Marketer Tất Bằng Tường
Tất Bằng Tường

Digital Marketing Manager @ GIGAN JSC

Tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi giúp tăng trưởng doanh số

Tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi giúp tăng trưởng doanh số

Marketer cần lưu ý rằng, suy cho cùng nhiệm vụ quan trọng nhất của marketing vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp bán được hàng, ra được doanh số. Không ít marketer cứ loay hoay với những kế hoạch hoành tráng, những ý tưởng “trendy” mà quên mất phần cốt lõi của marketing vẫn phải là tối ưu được ROI. 

Ngày nay, quảng cáo và marketing online không chỉ nhằm tăng nhận biết thương hiệu và tăng lượt truy cập website, mà còn phải hướng đến những mục tiêu thiết thực như danh sách khách hàng tiềm năng, doanh số bán hàng... Hơn nữa, việc gia tăng lượt truy cập luôn tốn kém và gặp nhiều cạnh tranh hơn so với việc tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate Optimization – CRO) để biến khách hàng đã và đang truy cập website thành khách hàng thực sự.

Conversion Rate (CR) là gì?

Conversion Rate (CR) có thể hiểu đơn giản là tỷ lệ chuyển đổi của website với mục tiêu mà bạn mong muốn. Ví dụ, nếu là website bán hàng thì đó là tỷ lệ lượt người truy cập chuyển đổi thành đơn hàng. Nếu là landing page của sự kiện thì là tỷ lệ khách đăng ký tham gia, nếu là tài liệu thì là tỷ lệ người tải tài liệu so với lượt người truy cập…

Các nền tảng quảng cáo hiện tại đều cung cấp các đề xuất tối ưu hoá chuyển đổi. Chẳng hạn như:

  • Facebook thường sử dụng phổ biến mục tiêu chiến dịch Chuyển đổi (Web Conversion), Doanh số theo danh mục (Catalogue Sale) để tối ưu mục tiêu chuyển đổi. 
  • Google thường sử dụng phổ biến là mục tiêu tối ưu doanh số và khách hàng tiềm năng để tối ưu mục tiêu chuyển đổi.

Tỷ lệ chuyển đổi này cho bạn biết được mức độ hiệu quả của chiến dịch quảng cáo. Đối với các doanh nghiệp, tăng tỷ lệ chuyển đổi đồng nghĩa với việc tăng thêm lợi nhuận và mức độ quan tâm của khách hàng truy cập website.

Nguồn: business2community

Trong SEO, ngoài mục tiêu quan trọng nhất là đưa từ khoá lên top trên công cụ tìm kiếm, các SEOer cũng cần tăng cường tỷ lệ chuyển đổi của website để gia tăng khách hàng, gia tăng độ phủ của thương hiệu, tăng like, tăng tương tác, tăng truy cập… trên website. Conversion Rate không chỉ gói gọn trong hành vi mua hàng hay sử dụng dịch vụ. Đó có thể là bất cứ hành động nào của khách hàng trên website. Conversion khác nhau tuỳ thuộc vào mục tiêu của từng chiến dịch quảng cáo khác nhau.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, rõ ràng cuộc chiến cạnh tranh trên mặt trận quảng cáo không dành cho họ, nhưng trên “sân nhà” (là website của mình), họ hoàn toàn có thể giành lợi thế giữ chân khách hàng tiềm năng và biến họ thành khách hàng thực sự.

Kinh nghiệm trong việc tối ưu tỷ lệ chuyển đổi

Trong quá trình triển khai một vài chiến dịch, mình cũng đúc kết được một số kinh nghiệm trong việc tối ưu tỷ lệ chuyển đổi (CRO).

Đầu tiên các bạn hãy tự trả lời các câu hỏi sau:

  1. Trang web của bạn có thân thiện với người dùng không? Nội dung có được sắp xếp gọn gàng không? Hình ảnh có đủ bắt mắt để giữ chân khách hàng trên website hay không? Giao diện có được thiết kế chuẩn chỉnh bất chấp các loại thiết bị (mobile, tablet, desktop...) để xem trang web của bạn không?
  2. Trang web của bạn có thanh tìm kiếm để người dùng có thể tìm thấy những gì họ đang cần mà không phải lướt toàn bộ trang web không? Nếu bạn đang bán thứ gì đó, quy trình thanh toán có dễ dàng và đơn giản cho trải nghiệm người dùng không?
  3. Trang web của bạn có được bảo mật không? Khách hàng có thể tin tưởng rằng thông tin của họ sẽ không bị lạm dụng hoặc tiết lộ dưới bất kỳ hình thức nào không?

Nguồn: toponseek

Sau khi đã trả lời xong các câu hỏi trên. Các bạn có thể tham khảo qua một số cách tối ưu tỷ lệ chuyển đổi dưới đây:

  1. Giao diện website vừa cần phải theo kịp các xu hướng thiết kế thời thượng, vừa phải đảm bảo được tính rõ ràng, dễ truy cập của thông tin trên mọi trình duyệt, thiết bị. Làm sao để trên giao diện website, các yếu tố Kêu gọi hành động (Call To Action – CTA) phải dễ tìm thấy và kích thích người dùng tương tác nhất, vì đó chính là cách nhanh nhất để gia tăng CR. 
  2. Trang web phải thân thiện với thiết bị, thân thiện với trình duyệt, với bảo mật, ngôn ngữ, video, nhấp... Ngoài ra, thời gian tải phải nhanh, giao diện website phải đơn giản, dễ thao tác vì nếu người dùng cảm thấy trang web quá phức tạp, như tốc độ load chậm, nội dung nghèo nàn... họ sẽ có xu hướng rời đi nhanh chóng.
  3. Đầu tư và tối ưu hoá nội dung cho website. Nội dung tốt vừa giúp tối ưu website với các công cụ tìm kiếm (SEO), tức là vừa tăng traffic, vừa giúp giữ chân khách hàng. Rõ ràng, khi khách hàng nhìn thấy một website được đầu tư nội dung cẩn thận, chỉn chu thì sự tin tưởng và lựa chọn doanh nghiệp làm đối tác hay quyết định mua sản phẩm/ dịch vụ của bạn sẽ gia tăng lên rất nhiều.
  4. Tối ưu hoá trang sản phẩm và cách thức mua hàng. Việc phải thực hiện quá nhiều thao tác để mua hàng có thể khiến bạn mất đi một lượng khách hàng tiềm năng khi họ phải thực hiện quá nhiều thứ mới có được sản phẩm. Việc tối ưu nút mua hàng và quy trình thanh toán sẽ giúp tăng cường được tỷ lệ chuyển đổi lên đáng kể.
  5. Thêm một pop-up vào website mỗi khi khách truy cập. Pop-up là một trong những công cụ quan trọng giúp thương hiệu tăng lượng khách hàng tiềm năng điền form. Nghiên cứu đã cho thấy pop-up trong email có tỷ lệ chuyển đổi tới hơn 2% và khi chuyển từ hình thức form đăng ký tĩnh sang pop-up, mức tăng lượng đăng ký trung bình có thể lên tới gần 100%.
  6. Tạo thêm phần review, đánh giá trên website vì với tính cách của đa số người dùng thì đánh giá từ những người đã mua hàng trở thành công cụ thúc đẩy bán hàng mạnh mẽ hơn bất kỳ công cụ nào khác. Bởi một khi đã đọc đến review trên trang của bạn, khách hàng đã thể hiện sự quan tâm và khả năng mua hàng sẽ rất cao nếu như đọc được các đánh giá tích cực, góp phần tăng CR.
  7. Thêm livechat vào website cũng là một cách làm phổ biến để cải thiện tỷ lệ chuyển đổi. Khi một khách hàng tiềm năng lần đầu tiên truy cập vào website sẽ có rất nhiều thông tin muốn biết. Các trang web đa số đều hiển thị tương đối nhiều thông tin nhưng mỗi khách hàng sẽ có một nhu cầu tìm kiếm thông tin khác nhau. Livechat sẽ là công cụ giúp giải quyết vấn đề của khách hàng một cách nhanh nhất ngay khi vừa phát sinh nhu cầu và cần giải đáp những mối quan tâm để tiến hành chuyển đổi.

Xem thêm các bài viết liên quan: