Marketer Dentsu Redder
Dentsu Redder

Công ty Cổ phần Quảng cáo Redder Asia

Dentsu Redder Impact Academy: Bản sắc trong phim Việt: Đậm hay Nhạt?

Dentsu Redder Impact Academy: Bản sắc trong phim Việt: Đậm hay Nhạt?

Có một sức hút đặc biệt khi chúng ta tìm tòi về bản sắc Việt thông qua lăng kính phim ảnh. Để có thể đi sâu vào đề tài này, chúng ta cần biết rằng có nhiều góc nhìn về căn tính Việt, bản sắc Việt và thang đo đánh giá đậm nhạt.

Bài viết là nội dung chia sẻ của nhà báo Lê Hồng Lâm tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy. Anh là một nhà phê bình điện ảnh có tiếng với khán giả Việt, đồng thời là tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu điện ảnh như ‘Cánh chim trong gió’, ‘Sự lưỡng nan của tình thế làm người’, ‘101 bộ phim Việt Nam hay nhất’ và mới đây nhất là ‘Người tình không chân dung’.

Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống. Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây

*Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple Podcast và VoizFM

Trước hết, nói về căn tính Việt, nhiều công trình nghiên cứu – như ‘Việt Nam Sử Lược’ (Trần Trọng Kim), ‘Xã Hội Việt Nam’ (Lương Đức Thiệp) – hay các công trình về tập quán người Việt của Phan Cẩm Thượng đều đưa ra nhiều góc nhìn và các cách giải thích khác nhau – từ góc độ lịch sử, địa lý, văn hoá cho sự hình thành căn tính Việt. Nhìn chung, các phim điện ảnh hiện nay tuy đã cố gắng mang vào các hình ảnh và hình tượng để biểu đạt cho căn tính Việt, bản sắc Việt, nhưng vẫn chưa thể đem đến những phong vị quyến rũ và sâu sắc cho khán giả. Đa phần, những biểu đạt của căn tính Việt trong phim được cho là chỉ mới chạm đến các yếu tố bề mặt. Sự vay mượn các yếu tố ngoại lai vẫn còn nhiều và chưa được tinh chỉnh để thổi vào đó hồn Việt, hoặc những hình ảnh và hình tượng trong phim có thể quá quen thuộc nên chưa đem lại sự mới mẻ cho khán giả.

Nhìn vào dòng chảy lịch sử điện ảnh Việt Nam trong hơn 70 năm qua, thông qua những bộ phim tiêu biểu, người xem có thể khái quát lên những giai đoạn nổi bật của lịch sử, văn hoá, xã hội và con người Việt Nam qua từng giai đoạn.

 

Trước năm 54

Điện ảnh Việt Nam đã được manh nha trong những năm 30-40 của thế kỷ trước, nhưng hầu hết là thất bại và non yếu về mặt kỹ thuật cũng như kể chuyện. Cho đến khi bộ phim tâm lý lãng mạn ‘Kiếp hoa’ được phát hành vào năm 1953.

‘Kiếp hoa’ mang dáng dấp của một câu chuyện tình ủy mị và ngang trái, gần với những vở cải lương mà đoàn hát Kim Chung thường diễn thời đó. Kịch bản của ông bầu Trần Lang cũng lấy cảm hứng từ những vở kịch mà ông là soạn giả.

Chất lãng mạn, trữ tình của bộ phim còn được thể hiện qua những bản nhạc nổi tiếng đương thời như ‘Cây đàn bỏ quên’ (Phạm Duy), ‘Làng tôi’ (Chung Quân), ‘Nhạc đường xa’ (Phạm Duy Nhượng) và đặc biệt là ca khúc ‘Dư âm’ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Ca khúc Dư âm

Chiến tranh Việt Nam 1954-1975

Đây là một giai đoạn quan trọng khi những bộ phim được làm ra nhằm phản ánh trực tiếp không khí khốc liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam. Điểm chung của các bộ phim là đều mang hơi hướng tuyên truyền.

Một thế hệ đạo diễn trẻ được đào tạo tại Pháp trước 1954, tại Liên Xô, hay tại khoá 1 trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam trong những năm chiến tranh – như Phạm Kỳ Nam, Hải Ninh, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, Mai Lộc… – đã trở thành lực lượng sáng tạo nòng cốt cho điện ảnh giai đoạn này.

Chất sử thi và anh hùng ca còn được thể hiện qua một loạt phim tiêu biểu của giai đoạn này như: ‘Chung một dòng sông’, ‘Con chim vành khuyên’, ‘Nổi gió’, ‘Chị Tư Hậu’, ‘Vĩ tuyến 17 ngày và đêm’, ‘Em bé Hà Nội’, ‘Đường về quê mẹ’…

Âm hưởng chiến tranh kéo dài

Đạo diễn Nguyễn Hồng Sến (trái) và đạo diễn Hải Ninh
Nguồn: VnExpress

Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975, nhưng âm hưởng của cuộc chiến này vẫn tiếp tục được thể hiện trong một loạt phim được sản xuất sau chiến tranh kéo dài suốt trong thập niên 80. Âm hưởng anh hùng ca tiếp tục là mạch chủ đạo của điện ảnh giai đoạn này, với một tên tuổi nổi bật là đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Chất anh hùng ca bi tráng, vẻ đẹp hào sảng và hồn nhiên của người dân Nam Bộ được ông thể hiện qua “bộ ba” phim tiêu biểu nhất của giai đoạn đó là: ‘Mùa gió chướng’, ‘Mùa nước nổi’ và đặc biệt là ‘Cánh đồng hoang’ – phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên đoạt giải cao nhất tại LHP Moscow năm 1980.

Cũng trong giai đoạn này, dù vẫn phản ánh cuộc chiến và tinh thần anh hùng dân tộc, một số bộ phim đã mang tính chất giải trí như Ván bài lật ngửa & Biệt động Sài Gòn – những cột mốc của điện ảnh Việt Nam đến nay vẫn chưa có bộ phim nào vượt qua được.

Hậu chiến (1980s-2000s)

Chiến tranh đã qua đi gần 10 năm, âm hưởng anh hùng ca mới dần lùi xa để nhường bước cho những bi kịch, những vết thương mưng mủ của thời hậu chiến.

Đây là thời điểm mà các đạo diễn bắt đầu thay đổi cái nhìn về thời cuộc và con người Việt Nam. Thay vì “chúng ta”, họ nói về “cái tôi”, thay vì “tuyên truyền và ca ngợi”, họ bắt đầu phản biện cuộc sống và những vấn đề nhức nhối trong xã hội sau cuộc chiến.

Đạo diễn tiêu biểu nhất và đạt được nhiều thành tựu nhất trong giai đoạn này là Đặng Nhật Minh, một “auteur” hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam khi ông hướng ống kính vào những thân phận nhỏ bé, đặc biệt là người phụ nữ. ‘Thị xã trong tầm tay’, ‘Cô gái trên sông’ và đặc biệt là ‘Bao giờ cho đến tháng Mười’ là bộ ba phim thành công nhất của Đặng Nhật Minh trong giai đoạn này.

Những cảnh trong phim ‘Bao giờ cho đến tháng Mười’ 
Nguồn: Sachhay24

Những bi kịch hậu chiến tiếp tục kéo dài sang thập niên 90 và thậm chí đầu những năm 2000 qua các bộ phim như: ‘Đời cát’ (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), ‘Cỏ lau’ (Vương Đức), ‘Ngã ba Đồng Lộc’ (Lưu Trọng Ninh), ‘Ai xuôi vạn lý’ (Lê Hoàng) hay ‘Sống trong sợ hãi’ (Bùi Thạc Chuyên)…

Giai đoạn bao cấp & Kinh tế thị trường

Cũng trong giai đoạn hậu chiến kéo dài tới những năm 90, một số đạo diễn bắt đầu khai thác đến những đề tài mang tính xã hội.

Một Hà Nội và miền Bắc trong không khí bao cấp tù đọng được thể hiện tinh tế qua hai bộ phim ‘Hà Nội mùa chim làm tổ’ (đạo diễn Đức Hoàn) và ‘Chuyến xe bão táp’ (Trần Vũ).

Một xã hội đảo lộn các giá trị đạo đức và bị đồng tiền chi phối trong thời đầu của nền kinh tế thị trường được thể hiện qua các bộ phim như ‘Tướng về hưu’ (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), ‘Thương nhớ đồng quê’ (Đặng Nhật Minh).

Một số khác thì quan tâm đến thân phận con người qua sự tác động của lịch sử và xã hội, những con người nhỏ bé dường như bị lãng quên như trong: ‘Mùa ổi’ (Đặng Nhật Minh), ‘Chung cư’ (Việt Linh), ‘Trăng nơi đáy giếng’ (Nguyễn Vinh Sơn), ‘Tâm hồn mẹ’ (Nhuệ Giang)…

Dòng phim hồi cố văn hoá của đạo diễn Việt kiều

Đạo diễn Trần Anh Hùng
Nguồn: VTV

Thập niên 90, điện ảnh Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi và khởi sắc thông qua một số bộ phim mang hương vị “ngoại lai” (exotic) của các đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim.

Đạo diễn Trần Anh Hùng, một Việt kiều Pháp, đã tạo được nhiều dấu ấn mạnh mẽ nhất qua “tam bộ” (trilogy) phim về đề tài Việt Nam của anh là: ‘Mùi đu đủ xanh’ (1993), ‘Xích lô’ (1994) và ‘Mùa hè chiều thẳng đứng’ (2000). Điện ảnh với Trần Anh Hùng là “nghệ thuật đeo mặt nạ” và “phải tạo tiếng vang về mặt hình ảnh”, nên anh không quá chú trọng đến tính thời cuộc hay xã hội trong các bộ phim của mình. Và điện ảnh của anh là một điện ảnh giàu chất thơ.

Một vài đạo diễn Việt kiều khác cũng tạo được dấu ấn qua những bộ phim mang màu sắc hồi cố văn hoá như: ‘Ba mùa’ (Tony Bùi), ‘Mùa len trâu’ (Nguyễn Võ Nghiêm Minh) hay gần đây là ‘Song lang’ (Leon Quang Lê)…

Phim thể nghiệm nghệ thuật của các đạo diễn trong nước

Dòng phim của các đạo diễn Việt kiều, mà ảnh hưởng tiêu biểu nhất là Trần Anh Hùng, đã tác động đến phong cách làm phim thể nghiệm nghệ thuật của một số đạo diễn thế hệ mới của điện ảnh Việt Nam như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hoàng Điệp. Các bộ phim của họ đề cập đến những vấn đề của xã hội đương đại, nhưng thông qua một ngôn ngữ điện ảnh mang tính ẩn dụ nhiều hơn là kể chuyện như các đạo diễn thế hệ trước.

‘Bi, đừng sợ’ (Phan Đăng Di) và ‘Chơi vơi’ (Bùi Thạc Chuyên) đã cho thấy nhiều dấu hiệu của dòng phim “art-house”, giàu tính độc lập, thể nghiệm với những ẩn dụ và biểu tượng được sử dụng tinh tế, ngôn ngữ biểu đạt vừa trần trụi, thô ráp lại vừa đầy chất thơ. ‘Đập cánh giữa không trung’ (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) là sự tiếp nối chủ đề về việc thăm dò bản năng nữ giới, hay sự bất lực của nam giới trong một xã hội Việt Nam đương đại vẫn nặng thành kiến “trọng nam khinh nữ” và phụ nữ vẫn chịu nhiều lệ thuộc vào đàn ông.

Giai đoạn phim giải trí của thời phim “mì ăn liền” và hiện nay

Dòng phim giải trí của điện ảnh Việt Nam chỉ thực sự được chú trọng trong những năm đầu thập niên 90 và phát triển chủ yếu tại miền Nam, với sự nở rộ của loạt phim thời đầu như ‘Vị đắng tình yêu’, ‘Vĩnh biệt mùa hè’, ‘Nước mắt học trò’…

Poster buổi chia sẻ
Nguồn: Dentsu Redder

Thuật ngữ dòng phim “mì ăn liền” – để chỉ những bộ phim “đánh nhanh, thắng nhanh” của điện ảnh Việt Nam cũng chính thức được khai sinh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, vì tính chất “ăn xổi”, dòng phim này chết yểu vào cuối thập niên 90.

Năm 2003, với thành công bất ngờ của Gái nhảy (đạo diễn Lê Hoàng), dòng phim giải trí bắt đầu hồi sinh trở lại với các đạo diễn trẻ tiếp nối như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, hay một số đạo diễn Việt kiều thế hệ mới như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Hàm Trần.

Dòng phim giải trí hiện đang giữ vai trò chủ lực của điện ảnh Việt Nam với một số bộ phim lập kỷ lục doanh thu như ‘Em là bà nội của anh’ (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh), ‘Em chưa 18’ (Lê Thanh Sơn), ‘Tháng năm rực rỡ’ (Nguyễn Quang Dũng). Tuy nhiên, số phim thành công chỉ chiếm con số rất nhỏ so với hàng chục bộ phim giải trí chết yểu mỗi năm tại phòng vé.

Không thể phủ nhận rằng điện ảnh Việt Nam trong quá khứ, với sự đa dạng về chủ đề, cách thức thể hiện, ngôn ngữ điện ảnh hàm chứa trong từng thước phim, cùng với sự dấn thân và niềm đam mê đã đem lại một sức quyến rũ vượt thời gian. Sự đa dạng trong chủ đề và bối cảnh của các bộ phim trong quá khứ đã không được kế thừa và phát huy một cách trọn vẹn. Sự đứt gãy trong dòng chảy phim Việt khiến việc tạo dựng kịch bản, thổi hồn và thể hiện các hình tượng đậm căn tính Việt chưa được phát huy đến tột cùng. Các bộ phim chạy đua trong phòng vé ngày nay tuy thành công về mặt thương mại nhưng phần nào đã đánh mất những sự đặc sắc nêu trên.

Điện ảnh Việt Nam dường như luôn trải qua những sự quá độ. Chúng ta thiếu một mối nối xuyên suốt để có thể kế thừa những giá trị cũ, và từ đó đưa phim ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới. Những tác động ngoại lai nếu không được xử lý khéo, sẽ tạo ra cảm giác như xem một nước nào đó khác làm phim về người Việt, xã hội Việt chứ không phải thực chất là phim Việt. Để có thể “vay mượn” những điều hay và chuyển hoá chúng thành những điều đậm chất Việt, phim cần cái hồn và sự lồng ghép tinh tế của những chi tiết, những hình tượng rất đắc. Hiện nay, các nước Châu Á (như Hàn, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan...) cũng đang dần dần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá.

‘Tháng năm rực rỡ’ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lập kỷ lục doanh thu
Nguồn: Dân Việt

Đối với những tác phẩm chuyển thể từ chất liệu văn chương, sân khấu cần nhận thức rõ sự khác nhau giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ điện ảnh. Tuy nhiên, việc chuyển thể này sẽ giúp cho “tác phẩm” có một cuộc sống mới, giữ được linh hồn nhưng tiếp cận với nhiều phân khúc khán giả hơn, và có thể đem lại sự tươi mới, hay góc nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn. Việc của biên kịch và đạo diễn là giữ được tinh thần của tác phẩm, nhưng thổi thêm vào đó sự sáng tạo, ngôn ngữ điện ảnh và nghệ thuật kể chuyện như cách Nguyễn Nghiêm Minh đã làm với 'Mùa len trâu'. Ông đã đã biến nước thành một nhân vật câm lặng, một nhân vật quan trọng để chứng kiến, để tác động và kết nối các yếu tố đặc sắc.

Các đạo cụ, âm thanh, hình ảnh, và tất cả những gì hiển hiện trong thước phim, đều có thể mang một dụng ý của đạo diễn và biên kịch. Đó là sự thành công hay thất bại của một kịch bản và một bộ phim xuất sắc. Minh chứng hùng hồn nhất là bộ phim ‘Ký Sinh Trùng – Parasite’ (2019), “Han Ji-won bỏ nhiều tháng để gặp gỡ những người làm nghề giúp việc, gia sư, tài xế và trò chuyện với họ. Anh đến thăm, chụp ảnh, quay video clip khu dân cư thuộc tầng lớp thu nhập thấp và cả giàu có quanh Seoul. Từ khối tư liệu khổng lồ, Han Ji-won xây dựng 3 phiên bản kịch bản khác nhau dưới sự nhận xét, điều chỉnh từ phía Bong Joon-ho sau nhiều lần thảo luận”.

Một cảnh trong phim ‘Ký Sinh Trùng – Parasite’
Nguồn: newyorker

Có một sự khác biệt thú vị giữa phim Miền Nam và Miền Bắc, theo quan sát cá nhân của anh Lâm, đó là dường như Miền Bắc nổi tiếng về phim truyền hình hơn, còn Miền Nam thì lại trội hơn ở mảng phim điện ảnh. Nhưng nhìn chung, người Việt luôn yêu quý phim Việt, chỉ có điều phim Việt có thể chưa đủ xuất sắc để giữ chân khán giả Việt.

Mặt khác, khi bước chân ra thế giới, căn tính và bản sắc Việt chưa được đậm đà và đặc sắc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để có thể tạo ra dấu ấn riêng biệt, khiến khán giả thế giới bị “dính chặt” vào “món ăn” này. Đơn cử, điện ảnh Hàn Quốc thể hiện được bộ mặt điện ảnh hiện đại, từ đó thể hiện con người, xã hội, căn tính, bản sắc và dân tộc tính. Chưa dừng lại ở đó, điện ảnh Hàn Quốc còn biểu đạt được những tác động bên ngoài và những thay đổi diễn ra thế nào thông qua ngôn ngữ điện ảnh của bản thân nó, chứ không vay mượn hay kể lể (show don't tell).

Còn về người Việt và điện ảnh Việt, một giả thuyết cho rằng địa lý quốc gia của ta có nguồn tài nguyên vừa phải, không nghiêng về phía cực đoan, nên con người và khẩu vị cũng vừa phải. Do đó, chúng ta thường thích các đề tài hiện thực, tâm lý xã hội, tình cảm gia đình hơn là những thứ giả tưởng (fantasy), dù rằng thần thoại vẫn được chấp nhận và là một phần của văn hoá. Một điểm nữa là điện ảnh Việt Nam cũng thể hiện tính nữ rất rõ qua các phim về người chị, người mẹ, hình tượng người phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử điện ảnh.

 

Thay lời kết

Vậy làm thế nào để thưởng thức phim điện ảnh? Làm thế nào để thật sự cảm được dòng chảy của căn tính Việt thông qua điện ảnh?

Những thước phim điện ảnh không chỉ là ngôn ngữ điện ảnh. Trong đó còn chứa đựng những ước mơ, văn hoá, tâm tư, suy nghĩ, cách hành xử, yếu tố vùng miền và những sự biểu đạt của triết lý, nên phải tiếp cận từ nhiều góc độ, nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể cảm được và hoà vào dòng chảy, và từ đó tìm ra căn tính Việt.

Mặt khác, chúng ta phải tìm về với những giá trị đích thực, tìm ra được cách thể hiện, cách kể chuyện (story telling) để biểu đạt cho những giá trị, bản sắc của căn tính Việt mà chạm đến trái tim của khán giả hơn là những hình ảnh bề mặt. Những giá trị vô hình cần một cách biểu đạt thông qua sự sắp xếp có dụng ý trong từng cảnh phim, trong suốt cuốn phim. Và thường chỉ có 1 cách, đó là tình yêu và sự dấn thân, như những con người đã đạp xe đạp hơn 500 cây số trong ‘Vĩ tuyến 17 ngày và đêm’.

Và đây sẽ là thứ khiến chúng ta suy nghĩ mỗi lần bước ra rạp, xem phim Việt.

Dentsu Redder Impact Academy
Wider Perspectives, Richer Souls, Better Humanity

Nguồn tham khảo và một số thông tin thêm:

Về anh Lâm – Phỏng vấn & sách:

 Ghi chú: Trong khuôn khổ của Recap, chúng tôi xin phép sử dụng các nội dung từ nguồn Internet để làm phong phú hơn về nội dung và thông tin.