Marketer Dentsu Redder
Dentsu Redder

Công ty Cổ phần Quảng cáo Redder Asia

Dentsu Redder Impact Academy: Bàn về thưởng nhạc

Dentsu Redder Impact Academy: Bàn về thưởng nhạc

Nghĩ về âm nhạc là nghĩ về tâm hồn và cảm xúc, hay còn điều gì khác. Liệu chúng ta đã biết cách nghe nhạc sao cho đúng? Với sự dẫn dắt của nhạc sĩ, nghệ sĩ Dương Thụ – một người đã bước qua những chuyển giao của thời đại bằng sự nhạy cảm với đời, bền bỉ với nghề và tinh vi với nghiệp chắp bút hoạ thanh âm – để chạm đến tinh thần của cái gọi là “Thưởng Nhạc”.

Bài viết là nội dung chia sẻ của nhạc sĩ Dương Thụ tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy. Ông là “cha đẻ” của những ca khúc đánh dấu một thời vàng son của nhạc Việt, cùng những bài hát làm nức lòng hàng thế hệ những người yêu nhạc như “Cho em một ngày”, “Lắng nghe mùa xuân về”, “Hoạ mi hót trong mưa”...

Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống. Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây

*Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple Podcast và VoizFM

Xuyên suốt buổi chuyên đề, chú Dương Thụ đã chia sẻ 2 “bí mật” để mỗi chúng ta đều biết cách Thưởng nhạc, đó là: (1) Đào luyện tâm hồn (Heart) và (2) Nâng tầm trí tuệ (Mind).

Đào luyện tâm hồn (Soul/ Heart)

Nghe nhạc là chuyện của sở thích, tâm hồn và học vấn

Việc tiếp xúc với văn hoá nghệ thuật và âm nhạc từ sớm dường như đã hình thành ở chú một quan điểm vô cùng sắc bén về nghệ thuật nói chung và thưởng nhạc nói riêng: Âm nhạc liên đới với trí tuệ và đẳng cấp của con người. Ta tôn trọng sự khác biệt trong việc cảm thụ âm nhạc, nhưng ta chỉ có thể thực sự chia sẻ khi diện kiến các đồng âm. Khi đó, nghệ thuật là chia sẻ những gì rất thật, không hoa mỹ, không lấy lòng, và nghệ thuật không phải là thứ văn chương ta phủ bóng lên lời lẽ dành cho nhau.

Âm nhạc liên đới với trí tuệ và đẳng cấp của con người.

Câu chuyện về lỗ tai và âm nhạc

Nghe nhạc là chuyện của sở thích, tâm hồn và học vấn, nhưng nghe nhạc cũng là chuyện của cái tai 2 trong 1, là cái “tai trong" và cái “tai ngoài" của mỗi con người. Tai ngoài là để nghe âm thanh và tiếng động, đó là cái tai vật lý. Tai trong là để lắng nghe những cái đằng sau âm thanh và tiếng động, nó là lỗ tai nội tâm.

Âm thanh sẽ đi qua “tai ngoài” vào “tai trong” và ở lại rất sâu trong nội tâm. Như “tiếng những cơn mưa rào sầm sập trên mái tôn”, “tiếng rả rích mưa ngâu tháng 7”, “tiếng thì thầm mưa phùn tháng Giêng” vốn chỉ là tiếng động to nhỏ của những giọt nước rơi xuống. Nhưng khi được lắng nghe bởi cái “tai trong”, “cái đằng sau âm thanh ấy” đã trở thành chất liệu của những bài hát để đời như:

  • Nghe mưa:

  • Họa mi hót trong mưa:

  • Tiếng mưa để lại:

Bệnh “điếc tai" và chứng vô cảm

Bệnh điếc “tai trong" có thể coi là bệnh của thời đại, khi người ta vẫn “nghe” nhưng không “thấy”. Với người “điếc tai trong”, âm nhạc dù hay đến mấy cũng chỉ là tiếng động mà thôi. Đó là lý do người ta có thể dễ dàng chấp nhận loại nhạc được sáng tác chỉ bằng kỹ thuật và sự trống rỗng vô hồn.

Âm nhạc là giấc mơ, mà ta có thể mơ cả trong những lúc “khốn nạn” nhất của cuộc đời

Chú Dương Thụ khiêm tốn cho rằng âm nhạc của bản thân “không rơi vào chuẩn hay” như những tên tuổi thời bấy giờ như Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Tố Hữu... Câu chuyện về nhạc phẩm “Lắng nghe mùa xuân về” là minh chứng rõ nét rằng xứng đáng có một Dương Thụ rất khác trong làng âm nhạc hiện thời, một trái tim khác, tâm hồn khác, rung cảm khác khi đối diện với thực tại đời sống.

Poster của buổi chia sẻ
Nguồn: Dentsu Redder

Ta chẳng biết được, “Lắng nghe mùa xuân về” ra đời mùa xuân 1981, khi người nghệ sĩ cô đơn ngay chính trong đêm giao thừa. Đối lập với tiếng pháo đì đùng thời khắc vạn vật giao hoà bên ngoài, nhạc sĩ mang nỗi buồn của mình vào trong tiếng đàn và lời hát. Đó là người nghệ sĩ sống bằng giấc mơ, kẻ vẫn mơ cả trong những lúc khốn nạn nhất của cuộc đời. Bởi những giấc mơ giúp ta vượt qua tháng ngày khó khăn, và âm nhạc chính là giấc mơ, như chú từng chia sẻ, trong một bài báo khác:

"Tôi là người rất sợ sự tăm tối, ủ rũ, nên dù các bài hát của tôi trong chương trình có nhiều bài buồn, nhưng là cái buồn của một kẻ muốn được yêu, muốn có một cuộc sống xứng đáng, vẫn tràn đầy lòng tin yêu vào những điều tốt đẹp dù bản thân phải hứng chịu những điều ngược lại”.

Âm nhạc và nền tảng văn hoá cá nhân

Trong 4 bộ môn cấu thành nền tảng văn hoá (Âm nhạc, Mỹ thuật, Triết học, Văn học), âm nhạc đóng vai trò quyết định trong việc tạo nên chiều sâu nội tâm, khả năng tư duy và khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ những gì ta hiểu và cảm. Âm nhạc gợi ký ức, làm thức dậy những cảm xúc mà ta đánh mất trong cuộc sống thường nhật, giúp ta có những giây phút mơ mộng và bay bổng, điều mà trong thực tế là không thể. Cũng như những loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc là tiếng lòng, là hiện thân của nhân tính, là tự trọng của người làm nhạc, thứ được lột tả trong giai điệu và ca từ viết ra.

Nâng tầm trí tuệ (Mind)

Tìm hiểu cả bề rộng và bề sâu những kiến thức về âm nhạc giúp ta có không gian chung để nhìn nhận phổ quát hơn, có hệ thống hơn, thấu hiểu hơn, và từ đó thưởng nhạc được thăng hoa hơn.

Âm nhạc cần được hiểu đúng

Theo nghĩa hẹp, trích từ Wikipedia, âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt. Các yếu tố chính của nó là: Cao độ (điều chỉnh giai điệu), Nhịp điệu (và các khái niệm liên quan như nhịp độ, tốc độ), Âm điệu và những phẩm chất âm thanh của âm sắc, và Kết cấu bản nhạc. Âm nhạc là âm thanh của thanh nhạc hoặc công cụ âm thanh (hoặc cả hai) kết hợp theo cách như vậy để tạo ra vẻ đẹp của hình thức, sự hài hoà và biểu hiện cảm xúc.

Tìm hiểu cả bề rộng và bề sâu những kiến thức về âm nhạc giúp ta có không gian chung để nhìn nhận phổ quát hơn, có hệ thống hơn, thấu hiểu hơn, và từ đó thưởng nhạc được thăng hoa hơn

Theo nghĩa rộng: Âm nhạc là những gì được con người hát lên, được tấu lên bằng khí nhạc. Thanh âm trong âm nhạc có cao độ chuẩn. Người Kinh Việt Nam có hệ thống 5 âm (Ngũ Cung): Sắc – Huyền – Hỏi – Ngã – Nặng, điều này lý giải tại sao tiếng Việt giàu nhạc tính). Ngày nay, khái niệm này được mở rộng khi các nhạc sĩ đưa những thứ không có cao độ chuẩn – như sự im lặng hoàn toàn, tiếng động và thanh âm của tự nhiên như tiếng gió, tiếng mưa, tiếng sóng biển, tiếng chim hót – vào tác phẩm và coi chúng là một phương tiện biểu đạt của âm nhạc

Vậy thế nào là thưởng thức âm nhạc?

Nếu nghe nhạc chỉ để giải trí thì loại nhạc nào cũng được, vấn đề chỉ nằm ở cách thể hiện tác phẩm. Quan niệm của chú Dương Thụ thì cho rằng:

“Nghe nhạc để vui buồn, thương nhớ, để say sưa, rạo rực, để trang nghiêm, mạnh mẽ, để bay bổng, mơ mộng…, là để sống với nội tâm, để cảm nhận một điều gì đó mà bằng lý trí mà ta không ý thức được, để khám phá ra cái đẹp ẩn chứa trong cấu trúc tác phẩm, trong việc tiến hành giai điệu, trong tiết tấu, trong hòa thanh, trong nhịp độ... Nghe một cách nghiêm túc như thế mới thực sự gọi là thưởng thức âm nhạc”.

Hai khu vực âm nhạc cơ bản

Âm nhạc được chia làm những khu vực khác nhau, có lịch sử, trường phái, khuynh hướng, thể loại… được diễn tấu bằng giọng hát và nhạc cụ, gồm 2 khu vực lớn:

  • Âm nhạc bác học: (Academic Music) còn gọi là âm nhạc hàn lâm, âm nhạc cổ điển (Classic), riêng ở Việt Nam còn có nhạc cổ truyền (Nhã nhạc Cung đình Huế)
  • Âm nhạc dân gian: (Folk Music) bao gồm âm nhạc truyền thống (dân ca, dân nhạc), âm nhạc dân gian đương đại và âm nhạc đại chúng (Pop Music)

 

Lịch sử âm nhạc thế giới

Là lịch sử của âm nhạc bác học, ra đời từ những nhà thờ Thiên chúa giáo Tây phương rồi trở thành âm nhạc chính thống của loài người, và được phát triển sôi nổi phong phú từ thời kỳ Phục Hưng cho đến ngày nay:

1. Thời kỳ Phục Hưng (1400-1600)

Âm nhạc Phục Hưng là âm nhạc được viết tại Châu Âu trong thời kỳ Phục Hưng. Các nhà nhạc sử học – với những bất đồng đáng kể – đều thống nhất rằng thời kỳ này bắt đầu vào khoảng thế kỷ 15, với sự lụi tàn của thời kỳ Trung cổ, và kết thúc vào khoảng thế kỷ 17, với sự tiếp nối của giai đoạn âm nhạc Baroque. Do đó, trong những cách hiểu khác, âm nhạc Phục Hưng đã bắt đầu manh nha trước thời kỳ Phục Hưng trong lịch sử khoảng một trăm năm.

Cũng như những môn nghệ thuật khác, âm nhạc thời kỳ này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự phát triển của giai đoạn lịch sử cận đại: Sự nâng cao ý thức về quyền con người; Sự phục hồi của văn chương và di sản nghệ thuật Hy Lạp – La Mã cổ đại; Sự gia tăng của những cách tân và khám phá; Sự phát triển của các tập đoàn thương mại; Sự lớn mạnh của giai cấp tư sản; và phong trào Cải cách Kháng cách. Xã hội đầy biến động này làm nảy sinh một ngôn ngữ âm nhạc chung, thống nhất, chẳng hạn phong cách nhạc phức điệu của Trường nhạc Pháp-Flemish.

Các tên tuổi lớn trong thời kỳ này: John Dunstable (Anh), Guillaume de Machaut (Pháp), Guillaume Dufay (Pháp), Gilles Binchois (Bỉ). 

Guillaume de Machaut: La Messe de Nostre Dame – Agnus Dei

2. Thời kỳ Baroque (1600 - 1700)

Là giai đoạn nền móng trong lịch sử âm nhạc thế giới, âm nhạc vào thời kỳ này cho thấy được sự sáng tạo các âm sắc – các nhà soạn nhạc và các nghệ sĩ biểu diễn sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp, thực hiện thay đổi trong ký hiệu âm nhạc và phát triển các kỹ thuật chơi nhạc cụ mới.

Các tên tuổi lớn trong thời kỳ này: Antonio Vivaldi (Italia), Johann Sebastian Bach (Đức), Frideric Handel (Đức).

Bản Giao hưởng 4 seasons (Bốn mùa) – Vivaldi

3. Thời kỳ Tiền Cổ điển & Cổ điển (1730 - 1820)

Đây là thời kỳ định hình và tái xác lập những bộ khung “chuẩn mực” trong âm nhạc bác học (từ cấu trúc bài hát, đến cấu trúc một bản giao hưởng). Chẳng hạn như, Beethoven luôn quan niệm rằng trong một tác phẩm âm nhạc, luôn phải có những “song tấu” – tức có cao trào thì phải có dịu êm, có hung dữ thì phải có hiền hòa, có khô cứng thì phải có mềm mại, có hạnh phúc thì phải có khổ đau. Điều này cũng tương tự quan niệm Âm – Dương trong triết lý của Đạo giáo ở Á Đông (Lão Tử). Bản giao hưởng số 9 (Symphony No.9) của Beethoven là một trong những thanh âm đặc trưng của Trái Đất mà NASA gửi ra ngoài vũ trụ trên chuyến tàu Apolo 11 (1969).

Các tên tuổi lớn trong thời kỳ này: Mozart (Áo), Beethoven (Đức), Joseph Haydn (Áo).

Beethoven Symphony No.9

4. Thời kì Lãng mạn (1800-1910)

Bước sang giai đoạn này, các nhà soạn nhạc lần lượt phá cách, đổi mới, sáng tạo, thoát khỏi những khuôn thước định hình của thời kỳ Cổ điển, thổi vào đó những cái tôi rất độc đáo của mình. Đơn cử như Erik Satie, ngay từ những ngày đầu sáng tác, ông đã kịch liệt phản đối thói giáo điều, tính thủ cựu trong sáng tác, mở đường đến với chủ nghĩa ấn tượng trong âm nhạc. Ông là người chủ động sử dụng tiếng máy đánh chữ, tiếng còi tàu, còi nhà máy trong việc phối khí âm nhạc, đưa âm nhạc bác học quyện vào đời sống trần trụi, giản dị nhưng gần gũi.

Các tên tuổi lớn trong thời kỳ này: Chopin (Ba Lan), Schubert (Áo), Erik Satie (Áo), Tchaikovsky (Nga).

Ständchen

5. Thời kỳ hiện đại (1890-2000)

Đầu thế kỷ 20 là mốc thời gian đánh dấu sự thay đổi nhanh chóng. Công nghệ đang thay đổi thế giới. Những nghệ sĩ, những nhà văn, những nhạc sĩ và những người biểu diễn bắt đầu phản ánh những thay đổi thông qua tác phẩm của họ. Và ngay lúc xã hội đang loại bỏ những quy tắc lâu đời đã thống trị trong nhiều thế kỷ, những nhà soạn nhạc cũng đảo lộn những quy tắc âm nhạc và tìm ra những đề tài mới, táo bạo và những cách thức mới để thể hiện chúng.

Ở Vienna có một nhóm mà trong đó đứng đầu là Arnold Schoenberg cho rằng điệu tính, một thứ tự logic trong đó những hợp âm và hòa âm trong âm nhạc ăn khớp với nhau, đang được khai thác hết và quyết định từ bỏ nó. Từ bỏ có nghĩa là từ bỏ quan niệm rằng âm nhạc cần phải đẹp. Những nhà soạn nhạc thành công nhất là những người tìm được một nền tảng trung dung – vừa đi theo sự thay đổi trong khi vẫn phù hợp với cái nhìn của chính mình và giữ được tình cảm với thính giả.

Các tên tuổi lớn trong thời kỳ này: Stravinsky, Strauss, Shostakovich. Ví dụ: Strauss, Four Last Songs

Strauss: Four Last Songs

6. Thời kỳ Đương đại (2000 - đến nay)

Âm nhạc trong thế kỷ này cần nhiều thời gian nữa để thẩm định xem yếu tố nổi bật của thời kỳ này là gì. 

Bắt đầu từ đặc điểm của âm nhạc Hậu Lãng mạn (với các nhà soạn nhạc như Gustav Mahler, Jean Sibelius…), âm nhạc thế kỷ 21 bắt đầu với sự ra đời của trường phái Ấn tượng (Impressionism) với hai đại diện nổi bật là Claude Debussy và Maurice Ravel. 

Từ đầu thập kỷ 50, John Cage đã giới thiệu những yếu tố ngẫu nhiên trong âm nhạc của mình, từ đó sinh ra những loại âm nhạc ngẫu nhiên (Chance Muisc), âm nhạc ứng tác tự do (Free Improvisation Music), âm nhạc trực giác (Intuitive Music), âm nhạc quy trình (Process Music), rồi đến âm nhạc thử nghiệm (Experimental Music). Trong một phần tư cuối của thế kỷ này, người ta thiên về loại âm nhạc đa phong cách (Polystylism), âm nhạc phổ thông (Popular Music) và những loại âm nhạc điện tử, loại âm nhạc liên quan đến truyền thông (phim, phòng thu, radio, TV).

Các tên tuổi lớn trong thời kỳ này: Claude Debussy, Maurice Ravel, John Cage...

John Cage 4'33

Lịch sử âm nhạc Việt Nam

Âm nhạc phản ánh thực tại, thế nên xuyên suốt chiều dài lịch sử chiến đấu dựng nước và giữ nước của dân tộc, âm nhạc đã đi theo, ghi nhớ, hoà vào cuộc chuyển mình đổi thay mà được chia thành 4 giai đoạn – tính từ thời điểm khai sinh Tân nhạc:

1. Giai đoạn 1936 - 1947 (Nhạc Tiền chiến)

Với các nhạc sĩ tiêu biểu như: Đặng Thế Phong (Giọt mưa thu, Con thuyền không bến), Lê Thương (Hòn Vọng Phu 1, 2, 3), Văn Cao (Buồn tàn thu, Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi)...

2. Giai đoạn 1947 - 1954 (Nhạc Hậu Tiền chiến – Nhạc Kháng chiến)

Với các nhạc sĩ tiêu biểu như: Nguyễn Đình Thi (Người Hà Nội), Đỗ Nhuận (Du kích Sông Thao, Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên), Văn Cao (Trường ca Sông Lô, Làng tôi, Ngày mùa, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, Tiến về Hà Nội), Phạm Duy (Tiếng sáo thiên thai, Tình ca, Khối tình Trương Chi, Nụ tầm xuân), Đoàn Chuẩn (Thu quyến rũ, Gửi người em gái, Lá đổ muôn chiều), Nguyễn Văn Tý (Dư âm), Hoàng Việt (Nhạc rừng, Lá xanh)...

3. Giai đoạn 1954 - 1975:

Nhạc Cách Mạng ở Miền Bắc & Vùng giải phóng ở Miền Nam, với các nhạc sĩ tiêu biểu như: Hoàng Vân (Quảng Bình quê ta ơi, Hà Nội – Huế – Sài Gòn), Nguyễn Văn Tý (Mẹ yêu con, Tấm áo mẹ vá năm xưa, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ), Phạm Tuyên (Chiếc gậy Trường Sơn, Câu hò bên bờ Hiền Lương), Phó Đức Phương (Hồ trên núi)...

Nhạc Lãng mạn & nhạc Bolero ở Miền Nam: Nguyễn Ánh 9 (Buồn ơi chào mi, Cô đơn, Tình khúc chiều mưa, Đêm nay ai đưa em về), Trịnh Công Sơn (Biển nhớ, Hạ trắng, Diễm xưa, Em còn nhớ hay em đã quên, Nhìn những mùa thu đi, Ru tình, Đêm thấy ta là thác đổ), Vũ Thành An (Bài không tên số 6, Bài không tên số 4), Ngô Thuỵ Miên (Áo lụa Hà Đông, Niệm khúc cuối, Chiều nay không có em, Mùa thu cho em)...

4. Giai đoạn sau 1975 (Nhạc Hậu chiến & Tình ca mới)

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ này, Hội âm nhạc Việt Nam được thành lập và mỗi năm đều tổ chức nhiều chuyến du khảo hội trại sáng tác theo các chủ đề do nhà nước đặt hàng. Các trường âm nhạc, văn hoá nghệ thuật được thành lập nhưng chỉ dừng ở quy mô dạy dòng nhạc thính phòng cổ điển và âm nhạc tuyên truyền. Nhiều văn nghệ sĩ có cơ hội giao lưu học tập tại Liên Xô (Nga) đã du nhập nhiều bản nhạc Liên Xô được dịch ra lời Việt: Một triệu đoá hoa hồng (Cẩm Vân trình bày), Chiều hải cảng, Đôi bờ, Cây thuỳ dương.

Vào năm 1996, bắt nguồn từ giải thưởng âm nhạc “Làn sóng Xanh” do Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức, việc ca sĩ Lam Trường đoạt giải với ca khúc “Tình thôi xót xa” (nhạc sĩ Bảo Chấn sáng tác) đã mở ra trào lưu nhạc trẻ với hàng loạt ca khúc thành công sau đó như: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Bên em là biển rộng, Giọt sương trên mí mắt, Hôn môi xa, Tình em ngọn nến... Việc này góp phần đưa hàng loạt ca sĩ trẻ nổi danh như: Mỹ Tâm, Đan Trường, Cẩm Ly, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Quang Linh, Quang Dũng, Đức Tuấn, Tuấn Hưng, Đàm Vĩnh Hưng...

 

Trao đổi & giải đáp thắc mắc cuối giờ

Đi qua trăm nghìn kiến thức vĩ mô, quay về cái căn cốt cuối cùng của âm nhạc – như một trong 7 loại hình nghệ thuật: đều tồn tại vị nhân sinh.

Âm nhạc – Định hình nhân cách con người một cách toàn diện

Âm nhạc là biểu nghĩa, không chỉ là ngữ nghĩa. Âm nhạc không chỉ là thứ để giải trí mà là còn là thứ để ta thưởng thức cái hay, cái đẹp trong việc tổ chức và phô diễn vẻ đẹp của thanh âm mà người nghệ sĩ đã tạo ra. Và quan trọng hơn âm nhạc là thứ để ta được sống với nội tâm sâu thẳm của mình, một thế giới phi ngữ nghĩa nhưng đầy ắp những cảm xúc, niềm vui và nỗi buồn không lời, những ao ước về một cái gì đó thật trong sáng thật đẹp mà trong đời thực ta chưa có được.

Mối tương quan của âm nhạc và các lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo

Nhìn âm nhạc dưới góc độ một loại hình nghệ thuật, cùng với những lĩnh vực nghệ thuật khác, chúng xuất hiện và tương quan chặt chẽ với nhau, liên đới nhau để tạo ra những ký ức và trải nghiệm đa chiều toàn diện. Nét vẽ tương tự như giai điệu trong âm nhạc, màu sắc và sự pha trộn tương tự như hợp âm và cách hoà âm trong âm nhạc, sự chuyển động của hình và màu tương tự như tiết tấu trong âm nhạc. Cái tương quan ấy giải thích vì sao hoạ sĩ giỏi là những người thưởng nhạc sành sỏi nhất.

Nguồn: Dentsu Redder

Âm nhạc rất có ích cho việc phát triển tư duy

Ba lĩnh vực góp phần tạo nên tư duy phức hợp và phát triển trí tuệ, gồm: Âm nhạc, Toán và Triết học. Tác phẩm viết cho giàn giao hưởng là một thí dụ điển hình: Những cấu trúc phức tạp nhưng vô cùng chặt chẽ của chúng, nếu nắm được khi nghe đi nghe lại nhiều lần rất có lợi cho việc tư duy hệ thống. Âm nhạc rõ ràng không chỉ mang đến những cảm xúc nội tâm mãnh liệt, mà còn giúp ta phát triển về mặt trí tuệ. Vì những tương quan như vậy, người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, nhất là sáng tạo nghệ thuật, rất cần đến âm nhạc.

Âm nhạc là phần /Nghe/ – nhưng cũng cần sự bổ trợ của phần nhìn

“Âm nhạc là để nghe, nên phần nhìn chỉ là bổ trợ. Nếu phần nhìn lấn át phần nghe, thì ta gọi là đi “xem nhạc”. “Mà đã /xem nhạc/ – cụ thể hoá cái không gian trừu tượng để tưởng tượng, thì phần /nghe/ còn ý nghĩa gì nữa”, chú Dương Thụ bộc bạch. 

Kết thúc buổi chia sẻ, chú Dương Thụ đưa một quan điểm then chốt: Âm nhạc – hay thường thức nghệ thuật nói chung, cần phải đúng lúc và đúng chỗ. Âm nhạc phải đại diện cho xúc cảm hiện thời, như một thứ giấy dán tường bao bọc cái không gian chứa đựng nội tâm của người nghe. “Hãy đến với âm nhạc bằng một hành trình không quá dễ dãi, hành trình của người yêu nhạc phải có lắng nghe, trau dồi học vấn và làm giàu tâm hồn”, chú Dương Thụ nhắn nhủ.

Dentsu Redder Impact Academy
Wider Perspectives, Richer Souls, Better Humanity