Du lịch “hậu” COVID-19: Đâu là cơ hội cho nhà cung ứng dịch vụ?

Du lịch “hậu” COVID-19: Đâu là cơ hội cho nhà cung ứng dịch vụ?

Việc tái bùng phát các đợt dịch COVID-19 liên tục từ đầu năm 2020 đến nay tại những điểm đến hàng đầu sẽ làm thay đổi thói quen và hành vi du lịch của số đông người Việt Nam.

Trạng thái “bình thường mới” và niềm tin vào “miễn dịch cộng đồng” 

Ngành du lịch từ năm 2020 trở về sau chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách phòng, chống dịch và tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 của Chính phủ. Cho đến khi chính sách vắc-xin được tiêm chủng trên diện rộng toàn quốc, đạt yêu cầu về miễn dịch cộng đồng thì cách thức tổ chức xã hội, phát triển kinh tế và thực hành văn hoá tại Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi, gọi chung là trạng thái ‘bình thường mới’ (New Normal). Dẫn theo trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn giải quan điểm của ông Nguyễn Xuân Phúc – Nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong năm 2020 cho rằng ‘bình thường mới’ là giai đoạn mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tập trung vào thị trường du lịch nội địa vẫn sẽ là chiến lược trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2021, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2025 nếu tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và cực đoan trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo Đổi mới ngành du lịch: Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi như thế nào từ McKinsey, trong năm 2019 khách du lịch Việt Nam chi đến 15,5 tỉ USD cho hoạt động du lịch, kỳ nghỉ nhưng có đến 5,9 tỉ USD đi ra nước ngoài. Đại dịch COVID-19 buộc họ chỉ loanh quanh trong nước và các công ty lữ hành nội địa cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này trong khi viễn cảnh khôi phục du lịch quốc tế còn rất xa vời.

Hệ quả từ sự bùng phát đại dịch COVID-19 kéo dài suốt năm 2020 và chưa có dấu hiệu kết thúc sẽ tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trong hành vi khách du lịch. Quan điểm của Kirsten Weir trong bài viết Grief and COVID-19: Mourning Our Bygone Lives công bố vào tháng 4/2020 chỉ ra rằng số đông người có khả năng cao mắc phải nhiều bệnh tâm lý và sinh lý khi họ chứng kiến sự bùng phát của dịch bệnh, thậm chí tình trạng sức khoẻ ngày càng trở nên giảm sút khi bị bủa vây bởi hàng trăm nghìn tin đồn thất thiệt và sai lệch về dịch bệnh. 

Đặc biệt, những người dễ bị tổn thương về kinh tế lo sợ tột độ về thông tin số lượng ca nhiễm mới, trường hợp tử vong và tình trạng doanh nghiệp buộc đóng cửa hay phá sản bởi diễn biến khó lường từ đại dịch COVID-19 mà truyền thông đưa tin mỗi ngày. Điều này kéo theo ý định cho chuyến đi du lịch, kỳ nghỉ sau dịch sẽ tạm hoãn hoặc huỷ bỏ. Phần chi phí cho chuyến đi đã chuẩn bị từ trước cũng được chuyển đổi sang mục đích mua dự trữ nhu yếu phẩm cần thiết hoặc tiết kiệm cho mục đích an toàn sức khoẻ.

An toàn và tiết kiệm là tiêu chí hàng đầu khi đi du lịch

Nếu có ý định đi du lịch thì an toàn và tiết kiệm là những tiêu chí tiên quyết mà khách Việt Nam đặt lên hàng đầu. Họ sẽ khá e dè trước hoạt động đi du lịch trở lại, mặc dù là địa điểm gần nơi sinh sống. Thậm chí, số đông du khách cho biết không còn khả năng chi trả hay ứng trước một phần chi phí khi đặt tour hoặc dịch vụ du lịch. Xem xét báo cáo, kết quả khảo sát từ lĩnh vực du lịch, có thể nhận thấy sự gia tăng đột biến của nhu cầu đi tự túc một mình hoặc theo nhóm nhỏ để đảm bảo an toàn sức khoẻ cùng những đòi hỏi ưu đãi về giá thành. Vì vậy, các công ty lữ hành, đại lý du lịch trực tuyến cũng cần tận dụng sự phát triển của công nghệ nhằm đơn giản hơn nữa việc lập kế hoạch, chính sách đặt chỗ và linh động thay đổi lịch trình chuyến đi cho du khách. Đồng thời phân phối ra thị trường sản phẩm, dịch vụ riêng lẻ theo hình thức Free & Easy (FNE) và gói dịch vụ liên quan đến COVID-19 như khách sạn cách ly hay hộ chiếu vắc-xin.

Thịnh hành xu hướng “đi du lịch một mình” và gia tăng “trách nhiệm tại điểm đến”

Nhìn theo một góc độ khác, từ mong muốn an toàn trong trạng thái xã hội ‘bình thường mới’ đã thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng phân khúc khách du lịch lựa chọn hình thức đi một mình (Solo Travel). Theo báo cáo ‘Solo Travel: Rising Trend Among Vietnamese Travelers’ do Outbox Consulting phát hành năm 2019, từ thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19 thì thị trường khách du lịch đi một mình đã dần sôi động và tăng nhanh ở độ tuổi 8X, 9X. Họ có thể thực hiện trung bình lên đến 4 chuyến đi trong vòng một năm. Trên thực tế việc đi du lịch một mình không hẳn là duy trì trạng thái đơn độc trong suốt chuyến đi, mà thay vào đó họ có thể đi theo nhóm nhỏ từ vài người trở lại hoặc bổ sung thêm những người bạn đồng hành ngẫu nhiên trên đường đi.

Hiện tại, với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì xu hướng đi du lịch một mình sau đại dịch sẽ lại càng thịnh hành hơn. Du khách có thể lựa chọn cách thức đặt gói dịch vụ du lịch (Combo Du lịch) trong thời gian ngắn từ 1 đến 2 tháng trước chuyến đi nhằm phòng trường hợp buộc phải huỷ vé do điểm đến tái bùng dịch. Những gói dịch vụ du lịch được kết hợp từ nhiều dịch vụ riêng lẻ với nhau như vé xe, vé tàu bay, phòng khách sạn, vé tham quan và dịch vụ khuyến mãi tặng kèm sẽ dễ dàng đáp ứng được các tiêu chí tiết kiệm chi phí, trao quyền tự do khám phá điểm đến, sản phẩm đa dạng và thời gian sử dụng dịch vụ linh hoạt. Thời điểm trước đại dịch COVID-19, khách du lịch Việt Nam thường ưu tiên mua combo du lịch có nhiều dịch vụ bổ sung. Nhưng sau khi hết dịch, họ sẽ chuyển sang mua combo du lịch có giá rẻ với quan điểm rằng các nhà hàng, khách sạn và khu vui chơi giải trí buộc phải giảm giá tối đa để kích cầu trong giai đoạn ‘bình thường mới’. 

Bên cạnh đó, du khách Việt Nam cũng sẽ chú trọng hơn về việc lựa chọn chuyến đi có trách nhiệm (Responsible Tourism) so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Họ quan niệm du lịch trách nhiệm không chỉ gói gọn trách nhiệm bảo vệ an toàn cho bản thân mà còn cho cộng đồng người dân địa phương và môi trường sinh thái tại điểm đến. Hiện tại, nhu cầu du khách không đơn thuần đòi hỏi dịch vụ cơ bản tại nhà hàng, khách sạn như góc nhìn đẹp, thức ăn ngon, dịch vụ sang trọng... mà họ ưu tiên tìm kiếm và trải nghiệm ăn uống tại các hàng quán địa phương hay lựa chọn lưu trú homestay hẻo lánh, resort cách biệt.

Nổi bật là xu hướng tìm kiếm những địa điểm lưu trú biệt lập tại vùng đồi núi hoặc biển đảo với cam kết sử dụng thực phẩm hữu cơ, nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu tối đa lượng rác thải, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương. Thực tế, trong quý I và II năm 2021 kết quả tìm kiếm những chương trình tour, combo du lịch đến Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Đảo ngọc Phú Quốc trên công cụ Google thu về lần lượt khoảng 4 và 17 triệu. Đây là cơ hội đối với nhóm công ty lữ hành nội địa để có thể phối hợp cùng tổ chức quản lý điểm đến (DMO) tập trung vào giải pháp giảm bớt sự lo lắng của du khách và nhạy bén tổ chức những chương trình tour bắt nhịp xu hướng thị trường theo tiêu chí an toàn, thân thiện và linh động.

Một minh chứng cụ thể là trường hợp điểm đến Đà Nẵng đã xây dựng thành công chuyên trang du lịch trên mạng xã hội Facebook có tên Danang FantastiCity thu hút hơn 35 nghìn lượt thích nhằm cập nhật nhanh nhất thông tin, sự kiện nổi bật và tình hình dịch bệnh COVID-19 đến du khách. Năm 2020, sau khi ứng phó thành công đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 2, Danang FantastiCity đã khẩn trương hợp tác cùng ca sĩ Lê Cát Trọng Lý giới thiệu MV ‘Đà Nẵng nhớ bạn – Danang miss you’ nhằm nhắn gửi thông điệp Đà Nẵng vẫn an toàn và gửi lời thương nhớ đến cộng đồng khách du lịch trong và ngoài nước. Kết quả thu về 79,4 nghìn lượt xem và 1,5 nghìn lượt thích trên nền tảng YouTube.

Đến tháng 12/2020, Danang FantastiCity tiếp tục hợp tác cùng JMJ FAMILY giới thiệu MV ‘Đưa em đi – Take you away’ nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến Đà Nẵng lãng mạn, năng động dành cho những cặp đôi trẻ tuổi (thế hệ Millennials và Gen Z). Trên nền tảng TikTok – mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam trong thời gian bùng dịch COVID-19, tài khoản Danang FantastiCity (@danangfantastic) khởi động và có đến 44,5 nghìn lượt theo dõi cùng 366,2 nghìn lượt thích. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các công ty lữ hành và nền tảng du lịch trực tuyến có thể mạnh dạn và dễ dàng mở bán tour, gói dịch vụ du lịch đến Đà Nẵng. Theo đó, dù kiểm soát hay tái bùng dịch COVID-19 tại Đà Nẵng thì hình ảnh điểm đến cũng sẽ duy trì hiện diện trong tâm trí của khách du lịch. Và cơ hội cao khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát du khách sẽ lại lựa chọn du lịch Đà Nẵng vì hình ảnh và thông tin điểm đến luôn được cập nhật liên tục trên mạng xã hội và cả gợi ý từ những công ty lữ hành khéo léo tổ chức tour theo xu hướng thời cuộc.

Tài liệu tham khảo: