Dentsu Redder Impact Academy: Listen to your body – Lắng nghe cơ thể đúng cách
Khi khoẻ mạnh, chúng ta mong ước làm nhiều thứ, đi nhiều nơi, biển rộng trời cao ta khám phá. Nhưng đến khi đổ bệnh, sức khoẻ không còn, thì điều duy nhất chúng ta mong muốn là có được sức khoẻ. Sức khoẻ thể chất được đảm bảo, thì tinh thần mới vững chãi, hiệu quả công việc mới cao và ta sẽ hạnh phúc.
Bài viết là nội dung chia sẻ của chị Anna Thảo Võ, một chuyên gia trong lĩnh vực trị liệu Neuro Kinetic, tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy.
Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống. Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây.
* Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple Podcast và VoizFM
Hoạt động warm-up: Bài tập hít thở Whisper count
Phương pháp như sau: khi hít vào, cứ cho phép cơ thể hít vào. Khi thở ra, hãy thì thầm đếm từ 1 đến 10, hoặc thì thầm bất cứ thông điệp nào mà bạn muốn nhắn gửi cho chính mình như “I love myself, “I am fine”…. Ở khoảnh khắc này, bạn đang hiện diện nơi đây, thì thầm cùng chính mình. Bạn hãy tập trung vào hơi thở của chính mình, và lặp lại quá trình “Hít vào – Thở ra”. Bạn lưu ý không cố gắng gồng siết cơ bụng khi thở ra.
Bài tập thở Whisper count giúp chúng ta giảm căng thẳng, giải toả áp lực, giúp cơ thể và tâm trí trở nên nhẹ nhàng hơn, đồng thời giúp cơ hoành vận động được mạnh mẽ hơn. Bài tập này đặc biệt phù hợp trong thời gian phải làm việc tại nhà như hiện nay, khi áp lực công việc nhiều hơn và bạn không được giao tiếp với mọi người. Khi thực hiện Whisper count, bạn nên chọn cho mình một tư thế tự nhiên nhất (ngồi cao hoặc đứng cao), thả lỏng cơ thể, có thể cử động theo nhịp bạn yêu thích, hít vào và thở ra đồng thời thì thầm một cách thoải mái nhất.
Bản chất thực sự của các cơn đau hằng ngày là gì?
Chị Anna Thảo chia sẻ về cơn đau thể lý bằng cách ví von rằng, chúng giống một chiếc “brief” mà khách hàng gửi cho Agency để nhờ giải quyết một “vấn đế trục trặc”, một bài toán nào đó. Ở đây, cơn đau của chúng ta là một “đề bài” mà “cơ thể” phát ra tín hiệu để yêu cầu não bộ xử lý. Tuy nhiên, sự thật là, Agency còn có Client (khách hàng) để giải thích brief, còn chúng ta phải tự tìm hiểu cơ thể mình để giải được brief. Và vì thế, cách tốt nhất để tìm ra lời giải đáp về các cơn đau chính là hiểu về cấu trúc và cách hoạt động của cơ thể. Đây là hành trình dài hạn và thú vị mà mỗi người phải cùng đồng hành với cơ thể của chính mình.
Điều quan trọng nhất quyết định sự sống còn của cơ thể là gì?
Hầu hết chúng ta đều không để ý đến việc thở, bởi cơ thể thực hiện công việc này một cách tự nhiên. Do vậy, chúng ta cũng không mấy quan tâm đến việc bản thân đang thở đúng hay sai. Tuy nhiên vai trò của việc hít thở lại không đơn giản như bạn nghĩ.
“No Breath No Life”. Thở là một cách để lấy dưỡng khí nuôi cơ thể, đồng thời đẩy chất độc ra ngoài thông qua hoạt động hít vào – thở ra. Chúng ta có thể nhịn ăn, nhịn uống trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng hầu hết mọi người đều không thể nhịn thở quá 2 phút. Theo tổ chức kỷ lục thế giới (The Guinness World Records) ghi nhận: Người nhịn thở lâu nhất trên thế giới là Budimir Buda Sobat 54 tuổi với kỷ lục 24 phút 33 giây. Đây là một trường hợp hết sức hy hữu và ngoại lệ, khác với tất cả chúng ta – những người “bình thường”.
Hơi thở là yếu tố quan trọng nhất trong việc duy trì sự sống.
Hơi thở là yếu tố quan trọng nhất trong việc duy trì sự sống. Hơi thở giúp ta kết nối các bộ phận trên toàn bộ cơ thể với nhau từ đầu đến chân. Hơn thế nữa, hơi thở chính là chìa khoá để kết nối giữa thể xác và tinh thần với nhau, điều này dễ nhận thấy qua việc chúng ta thường sử dụng hơi thở để giúp bản thân tịnh tâm hơn. Hơi thở cũng chính là “phương tiện” hữu hiệu nhất để kết nối với tinh thần và tâm trí của con người. Những ai biết hít thở đúng cách sẽ giúp cho lượng serotonin – một chất được não sản xuất ra quyết định tâm trạng và khả năng tập trung của con người tăng lên nhanh chóng. Tức là tâm trí của bạn sẽ không còn thấy mệt mỏi, khả năng tập trung cao, tính cách vững vàng ổn định và chịu áp lực tốt, giúp đẩy lùi hoặc xử lý được những tiêu cực, đau khổ trong tinh thần. Thiền định tập trung vào hơi thở và phương pháp có lẽ phổ biến trong cuộc sống của chúng ta.
Phương pháp “hít thở 360 độ” (360 Degree Breathing) là gì?
Trước khi chia sẻ về phương pháp hít thở 360 độ, chị Anna Thảo giới thiệu với tất cả mọi người về cách hoạt động bên trong của cơ thể mỗi khi ta hít thở. Để thực hiện được việc hô hấp, trong khoang bụng của chúng ta diễn ra sự kết hợp của cơ hoành, cơ bụng, cơ lưng và cơ sàn chậu. Khi hít vào cơ hoành ở phía trên sẽ co lại, di chuyển xuống dưới và đẩy nội tạng xuống bên dưới, lúc này cơ bụng, lưng và cơ sàn chậu giãn ra. Khi thở ra cơ sàn chậu, nhóm các cơ bụng và cơ lưng sẽ co lại đẩy nội tạng đi lên, đồng thời cơ hoành sẽ giãn ra để trở về trạng thái nghỉ ngơi ở vị trí ban đầu (hình mái vòm). Với mẫu hình chuyển động này, trung bình mỗi ngày 1 người lớn hít vào và thở ra khoảng 25.000 lần.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu cơ hoành không làm đúng chức năng của nó? Do nhiều nguyên nhân khiến cho cơ hoành không thực hiện đúng chức năng hít thở mà thực hiện chức năng giữ ổn định và thăng bằng cho cơ thể, dẫn đến việc chất lượng của hơi thở kém hơn. Từ đó khiến cho máu luân chuyển kém không thể đến được các bộ phận xa như vỏ não. Điều này dễ dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng của các bộ phận khác trong cơ thể như gan, tuyến thượng thận, hệ tiêu hoá... làm cho chúng ta cảm thấy stress và mệt mỏi. Vì thế khi bị áp lực và căng thẳng bạn có thể dùng lại hít thở sâu để giúp cơ thể lấy lại sự cân bằng.
Vậy phương pháp “hít thở 360 độ” thực hiện như thế nào?
Trước tiên bạn cần ngồi hoặc đứng trong tư thế thẳng lưng, đầu giữ thẳng và giữ cơ thể được thăng bằng, khung chậu trung tính (cách xác định vị trí trung tính của khung chậu: lấy tay tìm điểm xương nhô cao nhất ở phía trước và phía sau của xương chậu, 2 điểm này phải bằng nhau hoặc lệch nhau 5-10 độ), đồng thời hai chân chạm đất và siết nhẹ hông và đùi.
Tiếp đó, bạn dùng 2 bàn tay áp sát vào 2 bên người, sao cho ngón cái chạm vào phần lưng, ngón trỏ và ngón giữa chạm vào xương sườn phía trước, 2 ngón còn lại chạm vào phần bụng. Khi hít thở, cảm nhận được sự chuyển động ở tất cả vùng cơ thể mà bàn tay đang chạm vào.
Hít vào, khung sườn và khoang bụng mở ra về phía trước, 2 bên và phía sau lưng. Khi thở ra, bụng và lưng ôm về và khung sườn chuyển động đi vào trong. Toàn bộ thân chuyển động 360 độ. Với phương pháp này bạn có thể kiểm tra được hoạt động của các bộ phận trong việc thực hiện hít thở ở khoang bụng, từ đó tìm ra nguyên nhân dẫn tới các cơn đau trên cơ thể. Ở điểm này sẽ hơi khó với người tập, trừ phi là nhà trị liệu.
Sự vận động kết hợp của cơ thể
Sự vận động của cơ thể là sự kết hợp của xương, cơ, khớp, gân, sụn, dây chằng, bao hạch dịch, và mô liên kết. Não bộ là trung tâm điều khiển sẽ gửi các lệnh chỉ huy xuống những bộ phận trên để cùng thực hiện. Sự vận động sẽ xảy ra khi não bộ có nhu cầu, sau đó trung tâm điều khiển vận động và hệ thần kinh sẽ gửi tín hiệu để các cơ co lại, tạo ra sự chuyển động tại các khớp. Vậy nên khi bạn cảm nhận cơn đau ở đâu thì hãy xem xét chúng được vận động tại khớp nào để có thể tìm được nguyên nhân và cách khắc phục phù hợp.
Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta bị trật cổ chân và chỉ chờ đến khi chúng tự lành?
Nhiều người khi gặp những chấn thương nhẹ như trật khớp, bông gân... thường phớt lờ chúng và tiếp tục sinh hoạt bình thường đến khi các chấn thương tự động biến mất. Ví dụ như khi bị trật cổ chân, chúng ta vẫn cố gắng bước đi. Trong lúc này, não bộ của bạn phát hiện cơn đau tại vùng cổ chân và yêu cầu cơ thể sử dụng những cơ khác tại đây và những vùng lân cận hỗ trợ phần cổ chân, từ đó tạo ra bước đi khập khiễng thường thấy. Trong quá trình nói trên, não bộ đã lưu trữ lại cách thức thực hiện mới của động tác bước đi này. Và việc này dẫn đến hệ luỵ là các cơ thực hiện sai hoặc thêm chức năng, từ đấy làm cho các nhóm cơ bị quá tải, lệch vị trí dẫn đến đau nhức. Và cách giải quyết là chúng ta sẽ re-training (tái luyện tâp) cho trung tâm điều khiển vận động (Motor Control Center – MCC) hiểu về cách hoạt động đúng chức năng của các nhóm cơ overactive & underactive, để chúng quay về thực hiện đúng chức năng.
Cơn đau xảy ra như thế nào?
Trước hết, chúng ta cần hiểu về khái niệm cơn đau và nguyên lý hoạt động của chúng trong cơ thể mỗi người. Hoạt động này vô cùng quan trọng vì được xem như một bài toán “quan sát bản thân”. Đau là 1 triệu chứng cho thấy sự khó chịu trong cơ thể, chúng hoạt động bởi sự ra dấu hiệu của hệ thần kinh rằng trên cơ thể ta đang gặp “trục trặc” cần sửa chữa ngay. Cơn đau cho thấy cơ thể của bạn đang hoạt động chưa đúng cách, chúng đang quá tải hoặc đang làm sai nhiệm vụ của mình. Vậy để giải quyết triệt để các cơn đau chúng ta cần đưa cơ thể hoạt động 1 cách đúng chức năng của từng bộ phận, và phương pháp NeuroKinetic Therapy (NKT) sẽ giúp chúng ta làm việc này.
NeuroKinetic Therapy là gì?
NeuroKinetic Therapy (NKT) là phương thức trị liệu bằng tay, kết hợp giữa lý thuyết điều khiển vận động và kiểm tra cơ bằng tay. Cơ sở khoa học của lý thuyết điều khiển vận động chỉ ra rằng Trung tâm điều khiển vận động trong tiểu não lưu trữ tất cả các mẫu hình phối hợp trong cơ thể. Nó được chỉ đạo bởi hệ thống Limbic và tiểu não để không chỉ tạo nên các mẫu hình chuyển động (ví dụ như khi em bé học cách đứng), mà còn tạo ra các mẫu hình chuyển động thay thế khi chúng ta bị thương.
Một thí nghiệm được thực hiện bằng việc dùng EMG đo những khả năng khác nhau của các cơ ở cánh tay trên và cẳng tay để thực hiện chuyển động lật ngửa cẳng tay. Như chúng ta biết, cơ nhị đầu (biceps) là cơ mạnh nhất trong chuyển động lật ngửa cẳng tay. Trong thí nghiệm này, biceps bị ức chế cho yếu đi và các cơ khác của cẳng tay đã được đo xem cơ nào tham gia vào thực hiện việc lật ngửa cẳng tay. Kết quả là brachioradialis thực hiện mạnh nhất. Điều này nói gì với chúng ta? Khi một cơ bị ức chế yếu đi vì bất kỳ lý do nào, thì MCC sẽ tìm một cơ thay thế để thực hiện chức năng của cơ bị ức chế đó. Nếu hình mẫu này được cho phép và duy trì trong trung tâm điều khiển vận động thì việc rối loạn chức năng và các cơn đau sẽ được hình thành sau đó. Vậy làm thế nào chúng ta có thể hoàn tác lại mẫu hình không đúng chức năng đó?
Lý thuyết về điều khiển vận động cho rằng nếu cơ thể không thể thực hiện một chức năng cụ thể nào đó, thì Trung tâm điều khiển vận động thường sẽ mở ra để học cái mới trong khoảng 30 đến 60 giây. Câu hỏi là: “Làm sao để chúng ta giao tiếp với trung tâm điều khiển vận động?”. Kiểm tra cơ bằng tay cho phép chúng tôi tìm được những cơ yếu hoặc rối loạn chức năng trong mối quan hệ với những cơ khác. Trong thí nghiệm ở trên, người làm chuyên môn (Practitioner) Neuro Kinetic Therapy sẽ kiểm tra sức mạnh của brachioradialis và sau đó kiểm tra sức mạnh của biceps. Trong trường hợp này, biceps có kết quả test yếu. Giải toả brachioradialis trong 30-60 giây sau đó kiểm tra lại biceps. Nếu kết quả kiểm tra biceps mạnh lên thì trung tâm điều khiển vận động đã được tái lập trình thành công. Nếu biceps vẫn tiếp tục yếu thì brachioradialis có thể sẽ được giải toả tiếp tục, hoặc cơ khác trong khu vực này có thể cần được giải tỏa. Khách hàng, sau đó, sẽ được hướng dẫn thực hiện bài tập về nhà với việc giải toả brachioradialis, sau đó tập mạnh cho biceps. Concept cơ bản này được áp dụng cho tất cả các cơ và các hình mẫu rối loạn chức năng xuyên suốt cơ thể.
Neuro Kinetic là một phương thức tuyệt vời trong phục hồi chức năng và điều trị bằng tay vì nó không chỉ xác định nguyên nhân gây đau và các rối loạn chức năng, mà còn khắc phục nó rất nhanh và không đau đớn.
Dentsu Redder Impact Academy
Wider perspectives, Richer souls, Better humanity
Nguồn tham khảo:
- Website: www.neurokinetictherapy.com
- Sách: NeuroKinetic Therapy – David Weinstock
- Postural Respiration: An Integrated Approach to Treatment of Patterned Thoraco-Abdominal Pathomechanics. 2000-2016.
- Goldman M, Mead J: Mechanical interaction between the diaphragm and the rib cage. J Appl Physiol 35:2,1973.9.Hodges P, Gandevia S, Richardson C: Contractions of specific abdominal muscles in postural tasks are affected by respiratory maneuvers. J Appl Physiol 83:3, 1997.10.
- Boynton B, Barnas G, Dadmun J, Fredberg J: Mechanical coupling of the rib cage, abdomen, and diaphragm through their area of apposition. J Appl Physiol 70:3,1991.