Marketer Dentsu Redder
Dentsu Redder

Công ty Cổ phần Quảng cáo Redder Asia

Dentsu Redder Impact Academy: Mang nghệ thuật diễn xuất vào cuộc sống

Dentsu Redder Impact Academy: Mang nghệ thuật diễn xuất vào cuộc sống

“Có phải nghệ thuật diễn xuất chỉ dành cho những diễn viên, những người làm nghệ thuật không?”. Hay “Diễn xuất là nơi mà tất cả chúng ta đều có thể tiếp cận, thực hành, áp dụng vào thực tế và không bị giới hạn?”. 

Bài viết là nội dung chia sẻ của đạo diễn Kathy Uyên tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy. Chị là diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch người Mỹ gốc Việt, người đã hai lần nhận giải Cánh Diều Vàng cho hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” trong phim “Chuyện tình xa xứ” (đạo diễn Victor Vũ, 2009), và “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” trong phim “Âm mưu giày gót nhọn” (2013) – một bộ phim do chị sản xuất và đồng viết kịch bản. 

Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống. Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây

*Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple Podcast và VoizFM

Nhiều người cho rằng diễn xuất là hành động, là nội tâm, là những câu thoại đanh thép được bật ra trong một cảnh phim khiến người xem phải tấm tắc mãi không thôi. Nhưng với chị Kathy, diễn xuất là một sự gói ghém không thừa, không thiếu của tất cả những yếu tố trên, mà trên hết là “ý niệm diễn xuất”. A Conscious Thought (A.C.T – Suy nghĩ có chủ ý) chính là triết lý giảng dạy về diễn xuất của chị Kathy, tức là suy nghĩ của chúng ta làm nền tảng cho khả năng diễn xuất và định hình mức độ diễn xuất.

Nếu nhận biết được suy nghĩ của chính mình, chúng ta có thể tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ, từ đó thay đổi cảm xúc và hành động. Phương pháp A.C.T giúp phân tích từng bước giao tiếp của con người, kiểm soát hành động qua việc theo dõi sự liên kết giữa cảm xúc, hành vi, giọng điệu, lời nói với suy nghĩ nội tâm bên trong. Khi chấp nhận sự thật rằng suy nghĩ tạo nên cảm xúc, hành vi, lời nói và cử chỉ, chúng ta có thể chú ý thay đổi suy nghĩ nhằm tạo ra những cảm xúc, phản ứng và hành vi theo mong muốn.

Điều này hẳn không quá mới lạ với những ai biết đến tâm lý học hành vi, thiền đạo hoặc tôn giáo.

“Watch your thoughts, they become words. Watch your words, they become actions. Watch your actions, they become a habit. Watch your habits, they become character. Watch your character, it becomes your destiny”.

Tạm dịch: Gieo suy nghĩ, gặt lời nói. Gieo lời nói, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận.

Nguồn: Triết học đường phố trích dẫn

Với chị Kathy, suy nghĩ đóng vai trò quan trọng, bởi tưởng chừng như không thể nghe, không thể đọc được nhưng lại có thể cảm được. Mỗi suy nghĩ trong hành động sẽ quy định những “vật thể”, những “khách thể” mà chúng ta “kết nối”, cũng như “chất lượng” của sự kết nối đó. Vì suy nghĩ là một trường năng lượng, nó không chỉ “dẫn động” hành vi, mà còn truyền tải những ý niệm thông qua ánh mắt. Bao lâu rồi bạn chưa thật sự nhìn vào mắt ai đó để truyền tải những điều chôn giấu trong lòng?

Có những lời nói tưởng chừng đơn giản, nhưng thật sự những gì chất chứa trong đó lại to lớn, bao la và vi tế hơn nhiều. Hoặc có những lời nói chỉ như mặt hồ phẳng lặng, mà nếu nhìn vào trong lòng hồ thì không thấy đáy. Trong một khoảnh khắc, ta có thể mất đi sự tập trung từ chính bản thân mình và phía đối phương, chỉ do những điều rất khách quan như đói, khát, mệt hay những luồng suy nghĩ khác. Vậy lúc đó, cái ta trao là suy nghĩ của sự mất tập trung và sự cố gắng quan tâm vốn dĩ đã giảm nửa. Rất khó để tròn vai trong cuộc sống này.

Thật vậy, trong cuộc sống, mỗi người đều phải đóng nhiều vai khác nhau. Nhưng trong mỗi vai diễn, liệu chúng ta có tròn vai hay không? Liệu chúng ta có làm một người yêu, người tình, một người cha, người mẹ, người con như chúng ta tưởng tượng, như kịch bản chúng ta vẽ ra, như kịch bản cuộc đời hay những người thân bạn bè gán cho? Liệu giữa vô vàn ngã rẽ trong cuộc sống, chúng ta có đang nói bằng giọng thật của mình? Hay vẫn dùng chất giọng mà văn hoá và tính cách xã hội quy định, “vốn dĩ người Việt Nam thường được dạy từ nhỏ rằng mình phải hành xử nền nã, theo khuôn phép, nên một cách vô thức, chúng ta hay nói bằng giọng ngực”.

A Conscious Thought (A.C.T – Suy nghĩ có chủ ý) tức là suy nghĩ của chúng ta làm nền tảng cho khả năng diễn xuất và định hình mức độ diễn xuất.

Khi chúng ta nói bằng giọng bụng, chúng ta tìm được nội hàm trong giọng nói, chân thành nhưng cũng đầy sức mạnh. Điều này thì liên quan gì đến “giọng thật” một cách khái niệm và trừu tượng? Có đấy, bạn thử hít một hơi sâu và nói chữ “ha” thật mạnh trong khi hóp bụng lại xem, sảng khoái hơn không nào?

Để diễn tròn một vai diễn và có thể “thành danh” được với vai diễn ấy là điều không hề dễ dàng. Còn nhớ Natalie Portman, với diễn xuất tuyệt vời của bản thân, đã làm khán giả quên mất rằng họ đang xem một bộ phim mà hoàn toàn nhập tâm vào hành trình biến đổi tâm lý của nhân vật Nina. Mới vài phút trước, người xem thấy đó chỉ là một cô gái cứng nhắc, dễ bị chi phối bởi những người xung quanh nhưng khi Nina bước lên sân khấu trong bộ dạng hoá thân thành thiên nga đen, tất cả đều cảm thấy nghẹt thở với từng bước nhảy của cô nàng. Không cần quá đam mê hay hiểu biết về ballet, bạn cũng bị lôi cuốn theo những vòng xoay chuyển đầy đê mê của thiên nga đen. Để diễn trọn một vai, người diễn viên còn phải học sâu sắc hơn về thanh, hình thể, tương tác, cách thức chọn lọc các công cụ ấy để làm nổi bật diễn xuất của chính mình. Nhưng trước hết, chúng ta cần một nền tảng nội tâm, suy nghĩ có chủ đích để chuẩn bị cho việc rèn luyện những “công cụ” ấy.

Diễn viên vốn phải luyện giọng, luyện cử chỉ hành vi, tập thoại… Đối với chị Kathy Uyên, một trong những thách thức lớn nhất của người diễn viên là đi thử vai, bị từ chối, đi về nhưng vẫn tiếp tục con đường này cho đến khi nhận được vai diễn. Đó là công việc, là cái mà người diễn viên phải đương đầu. Còn khi nhận được vai, khi được diễn, mình phải vui, phải đem đến cho mọi người một món quà, một thứ mà mình muốn trao đi và để mọi thứ còn lại là thứ yếu. Như Portman từng nói: “Diễn xuất là một trải nghiệm của niềm vui, đó là kết quả của sự thấu cảm và thử nghiệm. Bạn cần phải thật tự do phóng khoáng để có thể sáng tạo, thử nghiệm những điều mới mẻ và thậm chí gây nên những sai sót, lỗi lầm, đó chính là cách mà tôi đã học tập và trưởng thành”.

Natalie Portman trong Black Swan
Nguồn: pinterest

Những món quà phải chỉn chu, cách trao phải tinh tế, tương tự như việc thử vai phải chuẩn bị hết mức có thể, phải học thoại, tập nhập vai tốt đến mức “không ai khác ngoài tôi”. Như khi đạo diễn phim ‘Chị chị em em’, chị Uyên đã khuyến khích Chi Pu phải trực tiếp trải nghiệm việc bồi bàn để thấu hiểu được vai diễn của mình, để có những “chuỗi suy nghĩ lặp đi lặp lại”, để có những “thói quen" và từ đó “nhập tâm" vào vai diễn. Có thể thấy, nghệ thuật lấy chất liệu từ cuộc đời. Cuộc đời lại càng không thiếu những cảm hứng sáng tạo từ nghệ thuật. Không chỉ người diễn viên hay nghệ sĩ mới có thể “diễn” mà mỗi chúng ta đều có thể trở thành một vai diễn rực rỡ nhất trong cuộc đời của chính mình. Chúng ta có thể sống một cuộc đời tự tin, đầy cảm xúc, thành công và hạnh phúc. Và việc “Suy nghĩ có chủ ý” có thể giúp chúng ta đạt được những điều hằng mong muốn, nếu được áp dụng một cách đúng đắn.

Khi nói về nghề, chị Kathy chia sẻ về sự chuẩn bị cần thiết để có thể làm một diễn viên xuất sắc, tham dự vào những cuốn phim điện ảnh hay ho và để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả thông qua diễn xuất. Một diễn viên giỏi phải có khả năng nhảy từ cảm xúc này qua cảm xúc khác, từ vai diễn này qua vai diễn khác, nhưng việc này phải xuất phát từ những ý niệm chân phương thì mới là “diễn xuất”, chứ không phải “diễn dịch”. Khán giả khi xem phim là xem những khả năng diễn xuất chân phương nhưng sắc sảo đó. Kỹ thuật có thể rèn, nhưng tâm ý phải tập cảm. Nhưng quan trọng nhất, dù có thể có diễn nhiều màu, một người diễn viên phải có cho bản thân một màu rất rõ, rất đặc sắc, rất nổi trội, rất “là họ”. Sau đó họ có thể đem các màu khác phô diễn, để thể nghiệm sự đa tài, hơn là bày ra những gam màu bình bình. 

Nghệ thuật lấy chất liệu từ cuộc đời. Cuộc đời lại càng không thiếu những cảm hứng sáng tạo từ nghệ thuật.

Người ta hay bảo diễn viên diễn ngay cả khi không đứng trên sân khấu. Nhưng có thể bởi vì họ đã có thể trải lòng với những cung bậc cảm xúc khác nhau, rằng khi đã quen sống với những cao trào thì việc thể hiện điều đó trở nên dễ dàng hơn nhiều so với những “diễn viên bình bình" của cuộc sống này. Trong vai bạn đang diễn, à mà bạn đang có bao nhiêu vai? Bạn có nhận ra những vai mà bản thân diễn đang phải chú ý đến những cung bậc cảm xúc nào chưa? Chúng ta sinh ra đều khá đầy với những cảm xúc, nhưng để luyện cho bản thân xứng với vai diễn nào đó mà chúng ta tự tưởng tượng, có thể việc này khiến ta đã lược bỏ đi những thứ mà vai diễn cần. Chúng ta bị cô cứng trong những cảm xúc đó.

Tuy thử vai, nhập vai và diễn xuất là công việc chính yếu của một diễn viên, hay việc tìm chất liệu, lên kịch bản và trau chuốt các câu thoại, các phân cảnh và việc của nhà biên kịch… thì như bao người khác, diễn viên cũng phải đưa ra những thứ tự ưu tiên giữa các vai diễn, nhất là đối với vai diễn trong cuộc đời. Việc này rất quan trọng, nhất là với các diễn viên trẻ mới tham gia vào ngành và có những ước vọng cao đẹp. Chị Kathy cũng từng trải lòng về việc “quản lý” vai diễn cuộc đời trong những lần phỏng vấn với báo chí.

Chị cho biết: “Tôi trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm trong nghề. Nhiều lần tôi không thể về thăm gia đình trong những dịp quan trọng vì phải dành thời gian để viết kịch bản và chuẩn bị cho phim. Đôi khi, tôi hối hận vì bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc bên người thân. Nhưng tôi thấy cuộc sống không có gì miễn phí, luôn có một cái giá phải trả. Tôi biết ơn bố mẹ và em gái đã khuyến khích tôi không bao giờ bỏ cuộc. Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, năm 27 tuổi mới trở lại Việt Nam. Có những lúc tôi cảm thấy thuộc về nơi này nhưng cũng có lúc nhận ra sự khác biệt quá lớn. Đôi khi tôi nghi ngờ liệu quyết định ở lại Việt Nam làm việc là đúng hay sai. Nhưng rốt cuộc, niềm đam mê tiếp thêm năng lượng và sự tự tin cho tôi. Tôi không thể làm được phim ‘Chị chị em em’ nếu không yêu công việc và không có ekip hỗ trợ, thấu hiểu”.

Poster buổi chia sẻ
Nguồn: Dentsu Redder


Trong một lần phỏng vấn, khác với nhiều người tưởng tượng về cuộc sống xa hoa của chị, chị chia sẻ rằng trong suốt hơn mười năm vừa qua, “những hoạt động chính của chị thường sẽ là ăn, ngủ, viết kịch bản, làm phim, đóng phim, sản xuất”. Thế mới biết, khi đã ưu tiên diễn tròn vai diễn, nhiều vai diễn trong đời, thì đó là thứ duy nhất mà chúng ta phải dành thứ tự ưu tiên cao nhất.

Với chị, mong muốn được “sống” trong những vai diễn, được sáng tạo, được làm nghệ thuật đã đem tới nguồn động lực và nguồn năng lượng để biến một người chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành [diễn viên, huấn luyện viên diễn xuất, nhà sản xuất và đạo diễn] lại trở thành người nắm giữ vai trò đó. “Tất cả mọi thứ bắt đầu với một mong muốn đơn giản – được diễn xuất, được tự tin đứng trước mặt người đối diện”, chị chia sẻ “có một thứ mà Kathy thấy quan trọng hơn nhiều, đó là thông điệp mà mình muốn truyền tải. Vai trò đạo diễn và huấn luyện viên diễn xuất cho Kathy cơ hội tạo ra và chia sẻ những thông điệp quan trọng với bản thân, có thể truyền cảm hứng và tạo ra ảnh hưởng tích cực”.

Trong phần trả lời các câu hỏi của người tham dự, chị hé lộ rằng bản thân đã “giữ lại những gì tinh tuý nhất” của những vai mà chị từng diễn để xây dựng cho một “Kathy” bên ngoài màn ảnh. Nhiều người vẫn nghĩ, nghệ thuật diễn xuất chỉ dành riêng cho sân khấu và điện ảnh. Nhưng nếu đã từng gặp và trò chuyện với Kathy Uyên ngoài đời thật, bạn sẽ thấy khái niệm diễn xuất rộng lớn hơn khuôn khổ của sàn diễn hay màn ảnh. 

Nghệ thuật diễn xuất cũng là nghệ thuật sống. Mọi thứ trong diễn xuất đều có thể áp dụng cho cuộc sống. Diễn xuất là triết lý sống, là nghệ thuật giải phóng hoặc kiểm soát cảm xúc và tâm trí thông qua giọng nói và cơ thế. Do đó, nghệ thuật diễn xuất có thể giúp ích cho cuộc sống rất nhiều. Khi ta hiểu những gia vị cơ bản của sự kết nối giữa người và người, ta có nhận thức rõ ràng về suy nghĩ của bản thân, và ta có thể xây dựng chuỗi suy nghĩ để đánh thức những cảm xúc và sự kết nối như mong muốn. Ta hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của đối phương dưới những cuộc đối thoại và va chạm hàng ngày, từ đó phát triển những mối quan hệ sâu sắc, coi trọng khoảnh khắc hiện tại với người khác.

 

Kết thúc buổi chia sẻ, chị Kathy nhắc lại toàn bộ những đại ý quan trọng của việc diễn xuất và phương pháp “Suy nghĩ có chủ ý” (A.C.T), đồng thời nhắn gửi đến người tham dự rằng hãy sống và thu thập những chất liệu quan trọng từ đó để không chỉ trở thành nhân vật tốt nhất trên màn ảnh, trên sân khấu mà còn trong chính cuộc đời của mình. 

Dentsu Redder Impact Academy
Wider Perspectives, Richer Souls, Better Humanity