3 xu hướng chính được áp dụng trong chiến lược video ngắn marketing
Theo báo cáo của IAB về chi tiêu quảng cáo toàn cầu năm 2020, quảng cáo video chiếm 18,7% tổng thị phần, doanh thu tăng 20% so với năm trước và đạt 26,2 tỷ USD, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Hơn nữa, kể từ khi TikTok xuất hiện vào năm 2017, xu hướng video ngắn đã nhanh chóng lan toả trên thế giới, đặc biệt là đối với cộng đồng Gen Z. Dĩ nhiên, cả Instagram và YouTube không thể bỏ lỡ cơ hội này khi các bên trong năm 2020 đều cho ra mắt tính năng quay video ngắn.
Qua đó, nội dung video ngắn ngày càng quan trọng hơn trong lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số, nhiều doanh nghiệp đang tận dụng sức mạnh của hình thức này cho những chiến lược định vị thương hiệu, nhanh chóng đạt được kết nối cảm xúc của người dùng và thương hiệu.
Vì sao thương hiệu nên tập trung phát triển nội dung video?
Ngày càng nhiều thương hiệu lựa chọn video làm chất liệu quảng cáo, hoặc nội dung tiếp thị trên mạng xã hội trong các chiến lược tiếp thị số hiện nay. Xu hướng này chủ yếu xuất phát do mức độ tập trung xem quảng cáo của người dùng đã giảm, khiến thời lượng thu hút sự chú ý của đối tượng đối với quảng cáo bị rút ngắn đi.
- 72% người tiêu dùng có xu hướng thông qua video (hơn là text) để tìm hiểu về một sản phẩm/ dịch vụ mới. Video giúp truyền tải thông điệp hoặc tính năng của sản phẩm/ dịch vụ một cách sinh động, trực tiếp hơn.
- 54% người tiêu dùng mong muốn thấy được nội dung video của thương hiệu. Khi người tiêu dùng quan tâm đến một thương hiệu cụ thể thì hơn một nửa trong số họ sẽ mong đợi những nội dung video thú vị liên quan đến thương hiệu ấy. So với quảng cáo dạng tĩnh như text ads, image ads… thì video ads sẽ có thể nhanh chóng khơi dậy sự quan tâm của người tiêu dùng hơn.
- 93% marketers đều đã từng đăng tải video trên mạng xã hội để thu hút khách hàng. Nội dung video của thương hiệu được sử dụng như là material trong các quảng cáo kỹ thuật số, hoặc được đăng tải trên website, social media… Trong số đó, đa số thương hiệu đều sử dụng social media là nơi thể hiện giá trị sản phẩm của chính họ thông qua những nội dung video, nhằm thu hút khách hàng một cách hiệu quả.
- Trên nền tảng social media thì loại bài đăng có sử dụng video dễ dàng thu hút người xem hơn. Trong tất cả loại hình bài đăng thì video có hiệu suất nổi bật nhất, với lượt xem trung bình hơn 48%; trên Instagram thì tỷ lệ tương tác của video đã tăng 49% so với các bài đăng thông thường. Bên cạnh đó, video cũng thuận tiện hơn trong việc lan toả và phổ biến, mọi người thường có xu hướng chia sẻ video nhiều hơn so với những loại hình khác.
Dựa vào những số liệu trên có thể thấy video là hình thức không thể thiếu trong việc xây dựng thương hiệu, còn là vũ khí lợi hại giúp tăng cường kết nối thương hiệu sản phẩm/ dịch vụ với người tiêu dùng.
Trong hình thức video thì video ngắn lại có ưu thế nổi trội hơn?
Vì thời gian chú ý ở thế hệ Z chỉ còn kéo dài từ 5-6 giây, nên các thương hiệu cần phải suy nghĩ kỹ càng bố cục nội dung của video để trong thời gian ngắn nhất có thể kể câu chuyện một cách cuốn hút người xem. Cũng chính vì thấy được xu hướng này, YouTube vào năm 2016 đã tung ra Bumper Ads (quảng cáo đệm) – loại video quảng cáo kéo dài 6 giây mà người xem không thể bỏ qua; theo báo cáo của Google được thực hiện vào năm 2017, trong tổng 122 chiến dịch bumper ads, có đến 70% đã thúc đẩy mức độ nhận biết thương hiệu, với mức tăng trung bình là 9%.
Mặt khác, theo báo cáo ghi nhận của Facebook thì quảng cáo 6 giây có Impressions (số lượt hiển thị) nhiều hơn 11% so với những quảng cáo khác, ROAS (doanh thu dựa trên chi phí quảng cáo) tăng 12%, video completion rate (tỷ lệ hoàn thành video) cao hơn so với những quảng cáo khác là 271%.
Video ngắn hứa hẹn sẽ là loại hình quảng cáo cốt lõi nhờ vào 3 số liệu xác nhận sau đây:
- 68% người dùng sẽ thích xem video doanh nghiệp kéo dài trong vòng 1 phút
- 49% video doanh nghiệp kéo dài dưới 1 phút
- 66% quảng cáo video kéo dài dưới 30 giây
Không chỉ để phục vụ cho mục đích quảng cáo, các thương hiệu có thể tận dụng các nền tảng video ngắn để tăng cường giao tiếp với người tiêu dùng một cách sinh động, nhanh chóng và hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh/ mức độ nhận biết thương hiệu.
Ai sẽ là kẻ có được miếng bánh to nhất trong thị phần video ngắn?
TikTok – nền tảng video ngắn với thời lượng tối đa 1 phút, đã chính thức cán mốc 3 tỷ lượt tải về trên toàn thế giới, phổ biến trên 150 quốc gia với hơn 75 ngôn ngữ và đã có hơn 690 triệu người sử dùng thường xuyên mỗi tháng (tính đến tháng 7/2020). TikTok có đến 69% người dùng trẻ trong độ tuổi từ 13-24, trong khi Facebook thì ngược lại khi có đến 70% người dùng trên 25 tuổi; mặc dù Instagram cũng được giới trẻ yêu thích nhưng độ tuổi người dùng phần lớn đều nằm trong khoảng từ 25-44.
Nhằm giúp nền tảng tránh đi “sự lão hoá” và thu hút sự tham gia của người dùng thế hệ trẻ, các nền tảng đã tung ra tính năng quay video ngắn để cạnh tranh với TikTok, điển hình là:
1. Instagram Reels
Reels ra mắt lần đầu tiên vào tháng 8/2020, nay đã có mặt trên 80 quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật, Brazil, Việt Nam…
Reels cho phép người dùng tạo ra video ngắn 15s hoặc 30s, kết hợp với những công cụ như text, nhạc nền, hiệu ứng, sticker, countdown, timer... Sau đó, người dùng có thể chọn chia sẻ video Reels ấy lên feed cá nhân hoặc Stories, những video Reels được đăng tải trên Instagram cũng sẽ hiển thị trong kho video Reels.
Ngoài ra, vào tháng 5/2021 Instagram đã giới thiệu tính năng Insight for Reels hiển thị các chỉ số như Accounts Reached, Likes, Comments... nhằm giúp nhà quảng cáo và creators có thể hiểu rõ hơn và đánh giá hiệu suất trên nền tảng này. Qua đây, ta có thể thấy rõ sự quyết tâm của Instagram trong việc chinh phục mảng thị trường video ngắn.
2. YouTube Shorts
YouTube với 2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, đã ra mắt tính năng quay video ngắn YouTube Shorts vào tháng 9/2020.
Shorts ban đầu được thử nghiệm ở thị trường Mỹ, Ấn Độ, nay bản beta đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Người dùng có thể tải lên Shorts các video ngắn có thời lượng trong vòng 60s, dùng Shorts để tạo ra một video ngắn 15s.
Theo báo cáo của công ty mẹ Alphabet vào tháng 4/2021, tuy Shorts vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng lượt view mỗi ngày trên nền tảng này đã tăng đáng kể từ 3,5 tỷ (cuối năm 2020) lên 6,5 tỷ.
Cả Reels và Shorts đều là những loại sản phẩm có tính tương đồng cao với TikTok, liệu chúng có đủ sức hấp dẫn khiến người dùng chuyển qua sử dụng không? Điều này sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tính năng, thuật toán, giao diện… có làm thoả mãn được sức sáng tạo của creators để tạo ra những video ngắn thú vị, hấp dẫn và lôi kéo người xem/ chia sẻ. Chẳng hạn:
- Giao diện
- TikTok khiến người dùng chìm đắm trong thế giới video ngắn khi bật app lên, mỗi lúc trượt xuống thì sẽ có video đề xuất khác hiện lên và cộng thêm chế độ fullscreen “gây nghiện” và không thể dừng lại.
- Đối với Reels và Shorts, người dùng phải trải qua vài bước mới có thể đi vào thế giới video ngắn. Hơn nữa, cả hai tính năng không phải là một ứng dụng chuyên biệt như TikTok, mà được tích hợp trên nền tảng có sẵn (Instagram, YouTube) nên có thể là một điểm trừ đối với những đối tượng ưa thích tiếp cận một thể loại nội dung hơn là nhiều thể loại.
- Thuật toán
- Thuật toán For Your Page của TikTok hoạt động dựa trên các tương tác của người dùng (ai và loại nội dung tương tác, thời lượng tương tác) thông tin video (các hashtag và bài hát tương tác) và cài đặt tài khoản (ngôn ngữ và vị trí thiết lập). Cũng chính vì thế mà nội dung video được người dùng tạo ra dễ lan truyền hơn nhiều so với Reels.
- Trong khi thuật toán Reels sẽ ưu tiên nội dung từ các tài khoản, loại nội dung mà người dùng hay tương tác nhất, chẳng hạn: nhà cửa, làm đẹp, nấu ăn.
- Shorts vẫn đang trong quá trình tối ưu hoàn chỉnh, nên YouTube chưa có công bố cụ thể nào về thuật toán hoạt động của Shorts.
3 xu hướng chính được áp dụng trong video ngắn marketing
Bất kể Instagram Reels và YouTube Shorts có thể cạnh tranh với TikTok để chiếm lĩnh thị phần hay không, thì có một điều chắc chắn rằng video ngắn sẽ là một phần không thể bỏ sót trong chiến lược tiếp thị trên các nền tảng social media.
1. Tận dụng nội dung do người dùng tạo ra (User-Generated Content – UGC) để đạt được kết nối cảm xúc
Bằng cách tạo ra những filter, hashtag độc đáo hoặc tung ra các thử thách video thú vị thì thương hiệu có thể khơi dậy cơn sốt UGC của hàng triệu người dùng, lan toả kết nối cảm xúc giữa thương hiệu và người dùng. Trên thực tế, UGC có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng nhiều hơn là những nội dung được tạo ra bởi thương hiệu hoặc người nổi tiếng. Trước khi thương hiệu lên kế hoạch cho hoạt động UGC, cần phải nghiên cứu kỹ: “Liệu đối tượng mà tôi nhắm đến sẽ muốn kết nối với thương hiệu không?”, hãy đảm bảo rằng câu trả lời là “Có” trước khi thương hiệu thực thi kế hoạch.
2. Chia sẻ với người tiêu dùng những video ngắn về behind-the-brand
Người tiêu dùng ngày nay quan tâm nhiều hơn đến tính minh bạch và tính xác thực của thương hiệu. Việc chia sẻ những video về những đội ngũ/cá nhân âm thầm đằng sau thương hiệu, hoặc hậu trường làm clip quảng bá sản phẩm… giúp người tiêu dùng cảm thấy sự gần gũi, xây dựng niềm tin và lòng trung thành, từ đó nâng cao giá trị kết nối của người tiêu dùng với thương hiệu sản phẩm/ dịch vụ. Theo khảo sát của Sprout Social, 70% người tiêu dùng cảm thấy gắn kết hơn với thương hiệu có CEO tích cực hoạt động trên mạng xã hội.
3. Đăng tải video ngắn có nội dung về chia sẻ kiến thức/ giải thích sẽ làm tăng giá trị thương hiệu
Theo báo cáo Wyzowl năm 2020, video kiến thức sẽ cực kì hữu ích khi được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng, điều này giúp tăng cường mức độ gắn kết và lòng trung thành, còn có thể gia tăng khách hàng tiềm năng. Vì thế, nhiều thương hiệu đã ưu tiên xây dựng video thể loại này trong chiến lược marketing của mình.
Video giải thích được sử dụng cho mục đích tiếp thị hoặc bán hàng bằng cách làm nổi bật tính năng của sản phẩm/ dịch vụ, hướng đến người mua đang ở giai đoạn đưa ra quyết định trên hành trình mua hàng của mình, từ đó giúp gia tăng mức độ chuyển đổi từ đối tượng tiềm năng thành khách hàng của thương hiệu.
* Nguồn: TenMax (Tổng hợp)