Marketer TOPPION GROUP
TOPPION GROUP

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục TOPPION

4 giai đoạn giải quyết vấn đề bằng tư duy thiết kế

Tư duy thiết kế (Design Thinking) là phương thức giải quyết vấn đề bằng cách lấy con người làm trung tâm, giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ giữa người với người. Cách giải quyết vấn đề  của loại tư duy này rất sáng tạo nhờ việc áp dụng một quy trình hoàn thiện, có hệ thống để đối phó với các thách thức. (Theo Jean Liedtka & Andrew King & Kenvin Bennett, Solving Problems with Design Thinking – Giải quyết vấn đề bằng tư duy thiết kế).

Tư duy thiết kế với nhà quản lý, lãnh đạo

Đừng đóng khung cách hiểu về tư duy thiết kế. Bởi nó là phương pháp tư duy giải quyết vấn đề “bên ngoài chiếc hộp.

Tư duy thiết kế vốn đã được ứng dụng thành công ở rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như Toyota, IBM, Suncorp, 3M, SAP,…Tuy nhiên, nó vẫn đang là một khái niệm khá mới lạ và còn nhiều tranh luận, không chỉ tại Việt Nam, mà cả trên phạm vi thế giới.


Khi nghe đến tư duy thiết kế, rất nhiều người nghĩ rằng đây là một tư duy cần có của những người hoạt động trong lĩnh vực đồ họa chuyên nghiệp. Từ đó, họ cho rằng loại tư duy này hoàn toàn không phù hợp với những nhà quản lý, lãnh đạo. Bởi họ lo ngại rằng sẽ như thế nào nếu những nhà quản lý, lãnh đạo lại can thiệp vào các mẩu thiết kế? Tuy nhiên, tư duy thiết kế mà chúng tôi nhắc đến trong phạm vi của bài viết này không phải là tư duy dành cho những nhà thiết kế, mà là một mô hình giúp những nhà quản lý cải thiện mức tăng trưởng kinh doanh, tái thiết các quy trình nội bộ, củng cố đội ngũ hay bất cứ vấn đề nào khác của doanh nghiệpSuy cho cùng, tư duy thiết kế cũng là một trong những tư duy lãnh đạo cần có.

Mô hình 4 giai đoạn ứng dụng tư duy thiết kế

Vào năm 2011, Jeanne Liedtka và Tim Ogilvie (CEO của công ty Tư vấn kế hoạch và phát triển Peer Insight xuất bản cuốn sách Design for Growth (tạm dịch là Thiết kế để phát triển). Cuốn sách này đã đưa ra mô hình và các công cụ để ứng dụng tư duy thiết kế nhằm mục đích giúp các nhà quản lý cải thiện mức tăng trưởng tự thân trong kinh doanh. Đến năm 2013, Jeanne Liedtka tiếp tục cùng với Andrew King & Kevin Bennett hoàn thiện mô hình này thông qua nghiên cứu và phân tích các ứng dụng tư duy thiết kế để giải quyết các vấn đề mang tính tổ chức. Mô hình này bao gồm 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Phân tích thực trạng

Giai đoạn này sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: thực trạng hiện tại là gì. 
Chúng ta chỉ có thể tìm ra giải pháp tốt nhất khi hiểu rõ thực tại và mở rộng cách nhìn về chúng. Giai đoạn này sẽ đáp ứng yêu cầu này. Đây là quá trình nhìn lại để biết ta đang ở đâu, vấn đề mà ta đang đối diện là gì và xác định lại chúng ta muốn gì tiếp theo. Hiểu một cách đơn giản, giai đoạn này giúp bạn tìm được cơ sở cho những giải pháp gắn liền với nhu cầu thực tế và đưa ra được một hệ tiêu chuẩn để đánh giá tính phù hợp của những giải pháp được đưa ra sau đó.

  • Giai đoạn 2: Đưa ra những ý tưởng giải quyết vấn đề

Đây là giai đoạn mà chúng ta sử dụng những câu hỏi mang tính kích thích để để thoát ly khỏi những lối mòn tư duy, đưa ra những ý tưởng mới mang tính đột phá. Tuy nhiên, những ý tưởng này không xuất phát từ trí tưởng tượng mà xuất phát từ thực trạng đã được phân tích trước đó. Những ý tưởng này sẽ là những giả thiết, được đánh giá bằng hệ tiêu chuẩn được đưa ra ở giai đoạn 1.

  • Giai đoạn 3: Lựa chọn phương án phù hợp

Sau khi thực hiện đánh giá thực tiễn, mở rộng góc nhìn, chúng ta sẽ có nhiều ý tưởng để đưa ra nhiều phương án. Đây là giai đoạn chúng ta sàng lọc, lựa chọn những phương án phù hợp nhất với tiềm lực của công ty, tổ chức và tâm lý của người dùng. Những phương án này sẽ được đánh giá bằng cách tiến hành thử nghiệm.

  • Giai đoạn 4: Triển khai thực tế

Sau quá trình thử nghiệm, chúng ta sẽ nhận được những phản hồi về tính phù hợp của những phương án được lựa chọn. Những phương án nhận được phản hồi tích cực sẽ tiếp tục được tối ưu và tiếp tục thử nghiệm trên quy mô lớn hơn, cho đến khi chúng ta hài lòng và sẵn sàng để triển khai giải pháp này vào thực tiễn một cách rộng rãi.


Điều đặc biệt ở mô hình giải quyết vấn đề bằng tư duy thiết kế này không nhất thiết phải tiến hành tuần tự, mà có thể tiến hành bất cứ giai đoạn nào, tùy vào nhu cầu thực tế của đối tượng ứng dụng.

Tư duy thiết kế khuyến khích chúng ta nhìn nhận lại một cách kỹ lưỡng những vấn đề nội tại, từ đo mở rộng góc nhìn để tìm ra những giải pháp sáng tạo mà vẫn gắn liền thực tiễn.

Những công cụ hỗ trợ ứng dụng tư duy thiết kế

Cũng theo nhóm tác giả của cuốn sách nêu trên, để 4 giai đoạn ứng dụng tư duy thiết kế đảm bảo hiệu quả, chúng ta cần sự hỗ trợ của những công cụ sau:

  • Trực quan hóa: Dùng hình ảnh để mô phỏng các khả năng
  • Bản đồ hành trình trải nghiệm khách hàng: Xác định các trải nghiệm hiện có dưới trải nghiệm khách hàng
  • Phân tích chuỗi giá trị: Xác định các chuỗi giá trị hiện đang hỗ trợ cho lộ trình trải nghiệm của khách hàng
  • Bản đồ tư duy: Tổng hợp dữ kiện từ các thử nghiệm và dùng chúng để đề ra tiêu chuẩn
  • Động não: Nhìn nhận các cơ hội và đề ra mô hình khả thi
  • Phát triển phương án: Tập hợp các yếu tố vượt trội từ giải pháp
  • Kiểm nghiệm các giả định: Phân tách và kiểm tra các giả định then chốt mang tính quyết định đến thành bại của một phương án
  • Tạo mẫu nhanh: Trình bày các phương án thay thế dễ dàng nghiên cứu và cải thiện.
  • Khách hàng đồng sáng tạo: Khuyến khích khách hàng đề xuất giải pháp phù hợp với nhu cầu của họ.​
  • Mô hình học hỏi: Thực hiện các thí nghiệm không tốn kém, cho phép khách hàng trải nghiệm giải pháp mới trong một thời gian dài, nhằm kiểm tra các giả định then chốt bằng số liệu từ thị trường.

Từ 4 giai đoạn và các công cụ để ứng dụng tư duy thiết kế được đề xuất trên, có thể bạn cảm nhận rằng nó chỉ dành cho những vấn đề kinh doanh hoặc dịch vụ khách hàng. Dĩ nhiên ban đầu, mô hình này được đề xuất để gia tăng hiệu quả kinh doanh như đã nói trên. Nhưng thực tế, mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng vào giải quyết các vấn đề trong nội bộ doanh nghiệp và điều đó đã được chứng minh ở nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới. Giờ đây, tư duy thiết kế trở thành một trong những tư duy được các startup học hỏi và phát triển ở khắp mọi nơi và là một tư duy lãnh đạo cần thiết trong bối cảnh mới.

Nguồn: Toppion Group.