mùa dịch.
4. TikTok
Tại Việt Nam, TikTok vốn được biết đến như một mạng xã hội phổ biến dành cho độ tuổi từ 13-27. Tuy nhiên, trên thế giới, nhiều môi giới bất động sản đã tận dụng thời cơ từ mạng xã hội nổi tiếng này. Đối với một số người, những video 60 giây của TikTok đã thay đổi hoàn toàn công việc của họ.
Madison Sutton, một đại lý cho thuê bất động sản tại thành phố New York, Mỹ, chỉ có 5.000 người theo dõi TikTok vào tháng 10/2020, khi cô quyết định bắt đầu sử dụng ứng dụng này một cách nghiêm túc hơn. Hiện nay, nhà môi giới này có hơn 90.000 người theo dõi và các giao dịch có nguồn gốc từ tài khoản TikTok chiếm toàn bộ công việc kinh doanh của cô.
Cô Sutton chỉ là một trong nhiều ví dụ của nhà môi giới bất động sản thành công trên TikTok, chính nhờ tính cá nhân hoá của nền tảng TikTok. Về nội dung, các nhà môi giới không chỉ đăng tải thông tin về sản phẩm bất động sản, mà còn cả những nội dung về khu dân cư, về thành phố, thời trang và cả bí quyết tìm nhà. Những video của họ vừa là những tour giới thiệu nhà, vừa là những cuộc trò chuyện với khán giả. Tất cả đều có chủ ý: nhà môi giới muốn tạo sự kết nối với người xem, còn người mua cảm thấy họ thực sự biết nhà môi giới của mình là người thế nào, khiến cho quá trình giao dịch thoải mái, dễ chịu hơn.
Về thuật toán, cách vận hành của TikTok là điểm mạnh để các nhà đầu tư và đại lý tiếp cận chính xác tập khách hàng quan tâm đến bất động sản. TikTok cho phép các video tự động hiển thị theo sở thích của người dùng. Do vậy, một khi khách hàng đã quan tâm đến những video về bất động sản, TikTok sẽ tự hiện ra những video về chủ đề này trong những lần tới. Điều này cho phép các đại lý bất động sản tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, những người có thể sẽ không nhìn thấy thông tin về dự án bất động sản của đại lý trên các nền tảng khác.
Tại Việt Nam, các môi giới bất động sản cũng như các chủ đầu tư chưa đẩy mạnh việc truyền thông về dự án thông qua kênh TikTok. Nhiều nhà môi giới đã có những kênh TikTok về chủ đề bất động sản nổi bật như “Trần Minh BĐS”, “Thông Tin Bất Động Sản”, hay “Amy.LuxLiving”, hiện đều có trên 50.000 lượt theo dõi. Những kênh TikTok này phần lớn tập trung trao đổi kiến thức thị trường, kiến thức nghề môi giới bất động sản, chưa triển khai nhiều nội dung tương tác dành cho khán giả, do đó lượng tương tác chưa đều đặn.
Với tiềm năng của nền tảng TikTok trong tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều tài khoản tiếp thị bất động sản đa dạng tuyến nội dung hơn, là cơ hội để các chủ đầu tư tiếp cận với khách hàng tiềm năng trên một nền tảng mới.
5. Kết luận
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chịu những tác động không hề nhỏ của dịch bệnh COVID-19, các hình thức bán online là giải pháp tối ưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, đồng thời tối ưu về thời gian và chi phí cho cả khách hàng, chủ đầu tư và nhà môi giới.
* Nguồn: Marcom Mate.,JSC