Dentsu Redder Impact Academy: Khủng hoảng hiện sinh – Hành trình truy vấn về bản thân
Khủng hoảng Hiện sinh là một chủ đề ngày càng có sức hút với giới trẻ đương đại. Một số nhận định cho rằng, người trẻ bây giờ dễ mắc “hội chứng tâm lý” này sớm và nhiều hơn so với các thế hệ khác. Vậy khủng hoảng hiện sinh là gì? Làm thế nào để nhìn nhận điều này một cách bài bản và khoa học, vượt trên những cảm xúc tiêu cực?
Bài viết là nội dung chia sẻ của Tiến sĩ Lê Nguyên Phương tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy. Hiện ông là chuyên gia Tâm lý học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn Tâm lý học đường tại Đại học Chapman (Hoa Kỳ).
Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống. Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây.
*Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple Podcast và VoizFM
Định nghĩa về Khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng hiện sinh (Existential crisis) được hiểu như sự thay đổi (đột ngột) dẫn đến lo lắng, băn khoăn, và trăn trở, thậm chí là nghi ngờ hay chối bỏ sự “tồn tại” của bản thân. Mỗi con người sinh ra và lớn lên đều phải đối mặt với các “cấu phần” trong chính con người của mình.
Khủng hoảng hiện sinh được hiểu như sự thay đổi (đột ngột) dẫn đến lo lắng, băn khoăn, và trăn trở, thậm chí là nghi ngờ hay chối bỏ sự “tồn tại" của bản thân.
Trong học thuyết phân tâm nổi tiếng về tính cách của Simon Freud, ông cho rằng tính cách con người rất phức tạp và được cấu thành từ 3 yếu tố: Bản năng (Cái Nó – Id), Bản ngã (Cái Tôi – Ego), và Siêu ngã (Siêu Tôi – Super Ego). Mỗi người từ lúc sinh ra đến khi mất đi đều chịu sự chi phối của 3 thành tố này. Và tuy chúng tồn tại ở mọi con người, ta vẫn chịu sự phi phối của một thành tố khác quan trọng hơn, là cái chết. Đó là thế lực bất khả khuất phục khiến ta phải suy nghĩ về sự tồn tại của chính mình.
Đôi lúc, có người nghĩ về cái chết và sự kết thúc như một lựa chọn, hoặc như một phần tất yếu của sự sống. Chẳng hạn ngày càng có nhiều người trẻ nghĩ rằng: Sống để làm gì rồi cuối cùng cũng chết? Hoặc trong quá trình lớn lên, họ thấy được những xấu xa ích kỷ của “loài người lớn” nên không muốn lớn lên nữa, và họ chọn kết thúc khi còn có thể. Sẽ có những tranh luận rằng: Con voi – cái kiến – cây cỏ còn muốn sống, sao con người lại muốn chết? Vậy mà vẫn có nhiều bạn trẻ tự sát, tự kết liễu cuộc đời vì thấy việc sống không còn ý nghĩa, hoặc đã đủ ý nghĩa để “chọn” cái chết.
Không ít lần chúng ta đã tự vấn về: Tại sao tôi tồn tại? Ý nghĩa của sự tồn tại này là gì? Đây chính là nguyên nhân cốt lõi của khủng hoảng hiện sinh. Khi lo lắng và băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống này, chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi nhưng đều tựu chung lại 2 chữ: Tại Sao? – Tại sao tôi lại chọn công việc hoặc mối quan hệ này? Tại sao tôi làm hoặc không làm điều này? Hoặc những câu hỏi “Giá như…”, “Phải chi mà…” thể hiện đầy sự luyến tiếc và hối hận về quá khứ và thậm chí có ý định tự sát.
Điều này thường xảy đến khi ta buộc phải thích nghi với những thay đổi nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta không biết/ không dám mường tượng/ thậm chí không muốn biết đến kết quả hay hậu quả của nó. Điều này tuy phản ánh khả năng thích nghi của bản thể với môi trường và sự kiện, nhưng cũng cho thấy sâu thẳm trong nội tâm có sự mất cân bằng, thiếu sự an toàn về những “nhân dạng” (identity), những “ràng buộc” (attachment), những “quan hệ” (relationship) giữa các “phần” (parts) trong nhận thức và vô thức, thậm chí cả tàng thức của chính mình. Chẳng hạn như một người vừa ly hôn, một sinh viên không thể tốt nghiệp đại học… Những sự kiện này khiến con người phải nhìn lại và tự vấn về sự tồn tại của chính mình: Mình tồn tại để làm gì? Tại sao những sự việc này lại xảy ra với mình? Nhưng không có nghĩa là chỉ những sự kiện tiêu cực thì mới tạo ra sự sang chấn tâm lý, mà cả những việc tưởng chừng như hỷ sự cũng có thể tạo ra chấn động tương tự như: kết hôn, thay đổi công việc, thăng tiến, và đặt biệt là có con.
Theo lý thuyết, một cuộc khủng hoảng hiện sinh là sự khởi đầu nhằm truy tìm Lý do, Mục đích, Ý nghĩa, Giá trị của “bản thể”. Đây là quá trình tự tra vấn, một trải nghiệm phức tạp cần thiết về tâm sinh lý của con người để nhìn nhận về “sự tự do” của chính mình. Nói theo Nietzsche, chúng ta là con Sư Tử không chấp nhận thân phận của con Lạc Đà, bị người khác chồng chất lên lưng những “gánh nặng” ngoài phần “lưng gù” đã hình thành do chính bản thể tạo ra qua tàng thức của tổ tiên. Những “gánh nặng” đó là chính bản thể tự có thông qua tương tác với môi sinh và tự nhận lấy qua nhận thức hạn hữu (những ước mơ của người khác, giáo điều tích luỹ, lề thói xã hội…) lên quyền tự do và ý thức của mỗi cá nhân. Tiến trình nhận thức về sự tự do này sẽ quyết định hành động của chúng ta từ đây về sau. Chính sự khởi đầu này sẽ dẫn đường đến tự do, cách thức “nhận lĩnh” tự do, cách chúng ta chọn cái kết thúc cho cuộc sống, chúng ta sẽ sống trọn vẹn thế nào để cuối đời biết được rằng bản thân đã sống cho một ước mơ chứ không phải vì “một cái gì đó” khác.
/Nhắc lại/
Tra vấn & Truy cầu Lý do: tiến trình liên tục đặt ra các câu hỏi “Tại sao” gắn chặt với sự hình thành và phát triển của bản thân. Chúng ta khao khát mãnh liệt một câu trả lời cho “thấy" chúng ta tồn tại vì điều gì, được “biết" vai diễn của đời mình hơn là chấp nhận rằng về mặt sinh lý chúng ta chỉ là “kết quả" của hoạt động bản năng và nghĩa vụ dòng tộc. Liệu sự tồn tại của ta có được đón nhận, hay chỉ là một sinh vật chịu sự kiểm soát của đấng sinh thành, của một người nào đó, một thế lực nào đó, một hệ thống nào đó? Liệu chúng ta có quyền gì với bản thân?
Tra vấn & Truy cầu Mục đích: Đích đến của ta là gì? Nếu hiện hữu là phương tiện thì chúng ta tồn tại để làm gì, hay đi về đâu? Và nếu chúng ta sống để làm điều thiện thì tại sao qua bao nhiêu thế hệ, thế giới vẫn chưa đạt đến đỉnh cao của sự tốt đẹp? Có chăng một thế giới hậu nhân sinh?
Tra vấn & Truy cầu Ý nghĩa: Chúng ta xây dựng một hay nhiều ý nghĩa cho sự hiện hữu của chính mình. Chúng ta sợ sự hiện hữu của mình là vô nghĩa, cuộc sống vô vị, nhạt nhoà và không có bất cứ lý do gì để hiện diện. Khi biết ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta sẽ cảm giác rằng ta có “linh hồn” hơn là một sinh vật chỉ có tứ khoái, một linh hồn thiêng liêng hơn và cao quý hơn hết thảy. Khi trải qua những giai đoạn chuyển tiếp trong đời người, qua các “khủng hoảng”, chúng ta thường tự vấn về quan niệm sống của bản thân là gì? Tại sao phải đi qua những sự đổi thay này?
Tra vấn & Truy cầu Giá trị: Giá trị cốt lõi của mỗi người là gì? Khủng hoảng hiện sinh đặt ra câu hỏi là chúng ta cần những Giá trị cốt lõi (Virtues) nào? Những giá trị đó sẽ biện minh cho sự tồn tại của chúng ta thế nào?
Yếu tố kích tác – Stimulate/Stimuli, đóng vai trò quan trọng, nhưng không phải là tương quan tuyến tính. Khi những biến chuyển trong cuộc sống (hôn nhân, có con, thay đổi công việc, người thân mất, sức khoẻ, tuổi tác…) diễn ra, sẽ dẫn đến khủng hoảng hiện sinh hoặc ngược lại. Khi những biến chuyển này xảy ra ở mức độ sâu sắc, một phần hay toàn phần, những thành tố cấu thành danh tính và cấu trúc quy định mối quan hệ của chúng thay đổi, dẫn đến mối tương quan và sự “chấp nhận” của tâm trí về các mối tương quan đó với chính bản thể và thế giới bên ngoài cũng thay đổi theo. Điều đó khiến những cơ chế phòng vệ và các mô thức cảm xúc bị kích hoạt, dẫn tới những căng thẳng, lo lắng, suy nghĩ và những chấn thương tâm lý. Đặc biệt là với cái chết, dù chính bản thân chưa thể nghiệm nhưng tác động của chúng đến những người thân yêu cũng đủ làm cho ta suy nghĩ về cuộc sống – và đây cũng là một trong những chủ đề chính của khủng hoảng hiện sinh.
Các chủ đề chính trong khủng hoảng hiện sinh
Tử sinh: Hữu hạn và Vô hạn
Thực tế là ai cũng phải chết, mọi vật đều phải chết. Cái chết là một kết cục được báo trước với toàn thể sinh vật có sự sống. Cái chết bao trùm toàn bộ ý nghĩa cuộc sống, như là một khoảng không vô tận. Chết là hết. Vậy thì sự sống lấy gì để so sánh với cái chết? Đây là một câu hỏi căn bản, câu hỏi làm nền tảng mọi tôn giáo và triết học sự sống.
Trong vở Hamlet, Shakespeare đã từng nói: “What a piece of work is man! How noble in reason! How infinite in faculties! In form and moving, how express and admirable! In action how like an angel! in apprehension, how like a god! The beauty of the world! The paragon of animals! And yet, to me, what is this quintessence of dust?” (tạm dịch: Một phần của công việc là người đàn ông! Lý do thật cao quý! Năng lực thật vô biên! Thiết lập và di chuyển thật nhanh chóng và đáng ngưỡng mộ! Hành động như một thiên thần! Sợ hãi chúa trời! Vẻ đẹp của một thế giới! Tuyệt tác của muôn loài! Nhưng với tôi, hạt bụi tinh hoa này là gì?). Để hiểu ý nghĩa của cát bụi này phải liên hệ với Thánh Kinh, rằng chúng ta là cát bụi thì sẽ trở về với các bụi thông qua cái chết.
Khái niệm khủng hoảng hiện sinh tồn tại trong tư tưởng Tây Phương, hơn là tư tưởng và nếp sống của Đông Phương. Đa số Tôn giáo đều xem cuộc sống của con người là hoàn mỹ hơn cái chết, và ý nghĩa quan trọng nhất của sự hiện hữu là cuộc sống sẽ không mất đi khi thân xác sinh học này chết, nó vẫn tiếp tục. Tất cả tôn giáo và các nền văn hoá trên thế giới đều có khái niệm linh hồn bất tử, và vì vậy văn minh Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ đều có những nghi lễ và biểu tượng về thế giới bên kia.
Trong Thiên Chúa Giáo, đời sống vượt qua cái chết, đời sống vẫn tiếp tục đến vô tận. Sự cứu chuộc đóng vai trò cốt lõi trong giáo lý của Thiên Chúa Giáo và mang lại sự tái sinh. Sự phục sinh của đấng Kito là lời tuyên bố hùng hồn về việc đánh bại cái chết. Bởi Ngài là con của Thượng đế, và chúng ta là con của Ngài nên chúng ta cũng sẽ được phục sinh. Khi Chúa phục sinh, Chúa mang hình hài con người – đây là biểu trưng của sự sống chiến thắng cái chết, biểu thị sự cứu chuộc và giải phóng con người ra khỏi tàn ác bất công, bất hoàn thiện của cuộc sống này. Cái tệ hại nhất của loài người, cái chết, mà chúng ta còn vượt qua được thì những điều bất công, bất hoàn thiện, xấu xa của thế giới (như chiến tranh, bệnh tật, tội ác) cũng có thể vượt qua.
Ở đây cũng đề cập đến thân phận và cuộc sống của con người. Chiều kích thiên đường vượt ra khỏi không gian, thời gian và Trái Đất này, dẫn đến trạng thái bất tử (Enternity Infinity – vô định bất tận), và đó là sự thăng hoa (Sublimation) của thế giới tự nhiên này.
Nói về triết gia, Socrates là trường hợp điển hình. Khi chính phủ buộc ông uống thuốc độc làm từ Hemlock/ Độc cần/ Cần độc, Socrates không sợ hãi mà còn bình tĩnh và vui vẻ đón nhận. Ông cho rằng đây là điều cần thiết để được đoàn tụ với những người đã khuất, với thần linh và những người ông yêu quý. Ông cho rằng thể xác là ngục tù giam giữ linh hồn. Do đó, cái chết sẽ đem lại giải thoát, phá bỏ trở ngại của linh hồn, cho phép ta truy cầu những hiểu biết và cảm thức về mặt chân lý, đức hạnh, sự điều độ và thành tựu về mặt tâm linh.
Reflection – Đọc và suy ngẫm về các câu hỏi sau:
- Tất cả những hành vi của chúng ta trong cuộc sống (ăn chơi, tiệc tùng, yêu đương…) có phải để chạy trốn/để quên cái chết hay không?
- Việc tạo ra một thứ gì đó, kể cả sinh con đẻ cái, có phải do chúng ta muốn lưu lại một thứ gì đó trước cái chết hay không?
- Tại sao chúng ta muốn kéo dài sự hiện hữu của bản thân? Phải chăng vì ta yêu cái đang có? Mà cái chúng ta đang có có thật sự đáng yêu đến mức vậy không?
Tự do: Cá thể/ Ràng buộc xã hội
Tự do là gì? Erich Pinchas Fromm (1900-1980), nhà phân tâm học người Đức được đánh giá là đại biểu ưu tú nhất của trường phái Freud mới, cho rằng có 2 loại tự do là Freedom From (Tự do khỏi) và Freedom To (Tự do để).
- Freedom From (Negative freedom): Con người phải tự do khỏi vật, tự do khỏi người và tự do khỏi chính mình – tức là không trở thành nô lệ của vật chất, con người và chính bản thân. Trong suốt lịch sử, loài người đều có tham vọng bắt người khác trở thành nô lệ của chính mình. Như khi yêu, chúng ta muốn người khác phải lẽo đẽo theo mình, điều này cho thấy ta đang có ý thức nô lệ hoá người kia, và đó có phải là tình yêu hay không?
- Freedom To (Positive freedom): Đây là tự do thể hiện dưới dạng quyền, như quyền được phát biểu ý kiến, đi lại, hội họp.... Trong tiến trình giải thoát bản thân ra khỏi những quyền lực áp chế (bố mẹ, xã hội, nhà trường...), chúng ta thường có cảm giác vô vọng tuyệt vọng. Như trong lĩnh vực Tâm lý học Trẻ em, Alfred Adler cho rằng khi một đứa bé đứng trước người lớn, nó sẽ cảm thấy lo lắng và tuyệt vọng - những truyện cổ tích về người khổng lồ chính là phản ánh vấn đề này. Tiến trình giải thoát bản thân sẽ không bao giờ trọn vẹn nếu ta chưa bước đến được tự do để thay thế những hệ thống quyền lực cũ. Tất cả những cuộc giải phóng dân tộc đều nhấn mạnh vào khía cạnh này.
Nhưng trong tác phẩm kinh điển Escape from Freedom của nhà tâm lý học xã hội Erich Pinchas Fromm, vẫn có trường hợp người ta muốn được/ bị lệ thuộc. Không phải ai trong chúng ta cũng sử dụng được thành công sự tự do của chính mình. Chưa nói đến việc khi thoát ra khỏi những hệ thống cũ, chúng ta lo sợ hơn, cảm giác bị ruồng bỏ, giống như khi bị bạn bè bỏ rơi. Đó chính là nỗi sợ được di truyền từ thời săn bắt hái lượm dưới góc nhìn của Tâm lý học tiến hoá, thà bị ràng buộc hơn là cô đơn.
Hành vi: Chọn lựa/ Trách nhiệm
Chúng ta đều phải đối diện với sự chọn lựa, cả việc không chọn lựa cũng là một sự chọn lựa. Thuyết hiện sinh nhấn mạnh rằng chúng ta đều được tự do lựa chọn trong cuộc sống, và chúng ta phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn này. Với cái chết là kết cục cuối cùng, chúng ta phải nhìn mọi thứ trong toàn cảnh tương quan với cuộc sống. Tự do có thể dẫn đến tuyệt vọng vì trách nhiệm đi kèm này. Chúng ta đều có những giây phút lo sợ khi đưa ra quyết định hoặc lựa chọn, bởi chúng ta sợ sai lầm.
Dưới góc nhìn nhân quả, trong mỗi sự chọn lựa của chúng ta tiềm ẩn nhiều biến số, sẽ phiến diện nếu ta cho rằng một nhân cho ra một quả. Trong mỗi sự chọn lựa đều tồn tại sự mâu thuẫn nội tại (dilema), và không có gì đúng hay sai, đặc biệt là những vấn đề thuộc về đạo đức. Chúng ta có làm gì thuần tuý vì “quả” không? Vậy thật sự chúng ta có tự do không?
Tương quan: Nối kết và cô đơn
Khi sinh ra, chúng ta muốn có sự nối kết với người khác. Theo Erich Fromm, người ta thích cảm giác lên đỉnh (orgasm) bởi khi đó chúng ta biến mất, biên giới của bản thân và ngoại giới không còn tồn tại. Đó là lý do tại sao một số người sử dụng ma tuý, chúng mang đến cảm giác được chạy trốn khỏi cá thể cô đơn. Cũng chính giây phút “quên mình” chúng ta thấy cái hữu hạn trở thành vô hạn.
Khi chúng ta từ khước cô đơn để kết nối với người khác, chúng ta từ khước độc lập.
Để tiếp tục chạy trốn cô đơn, dù trong những giây phút hữu hạn và phù du, chúng ta luôn bận rộn với những ý tưởng về cảm giác đó, tuy nhiên thật sự không thể nào chạy trốn được vào những lúc chúng ta có cảm xúc hay sự nghỉ một cách tỉnh thức.
Khi chúng ta từ khước cô đơn để kết nối với người khác, chúng ta từ khước độc lập.
Thái độ: Vô cảm (đè nén cảm xúc/ hạnh phúc giả)
Nói đến vô cảm từ góc độ văn hoá, tại sao chúng lại xấu xa? Ta phải xét đến đạo đức quy chuẩn, quy ước xã hội, cái mà con người lập ra để giúp xã hội có trận tự.
Cuốn Leviathan (Quái vật/ Thuỷ quái) năm 1652 của Thomas Hobbes là một cuốn sách kinh điển. Leviathan là tên con quái vật biển xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu ước (“Isaiah” và “Sách của Job”). Nó to lớn, kỳ quặc, đáng sợ, nhưng quyến rũ và là tạo vật của Chúa. Trong truyền thống Thiên Chúa Giáo, nhiều khi Leviathan được đồng hoá với quỷ Satan. Những tính chất đối nghịch phức tạp của nó tạo cảm hứng lớn cho sáng tác nghệ thuật sau này. Cuốn Leviathan của Hobbes bàn về con người, sự hình thành xã hội và nhà nước lý tưởng – Commonwealth. Hobbes nhìn nhận nhà nước & chính quyền như một con Quái vật (Leviathan) cần thiết để duy trì trật tự xã hội. Tại sao con người không chấp nhận trạng thái tự nhiên như vốn có và độc lập, không chịu kiềm toả và áp lực nào từ trên xuống thông qua các thể chế (không có nhà nước), mà lại bước chân vào đời sống xã hội với đủ thứ luật lệ đi kèm, kể cả nguy cơ của chế độ chuyên chế. Đối với Hobbes, trạng thái tự nhiên là xấu xa. Trạng thái tự nhiên chính là trạng thái chiến tranh, nên cần áp đặt quyền lực nhà nước vào để chấm dứt tình trạng này.
Ông viết “Cái nguyên do cuối cùng, mục đích, ý đồ, mà con người theo đuổi, họ, những người về bản chất yêu tự do và thích được thống trị người khác, khi tự ấn định cho mình những hạn chế để rồi sống trong đó ở các nền cộng hoà, là nhằm được tự phòng vệ và sống hạnh phúc hơn bằng cách đó: nói cách khác là thoát được ra khỏi cái tình trạng chiến tranh khốn khổ đó, cái tình trạng mà tôi đã chỉ ra là hậu quả tất yếu của những dục vọng bản chất của con người, khi không có quyền lực hiện hữu nào giữ yên chúng, trói chúng lại, thông qua nỗi sợ bị trừng phạt” (Leviathan). Nguyên do là vì các luật tự nhiên trái ngược hẳn với các dục vọng tự nhiên của chúng ta – thiên vị, kiêu ngạo, thích trả thù... Hobbes không chấp nhận trạng thái đó, vì nếu không có xã hội và những điều đi kèm, thì con người chỉ có thể sống trong đau khổ, chém giết, và nghèo khổ.
Trong lý thuyết phát triển đạo đức của Kohlberg, sự phát triển đạo đức trải qua ba cấp độ: Tiền quy ước, Thông thường và Sau thông thường. Quan trọng là không phải ai cũng trải qua tất cả các giai đoạn và đều đến mức phát triển cuối cùng. Trong những giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển đạo đức, sự phục tùng và trừng phạt là đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể xuất hiện dạng suy luận này.
- Ở giai đoạn 1 – Tiền quy ước: Con người ta thấy những quy tắc luôn mang tính cố định và chuẩn chỉnh. Tuân theo những quy tắc này là vô cùng quan trọng vì nó là công cụ giúp ta tránh khỏi bị trừng phạt. Ở những nền văn hoá cá nhân và trong giai đoạn chuyển đổi của sự phát triển đạo đức, trẻ hình thành những quan điểm và phán đoán cá nhân dựa trên cách chúng đáp ứng những nhu cầu của bản thân.
- Ở cấp độ 2 – Đạo đức quy ước, thường được gọi là định hướng “Con ngoan trò giỏi”: Tập trung vào việc sống làm sao để đáp ứng được kỳ vọng và quy tắc của xã hội. Giai đoạn này nhấn mạnh vào sự tuân thủ, hành xử “tử tế” và cân nhắc ảnh hưởng của những quyết định do bản thân đưa ra lên các mối quan hệ. Ở giai đoạn này, con người ta bắt đầu coi xã hội là một khối tổng thể khi đưa ra những nhận định. Tâm điểm ở đây là duy trì luật lệ và trật tự xã hội bằng cách làm theo quy tắc, hoàn thành chức trách của bản thân và tôn trọng tầng lớp cầm quyền.
- Ở cấp độ 3 – Đạo đức hậu quy ước: Những ý tưởng về một khế ước xã hội và quyền của từng cá nhân khiến con người ta bắt đầu hình thành những giá trị, ý kiến và niềm tin về người khác trong giai đoạn này. Cấp độ cuối cùng trong chuỗi suy luận về đạo đức của Kohlberg dựa trên những nguyên lý đạo đức tổng quát. Quá trình suy luận trừu tượng nhận thấy con người ta làm theo những nguyên tắc nội tại trong họ về tính công bằng, thậm chí ngay cả khi họ có xung đột với những quy tắc và luật lệ ngoại tại. Cao hơn nữa, chúng ta có thể thấy những vĩ nhân như Gandhi, Luther King đã đấu tranh vì giá trị, niềm tin nội tại và không chịu ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài.
Con người vô cảm còn có khả năng là vì đã “tập nhiễm sự bất lực” (learned helplessnes). Bất lực tập nhiễm hay bất lực do học được là hành vi được biểu hiện ra bên ngoài của một đối tượng sau khi đã chịu đựng những kích thích thù địch, trái với ý muốn hoặc gây khó chịu mà được lặp đi lặp lại ngoài tầm kiểm soát của đối tượng này. Ban đầu, người ta cho rằng nguyên nhân là do đối tượng chấp nhận sự bất lực này bằng cách ngừng cố gắng trốn thoát hoặc tránh các kích thích thù địch, bất lợi, khó chịu, ngay cả khi có các lựa chọn thay thế một cách rõ ràng. Khi thể hiện hành vi như vậy, đối tượng được cho là đã học được sự chịu đựng một cách bất lực (ví dụ hiệu ứng chú voi bị cột vào gốc cây, muôn thú chán nản trong vườn thú khi cố gắng trốn không được). Sự bất lực tập nhiễm là một tư duy được khám phá bởi nhà tâm lý học Martin Seligman và Steven F. Maier khi họ quan sát hành vi ở cả động vật và con người. Ông làm nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này và phát hiện ra rằng sự bất lực có điều kiện có thể được áp dụng lên con người và nó thậm chí có thể xảy ra ngay từ khi con người vừa sinh ra.
Để tìm hiểu hiện tượng này, các nghiên cứu viên sau đó đã thực hiện thêm một thí nghiệm khác sâu hơn thay vì chỉ quan sát, họ đã chia một nhóm nhiều chú chó con thành 3 nhóm:
- Nhóm 1: được nhốt vào buồng chứa nhưng không bị sốc điện. Các chú chó bị bắt mặc đai yếm (yoked pairs) trong một khoảng thời gian và sau đó được cởi ra.
- Nhóm 2: được nhốt vào buồng chứa và bị sốc điện, nhưng có thể thoát được bằng cách lấy mũi nhấn vào một bảng điều khiển. Các chú chó trong nhóm thứ hai cũng được mặc cùng bộ đai yếm.
- Nhóm 3: được nhốt vào buồng chứa và bị sốc điện, nhưng không có cách nào thoát ra được. Đối với nhóm này, việc sốc điện được thực hiện hoàn toàn không theo quy luật và nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ thể.
Tất cả những chú chó này sau đó bị nhốt trong một chiếc hộp cửa chớp. Nhóm một và nhóm hai nhanh chóng học được cách nhảy qua hàng rào nhỏ để không bị sốc điện. Còn nhóm thứ ba lại không mảy may nỗ lực cố gắng thoát khỏi cú sốc. Vì trải nghiệm học được trước đó, chúng đã hình thành một mong đợi về mặt nhận thức rằng chúng không thể làm được gì để ngăn ngừa hoặc loại bỏ các cú sốc điện lên mình. Các chú chó ở nhóm 3 dựa trên kinh nghiệm trước đó để quyết định sự cố gắng trong tương lai, và bởi những lần cố gắng trước đó đều không thành công nên các chú không thèm thử nữa.
Thái độ: Chân thực (authenticity)
Trung thực với những giá trị của chính mình là chìa khoá dẫn đến hạnh phúc. Sống là phải hiện hữu và chịu trách nhiệm với những quyết định của chính mình, phải chịu được sự cô đơn.
Để hạnh phúc, chúng ta cần là một đứa trẻ, cần có cảm thức tự do, sống trong hiện tại và yêu quý thực tại.
Theo tư tưởng của Nietzsche, siêu nhân là những con người đã thực sự đạt tới tự do và tự chủ cao nhất. Họ biết rõ những điều bản thân suy nghĩ và hành động, chứ không như đám “tiện dân” thường có khuynh hướng hùa theo nhau, dựa dẫm vào nhau “ngay từ ban sơ, ôm giữ sự vô minh chán chường để còn có thể hân thưởng những sự tự do, vô tư, vô tâm, nhiệt tình… hầu như không thể hiểu nổi”. Đây là thái độ sống theo kiểu “người ta”, đánh mất đi tính đặc sắc của mình, con người bị phóng thể theo ý nghĩa sống vong thân. Họ không sống cho mình mà là sống cho cái khác, người khác. Người ta sống sao mình sống vậy, người ta bảo sao mình làm vậy. Siêu nhân phải thoát ra, phải tránh thật xa tình trạng này “hãy chọn một chỗ đứng thật cô độc, một sự cô độc tự do, tự tại nhẹ nhàng nào đó mà có thể ban cho các ngươi cái quyền còn có thể hiện diện hoạt tồn”. Vì kẻ có tinh thần tự do “là kẻ suy tưởng khác hẳn với những điều mọi người chờ ở hắn căn cứ vào cội rễ, vào liên hệ, vào địa vị, vào việc làm của hắn và các lý tưởng thống trị của thời đại”. Chỉ khi tránh xa đám dân ti tiện, ra khỏi tinh thần nô lệ, siêu nhân mới có cơ hội “trở thành ngoại lệ”, mới có thể sống tự do “khi người ta tự huỷ, người ta đã làm một việc đáng kính trọng nhất: người ta gần như xứng đáng được quyền sống vì đã làm thế”, thoát khỏi mọi ràng buộc nhảm nhí để “ánh lên trong mọi sắc thái của điêu linh”. Siêu nhân phải là người sống tự giác, trưởng thành, đạt đến tự do hoàn toàn, không còn sợ hãi hay bị ràng buộc bởi bất kỳ thế lực nào – “đó là đặc quyền của kẻ mạnh”. Tinh thần này vượt lên mọi chật hẹp, nhỏ nhoi, riêng rẽ.
Trong cuốn Zarathoustra đã kể về một ngụ ngôn sau: Tinh thần con người lần lượt là con lạc đà, con sư tử và đứa trẻ con. Tinh thần bị cái khắc nghiệt thống trị chính là con lạc đà. “Có gì nặng nề hơn nữa không! Tinh thần tráng kiện hỏi như vậy và nó quỳ xuống như con lạc đà, nó muốn tải nặng”. Rồi đến giữa sa mạc, tinh thần hoá thân thành con sư tử. “Nó muốn chinh phục tự do, làm chủ sa mạc riêng tư của mình”… Sau cùng tinh thần biến thành đứa trẻ. “Đứa trẻ thì trong trắng và hay quên, một hồi sinh, một trò chơi, một bánh xe tự quay, một chuyển động đầu tiên, một chấp nhận muôn thuở”. Đứa trẻ tượng trưng cho tinh thần con người đã tìm lại được cái trong trắng, vô tội và có khả năng sáng tạo một đức hạnh mới. Đức hạnh mới này khác biệt với đức hạnh cũ ở điều nó khẳng quyết hơn là phủ định: Nó nói tiếng ừ với trần gian, với cuộc đời. Không có thế gian nào ngoài thế gian này. Không có giá trị nào gắn liền với cái chi không hiện hữu ở thế gian này. Trước tiên, ta phải là “người đồng loại tốt của vật đồng loại ở trần gian”. Đây chính là một cứu chuộc mới: Thực tại được cứu rỗi, chuộc khỏi lời nguyền mà lý tưởng xưa đã đè nặng lên nó.
Tóm lại, để hạnh phúc, chúng ta cần là một đứa trẻ, cần có cảm thức tự do, sống trong hiện tại và yêu quý thực tại.
Dentsu Redder Impact Academy
Wider Perspectives, Richer Souls, Better Humanity