Giả kim thuật trong viết – Phần 3: Bước nhảy lượng tử từ trái tim thẳng tới trái tim
Nếu như triết học được coi là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, tức tri thức dựa trên lý trí, thì mình lại cho rằng có một thứ quan trọng hơn, ngoài những logic có thể luận suy, để thông qua tác phẩm bạn có thể biểu lộ vẻ đẹp riêng của mình. Yêu.
Bất cứ đại văn hào nào trên thế giới đều sẽ là một nhà tư tưởng xuất sắc. Rabindranath Tagore của Ấn Độ, ngoài là một nhà thơ, ông còn là triết gia Bà La Môn. Tư tưởng của Tam Giáo Đồng Nguyên (Nho Giáo, Phật Giáo, Đạo Giáo), vốn chi phối mạnh mẽ đến hệ tư tưởng, văn hoá, giáo dục của phương Đông, cũng là cơ sở để Nguyễn Du tạo nên một tác phẩm bất hủ như Truyện Kiều. Thiếu đi một triết lý nhân sinh, văn ta khó có thể gây chút ảnh hưởng trong lòng người đọc.
Thế nhưng, nếu như triết học được coi là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, tức tri thức dựa trên lý trí, thì mình lại cho rằng có một thứ quan trọng hơn, ngoài những logic có thể luận suy, để thông qua tác phẩm bạn có thể biểu lộ vẻ đẹp riêng của mình. Yêu.
Yêu hay một trong những biểu hiện của nó là sự chân thành, ngày nay dường như là một đức xa xỉ trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong nghề viết. Đừng cho đó là một lời chỉ trích. Công bằng mà nói content writer bây giờ thiệt thòi hơn các cụ ngày xưa rất nhiều. Nếu không phải lo cơm áo gạo tiền thì cũng ti tỉ thứ bủa vây, từ những áp lực hữu hình: KPIs viết phải ra đơn, bao nhiêu lượt bình luận, đến cả những áp lực vô hình tới từ các nhà phê bình trên mạng. Tất cả chỉ chực chờ bạn sai lầm để mạt sát. Nhiều nỗi sợ đã có đó. Bởi vậy, đã chẳng những không đủ thời gian cần thiết để hàm dưỡng mỗi bài viết, mà sau vài lần như thế ta còn bị ám vía nhát bút hơn xưa.
Điều cần làm không phải là bạn viết nhiều hơn nữa để thoát khỏi nỗi sợ. Nếu biết mình đang đứng trên một mảnh đất toàn sỏi là sỏi, bạn có gieo hạt giống của mình không? Thế nên đừng phí phạm những hạt giống xuống những mỏm đá nữa, bạn phải làm lại mảnh đất cho mình. Bỏ đi những rào cản do nỗi sợ dựng lên, nhưng không phải bằng cách tranh đấu với nó. Thế thì sẽ có cơn mưa rào giúp bạn được làm sạch, tươi tắn, mát mẻ. Đó cùng là vấn đề khi chúng ta bước vào nghề với một tâm thế hào hứng, nhưng sao càng ngày ta lại càng kém yêu nghề đến thế. Viết giờ là áp lực chứ không còn là niềm vui, bởi chúng ta đã bỏ lỡ nhiều điều trong cuộc sống. Chúng cần phải được làm rõ.
Có 4 tầng của yêu.
Tầng thứ nhất cần được hiểu. Tầng bản năng. Con người muốn làm nhiều thứ. Xã hội thì thường nói không. Nhường như xã hội luôn có những cách để ngăn cản “yêu” xảy ra (dù bạn có muốn thấy hay không). Cha mẹ không thích con có bạn trai/ bạn gái sớm. Chồng không cho phép vợ đi chơi khuya quá 11h. Nhưng bản năng con người là tò mò, bạn chỉ có thể kìm nén chứ không thể làm cho nó biến biến mất được.
Nỗi sợ nảy sinh trong bạn. Bên trong, bên ngoài không là một thể thống nhất. Chính điều đó tạo nên xung đột. Những điều bạn cho là điểm yếu kém thì mình thấy nó giống như khi bạn bước vào một căn phòng tối. Nhiều phương cách đã được thử nhưng không thể xua tan bóng tối. Bạn cho rằng mình không thể chiến thắng được và dần trở nên bất lực trước nó. Thế thì điều đó là sai.
Đừng tập trung sửa chữa nỗi sợ, hãy tập trung vào việc yêu của bạn.
Điều quan trọng được hiểu. Thực tế nỗi sợ cũng tương tự bóng tối. Nó không có thật. Bóng tối (nỗi sợ) chỉ là khi ánh sáng (yêu) vắng mặt. Vấn đề không nằm ở việc bạn làm gì với bóng tối, cái không có thật. Đèn được bật lên, bóng tối sẽ không thể được tìm thấy.
Bạn có nhớ cảm giác khi bạn trong tình yêu với ai đó, dù trong một khoảnh khắc thôi, có sợ hãi nào không? Yêu nhiều hơn đi. Đừng tranh đấu với sợ hãi. Bằng không bạn càng sợ hơn. Đó là nỗi sợ về cái sợ. Bóng tối thì không có đó, bạn không thể đánh bại được nó là vì vậy.
Đừng tập trung sửa chữa nỗi sợ, hãy tập trung vào việc yêu của bạn. Bạn từng có đam mê với con chữ từ nhỏ, thế thì hãy nhớ lại nó. Nó vẫn ở đó, chỉ chờ bạn lôi ra dùng. Ngay cả khi bạn thích viết thể loại tiểu thuyết ngôn tình thế mà vẫn phải hoàn một post cho một nhãn hàng điện máy. Hoàn thành post đó trong khả năng tốt nhất của mình. Cùng tâm thế đó, hãy nhớ chăm chút khu vườn lãng mạn kia của bạn. Sai lầm đi. Người ta trưởng thành từ lỗi lầm đó. Chỉ đừng cứ lặp lại mãi chỉ một sai lầm.
Thế rồi bạn sẽ vượt qua nỗi sợ để tới tầng thứ 2. Tầng của yêu.
Xã hội đã không được dạy trên nền tảng của tình yêu. Đa số mọi người chỉ yêu khi các điều kiện được thoả mãn. Anh phải kiếm được nhiều tiền thì em mới yêu anh. Em không ngoan hiền được như người ta một chút sao? Bạn thấy quen không. Người ta đo lường sức mạnh của một quốc gia dựa trên quân đội của nước đó có hùng mạnh, quốc gia ấy có sở hữu kho vũ khí hạt nhân nào không chứ không phải quốc gia đó có nhiều lễ hội hay không. Yêu con chữ của bạn. Nó có thể ngô nghê như trẻ con tập viết đấy. Có sao đâu. Giữa một rừng cây cổ thụ, một bông hoa dại lại làm nên điểm nhấn.
Một câu chuyện hay về thầy Sơn. Hồi mới phụ trách Sales & Marketing cho một công ty sản xuất kinh doanh đồ nhựa cao cấp, thầy chỉ có 2 công cụ hành nghề duy nhất trong direct marketing là: Yellow page và chiếc điện thoại. Thế mà chỉ với vài câu viết email chẳng được học bài bản ở đâu, nhiều khách từ Singapore, Thuỵ Điển đến Châu Phi đòi qua Việt Nam thăm nhà xưởng cho được. Viết như viết cho người yêu là vậy. Yêu vô điều kiện vào.
Thế rồi bạn tới tầng thứ 3. Nguyện.
Bạn không chỉ hài lòng với bản thân mình, bạn còn cảm thấy hạnh phúc với thành công của người khác. Nhưng đừng chúc mừng như một cái máy với mẫu câu cho sẵn. Mang tình yêu vào nguyện trong tính toàn bộ. Thế thì bạn có thể nói: Tôi sẽ không chúc mừng nữa đâu, thế là đủ rồi. Đây là điều đẹp. Nó là sống động. Không một màu. Không chút rập khuôn nào. Không phải là cái xác.
Rồi bạn chuyển qua tầng 4. Ngôi đền huyền thoại.
Ở đó không có nỗi sợ, không còn bạn với bài viết. Chỉ có cái đẹp. Đó là ngôi đền của những đại thi hào trên thế giới, là nghi thức cầu nguyện của các nhà thơ vĩ đại.
Bạn có thể viết ra một bài tuyệt đối đúng theo các quy tắc hành văn, các kỹ thuật viết, không có khả năng tìm một lỗi nào trong nó. Nội dung thoả mãn đủ 5 tiêu chí ABCDE (A – Attention; B – Branding; C – Communication; D – Delivery; E – Effectiveness). Content bắt trend thu hút người đọc. Viết quảng cáo & viết content theo định hướng chiến lược thương hiệu nào hiệu quả hơn: Differentiation (Khác biệt) hay Distinctivenss (Nổi bật) bạn làm đều giỏi cả, nhưng đây đích thị là một cái hồ. Nó đóng, không mở. Không chút sống động nào trong đó. Bạn không thể nào là dòng sông.
Dòng sông thì luôn tuôn chảy, và chẳng sớm thì muộn nó sẽ trở thành đại dương. Ở trạng thái đó, bạn viết không phải để cầu lợi. Cũng chẳng có lý do nào cụ thể để bạn viết cả. Có một cái gì đó chảy qua họ khi họ không có đó. Acsimet đã tìm ra định luật mang tên ông. Cùng cách đó Isaac Newton khám phá ra lực hấp dẫn sau khi bị một quả táo rơi trúng đầu? Người ta có thể gán cái tên cho các phát minh vĩ đại nhưng các nhà thơ lớn hay những nhà khoa học vĩ đại họ đều thừa nhận, bản thân không nhiều hơn một cánh cửa là bao. Đó là lý do tại sao các bài thơ cổ lại vô danh.
Bạn có thể thuộc hàng trăm hàng ngàn câu ca dao khác thế nhưng ngay cả kể một cái tên người viết, điều đó cũng trở nên khó biết bao.
“Đêm qua mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa” – Ca dao Việt Nam.
“Tôi có viết ra quyển sách đâu, mà chính nó tự viết ra đấy. Nó như một quả trái mọc và chín muồi trong đầu óc của tôi” – Alfred de Vigny một nhà thơ nổi tiếng người Pháp.
“Mọi người hay nói Kimura đã rất cố gắng ấy, nhưng không phải tôi, là những cây táo đã cố gắng đấy. Đây không phải khiêm tốn đâu. Tôi thành thực nghĩ như vậy. Vì, con người dù cố gắng thế nào đi nữa, bản thân mình cũng không thể làm cho cây táo ra lấy một cái hoa. Dù ở ngay tầm tay, ngay dưới chân đi nữa, cũng không thể khiến cho hoa táo nở đâu. Những việc như thế, có lẽ người ta nghĩ là đương nhiên. Những người nghĩ như thế, đã không hiểu ý nghĩa thực sự của việc đó rồi. Nhìn hoa táo nở hết cỡ đầy vườn, tôi thấu hiểu sâu sắc điều đó. Làm cho những bông hoa này nở không phải là tôi. Là những cây táo. Nhân vật chính không phải con người, mà là những cây táo, việc đó tôi hiểu thấm thía bằng cả cơ thể mình. Tôi đã từng không hiểu điều đó đấy. Tôi vẫn cứ nghĩ mình tạo ra những cây táo. Bản thân mình đang quản lý những cây táo. Nhưng việc của tôi có thể làm chỉ là giúp đỡ những cây táo mà thôi. Thất bại chồng chất thất bại, sau một thời gian dài, cuối cùng tôi cũng hiểu được điều đó” – Kimura nói về lý do ông thành công trong việc trồng táo không thuốc bảo vệ thực vật.
Những nhà huyền môn gọi đó là bước nhảy lượng tử, là trạng thái chuyển tâm trí sang vô trí. Nhưng mình thích mô tả bằng cụm từ này hơn: Từ trái tim thẳng tới trái tim.
Xem thêm:
* Nguồn: EnlightenEd