Ứng dụng công nghệ GIS trong khát vọng phát triển xuất khẩu nông sản tại Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong ngành nông nghiệp. Những khó khăn này được biết đến là những vấn đề như sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; nguy cơ từ tác động biến đổi khí hậu; môi trường và dịch bệnh; đầu ra cho nông sản gặp khó khăn; sự hợp tác Quốc tế chưa có sự đột phá để tạo ra sản lượng xuất khẩu nông sản cạnh tranh trên thế giới.

Nhằm dần tháo gỡ những khó khăn này, nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi mở ra nhiều cơ hội đối nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu nông sản.

Bằng nên công nghệ kỹ thuật số phát triển nhanh nhất hiện nay là GIS (hệ thống thông tin địa lý) cho phép các nhà nông nghiệp phân tích các dữ liệu về môi trường, theo dõi sự phát triển của cỏ dại, cung cấp dữ liệu về loại đất, hạn hán, lũ lụt cùng nhiều yếu tố khác giúp quá trình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm và dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Vai trò của công nghệ GIS khi ứng dụng vào nông nghiệp và xuất khẩu nông sản

Hàng chục năm nay, tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển và các tổ chức quốc tế đã ứng dụng công nghệ GIS trong những hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường. Tại một Hội nghị về công nghệ GIS, các nhà khoa học đã nhất trí rằng cần phải ưu tiên đưa GIS vào ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu và quy hoạch sản xuất nông nghiệp và trồng trọt cũng như hoạt động bảo vệ môi trường một cách bền vững và hạn chế những suy thoái đang diễn ra.

GIS giúp chúng ta xác định được những đòi hỏi về lương thực và đất nông nghiệp phục vụ xuất khẩu nông sản để đáp ứng một cách tối ưu trên từng vùng, từng khu vực và quốc gia cũng như trên toàn thế giới. Để từ đó, các biện pháp và chỉ dẫn để bảo vệ môi trường sẽ được vạch ra song song cùng với nhu cầu về trồng trọt và sản xuất nông sản. 

Từ những điều này, chúng ta có thể thấy tiềm năng ứng dụng GIS trong định hướng sản xuất nông nghiệp được ngày càng mở rộng và chứng minh tính hiệu quả, dần trở thành một công cụ hỗ trợ ra quyết định đối với các chuyên gia quy hoạch cũng như các nhà nông nghiệp. 

Ứng dụng công nghệ GIS trong khát vọng phát triển xuất khẩu nông sản tại Việt Nam

So với bản đồ thông thường, GIS đưa đến nhà nghiên cứu nông nghiệp các dữ liệu thể hiện từng lớp bản đồ tại vùng nghiên cứu. Các dữ liệu thể hiện không chỉ ở bề mặt, mà còn cho thấy các tầng đá gốc, loại đất, thảm thực vật và các yếu tố khác. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số này rất hữu ích khi nghiên cứu vùng đất mới để sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm khoản lớn chi phí nghiên cứu bởi các số liệu về cấu trúc đất đã được lưu trữ trên hệ thống thông tin địa lý GIS. 

Từ nhiều năm nay, Viện phát triển tài nguyên đất đai tại Bangladesh đã ứng dụng thành công GIS trong hoạt động quản lý và phân tích thông tin tài nguyên đất đai, tổ chức khảo sát thông tin về tài nguyên đất, cấu trúc đất, loại đất, khả năng phát triển, quản lý đất và phân bón cho đất, khuyến nghị về sử dụng phân bón, cây trồng thích hợp, nâng cao tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, Viện phát triển tài nguyên đã ứng dụng công nghệ GIS cho ra đời 44 loại bản đồ khác nhau liên quan đến tình trạng dinh dưỡng đất, tình trạng sử dụng đất, sử dụng phân bón, tỷ lệ đất nhiễm mặn,…

Sự chuyển mình của nông nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu nông sản

Hiện nay tại thị trường Châu Âu thực hiện nghiêm ngặt chế độ EUROGAP  (Euro Good Agriculture Practice) được tiêu chuẩn hóa từ khu vực sản xuất như canh tác, bảo quản, vận chuyển, xử lý tiêu độc cho đến khâu nhập và xuất khẩu nông sản. Theo đó, nếu sản phẩm nông nghiệp không chứng minh là đã tuân thủ các khâu tiêu chuẩn đó sẽ không được phép nhập khẩu. 

Cũng tương tự tại Nhật Bản, thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam cũng có chế độ JGAP nghiêm ngặt, trong đó những sản phẩm nông nghiệp không đáp ứng được JGAP sẽ không được nhập khẩu. 

Trong bối cảnh kiểm định gắt gao như vậy, nhu cầu về quản lý dữ liệu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên cấp bách. Để có thể phát triển xuất khẩu nông sản Việt Nam, sản phẩm cần có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bởi vậy, trong tương lai gần, các cấp lãnh đạo đơn vị xuất nhập khẩu nông sản cần xây dựng hệ thống quản lý có thể đối ứng với EUROGAP hay JGAP. 

Ứng dụng công nghệ GIS trong khát vọng phát triển xuất khẩu nông sản tại Việt Nam

Với nhu cầu đó, mục tiêu đối với sản xuất và xuất khẩu nông sản đó là xây dựng một CSDL (cơ sở dữ liệu) nông nghiệp và nông thôn thống nhất tập trung trên nền tảng công nghệ GIS (sự thống nhất về khuôn dạng, hệ tọa độ và cấu trúc dữ liệu gồm các dữ liệu địa lý và phi địa lý). Việc dữ liệu được gắn với các mô hình phân tích thông tin nhằm hỗ trợ quá trình lập kế hoạch và quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phát triển bền vững. 

GIS cung cấp các loại dữ liệu phi không gian bao gồm: tài nguyên đất, khí hậu nông nghiệp, hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế sử dụng, tình hình sản xuất nông nghiệp, số liệu thống kê,… Đặc biệt là các số liệu về dân số, kinh tế và lượng lao động nông thôn. 

Bên cạnh đó, trong hoạt động quy hoạch phân loại và đánh giá đất, GIS là công cụ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu chuyên đề, xử lý dữ liệu địa lý, tích hợp dữ liệu xây dựng bản đồ đơn vị đất,… Trong đó, các chuyên gia phải tuân thủ quy trình phân tích gồm các chỉ tiêu: xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá, lựa chọn lớp bản đồ. Từ đó đánh giá và phân loại mức độ thích hợp theo tiêu chuẩn và đưa ra các bản đồ chuyên đề thích hợp, đây chính là yếu tố quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và lập kế hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu đề ra.

Tạm kết

Hệ thống thông tin địa lý GIS mang đến một công cụ hỗ trợ người dùng tuyệt vời để xác định hướng thay đổi của dữ liệu tại một vùng nhất định theo thời gian, đồng thời dự đoán những vấn đề xảy ra khi có sự thay đổi. Dữ liệu GIS cung cấp có mối liên quan chặt chẽ với thế giới thực và luôn được cập nhật một cách chính xác. Do đó, CSDL trên hệ thống GIS được cung cấp trực quan, thông tin được tổng hợp một cách tổng quan phù hợp với từng mục đích sử dụng. 

Sản xuất và xuất khẩu nông sản sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng với việc ứng dụng công nghệ GIS khi toàn bộ thông tin dữ liệu nông nghiệp được thể hiện trực quan trên bản đồ, giúp các nhà đầu tư có những quyết định phù hợp và chính xác. 

Nguồn Kiến thức GIS: ekgis.com.vn