OGSM là gì? Sự khác nhau giữa OGSM và BSC?
Một doanh nghiệp thành công là một doanh nghiệp có thể định hướng và hiện thực hoá tầm nhìn, mục tiêu của mình. Hiện nay, có rất nhiều công cụ quản trị hiện đại có thể giúp doanh nghiệp quản trị mục tiêu, chiến lược. OGSM là một trong số đó, nhưng không phải ai cũng biết OGSM là gì và có những đặc điểm cơ bản nào.
Sự ra đời của OGSM
Về lịch sử hình thành, mô hình OGSM được phát triển vào khoảng những năm 50 của thế kỷ XX, sau chiến tranh thế giới thứ II. Mô hình này được sáng tạo bởi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, dựa trên ý tưởng về quản lý mục tiêu của Peter Drucker.
Song, OGSM lại thực sự phổ biến và được các doanh nghiệp lớn ứng dụng là nhờ công của Mỹ thông qua việc áp dụng mô hình này cho mục tiêu “làm cho người Mỹ lại một lần nữa tự hào về người Mỹ” thông qua việc lần đầu tiên đưa con người lên mặt trăng. Sau sự áp dụng thành công của Mỹ, hàng loạt các công ty khác, đặc biệt là các công ty sản xuất sử dụng mô hình OGSM để quản trị toàn bộ hoạt động vận hành hàng ngày của họ.
Mô hình OGSM được áp dụng một cách triệt để từ trên xuống dưới, và đối với các doanh nghiệp đa quốc gia, mô hình này cũng được áp dụng thống nhất từ trụ sở chính cho đến các chi nhánh ở trên toàn thế giới. Đó cũng là một trong những nguyên nhân OGSM được lan toả đến nhiều quốc gia.
OGSM – Quản trị mục tiêu từ lý thuyết đến thực tế
OGSM là từ viết tắt của: Objectives (Mục tiêu chính); Goals (Đích nhắm tới); Strategies (Chiến lược) và Measurements (Đo lường). Dựa trên 4 tiêu chí này, doanh nghiệp đi tìm câu trả lời cho 2 câu hỏi cốt lõi: làm gì và làm như thế nào. OGSM là công cụ giúp doanh nghiệp hoạch định mục tiêu, triển khai và kiểm soát chiến lược, giúp chiến lược đi từ trang giấy đến hiện thực.
Mục tiêu chính (O) đặt ra câu hỏi: Doanh nghiệp mong muốn đạt được điều gì? Thường đó là một mục tiêu dài hạn, mang tính định tính, từ mục tiêu chính này mà doanh nghiệp phân chia thành những “đích nhắm” nhỏ (G). Những đích nhắm này thường cụ thể, rõ ràng và mang tính định lượng, yêu cầu hoàn thành trong một thời gian nhất định. Để đạt được mỗi “đích nhắm” nhỏ thì cần có những chiến lược tương ứng (S), thường không quá 5 chiến lược. Ở đây, chúng ta cần phân biệt chiến lược thực thi cho “đích nhắm” khác với chiến lược ở tầm vĩ mô dành cho sự phát triển của toàn doanh nghiệp. Và cuối cùng, để xác định được mức độ hoàn thành của mục tiêu, chúng ta cần có những tiêu chí đo lường (M) để đánh giá. Thường các chỉ số đo lường sẽ là những con số về thời gian, số lượng, doanh thu, năng suất...
OGSM vẫn được mệnh danh là công cụ lập kế hoạch chiến lược trên một trang giấy, tương đối đơn giản và dễ áp dụng. OGSM biến tầm nhìn thành hành động, có thể phân tầng các mục tiêu từ lớn đến bé để tạo thành nhiều lớp OGSM, hình thành một mạng lưới chặt chẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát mục tiêu và chiến lược dễ dàng hơn.
Như vậy, để trả lời cho câu hỏi OGSM là gì, chúng ta có thể hiểu rằng OGSM là một công cụ giúp doanh nghiệp hoạch định mục tiêu, triển khai và kiểm soát chiến lược, giúp chiến lược đi từ việc hình thành trên trang giấy đến lúc được hiện thực hóa trong doanh nghiệp.
Hiểu OGSM từ những đặc điểm then chốt
OGSM ảnh hưởng bởi tư duy quản trị top – down nên được thiết lập theo mô hình áp dụng từ trên xuống, nhân viên chủ yếu có trách nhiệm thực thi chứ không tham gia nhiều vào quá trình thiết lập. Như vậy, OGSM có tính ổn định, không linh động, thậm chí đôi khi có chút cứng nhắc.
OGSM là công cụ quản trị chiến lược mục tiêu có tính bao quát, nhất quán và ổn định cho doanh nghiệp thấy được bức tranh tổng thể và quản lý mục tiêu dài hạn.
Mục tiêu trong OGSM mang tính dài hạn và gắn liền với sứ mệnh cũng như tầm nhìn của công ty. Các đích nhắm sẽ là những bậc thang để hoàn thành mục tiêu và thường đi chung với thành tích về tài chính, dễ dàng có thể đánh giá và đo lường mức độ hoàn thành.
Từ hệ quả của hai đặc điểm trên, chu kỳ thiết lập OGSM cho doanh nghiệp thường kéo dài (khoảng 3 đến 5 năm). Việc đánh giá, điều chỉnh đích nhắm và chiến lược có thể diễn ra hàng quý, hàng tháng, hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng mục tiêu chính buộc phải mang tính dài hạn và đủ tính thách thức. Đây cũng là một trong những ưu điểm của OGSM, giúp doanh nghiệp xác định các chiến lược bao quát để sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc quản lý mục tiêu và chiến lược.
Tựu trung lại, OGSM là công cụ quản trị chiến lược mục tiêu có tính bao quát, nhất quán và ổn định cho doanh nghiệp thấy được bức tranh tổng thể và quản lý mục tiêu dài hạn.
Sự giống và khác nhau của BSC và OGSM là gì?
Đối với người làm quản lý, việc lựa chọn công cụ quản trị phù hợp với doanh nghiệp là một trong những yêu cầu quan trọng. Và để đưa ra được lựa chọn phù hợp, cần có sự cân nhắc, so sánh giữa các công cụ. Ngoài OGSM, thì BSC là một trong những công cụ quản trị được nhiều doanh nghiệp quan tâm thời gian gần đây. Vậy, sự giống và khác nhau giữa BSC và OGSM là gì?
OGSM và BSC đều là những công cụ quản trị chiến lược và mục tiêu cho doanh nghiệp. Cả hai đều hướng tới việc biến tầm nhìn thành hiện thực. Cả hai đều có tính lượng hoá và kết nối cao. Những mục tiêu đưa ra đều mang tính dài hạn, gắn với tầm nhìn của doanh nghiệp. OGSM và BSC đều tập trung vào mục tiêu, liên kết giữa những hành động hàng ngày với mục tiêu chung, thậm chí là tạo nên sự kết nối giữa các phòng ban với nhau và giữa các nhân viên trong một phòng ban để hướng đến mục tiêu. Hai công cụ này đều phải thiết lập dựa trên nguyên tắc thực tiễn – nghĩa là đưa ra những mục tiêu lớn đủ thách thức nhưng vẫn có khả năng thực hiện, ngoài tầm tay nhưng vẫn nằm trong tầm với. Điều này giúp các doanh nghiệp lượng hoá được toàn bộ quá trình thực hiện mục tiêu, chiến lược của mình, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tiến về phía trước một cách vững vàng.
Điểm khác biệt cốt lõi là OGSM thì hướng đến mục tiêu có cụ thể còn BSC thì hướng đến sự cân bằng toàn diện.
Tuy nhiên, OGSM là công cụ quản trị chiến lược, mục tiêu dựa trên 4 yếu tố mục tiêu, đích nhắm, chiến lược và đo lường nên cốt lõi của công cụ này nằm ở việc “hiện thực hoá” tầm nhìn dựa trên những mục tiêu đã đưa ra. Những mục tiêu đó phụ thuộc vào tầm nhìn và kỳ vọng của doanh nghiệp trong tương lai. Khởi đầu từ mục tiêu định tính, OGSM giúp doanh nghiệp hoạch định thành những mục tiêu định lượng, đưa ra được những chiến lược thích hợp để hoàn thành mục tiêu chính nên việc áp dụng công cụ này tương đối đơn giản và dễ dàng.
Đối với BSC – hay còn được biết đến với tên gọi là Thẻ điểm cân bằng, cũng có những ưu điểm để biến mục tiêu thành hiện thực như OGSM. Song, như tên gọi, BSC có một đặc điểm khác biệt so với những công cụ quản trị khác chính là sự cân bằng. Khác với OGSM, BSC quản trị chiến lược, mục tiêu dựa trên 4 yếu tố tài chính, khách hàng, quy trình và con người với mục tiêu hướng đến là tài chính hiệu quả, khách hàng hài lòng, quy trình theo kịp chiến lược và con người thực thi được chiến lược. Do đó, ngoài 4 tính chất kết nối, lượng hoá và định hướng, BSC còn có đặc điểm là hướng đến sự cân bằng của 4 yếu tố này, tạo nên một bộ khung phát triển bền vững và ổn định cho doanh nghiệp.
Lựa chọn dành cho doanh nghiệp
Như chúng ta đã biết, hiện nay có rất nhiều công cụ quản trị giúp doanh nghiệp quản lý và hiện thực hoá mục tiêu, chiến lược của mình. Mỗi công cụ lại có những đặc điểm và ưu – nhược điểm riêng. Có những bộ công cụ có thể kết hợp với nhau, cũng có những công cụ được áp dụng thống nhất từ trên xuống dưới. Mấu chốt quan trọng nhất khi lựa chọn công cụ quản trị dành cho doanh nghiệp vẫn là yếu tố phù hợp với doanh nghiệp hay không dựa trên tư duy và nền tảng văn hoá doanh nghiệp hiện có.
Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp áp dụng OGSM cũng như BSC, song BSC có phần phổ biến hơn. Cả hai đều có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến mục tiêu về tài chính, doanh thu nhưng với một doanh nghiệp phát triển đường dài, tài chính thôi là chưa đủ. Câu chuyện tài chính sẽ chỉ là vấn đề cấp bách trong khoảng 1-3 năm đầu, những năm sau đó khi tài chính ổn định, doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề về khách hàng, hệ thống quản trị và con người. Do đó, đối với những doanh nghiệp muốn thách thức bản thân, đưa ra những mục tiêu bứt phá trong từng giai đoạn sẽ lựa chọn công cụ OGSM, còn đối với những doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững và cân bằng thường có xu hướng lựa chọn BSC. Tuỳ vào lối tư duy và nền tảng văn hoá doanh nghiệp của từng công ty mà mỗi công ty có sự lựa chọn khác nhau.
Việc đặt OGSM bên cạnh công cụ khác cho chúng ta thấy được điểm giống và khác nhau giữa các công cụ quản trị hiện đại, từ đó dễ dàng cân nhắc khi đưa ra sự lựa chọn cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, dù lựa chọn công cụ nào đi chăng nữa, yếu tố then chốt để áp dụng thành công các công cụ quản trị chiến lược, mục tiêu vẫn phụ thuộc vào tư duy và văn hoá của mỗi doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng mà mỗi doanh nghiệp phải xây dựng khi muốn áp dụng các công cụ quản trị vào doanh nghiệp của mình một cách hiệu quả.
* Nguồn: Toppion