Marketer TOPPION GROUP
TOPPION GROUP

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục TOPPION

Lãnh đạo cũng cần phải học kỹ năng mềm, tại sao không!

Chúng ta từng nghe đâu đó rằng, những nhà lãnh đạo giỏi không chỉ xuất sắc về chuyên môn của họ mà họ còn phải là những bậc thầy về những kỹ năng mềm. Điều này hoàn toàn đúng và có ý nghĩa cho vài trò của một người lãnh đạo. Tất nhiên, mỗi người ai cũng là “nhà lãnh đạo” ở cấp độ của riêng họ, nhưng nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo thì nên nhớ rằng kỹ năng mềm cho lãnh đạo là một yêu cầu tất yếu và hoàn toàn chẳng - hề - dư - thừa.

Theo thực tế, lãnh đạo được coi là những người đảm nhiệm những chức vụ cao, như các CEO và giám đốc điều hành trong tập đoàn của họ. Lãnh đạo là nói cho người khác biết cần phải làm những gì, bằng một cách thuyết phục nhất. Đó là nghệ thuật trong việc đưa ra các định hướng, là nghệ thuật lắng nghe, là sự tôn trọng và cả sự đồng cảm và định hướng đúng lúc.

1. Lãnh đạo là lắng nghe, chứ không chỉ biết nghe.

Kỹ năng lắng nghe rất quan trọng đối với tất cả các chúng ta, nhưng đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo. Học cách trở thành một "người lắng nghe tích cực", nghĩa là thực sự lắng nghe những gì người khác đang nói và tiêu hóa lời nói của họ trước khi đưa ra phản hồi, thể hiện sự tôn trọng ý kiến người khác. Trở thành một người lắng nghe tốt cũng đảm bảo rằng bạn có tất cả các sự kiện trước khi bạn đưa ra quyết định hoặc cố gắng giải quyết vấn đề. Đây là một kỹ năng mềm vô cùng trọng cho một nhà lãnh đạo.


Lắng nghe không giống như việc bạn nghe một câu chuyện, nghe một ai đó nói và phản hồi nhanh lập tức với tâm thế “tôi biết điều đó và tôi sẽ cho bạn lời khuyên ngay bây giờ”. À điều đó tốt thôi, nhưng để đạt mức độ cao nhất về kỹ năng này, bạn cần thực hiện theo các bước sau: Hỏi – Nghe – Cảm ơn – Suy nghĩ – Phản hồi – Hành động – Góp ý phát triển.


Quy trình này giải thích rằng, bạn phải luôn trong tâm thế đặt câu hỏi. Vì chưa chắc người khác sẽ nói cho bạn điều bạn muốn nghe hoặc điều họ muốn nói, nếu không có những câu hỏi gợi mở. Hãy hỏi thật nhiều, điều này tạo cho đối phương cảm giác muốn chia sẻ thật sự. Bạn cần lắng nghe câu chuyện một cách tập trung và chân thành, nghe không phản hồi ngay lập tức, hãy để cho đối phương nói thật nhiều, cho dù đó là những góp ý chẳng hề tốt về bạn. Bạn làm được chứ? Đừng quên một lời cảm ơn rằng họ đã dành thời gian kể/nói cho bạn nghe về câu chuyện này, lời cảm ơn luôn là một thứ gì đó rất đáng yêu và luôn có giá trị trong mọi tình huống. Sau khi cảm ơn thì lúc này hãy dành thời gian suy nghĩ, tiêu hoá, phản hồi và hành động.


2. Kỹ năng kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc

Nóng tính và tức giận là 2 đặc điểm không thể không có ở một nhà lãnh đạo. Vì họ giỏi nên họ luôn yêu cầu những thứ tốt hơn và họ dễ nóng giận cho những sai sót của nhân viên mình. Đó là một điều hoàn toàn rất bình thường. Những điều để phân biệt giữa một người lãnh đạo giỏi và người lãnh đạo bình thường là cách anh/cô ta quản lý cảm xúc của mình như thế nào và anh ta có linh hoạt chuyển hoá được cảm xúc của mình trong những tình huống khác nhau hay không.
Để rèn luyện kỹ năng này, bạn nên luyện tập theo các bước sau:

  • Liệt kê những cảm xúc tiêu cực đến từ tình huống bạn đang gặp phải
  • Tự hỏi rằng “Tôi học được gì từ bài học kinh nghiệm này?”
  • Tôi có thể sử dụng nguồn lực hiện có nào để có thể vượt qua thử thách này?

Hãy luyện tập 3 bước trên trong mọi tình huống để trở thành một người lãnh đạo linh hoạt về cảm xúc.


3. Giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể

Ngôn ngữ hình thể là vô cùng quan trọng trong một thế giới cạnh tranh cao như ngày nay, nó trở thành một công cụ được sử dụng trong kinh doanh, trong các cuộc ký kết hợp đồng, trong sự phát triển, gắn kết các mối quan hệ, hay ngay cả trong lãnh đạo và quản trị.


Từng có một câu ngạn ngữ nói như thế này:

Tư thế cơ thể của chúng ta, cùng với các chuyển động và vị trí của các bộ phận cơ thể khác nhau, đóng một vai trò quan trọng trong việc bộc lộ cảm nhận và cảm xúc của chúng ta, ngay cả khi chúng ta không tự nguyện thể hiện cảm xúc đó”.


Một ngôn ngữ hình thể tích cực giúp bạn quyết đoán hơn, tự tin hơn và giúp hỗ trợ đưa thông tin của bạn đến với người khác một cách dễ dàng. Ngoài ra cũng có một nghiên cứu nói rằng giao tiếp của chúng ta bao gồm 35% là giao tiếp bằng lời nói và 65% còn lại là giao tiếp bằng phi ngôn ngữ (ngôn ngữ hình thể). Điều này hàm ý rằng bất cứ điều gì chúng ta nói thì người khác chỉ có thể hiểu và nghe 35%, nhưng 65% còn lại mới là điều quan trọng.


Cho nên điều tối quan trọng của một người lãnh đạo trong việc truyền thông và truyền tải thông điệp không dừng lại ở ngôn ngữ lời nói nữa, mà nên dành 65% tập trung vào ngôn ngữ hình thể của mình. Hãy tập luyện kỹ năng này, bắt đầu từ việc giao tiếp bằng mắt, các cử chỉ từ những bộ phận khác trên cơ thể như nét mặt, các hành động từ đôi tay, cánh tay, nhún vai…và chúng thật sự là công cụ hỗ trợ đắc lực cho vị trí lãnh đạo của bạn.

4. Một lãnh đạo giỏi phải tạo ra một đội ngũ giỏi

Ngày nay thuật ngữ “coaching” hay “kèm cặp” dần trở nên quen thuộc trong quản trị và cả cuộc sống hằng ngày. Là một nhà lãnh đạo, họ không cần một đội ngũ đến công ty làm việc để “kiếm tiền” mà họ cần một đội ngũ nhìn thấy giá trị và mục tiêu của doanh nghiệp, hiểu được ý nghĩa và tin tưởng vào sứ mệnh của công ty để cống hiến tạo ra sự khác biệt. Không quan trọng người lãnh đạo đó giỏi đến đâu, nhưng cách người đó xây dựng được một đội ngũ vững mạnh, điều đó mới thật sự có ý nghĩa. Để có được điều này, người lãnh đạo cần làm một số công việc như sau:

- Trở thành một người hỗ trợ: Khi bạn hỗ trợ ai đó, tự khắc sẽ tạo ra mối quan hệ tin tưởng giữa bạn và đối phương. Niềm tin từ đội ngũ là giá trị mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng cần cho sự phát triển của anh/cô ta. Và điều này còn có giá trị với câu nói “Khi bạn cố gắng tìm ra điểm tốt của một ai đó, bạn sẽ thấy chính điều đó trong con người của mình”.
- Xác định câu hỏi và nhu cầu: Thiết lập bộ câu hỏi cho đội ngũ, xây dựng văn hóa câu hỏi gợi mở, điều này cũng góp phần tạo ra sự sáng tạo và tư duy cải tiến cho đội ngũ.
- Thiết lập sự gắn kết: Bạn cần cho đội ngũ của mình thấy rằng thành công của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi những hành động của họ ngày hôm nay và nó còn ảnh hưởng đến thành bại của đội nhóm hay cả doanh nghiệp. Giúp họ nhận ra vai trò của họ trong đội ngũ và giá trị sự đóng góp của họ đối với sứ mệnh của công ty, điều này tạo ra sự gắn kết trung thành và niềm tin cho đội ngũ và chính trong công việc của họ.
- Bắt đầu với các kế hoạch: Tạo một kế hoạch vừa cụ thể vừa có thể đạt được mục tiêu cho cả đội ngũ. Hãy chắc chắn rằng tất cả các thành viên đều đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bạn xây dựng và đạt được chiến lược. Bằng cách cùng nhau tạo ra kế hoạch, phân định rõ vai trò, trách nhiệm để hai bên có sự thống nhất và cam kết thực hiện. Bằng cách này bạn và nhân viên sẽ hiểu rõ hơn về phong cách làm việc, ngoài ra sẽ làm tăng sự tin cậy của họ đối với bạn.
- Sự cam kết: Bạn cần có sự cam kết từ đội ngũ, điều này sẽ làm cho đội ngũ nâng cao tinh thần trách nhiệm và chú ý đến công việc của mình nhiều hơn. Nếu được thì giai đoạn này sẽ rất cần sự hỗ trợ từ bạn.
- "Đừng bỏ cuộc!": Coaching đội ngũ là một nghệ thuật là một kỹ năng không hề đơn giản, cần ở bạn sự kiên trì và cả sự đam mê. Và hãy luôn kiên định ngay cả khi đội ngũ của bạn đã nản lòng, hãy giúp họ giải tỏa và hãy để họ thấy rằng bạn luôn theo dõi và cam kết giúp họ đạt được mục tiêu.

Nguồn: Toppion Group