Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Kantar BrandZ: Amazon và Apple dẫn đầu top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Kantar BrandZ: Amazon và Apple dẫn đầu top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Những điểm nổi bật của bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu Kantar BrandZ 2021: Apple, Amazon giữ vững vị trí dẫn đầu trong top 100 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu; Zoom lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng với vị trí 52; Spotify cũng là một cái tên nổi bật vì giá trị thương hiệu tăng 454% từ 2015-2020.

Tổng giá trị thương hiệu của 100 thương hiệu trong bảng xếp hạng Kantar BrandZ năm 2021 lên đến 7,1 nghìn tỷ USD, tương đương với GDP của hai quốc gia Đức và Pháp.

Theo Kantar, giá trị của top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu tăng 42%, gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình thường niên trong 15 năm qua. Sự tăng trưởng vượt trội này là kết quả của sự tự tin về nguồn vaccine dồi dào, các gói kích thích kinh tế và bức tranh GDP đầy triển vọng.

Trong 100 thương hiệu giá trị toàn cầu, có đến 56 đại diện đến từ Mỹ, trong đó Amazon và Apple hiện đứng ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng.

Những điểm nổi bật của Kantar BrandZ 2021

Amazon vẫn giữ vững vị trí thương hiệu có giá trị cao nhất thế giới. Tính đến 2021, giá trị của thương hiệu này tăng 64%, tương đương 684 tỷ USD (ngang ngửa GDP của Ba Lan). Lọt vào bảng xếp hạng BrandZ lần đầu tiên năm 2006, đến năm 2021, giá trị của Amazon đã tăng gần 268 tỷ USD và chính thức tham gia vào câu lạc bộ thương hiệu trị giá nửa nghìn tỷ USD (612 nghìn tỷ USD) cùng Apple.

Tesla là thương hiệu có tốc độ phát triển nhanh nhất và hiện đã trở thành thương hiệu xe hơi giá trị nhất, với mức tăng trưởng đạt 275% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 42,6 tỉ USD.

5 thương hiệu ghi nhận mức tăng trưởng về giá trị thương hiệu gấp hai lần so với quy mô là: Pinduoduo, Meituan, Moutai và TikTok của Trung Quốc, và Tesla của Mỹ.

Tính từ năm 2020, 69/100 thương hiệu ghi nhận mức tăng trưởng về giá trị tối thiểu là 5%, thúc đẩy sự lớn mạnh chung của 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu. Ngoài ra, 13 gương mặt mới tham gia vào bảng xếp hạng như Zoom, Nvidia, AMD và Spotify cũng góp phần vào sự tăng trưởng này.

Kantar BrandZ: Amazon và Apple dẫn đầu top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

13 gương mặt mới gồm Zoom, Nvidia, AMD và Spotify

Công nghệ thống trị phần cuối của bảng xếp hạng Kantar BrandZ, với 7/10 số thương hiệu hàng đầu đến từ lĩnh vực này. Nhiều nhãn hàng đã tận dụng sức mạnh của công nghệ và kỹ thuật số để đạt được mức tăng trưởng đột phá. Ví dụ, Gucci đã khai thác sức nóng của TikTok trong suốt đại dịch hay Domino’s đã tận dụng triệt để các dịch vụ bán hàng trực tuyến và giao hàng trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, giá trị của top 10 thương hiệu trong bảng xếp hạng Kantar BrandZ năm 2021 đạt 3,3 nghìn tỷ USD, trong khi, con số này là 800 tỷ USD năm 2011.

Các thương hiệu đến từ Mỹ có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021 với giá trị thương hiệu tăng trung bình 46% so với cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ hiện chiếm 74% tổng giá trị của 100 thương hiệu trong bảng xếp hạng, mặc dù chỉ chiếm 24% GDP toàn cầu.

Trung Quốc đã củng cố vị trí dẫn đầu của mình và vượt qua châu Âu trong bảng xếp hạng năm nay. Sau 10 năm, giá trị của các thương hiệu đến từ Trung Quốc tăng từ 11% lên 14%. Ngược lại, các thương hiệu Châu Âu hiện chỉ chiếm 8% bảng xếp hạng năm nay, trong khi chiếm đến 20% vào năm 2011.

Top 10 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu năm 2021

Kantar BrandZ: Amazon và Apple dẫn đầu top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Năm 2020 và nửa đầu 2021 là thời điểm các thương hiệu lập kỉ lục về sự tăng trưởng giá trị. Dù đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, nhưng nghiên cứu của Kantar một lần nữa chứng minh rằng những thương hiệu khoẻ mạnh sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho các cổ đông và có tốc độ phục hồi nhanh hơn.

Năm 2020, doanh số bán hàng ngành thương mại điện tử toàn cầu tăng từ 12% đến 15%. Đây là một năm khả quan đối với các thương hiệu tham gia vào chuỗi giá trị TMĐT – từ nhà bán lẻ cho đến hãng chuyển phát như FedEx hay UPS.

Tuy nhiên, Kantar cũng cho biết sự tăng trưởng trong nhiều ngành dự đoán từ sớm những thách thức sẽ xảy ra trong địa dịch. Chẳng hạn với các thương hiệu thuộc ngành may mặc (Apparel), đã ghi nhận sự tăng trưởng cao hơn so với lĩnh vực truyền thông và giải trí trong bảng xếp hạng năm nay. Các thương hiệu xa xỉ, dù gặp khó khăn do du lịch bị hạn chế và chính sách giãn cách xã hội toàn cầu, nhưng đã thực hiện nhiều hoạt động cải thiện hiệu quả kinh doanh và ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục trong suốt đại dịch

Trên khắp các ngành hàng, nhiều thương hiệu đã hái được quả ngọt vì đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng nhanh nhạy. Người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn trong thời gian giãn cách xã hội thúc đẩy sự tăng trưởng của các thương hiệu thuộc lĩnh vực truyền thông và giải trí (+50%). 

Truyền thông và giải trí đã bị ngành may mặc vượt mặt về giá trị thương hiệu. Các nhãn hàng may mặc ghi nhận mức tăng trưởng về giá trị thương hiệu là 53%, vì người tiêu dùng hiện nay đã định nghĩa lại ranh giới giữa trang phục công sở và thường ngày. Họ ngày càng ưa chuộng phong cách thời trang athleisure (sự kết hợp giữa quần áo tập luyện thể thao và dạo phố). Đó là lý do tại sao những cái tên như Adidas, Nike, Puma, Lululemon ghi nhận mức tăng trưởng về giá trị thương hiệu hơn 50%. Trong khi đó, ngành thời trang nhanh lại không tăng trưởng mạnh, đáng chú ý thì chỉ có Uniqlo (+88%) và H&M (+47%).

Kantar BrandZ: Amazon và Apple dẫn đầu top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Việc ngày càng nhiều người tiêu dùng trên thế giới chuyển sang mua sắm trực tuyến trong đại dịch góp phần nâng tổng giá trị thương hiệu của top 20 nhà bán lẻ hàng đầu lên 48%. Ngoài thành công của Amazon, các thương hiệu TMĐT đến từ Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, Alibaba, đã vươn lên từ vị trí thứ 2 (từ vị trí thứ 7) trong bảng xếp hạng thương hiệu toàn cầu ở mảng TMĐT năm 2021; Pinpinduoduo trở thành thương hiệu bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất. Các gã khổng lồ thương mại điện tử không phải là những người chiến thắng duy nhất trong lĩnh vực bán lẻ, khi Home Depot đã chứng kiến ​​mức tăng trưởng về giá trị thương hiệu lên đến 22% nhờ doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh (86%), trong khi giá trị thương hiệu của Walmart tăng 30% và Lowe’s là 51%.

Kantar BrandZ: Amazon và Apple dẫn đầu top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Tay chơi mới Zoom là một trong gương mặt công nghệ điển hình của năm 2021. Sở hữu đặc tính dễ sử dụng và độ tin cậy cao, ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp sử dụng ứng dụng này. Nhãn hàng này đã lọt vào bảng xếp hạng ở vị trí 52, với định giá 36.9 tỷ USD.

Mô hình đăng ký thuê bao là một trong những động lực thúc đẩy thành công đáng kể đối với nhiều tay chơi. Microsoft là một trong những ví dụ điển hình nhất khi ghi nhận mức tăng trưởng về giá trị thương hiệu là + 26% để thích ứng với môi trường làm việc mới và chuyển đổi sang mô hình đăng ký để cải thiện sự tiện lợi và khả năng mở rộng. Xbox (+ 55%), Disney (+ 13%) và Netflix (+ 55%) đều có mức tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt, Spotify lọt vào bảng xếp hạng Kantar BrandZ năm nay vì có lượng người đăng ký mới tăng 454% trong giai đoạn 2015-2020.

Bên cạnh công nghệ, các mô hình đăng ký thuê bao cũng đang cải  giá trị của một loạt các thương hiệu như Lululemon, Nike, Mercedes-Benz và Heineken.

Kantar BrandZ: Amazon và Apple dẫn đầu top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Ngành hàng đồ uống có cồn duy trì sự phát triển về giá trị thương hiệu trong suốt đại dịch, được tiếp nhiên liệu bởi các nhãn hiệu Baiju của Trung Quốc. Theo báo cáo, thương hiệu rượu giá trị nhất trên thế giới là Moutai (109,3 tỷ USD) với giá trị thương hiệu tăng gấp đôi chỉ trong một năm, và hiện gấp bốn lần quy mô của Budweiser (25,5 tỷ USD). Heineken là nhãn hàng bia phát triển nhanh nhất, với giá trị thương hiệu tăng 16% (đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng đồ uống có cồn).

Kantar BrandZ: Amazon và Apple dẫn đầu top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu

Các giá trị tạo nên giá trị thương hiệu

Danh tiếng, phát triển bền vững và đạo đức dần trở thành những động lực chínhgiúp thúc đẩy thương hiệu lớn mạnh. Cụ thể, ngành hàng xa xỉ có mức tăng trưởng về giá trị thương hiệu là 34%. Trong đó, các công ty như LVMH đầu tư cho hình ảnh thương hiệu thông qua các sáng kiến liên quan đến đại dịch, chuyển đổi bền vững và hỗ trợ các phong trào xã hội như BLM.

Tương tự, L’Oréal Paris đã thành công trong việc chèo lái xu hướng của các thương hiệu làm đẹp trong đại dịch, đảm bảo sự phát triển của họ bằng cách linh hoạt nâng cao vị thế của phụ nữ.

Kết quả bảng xếp hạng năm nay cho thấy việc xây dựng thương hiệu vẫn đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững. Kantar cũng theo dõi tình hình hoạt động trên thị trường chứng khoán của các thương hiệu mạnh nhất trong bảng xếp hạng, và nhận thấy những nhãn hàng xây dựng thương hiệu hiệu quả có mức độ phục hồi nhanh gấp đôi các thương hiệu khác trong đại dịch.

Các phân tích của Kantar còn cho thấy 70% lý do tạo nên sự thành công của một thương hiệu là thực hiện tốt bốn nguyên tắc cơ bản: cung cấp trải nghiệm vượt trội và nhất quán trên các điểm chạm thương hiệu, thiết kế tính năng cho sản phẩm và dịch vụ tốt, chú trọng vào tính tiện lợi cho người dùng, và quảng cáo hiệu quả đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, COVID-19 còn chứng tỏ độ tin cậy và niềm tin là những giá trị mà người tiêu dùng tìm kiếm ở các thương hiệu. Những công ty đang nâng cao giá trị của mình dựa trên hai yếu tố này này đang chứng tỏ sự khác biệt và nổi bật.

Theo Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Kantar