Rèn luyện tư duy tích cực chính là chìa khóa làm chủ cuộc đời & sự nghiệp
Tư duy tích cực là cách chúng ta suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá những vấn đề xảy ra theo cách tốt đẹp nhất, bất luận đó là điều tốt hay xấu. Theo khoa học, hạnh phúc của con người được quyết định bởi 50% khuynh hướng sinh học, 10% do môi trường sống và 40% do cách chúng ta lựa chọn. Như vậy, chúng ta nắm trong tay một nửa hạnh phúc nếu có cho mình một tư duy tích cực.
Khi điều không mong muốn xảy ra, thay đổi nó là điều không thể, né tránh nó chỉ là giải pháp tạm thời. Thứ duy nhất con người có thể điều khiển được cách đối diện với nó. Do đó, tư duy tích cực là chiếc chìa khóa quan trọng để bạn có được một cuộc đời hạnh phúc.
Tư duy tích cực là gì?
Chuyên gia tâm lý Kendra Cherry trong một bài phỏng vấn với tạp chí Forbes đã định nghĩa về tư duy tích cực: “Tư duy tích cực nghĩa là đón nhận những thử thách trong cuộc sống với thái độ tích cực. Nó không nhất thiết là né tránh hoặc bỏ qua những điều xấu. Thay vào đó, nó liên quan đến việc cố gắng tìm điểm tốt nhất có thể trong tình huống xấu và nhận định khả năng bản thân theo chiều hướng tích cực”.
Hiểu đơn giản, tư duy tích cực là cách chúng ta suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá những vấn đề xảy ra theo cách tốt đẹp nhất, bất luận đó là điều tốt hay xấu.
Tư duy tích cực chi phối sức khỏe và thành công
Mọi sự việc đều có tính 2 mặt. Thay vì nhìn vào mặt tối, hãy nhìn vào mặt sáng để thấy những điều tốt đẹp
Để chứng minh cho sức mạnh của tư tưởng, Tiến sĩ Masaru Emoto người Nhật Bản đã tiến hành một thí nghiệm thú vị:
Lấy một ít cơm nguội, chia thành hai phần bằng nhau và đặt vào hai chiếc hũ giống nhau. Với chiếc hũ thứ nhất mỗi ngày hãy dành thời gian nói với nó những lời yêu thương như: “Tôi yêu bạn”, “bạn thật tuyệt vời”, “bạn quả là một người vĩ đại”.
Với chiếc hũ thứ hai, bạn cũng dành thời gian tương tự nhưng nói với nó những lời ghét bỏ: “Tôi ghét bạn”, “bạn thật xấu xí”, “bạn là đồ vô dụng”. Sau 2 tuần hãy quan sát hai hũ cơm. Bạn sẽ thấy hũ cơm thứ hai mốc nhiều hơn rõ rệt so với hũ thứ nhất.
Cách chúng ta đối xử với hai hũ cơm chính là cách tư duy tác động lên cuộc đời mình. Một người có tư duy tích cực sẽ có đời sống tinh thần tốt hơn, ít chịu tác động của căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Từ đó, họ cũng sẽ có sức khỏe thể chất ổn định, ít nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Những người này dễ chạm đến thành công hơn so với những người tiêu cực. Lý do là họ không bị khó khăn, thử thách đánh gục, luôn tiến về phía trước và tin rằng mình xứng đáng với những điều tốt đẹp.
Thay vì than trách trước những sự kiện đã xảy ra hay đỗ lỗi cho một đối tượng nào khác về sự bất hạnh của mình, tại sao chúng ta không tự chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của chính mình và sử dụng những nguồn lực bản thân có thể kiểm soát để vượt qua?
5 cách đơn giản để sở hữu tư duy tích cực
Nhiều người nghĩ rằng suy nghĩ tích cực là bản năng. Thực ra, tư duy tích cực giống như một thói quen. Nếu bạn chịu khó rèn luyện, bạn hoàn toàn có thể sở hữu nó. Dưới đây là 5 cách đơn giản giúp rèn luyện tư duy tích cực:
- Biết ơn:
Biết ơn là một trong những cảm xúc tốt đẹp nhất. Khi cảm thấy biết ơn, bạn đang thỏa mãn với những gì mình có và ngập tràn tình yêu thương với những người xung quanh. Mỗi buổi sáng thức dậy hay mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hãy lấy một cuốn sổ và viết ra 3-5 điều bạn cảm thấy biết ơn. Đó có thể là những điều rất nhỏ bé nhưng chúng đang tập cho bạn nhìn mọi thứ dưới góc nhìn tươi sáng.
- Ngưng phàn nàn và đổ lỗi:
Những lời phàn nàn không làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn mà ngược lại, xoáy sâu hơn vào những cảm xúc tiêu cực của bạn. Sự phàn nàn thường kéo theo tâm lý đổ lỗi. Việc đổ lỗi là một cách đùn đẩy trách nhiệm, khiến chúng ta luôn chìm trong bất mãn và oán giận. Để có một tư duy tích cực, ngay từ bây giờ hãy ngưng phàn nàn và đổ lỗi. Thay vào đó, bạn nên tập trung tìm kiếm giải pháp cho những rắc rối của mình.
- Tự tin vào bản thân:
Bất cứ ai cũng sẽ có những điểm yếu và điểm mạnh. Nhưng những người tiêu cực thì chỉ nhìn vào những điểm yếu của mình để rồi càng vướng sâu hơn vào sự tự ti, mặc cảm. Mỗi lần bạn tự so sánh mình với ai đó, hãy thử thay đổi góc nhìn, nghĩ về những điểm nổi bật của bạn so với họ. Khi bạn tự tin mình là một bản thể duy nhất, bạn đang yêu thương và trân trọng chính mình.
- Tiếp xúc với những người lạc quan:
Nguồn năng lượng của bạn ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của những người xung quanh. Do đó, nếu muốn trở thành một người tích cực, hãy thường xuyên trò chuyện với những người có tư duy tích cực. Theo thời gian, bạn sẽ học hỏi được lối suy nghĩ và cách hành xử của họ.
- Đặt mình vào vị trí của người khác:
Khi đặt mình vào vị trí của người khác, bạn sẽ hiểu được điều gì đã dẫn đến hành vi của họ. Từ đó, bạn có thể cảm thông, thấu hiểu và bao dung hơn cho họ. Những cảm xúc như tức giận, ghen ghét, thù hận…cũng vì thế mà giảm bớt đi rất nhiều.
Không ai ngủ một giấc dậy đã trở thành một người khác. Tương tự như vậy, rèn luyện tư duy tích cực là một quá trình dài. Nếu bạn có đủ sự kiên trì, bạn sẽ nhìn thấy phép màu xuất hiện trong cuộc sống của mình.