Marketer Dentsu Redder
Dentsu Redder

Công ty Cổ phần Quảng cáo Redder Asia

Dentsu Redder Impact Academy: Mindfull or Mindful – Nhận thức sống còn

Dentsu Redder Impact Academy: Mindfull or Mindful – Nhận thức sống còn

Một người thực sự khoẻ chỉ khi cả sức khoẻ thể chất, tinh thần và trí tuệ cùng khoẻ. Nếu một trong ba khía cạnh này bị bệnh yếu đi thì chắc chắn chúng ta đang gặp vấn đề. Điều quan trọng nhất ngay lúc ấy đó là nhận biết, quan sát, lắng nghe bản thân để tìm ra cách chăm sóc “sức khỏe” tốt nhất. 

Bài viết là nội dung chia sẻ của chị Lương Ngọc Tiên tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy nhằm đi tìm lời giải cho sức khoẻ tinh thần của con người trong thời đại “bình thường mới”. 

Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống. Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây.

* Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple PodcastVoizFM

 

Ba sự đứt gãy, nhận thức sống còn – Vấn đề hiện tại của con người trong COVID-19

Mở đầu buổi chia sẻ, người tham dự dành vài phút quay về bên trong, nhận diện tình trạng hiện tại và điều gì quan trọng nhất với chính mình vào thời điểm đó. Dưới sự hướng dẫn của Coach Lương Ngọc Tiên, người tham dự từng bước cảm nhận trạng thái quân bình, tĩnh lặng và sáng tỏ hơn, quan sát được dòng suy nghĩ, cảm xúc đang chiếm hữu không gian tâm trí. Đây là bước đầu của sự nhận diện và nhìn rõ nội tâm. Đây là bước đầu của thực hành chánh niệm. 

Chánh niệm hiểu đơn giản là “tỉnh thức và nhận biết chúng ta đang sống trong giây phút hiện tại”. Hay theo ngôn ngữ thực hành là “chú tâm vào những gì mình đang làm, khi nào nhận ra mình bị sao nhãng thì đưa tâm ý quay về với việc đang làm”. Rất hiếm khi chúng ta sống và tận hưởng giây phút hiện tại, hay nhận thức rõ ràng về thực tại và tình trạng của bản thân. Thay vì vậy, chúng ta vô thức đuổi theo những sự thu hút ở bên ngoài hay những ý nghĩ không dừng lại được ở bên trong. Liệu chúng ta có thể tự tin cho rằng mình hiểu thấu bản thân hay không? Biết mình thực sự muốn gì, cần gì, đang làm gì, với thái độ như thế nào không? 

Thực tế là, hầu hết chúng ta đều đang ở rất xa trạng thái “cân bằng”, “tỉnh thức” trong thế giới ngày nay. Trước khi COVID-19 diễn ra, lượng thông tin mà mỗi ngày chúng ta phải tiếp xúc và phải xử lý ngày một tăng, trí óc cũng như tinh thần hầu như không được nghỉ ngơi. Chưa kể đến việc chúng ta sợ đối diện với bản thân, đối diện với những vấn đề của cuộc đời, nên thường tìm đến những thú vui, những sự xao nhãng chỉ để “feel good” tức thời, để cảm thấy sung sướng, vui vẻ trong giây lát mà quên đi những chuyện thật sự cần đối mặt.

Chánh niệm hiểu đơn giản là “tỉnh thức và nhận biết chúng ta đang sống trong giây phút hiện tại”.

Thực tế cho thấy rằng chúng ta đang trải qua 3 sự đứt gãy cực kỳ quan trọng:

  • Sự đứt gãy đầu tiên là sự đứt gãy với nhận thức của bản thân. 
  • Sự đứt gãy thứ 2 là sự đứt gãy với những mối quan hệ, những sự kết nối bên ngoài, với cộng đồng, bạn bè, người thân, gia đình, công việc, đồng nghiệp…
  • Và sự đứt gãy thứ 3 là sự đứt gãy với vũ trụ, với thiên nhiên, với thế giới bên ngoài, với cái toàn thể.

Càng ngày, chúng ta càng bị cuốn theo những lo toan, cảm xúc của thế giới bên ngoài hoặc sự bận tâm đến từ những vết thương tâm hồn, sự lo lắng về địa vị, cảm xúc cá nhân và những suy niệm mỗi ngày, về quá khứ, tương lai, những kỳ vọng... Chúng ta hiếm khi cảm nhận được những dấu hiệu của bản thân như đói, no, mệt, vừa đủ, hay đơn giản là liệu bản thân có thật sự thích những ly rượu, những lon bia hay dĩa đồ ăn mà bạn cảm thấy ngon lành. Chúng ta mất kết nối với những mong đợi thuần khiết, những rung động của tâm hồn, những tiếng nói, rất nhỏ thôi, từ con tim, hài hoà với lý trí. Đơn giản là chúng ta tạo ra những giọng nói, những suy nghĩ và sau đó chúng lấn át dần giọng nói thật, tâm trí thuần khiết của chúng ta.

Khi chúng ta mất kết nối với những người khác, với bạn bè, cộng đồng, người thân… Chúng ta cảm thấy không ai thật sự hiểu mình, không ai có sợi dây gắn kết nào. Ta cảm thấy chênh vênh, buồn, giận, cô đơn và chới với khi cần chia sẻ, cần được kết nối để nhận ra được những thứ giống và khác với chính mình, qua đó tri nhận chính mình thông qua những thứ giống và khác đó. Tự bản thân chúng ta có thể sống độc lập, nhưng nếu không có kết nối với bản thân, lại mất kết nối với cộng đồng hay những người chúng ta cho là quan trọng (như bạn bè, người thân, gia đình, cộng đồng….), thì lúc đó, 2 sự đứt gãy sẽ đem đến cảm giác không thuộc về, sẽ đem đến sự tự chất vấn không lối thoát.

Nguồn: Getty Images

Và có thể điều này dẫn đến sự đứt gãy thứ 3 cực kỳ quan trọng – sự đứt gãy kết nối với thế giới xung quanh, với vũ trụ và thiên nhiên. Trước đại dịch, chúng ta có rất nhiều hoạt động để nhận diện được sự đứt gãy, và từ đó thiết lập lại kết nối bằng những hoạt động trải nghiệm cùng với những người xung quanh như một chuyến đi vào hoang dã, một buổi họp mặt, những đêm ở lounge, bar... Tuy nhiên khi COVID-19 xảy đến, những hoạt động đó bị thu hẹp lại. Khi chúng ta mất kết nối với bản thân, lại không thể kết nối với những người xung quanh, với những con người thân tình cùng chia sẻ không gian sống, lúc đó những điều tưởng chừng như ước vọng và điều kiện lý tưởng của tình thương hay sự giúp đỡ cho sự kết nối lại trở thành một tác nhân làm cho những đứt gãy trở nên lớn hơn, thông qua cơ chế tự phòng vệ của lý trí và những nỗi sợ bị bóc trần về sức khoẻ tinh thần. Sự đứt gãy đã và đang tồn tại, cùng sự lo lắng về việc bị phán xét và những điều không chắc chắn của tương lai.

Và khi 3 sự đứt gãy này tồn tại trong chúng ta, hay tổng quát hơn là trong con người, ta sẽ cho rằng mình là duy nhất, mình khác biệt. Những hành động hay suy nghĩ của chúng ta sẽ không còn đa chiều, hay nhận thức được toàn bộ sự ảnh hưởng của nó đến bản thân, cộng đồng, môi trường… Chúng ta trở nên cô độc, lạc loài và hành động của ta sẽ không thấu tình đạt lý, hoặc trở nên nguy hại.

Khi trải nghiệm 3 sự đứt gãy này, chúng ta cần nhận biết được chúng. Việc thừa nhận những sự đứt gãy này sẽ làm chúng ta vỡ oà, hay cảm giác “yếu đi”, “bất lực”, “đau khổ”… Nhưng đây chỉ là bước đầu tiên và cũng là bước khó nhất để chuẩn bị cho sự hàn gắn ở phần sau. Đây là bước quan trọng, để đánh thức nhận thức của bản thân. Nhận thức bắt nguồn từ nhận biết, từ nhận biết chúng ta mới có thể phát triển được nhận thức toàn vẹn. Nhận thức này sẽ đưa chúng ta ra khỏi sự đứt gãy. Đây là nhận thức sống còn.

Poster buổi chia sẻ
Nguồn: Dentsu Redder

Trong bước này, chúng ta hãy nhớ đến bài thực hành chánh niệm phần trên. Khi thực hành chánh niệm, chúng ta sẽ nhận diện được những cảm xúc, suy nghĩ đang hiện hữu trong tâm trí. Suy nghĩ là một thứ xuất phát từ trong bản thân chúng ta, nhưng rất khó để điều khiển suy nghĩ của chính mình. Ngay cả khi chúng ta có ngồi một mình và cố gắng không suy nghĩ gì đi chăng nữa, thì đầu của các bạn cũng đang tự nói chuyện, xử lý thông tin và cùng theo đó là những đánh giá, nhận xét, phủ định, bất an... về những sự việc đã xảy ra hoặc có thể xảy ra. Chính những dòng chảy suy nghĩ không ngừng này sẽ làm cho chúng ta không nhìn được bản chất của hiện tại, trở nên “xa rời” với thực tại, phát triển những kỳ vọng không sát hoặc đối lập với thực tế mà ta đang trải nghiệm và từ đó, những căng thẳng mệt mỏi lớn dần lên. 

Ngược lại, chắc chắn trong số chúng ta, ai cũng từng cảm thấy thoải mái sau một khoảng thời gian tập trung hết sức cho công việc hoặc một bộ môn thể thao nào đó đúng không? Đó chính là vì đầu óc đã chỉ tập trung hoàn toàn vào một thứ, và không hề bị chi phối bởi những suy nghĩ nào khác. Nói cách khác, chúng ta đã thực hiện hành động đó trong “chánh niệm”. Thực hành chánh niệm sẽ giúp cải thiện việc tri nhận các suy nghĩ có chủ đích, từ đó điều hướng được những luồng suy nghĩ và hiểu rõ hơn về cảm giác của những căng thẳng mệt mỏi, có được tinh thần ổn định hơn. 

Và hơn hết, chúng ta nên tri nhận thực tại như nó vốn là, để rút ngắn khoảng cách từ suy nghĩ đến thực tế, điều chỉnh kỳ vọng và tri nhận những việc xảy ra một cách trọn vẹn hơn, đỡ bị “sốc” hơn. Bước trên con đường Mindfulness, chánh niệm hay tỉnh thức, là một điều không dễ dàng. Tâm trí con người, càng lớn càng khó để “dạy dỗ” và cảm hoá. Thường chúng ta sẽ rất dễ làm việc gì đó trong vô thức, sau một khoảng thời gian luyện tập có ý thức và có chủ đích.

Điều này nói khó thì không khó, nói dễ cũng không dễ. Cơ thể và tâm trí là một hệ thống. Hệ thống này được vận hành dựa trên những tiền đề và giả định nhất định, dựa trên sự tương tác với môi trường xung quanh, với chính những suy tưởng của bản thân, của cộng đồng… Chúng ta phải tìm về với chánh niệm, để nhận diện và hàn gắn những đứt gãy của bản thân và quan trọng nhất là an trú trong hiện tại. Điều này đã được rất nhiều học giả, triết gia, và những nhà tâm linh bàn đến, điển hình như Eckhart Tolle.

Eckhart Tolle là một tác giả và là một vị thầy tâm linh nổi tiếng. Sinh ra và lớn lên ở Đức, ông đã sống qua một thời kỳ u tối, đầy lo âu và kinh hãi khi không biết mình thật sự là ai, mục đích của cuộc sống là gì. Chính điều đó đã thôi thúc ông đi trên con đường tìm lại chính mình và viết nên kiệt tác ‘Sức mạnh của hiện tại’ (The Power of Now). Cuốn sách được ví như tấm bảng chỉ đường, ngọn hải đăng dẫn lối cho những ai đang bế tắc trong mối quan hệ với chính mình và với những người xung quanh, giúp họ tìm lại niềm an bình nội tại và sâu xa hơn là tìm về với nguồn cội. Trong cuốn sách, Eckhart Tolle chỉ dẫn ta cách thoát khỏi những những hiềm khích, xung đột và nỗi sợ hãi bằng chánh niệm, nhận diện được lúc nào tâm trí đang nằm trong sự kiểm soát có chủ đích hay đang phiêu bạt, suy nghĩ vẩn vơ, bất định, tạo ra những sự lo lắng hay phấn khích không đáng có.

Nguồn: greatperformersacademy

Tương tự, nếu bạn có cơ duyên tiếp xúc với khoá đào tạo ‘Search Inside Yourself’ nổi tiếng toàn cầu, hay quyển sách đút kết từ sự trải nghiệm của Chade-Meng Tan, bạn sẽ thấy con đường hàn gắn đứt gãy và kết nối với tỉnh thức, chánh niệm, là như nhau. Mỗi năm, có đến hàng nghìn kỹ sư Google tham gia 1 trong 12 khoá đào tạo về chánh niệm, tỉnh thức, để tăng cường khả năng “cân bằng nhận thức” về những gì đang diễn ra xung quanh. Khoá học nổi tiếng nhất – mang tên “Search Inside Yourself” (Tìm kiếm bên trong bạn) – luôn là khoá học được trông đợi và thu hút nhiều người tham gia với danh sách chờ tham dự dài đến 6 tháng. Khoá học do Chade-Meng Tan khởi xướng, một người rất có ảnh hưởng đến văn hoá Google, với tham vọng: “Soi sáng tâm trí, mở rộng trái tim và tạo ra hoà bình thế giới”.

Cuốn sách Search Inside Yourself được ông viết lại dựa trên các kinh nghiệm đúc kết từ khoá học và các bài tập thiền để mọi người đều có thể áp dụng mà không cần tham gia khoá học. Bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, cùng các bước luyện tập cơ bản nhằm giúp con người làm chủ được cảm xúc bản thân, từ đó trở nên hạnh phúc và lan toả niềm vui đến mọi người. “Tôi không thích mang Phật giáo vào Google”, Meng nói. “Tôi thích giúp đỡ mọi người ở Google tìm kiếm chìa khoá hạnh phúc”. Cuốn sách được chia làm 3 phần chính:

Nếu như con đường chúng ta đang đi không thực hiện bằng hạnh phúc thì không bao giờ chúng ta đạt được hạnh phúc vì không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà hạnh phúc chính là con đường.

  • Rèn luyện khả năng chú ý: Chú ý là nền tảng của mọi năng lực cảm xúc và nhận thức cao hơn. Do đó, bất cứ giáo trình rèn luyện trí thông minh cảm xúc nào cũng đều phải bắt đầu với việc rèn luyện khả năng chú ý. Ý tưởng ở đây là rèn luyện khả năng chú ý để tạo ra một tâm trí vừa an bình vừa sáng sủa, từ đó tạo nền tảng cho trí thông minh cảm xúc.
  • Tự phát triển kiến thức và tự làm chủ bản thân: Sử dụng khả năng chú ý đã qua rèn luyện để nâng cao khả năng nhận thức quá trình cảm giác và tư duy. Từ đó, bạn có thể quan sát ngày càng rõ những dòng suy nghĩ và quá trình cảm giác của bản thân, với sự khách quan như từ góc nhìn của một người thứ ba. Khi làm được vậy, bạn sẽ tạo ra một loại kiến thức sâu sắc do bạn tự khám phá ra và loại kiến thức này cuối cùng sẽ dẫn đến sự tự làm chủ bản thân.
  • Tạo ra thói quen hữu ích cho tâm: Tưởng tượng rằng bất cứ khi nào bạn gặp ai đó, ý nghĩ đầu tiên theo bản năng của bạn là, tôi muốn người này được hạnh phúc. Những thói quen như vậy sẽ làm thay đổi mọi thứ ở nơi làm việc, vì ý tốt chân thành sẽ được người khác cảm nhận một cách vô thức, và tạo ra sự tin tưởng và hợp tác có hiệu quả cao. Những thói quen như vậy có thể được rèn luyện để trở nên tự nhiên.

Đừng lo lắng rằng tất cả những điều này sẽ tốn quá nhiều thời gian và công sức, thay vào đó có thể dồn sức tạo ra những lợi ích, giá trị kinh tế. Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, trong cuốn sách Hạnh Phúc Là Con Đường, đã chỉ ra rằng nếu chúng ta có hạnh phúc tự thân, có sự kết nối với những ước mơ, những mong muốn của bản thân, thì những hành động mà xuất phát từ sự gắn kết chứ không phải đứt gãy sẽ tạo ra giá trị to lớn và ảnh hưởng đến cộng đồng, với sinh quyển:

“Theo một số liệu của Bộ Y tế, thanh niên Việt Nam có rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần, bất chấp Việt Nam đã có nhiều thành tựu lớn về kinh tế trong những năm vừa qua. Theo những thông số này, về tình trạng sức khoẻ của học sinh cấp 2 ở Hà Nội, 26% các em có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, có nghĩa là 1 trong 4 các em có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều này cũng cho chúng ta thấy sự phát triển kinh tế mang đến những tổn hại về sự phát triển con người.

Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phát triển một nền kinh tế như thế nào. Mô hình hiện tại mà nhiều quốc gia đang theo đuổi với niềm tin rằng kinh tế là mục đích cuối cùng và những nguồn lực con người và thiên nhiên chỉ được xem như phương tiện để đạt mục đích đó. Tôi cho rằng đó là mô hình sai lầm. Tôi nghĩ cái quan trọng nhất là môi trường sinh quyển, nếu đánh mất nó tất cả không còn tồn tại. Và trong môi trường sinh quyển đó, xã hội con người chỉ là một phần thôi. Và trong xã hội con người, kinh tế cũng chỉ một phần mà thôi. Kinh tế rất quan trọng nhưng cần đặt đúng vị trí của nó, đó là một phương tiện phục vụ cho sự hạnh phúc, thịnh vượng của muôn loài.

Tôi tin tưởng rằng điều này có mối liên hệ trực tiếp đến việc rất nhiều người cắt đứt sự liên hệ với những mong muốn thật sự của mình. Nhiều người có ảo tưởng, nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, họ nghĩ rằng hôm nay chúng ta có thể vất vả để có một ngày nào đó chúng ta hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, những điều chúng ta được học từ rất nhiều người cho thấy nếu như con đường chúng ta đang đi không thực hiện bằng hạnh phúc thì không bao giờ chúng ta đạt được hạnh phúc vì không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà hạnh phúc chính là con đường.

Tôi nghĩ con người phải quay về với chính mình, nhìn sâu vào bên trong mình, hãy dành thời gian lắng nghe mình. Nếu mình không lắng nghe mình thì chẳng có ai trên thế giới chấp nhận lắng nghe mình. Và nếu chúng ta không kết nối được với bản thân mình thì cũng không thể kết nối với người xung quanh. Kết nối với mình để mình kết nối với người khác chứ không phải sầu muộn. Cũng như sự đồng cảm sẽ không có ý nghĩa gì nếu không trao cho người khác”.

Như vậy, trên hết, nếu muốn chinh phục thế giới, theo đuổi hoài bão mà không bị đánh chìm bởi những cơn sóng của thực tại như COVID-19 hay những cơn sóng trong tâm tưởng; nếu muốn có một cuộc đời đầy đam mê, theo đuổi mục đích cao đẹp một cách đúng đắn; hay chỉ đơn thuần là tạo ra những giá trị tốt, có sức ảnh hưởng mà không cảm thấy hụt hơi, quá tải; hoặc cảm thấy rằng chúng ta bị đốt cạn kiệt mà đến cuối cùng không nhận được gì từ cuộc sống này, thì hãy theo đuổi con đường của hạnh phúc, hàn gắn sự đứt gãy và lắng nghe trong tỉnh thức. Hãy luôn luôn nhớ “thần chú” sau: ICSPI theo thứ tự là Intention (Ý định), Connection (Kết nối), Selfcare (Yêu thương bản thân), Purpose (Mục đích sống) và Impact (Ảnh hưởng tích cực). Trong đó:

  1. Intention là luôn hành động trong sự kết nối sâu sắc và thuần khiết với ý định xuất phát từ chính mình, không bị chi phối bởi các tác động bên ngoài hay các thôi thúc thiếu chánh niệm bên trong. 
  2. Connection là kết nối với bản thân, người khác, cộng đồng, môi sinh, sinh quyển. Tổn tại trong 3 sự kết nối khoẻ mạnh.
  3. Selfcare là chăm sóc, yêu thương bản thân, dành thời gian để thực hành chánh niệm và lắng nghe bản thân.
  4. Purpose là mục đích sống, là hướng đến hạnh phúc chân thật, hạnh phúc tự thân.
  5. Impact là tạo ra ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống vì ích lợi cho tất cả muôn loài.

 

Các khái niệm mở rộng về chánh niệm, thiền, dòng chảy và Deep Work

Thiền tập là một trong những phương pháp phổ biến để thực hành chánh niệm. Thiền chính là tập trung toàn bộ tâm thức, ý niệm vào hơi thở để nhận diện những suy nghĩ trong tâm thức, dòng chảy của ý niệm và những cảm xúc trỗi dậy, để rồi thanh lọc nó bằng việc tập trung vào hơi thở, hay tập trung vào những tri nhận giác quan, tâm thức, ở hiện tiền. Nói về thiền tập một cách sâu sắc hơn, trong phần tổng luận của tác phẩm “Essays in Zen Buddhism” (do Trúc Thiên dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Thiền Luận”), tác giả Suzuki viết về cốt tuỷ của Thiền như sau:

“Thiền, cốt yếu nhất, là nghệ thuật chiếu kiến vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát. Đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm nước đầu nguồn, Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sinh linh hữu hạn, luôn luôn quằn dưới ách khổ luỵ trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại, và vặn chéo đi, đến không vùng thoát đâu được.

Thật vậy, thân thể ta có thể ví như một cục “pin” điện, trong ấy tiềm phục một năng lực huyền bí. Khi nguồn nội lực ấy không được vận dụng đúng cách thì, hoặc bị mốc meo mà mai một, hoặc nghịch biến mà phát loạn. Nên đó là chủ đích của Thiền, nhằm cứu ta hoặc khỏi khùng điên, hoặc khỏi tàn phế. Tôi muốn nói tự do là vậy, mở thông tất cả nguồn kích động đầy sáng tạo và từ hoà ấp ủ trong con tim chúng ta.”

Đối với một số vĩ nhân, thiền là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của họ. Vì khi thiền quán, họ không truy cầu yếu tố tôn giáo, tâm linh, mà chủ yếu họ thực hành chánh niệm ở mức độ cao và đầy kỷ luật. Chính điều này mở ra trong tâm trí họ sự thấu hiểu bản thân, các tập tính họ cần phải buông bỏ hay trui rèn, đồng thời sự nhận diện sâu sắc yếu tố thôi thúc, xây dựng con đường thành công của chính họ. Khi đạt đến một thành tựu nào đó về mặt chánh niệm, tỉnh thức, tâm trí của họ có đủ tĩnh lặng để đưa ra các quyết định quan trọng với sự sáng suốt tuyệt vời, sự thấu hiểu ở mức độ cao nhất và sự thông tuệ giữa lý trí và con tim. Chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe nhà sáng lập công ty Apple – ông Steve Jobs cũng là tín đồ của môn thiền chánh niệm? Tất cả chứng minh cho việc tâm trí của chúng ta là những thế giới phi thường, những vũ trụ rộng mở có thể quyết định sự thành bại của chính bản thân. Và chúng ta không kiểm soát tâm trí tốt như ta tưởng.

Tâm trí đã quen được rèn luyện một cách hời hợt và đầy tính phản xạ, tính “ngắn” hơn tính “dài". Trong cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” (Thinking, fast and slow), ông Daniel Kahneman thuật lại những nghiên cứu tâm lý và xã hội học được thiết kế một cách thông minh về tính phản xạ nhanh nhưng có thể không hiệu quả hay đúng đắn như chúng ta nghĩ. Kahneman mô tả 2 cách thức (hay nói đúng hơn là 2 hệ thống) mà não chúng ta vận hành. Ông gọi đó là Hệ thống 1 và Hệ thống 2. Hệ thống 1 là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn, và tiềm thức. Hệ thống 2 là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi nỗ lực, ít được sử dụng, dùng logic, có tính toán và ý thức. Trong một loạt thí nghiệm tâm lý, Kahneman và Tversky chứng minh rằng con người chúng ta thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là nghĩ chậm. Mặt khác, chúng ta thường tự cho rằng con người là sinh vật có lý trí mạnh mẽ, khi quyết định hay đánh giá vấn đề luôn kỹ lưỡng và lý tính. Nhưng sự thật là, dù bạn có cẩn trọng tới mức nào, thì trong cuộc sống hàng ngày hay trong vấn đề liên quan đến kinh tế, bạn vẫn có những quyết định dựa trên cảm tính chủ quan của mình. Và thường chúng ta sẽ đi đến việc tự trách sao bản thân quá cảm tính hoặc quá lý trí không nhìn nhận vấn đề đủ sâu, đủ rộng và đa chiều để đưa ra các quyết định hệ trọng. Đó là do chúng ta chưa thấu hiểu tâm thức của chính mình và chưa rèn luyện tâm thức một cách triệt để và có chủ đích.

Nhưng tin vui là khi đã chấp nhận rằng tâm thức có thể được rèn luyện và từ từ xả bỏ những thói quen, lối mòn tư duy cũ kỹ thì chúng ta sẽ có thể chuyển hoá được tâm thức của chính mình. Mặt khác, chúng ta sẽ gọi tên được những cảm xúc, những vui buồn lo lắng giận dữ và nhìn được cội nguồn sâu xa của những cảm xúc ấy, để từ đó đưa ra một quyết định xuôi chiều cảm xúc với tư duy mạch lạc, rõ ràng. Khi ấy, chúng ta có thể thấu hiểu, chấp nhận các quyết định và yêu quý bản thân hơn.

Nguồn: BigThink

Khi rèn luyện tâm thức, chúng ta phải tâm niệm rằng đây là một quá trình cá nhân và không thể nào nhanh chóng có thành tựu. Trong thời gian đầu, chúng ta có thể bị dằn vặt bởi cả hai hệ thống cũ và mới. Ở thời điểm đó, ta cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc chấp nhận, thực hành chuyên chú, kiên quyết và cho bản thân thời gian để chuyển đổi. Thời gian đầu có lẽ ta sẽ rất lọng cọng và mất nhiều thời gian để tìm hiểu thế nào là đúng và sai. Nhưng cái hay là khi chuyên tâm và kiên định thực hành chánh niệm, tâm thức sẽ chỉ đường cho chúng ta nên đi thế nào. Vượt qua được sự xáo động của tâm thức, chúng ta sẽ luyện tập để từ từ soi rọi những phần mà đã được nhồi nhét cho tâm thức một cách “vô thức” nhưng có ý thức trong việc làm xao nhãng tâm thức.

Không có một công thức chung cho việc thực hành chánh niệm hay gột rửa tâm trí. Thiền ngồi, thiền nhắm mắt, thiền mở mắt, thiền động hay đọc sách, chạy bộ, chơi nhạc, làm bánh, đi bộ, rửa chén, quét nhà… cũng đều là hình thức thực hành chánh niệm. Điều quan trọng là chúng ta phải thật sự thấy thoải mái khi thực hành và đem sự chuyên chú quán niệm vào trong đó, để làm hành động đó ta có niềm vui tự thân, giảm bớt trở lực trong việc rèn luyện.

Khi đã quen với những mô thức của chánh niệm, chúng ta có thể dễ dàng quay về với cội nguồn của hành động, những hành vi của bản thân bằng cách đặt câu hỏi về “ý niệm khởi phát” (intention), sau đó thật sự chú tâm vào chỉ ý niệm khởi phát đó để phát tiết hành động, hành động đó sẽ tuyệt đẹp vì hoàn toàn được tạo ra từ ý niệm chuyên chú. Mỗi khi cảm thấy hối tiếc hay không hài lòng về một hành động nào đó của bản thân, hay của người khác, chúng ta thường tự hỏi rằng hành động xuất phát từ đâu. Thực chất, cái chúng ta muốn thấu hiểu là ý niệm khởi phát hành động đó. Hay nói cách khác, chúng ta muốn biết và cảm nhận được “intention” của hành động đó. Do đó, hãy quan sát ý niệm thay vì chỉ quan sát hành động. Hãy rèn luyện tâm thức, thay vì rèn luyện cách thức hành động. Và chúng ta có thể chuyển tâm trí, tâm thức sang trạng thái tri nhận hoặc “autopilot” ở mức cao hơn.

Hiệu quả làm việc sẽ đạt cao nhất khi tâm trí con người được thường xuyên duy trì ở trạng thái dòng chảy

Khi rèn luyện được tâm trí tỉnh thức, chúng ta dễ dàng đạt được sự tập trung và hứng thú trong công việc, cuộc sống hoặc chỉ đơn giản là sự gắn kết sâu sắc hơn với cuộc sống. Từ đó chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều. Một trong những “bí mật” mà chánh niệm có thể đem lại đó chính là “dòng chảy” (the flow) – trạng thái hoà nhập, phiêu của những người nghệ sĩ, trạng thái vừa là chính mình vừa là những gì lớn lao hơn. Đây là khái niệm đã được ông Csíkszentmihályi giới thiệu, mang tên “The Theory of Flow” – Lý thuyết trạng thái dòng chảy. Csíkszentmihályi đã quan sát trạng thái dòng chảy nhiều năm, làm nhiều thực nghiệm và đưa ra kết luận rằng: hiệu quả làm việc sẽ đạt cao nhất khi tâm trí con người được thường xuyên duy trì ở trạng thái dòng chảy. Và đặc biệt khi đạt đến trạng thái dòng chảy là lúc con người chúng ta trải nghiệm được trọn vẹn nhất khái niệm hạnh phúc. Tuy nhiên làm sao để có được và duy trì được trạng thái dòng chảy mới là đóng góp quan trọng của Csíkszentmihályi. Theo ông, trạng thái dòng chảy chỉ có được khi ta đạt được 2 thứ cùng lúc đó là (1) sự thách thức trong công việc và (2) một năng lực đủ để kiểm soát thách thức đó. Thách thức luôn hiện hữu, nhưng năng lực để kiểm soát thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải có khả năng tri nhận bản thân, tình huống, sự sáng suốt và cảm xúc phù hợp. Mà tất cả điều này lại phụ thuộc vào tâm thức và tri nhận thực tại, như nêu trên. Do đó, khi rèn luyện đủ, bạn sẽ có thể ra vào trạng thái dòng chảy này một cách tốt hơn.

Mặt khác, tương tự như dòng chảy, chúng ta sẽ có thể đạt đến trạng thái Deep Work – làm việc sâu, chuyên chú, một cách tốt hơn. Deep Work không chỉ thể hiện ở tầm quan trọng của việc làm việc với hiệu suất cao, mà còn thể hiện khía cạnh sáng tạo của con người. Khi làm việc chuyên chú, con người sẽ hoà mình vào một dòng chảy tâm thức, có khả năng sáng tạo cao hơn, đem lại nhiều giá trị sâu sắc cho cuộc sống và sự hài lòng với chính bản thân. Thiên tài, hay những vĩ nhân, đều có những sáng tạo khiến chúng ta trầm trồ là nhờ vào khả năng Deep Work, hay nói cách khác là họ tạo ra những tạo tác đẹp đẽ và đầy chủ ý, mà những chú ý đó, những ý niệm đó, tồn tại cùng thời gian.

Nguồn: Envato

Trong COVID-19, bên cạnh công việc, nghĩa vụ, trách nhiệm cho bản thân, gia đình, và cộng đồng, chúng ta cần chú ý đến sức khoẻ tinh thần. Khủng hoảng hay biến cố không lường được thì thật đáng sợ và đáng lo ngại, nhưng điều đáng sợ hơn là chúng ta sụp đổ hay suy sụp trước khi những thử thách hay những sự kiện xảy đến với chúng ta. COVID-19 đem lại nhiều thử thách, nhưng nếu chúng ta bất ổn thì những liên kết giữa ta với môi trường xung quanh, với xã hội sẽ càng bất ổn và tạo ra sự đứt gãy diện rộng, và vô hình trung khiến cái xấu hay tiêu cực càng nhân rộng hơn. Nếu có một tâm thức khoẻ mạnh và có thể chăm sóc, yêu thương chính bản thân mình, san sẻ yêu thương với những người xung quanh thì chúng ta đã và đang gia cố cho sự ổn định và những nền tảng quan trọng và cần thiết để những con người vững vàng vượt khủng hoảng. Chính trong đại dịch, trong thời buổi làm việc tại nhà này, thân tâm của chúng ta phải càng khoẻ mạnh và tri nhận thực tại một cách rõ ràng nhất. Chúng ta đối mặt một cách mạnh mẽ, tích cực, thực tế, chúng ta sống trong chánh niệm và tạo ra giá trị từ những mong muốn tích cực, từ tình yêu thương và tâm thức tối thượng. Chúng ta rồi sẽ bình an.

 

Thay cho lời kết, tôi mời các bạn tham khảo nghiên cứu của Đại học Harvard về hạnh phúc như một khung tham chiếu cho sự truy tìm hạnh phúc và bình an của chúng ta, như sau:

Điều gì giúp chúng ta sống khoẻ mạnh và hạnh phúc?

Nghiên cứu về sự phát triển của con người do Đại học Harvard thực hiện – có lẽ là nghiên cứu dài nhất về đời người – đã tìm được câu trả lời. Suốt 75 năm, chúng tôi đã theo dõi cuộc sống của 724 người, từ năm này qua năm khác, tìm hiểu về công việc, cuộc sống gia đình và sức khoẻ của họ, và tất nhiên là dõi theo tất cả mọi thứ mà không hề biết câu chuyện cuộc đời họ sẽ ra sao.

Những nghiên cứu như thế này cực kỳ hiếm. Hầu hết các dự án kiểu như thế này đều đổ bể vì quá nhiều người bỏ nghiên cứu, tài trợ cho nghiên cứu bị cạn kiệt, hoặc các nghiên cứu viên bị phân tâm, qua đời và không có ai kế thừa. Nhưng bằng cả may mắn và sự kiên trì của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, công trình này vẫn sống sót. Khoảng 60 người trong số 724 đối tượng nghiên cứu ban đầu vẫn còn sống, vẫn đang tham gia vào nghiên cứu và hầu hết họ đều đang ở độ tuổi 90. Và bây giờ chúng tôi đang bắt đầu nghiên cứu hơn 2.000 con cháu của những người này. Tôi là giám đốc thứ tư của nghiên cứu này.

Từ năm 1938, chúng tôi đã theo dõi cuộc sống của 2 nhóm người. Nhóm đầu tiên bắt đầu tham gia nghiên cứu khi họ là sinh viên năm thứ 2 tại Đại học Harvard. Tất cả họ đều tốt nghiệp đại học trong thời kỳ Thế chiến thứ 2, sau đó hầu hết phục vụ trong cuộc chiến. Nhóm thứ 2 là một nhóm nam sinh tới từ khu dân cư nghèo nhất của Boston. Họ được chọn lựa cho nghiên cứu vì đến từ những gia đình khó khăn và thiệt thòi nhất ở Boston vào những năm 1930. Hầu hết sống trong những căn nhà tập thể, nhiều nơi không có nước nóng lạnh.

Những mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc hơn và khoẻ mạnh hơn.

Khi tham gia nghiên cứu, tất cả đều được phỏng vấn, được khám sức khoẻ. Chúng tôi đã về nhà họ, phỏng vấn bố mẹ họ. Sau đó, bọn trẻ trưởng thành và bước vào mọi tầng lớp của xã hội. Họ trở thành công nhân nhà máy, luật sư, thợ xây, bác sĩ, trong đó có 1 Tổng thống Mỹ. Một số nghiện rượu. Một số bị tâm thần phân liệt. Một số từ nghèo khó leo lên các vị trí cao của xã hội, một số đi theo hướng ngược lại.

Trong những giấc mơ hoang đường nhất của mình, những người sáng lập ra nghiên cứu này sẽ không bao giờ tưởng tượng được rằng tôi sẽ đứng ở đây ngày hôm nay, 75 năm sau, để nói với các bạn rằng nghiên cứu này vẫn còn tiếp tục. Cứ 2 năm một lần, đội ngũ nghiên cứu đầy kiên trì và nhiệt huyết của chúng tôi lại nhấc điện thoại để hỏi xem liệu chúng tôi có thể biết thêm thông tin về cuộc sống của họ.

Nhiều người ở nhóm Boston ngày xưa hỏi: “Tại sao các ông vẫn muốn nghiên cứu về tôi? Cuộc sống của tôi chẳng có gì thú vị”. Còn nhóm người tốt nghiệp Harvard thì chưa bao giờ hỏi câu hỏi đó.

Để có được bức tranh rõ ràng nhất về cuộc sống của họ, chúng tôi không chỉ gửi cho họ những câu hỏi. Chúng tôi còn phỏng vấn họ trong phòng khách. Chúng tôi được nhận hồ sơ y tế từ bác sĩ của họ. Chúng tôi còn lấy mẫu máu, quét não và nói chuyện với con cái họ. Chúng tôi ghi hình họ nói chuyện với vợ về những mối quan tâm sâu sắc nhất. Cách đây khoảng một thập kỷ, cuối cùng chúng tôi cũng hỏi các bà vợ rằng có muốn tham gia nghiên cứu này, nhiều người đã nói: “Khi nào thì bắt đầu?”.

Vậy, chúng tôi đã thu được những gì? Bài học rút ra từ 10 ngàn trang thông tin mà chúng tôi thu được từ cuộc sống của những người này là gì? Chà, bài học không phải là sự giàu có, danh tiếng hay làm việc chăm chỉ. Thông điệp rõ ràng nhất mà chúng tôi nhận được từ nghiên cứu dài 75 năm nay là: Những mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc hơn và khoẻ mạnh hơn.

Ông Robert Waldinger trình bày về nghiên cứu của Đại học Havard
Nguồn: Vietnamnet

Chúng tôi rút ra 3 bài học lớn về các mối quan hệ. Thứ nhất là những kết nối xã hội thực sự tốt cho chúng ta, và nó sẽ giết chết sự cô đơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có kết nối tốt hơn với người thân, bạn bè, cộng đồng sẽ hạnh phúc hơn. Họ cũng khoẻ mạnh hơn về mặt thể chất. Họ sống lâu hơn những người có ít mối quan hệ tốt. Trải nghiệm của sự cô đơn sẽ trở nên có hại. Những người bị cô lập cảm thấy mình ít hạnh phúc hơn, sức khoẻ bị giảm sút ở giai đoạn đầu tuổi trung niên, chức năng não của họ suy giảm sớm hơn và tuổi thọ của họ ngắn hơn những người không cô đơn. Và thực tế đáng buồn là, ở bất kỳ thời điểm nào, cũng có hơn 1/5 người Mỹ cho biết họ là người cô đơn.

Chúng tôi biết rằng bạn có thể cảm thấy cô đơn khi ở giữa đám đông, hay trong một cuộc hôn nhân. Vì thế, thông điệp lớn thứ hai mà chúng tôi rút ra là vấn đề không phải số lượng bạn bè mà bạn có, không phải là bạn có một mối quan hệ thân thiết hay không, mà là chất lượng mối quan hệ đó. Nghiên cứu chỉ ra rằng sống giữa xung đột thực sự không tốt cho sức khoẻ của chúng ta. Ví dụ như, những cuộc hôn nhân nhiều xung đột mà không có nhiều cảm xúc sẽ rất tệ cho sức khoẻ, thậm chí còn tệ hơn là ly hôn. Còn sống giữa những mối quan hệ tốt đẹp, ấm cúng thì ngược lại.

Khi theo dõi những đối tượng nghiên cứu suốt cuộc đời họ đến năm 80 tuổi, chúng tôi muốn nhìn lại họ ở thời trung niên.

Bài học lớn thứ 3 mà chúng tôi rút ra là mối quan hệ tốt không chỉ bảo vệ cơ thể chúng ta, mà còn bảo vệ não bộ của chúng ta. Những mối quan hệ tốt này không cần phải lúc nào cũng êm đẹp. Một số cặp vợ chồng sống đến đầu bạc răng long có thể cãi nhau rất nhiều, nhưng miễn là họ cảm thấy có thể thực sự trông cậy vào nhau khi cuộc sống trở nên khó khăn, thì những cuộc tranh cãi đó cũng không ảnh hưởng đến ký ức của họ.

Suốt 75 năm qua, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người sống tốt nhất là những người nghiêng vào các mối quan hệ, với gia đình, với bạn bè, với cộng đồng.

Tôi muốn kết lại bằng một câu nói của Mark Twain. Cách đây hơn một thế kỷ, ông đã nhìn lại cuộc đời mình và viết rằng: “Vì cuộc sống quá ngắn ngủi, nên không có thời gian cho những xung đột, những lời xin lỗi, những điều làm tổn thương, những ganh đua. Chỉ có thời gian cho tình yêu thương, vì thế hãy nói ra vì điều đó”.

Cuộc sống tốt đẹp được xây dựng bằng những mối quan hệ tốt đẹp.

Ghi chú: Trong khuôn khổ của recap, Dentsu Redder có sử dụng các nội dung từ nguồn Internet để làm rõ bài giảng của Coach Lương Ngọc Tiên và đem đến góc nhìn phong phú cho bạn đọc.