Đâu là tương lai của dữ liệu marketing?
Chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến lượng dữ liệu marketing khổng lồ như hiện nay. Các nhãn hàng ngày càng có nhiều phương thức tiếp cận khách hàng trực tuyến và thậm chí các phương thức này còn được đẩy mạnh hơn do ảnh hưởng của đại dịch.
Bài viết là quan điểm của ông Otohiko Kozutsumi, CCO và nhà đồng sáng lập của AnyMind Group.
Hiện nay, dữ liệu sơ cấp đóng vai trò vô cùng quan trọng, một phần được thúc đẩy bởi xu hướng kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng và thương mại điện tử (TMĐT). Điều này cũng đồng thời mở ra vô số cơ hội cho các nhà tiếp thị, cụ thể như quyền truy cập vào dữ liệu được lấy từ các trang TMĐT và mạng xã hội... Khối lượng dữ liệu marketing cũng ngày càng nhiều, giúp các nhà tiếp thị đưa ra đề xuất và dự đoán chính xác hơn, ngay cả chỉ với dữ liệu sơ cấp.
Trên thực tế, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của dữ liệu marketing. Nguồn dữ liệu này không chỉ để phục vụ các hoạt động tiếp thị mà còn có ý nghĩa quan trọng với các hoạt động chung của doanh nghiệp.
Data-driven marketing 2.0
Các giao dịch mua hàng trực tuyến ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc các nhà tiếp thị sẽ có nhiều dữ liệu về khách hàng hơn, đặc biệt là về hành vi và hành trình mua hàng.
Các kênh truyền thông và TMĐT thuộc sở hữu của nhãn hàng có thể cung cấp những thông tin chi tiết về hành vi mua hàng cũng như các yếu tố thúc đẩy việc mua hàng thực tế, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa tiếp thị và bán hàng trên cả kênh trực tuyến và kênh truyền thống. Sau đó, những dữ liệu này có thể được sử dụng để sản xuất nội dung truyền thông, lên chiến lược kênh, đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến bán hàng và phát triển sản phẩm.
Giờ đây cũng xuất hiện những kho dữ liệu mới hơn mà các nhà tiếp thị có thể khai thác, chẳng hạn như dữ liệu xung quanh việc giao hàng, thường là điểm tiếp xúc duy nhất giữa doanh nghiệp và khách hàng trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên thương mại trực tuyến. Các nhà tiếp thị có thể khai thác các dữ liệu liên quan đến vị trí của khách hàng (nếu dữ liệu đó chưa có trên cơ sở dữ liệu) để từ đó xây dựng các công cụ, nhắm mục tiêu và hay thực hiện các chương trình ưu đãi hiệu quả hơn.
Sự chuyển dịch sang TMĐT và mua sắm trực tuyến thúc đẩy các nhãn hàng phát triển các phương thức đánh giá sản phẩm, bao gồm các bài review, hoặc các video demo sản phẩm. Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây về hành vi người tiêu dùng trên các kênh TMĐT ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được thực hiện bởi Reprise cho thấy, phương tiện truyền thông xã hội có tác động lớn nhất tới phần lớn khách hàng ở khu vực này. Những đánh giá tốt về sản phẩm chính là động lực hàng đầu và việc không thể trải nghiệm sản phẩm trước khi mua chính là rào cản lớn thứ 3.
Sự lớn mạnh của thị trường sáng tạo nội dung
Hiện nay, người ảnh hưởng cũng như các nhà sáng tạo nội dung có rất nhiều cách để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh việc hợp tác với nhãn hàng hay kiếm tiền qua mạng xã hội, người ảnh hưởng có thể bán các nội dung độc quyền, tạo sản phẩm và thương hiệu riêng, và hơn thế nữa.
Những người ảnh hưởng và sáng tạo nội dung có thể gây tác động đến quyết định mua hàng, và từ đó có thể khiến người hâm mộ mua những sản phẩm mà họ quảng cáo. Thông qua các kênh TMĐT cùng với mạng xã hội, chúng ta có thể tiếp cận với nhiều dữ liệu về khách hàng (người hâm mộ) hơn. Những dữ liệu này có thể được tận dụng để lựa chọn người ảnh hưởng hay lên chiến lược.
Ngoài ra, xu hướng kết nối dữ liệu giữa digital marketing và influencer marketing ngày càng trở nên phổ biến. Điều này giúp các nhà tiếp thị có thêm insight khi lập chiến lược nhắm đối tượng, kích hoạt thương hiệu và hơn thế nữa.
Điều gì đang chờ đợi chúng ta trong tương lai
Trong thời đại nền kinh tế số đang ngày càng phát triển và dữ liệu giữa các phòng ban có xu hướng kết nối với nhau, các nhà tiếp thị sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với các nguồn dữ liệu hơn. Khi dữ liệu được kết nối chặt chẽ với nhau, các nhà tiếp thị sẽ được hưởng nhiều lợi ích và sẽ dễ dàng ra quyết định và lên kế hoạch chiến dịch hơn.
Bên cạnh việc hưởng lợi từ dữ liệu chung, marketing cũng đem đến nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp. Các dữ liệu marketing sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chuỗi cung ứng, quy trình hoạt động và nguồn tài nguyên. Điều này tạo nên lợi ích cộng hưởng cho toàn doanh nghiệp và mỗi phòng ban đều có thể tận dụng những dữ liệu này để hoạt động hiệu quả hơn.