Marketer Dentsu Redder
Dentsu Redder

Công ty Cổ phần Quảng cáo Redder Asia

Dentsu Redder Impact Academy: Luận bàn về Tôn giáo – Giá trị Nhân văn và suy tư gợi mở

Dentsu Redder Impact Academy: Luận bàn về Tôn giáo – Giá trị Nhân văn và suy tư gợi mở

Đứng trước một chủ đề rộng lớn với đa dạng góc nhìn như Tôn giáo, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng đã gợi mở ra những chiều kích nhìn nhận khác nhau về các mệnh đề thuộc thế giới niềm tin tưởng chừng vĩ mô, xa vời và đối chiếu chúng dưới hình hài của những hiện tượng xã hội vô cùng gần gũi.

Bài viết là nội dung chia sẻ của Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy. Ông đã tốt nghiệp Thạc sĩ Đông Á học, Đại học Harvard năm 1995 và nhận bằng Tiến sĩ Tôn Giáo học tại Đại học Boston năm 2001. Với kinh nghiệm giảng dạy trên nhiều lĩnh vực, Tiến sĩ Dũng sẽ mang đến nhiều góc nhìn đặc biệt về chủ đề này. 

Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống.Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây

*Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple Podcast và VoizFM

Một sự thật không thể chối cãi: Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống toàn cầu

Cùng nhìn lại sự kiện ngày 11/9/2001, khi Toà tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ, Chính phủ Mỹ buộc phải nhận ra sai lầm khi xem nhẹ và va chạm với niềm tin tôn giáo ở phương Đông. Việc này kéo theo hàng loạt nỗ lực như: chiêu mộ những Tiến sĩ Ả Rập học vào những vị trí quan trọng của Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh Mỹ, các trường đại học đồng loạt mở thêm khoa Ả Rập học, vai trò của tôn giáo trong quan hệ quốc tế đặc biệt được đề cao, và sự xuất hiện của nhiều nghiên cứu nhằm giải thích cho sự đột sinh của tôn giáo trong hiện tượng quốc tế. 

Thực tế đã chứng minh: Tôn giáo là một trong những động cơ quan trọng nhất của hành động con người.

Tôn giáo là gì?

Poster của buổi chia sẻ
Nguồn: Dentsu Redder

Tựu chung lại, “Tôn giáo” vốn là từ đọc trại của “Tông giáo”, trong đó từ “Tông” (宗教 shūkyō) ra đời trong Thời kỳ Minh Trị (1868) cùng sự đột phá về mặt tư tưởng trong cách cai trị của một bậc minh quân. 

Thiên hoàng thời đó đã cho tuyển chọn nhân tài quốc gia để ra thế giới học tập như: đến Đức học nghiên cứu về Kỹ thuật, Luật pháp và Triết học; đến Pháp học về Văn học, cách làm bánh gato và rượu vang… Tất cả những quyển sách hay nhất của phương Tây đều được dịch sang tiếng Nhật. Quá trình đó giúp ông nhận ra một điểm chung của các đất nước phương Tây: Họ đều chú trọng vào Tôn giáo. Từ “Religion” hiện diện khắp nơi, như một phần trong văn hoá và tác phẩm của Pháp, Đức hay Anh. Về sau, người Nhật đã dịch “Religion” thành “宗教 shūkyō”, có nghĩa là “tổ tiên”.

Vậy Tông giáo – hay Tôn giáo – có thể hiểu là lời dạy của tổ tiên, điều này cũng phản ánh điểm đặc biệt trong văn hoá phương Đông so với phương Tây. Người phương Tây muốn tiến bộ, họ nhìn tới tương lai. Người phương Đông muốn tiến bộ, họ nhìn về quá khứ, với niềm tin rằng sự khôn ngoan, ưu việt và minh triết đã có sẵn trong tư tưởng của cổ nhân.

Tông giáo không chỉ bao gồm 5 chữ “giáo” – giáo chủ, giáo hội, giáo dân, giáo lý và giáo đoàn – mà còn có một đặc thù không thể thay thế chính là yếu tố thiêng liêng. Điều cốt lõi này là linh hồn của tôn giáo, là niềm tin dành cho một thế giới khác nằm ngoài thế tục, dành cho những bậc chí thánh chẳng phải người phàm.

/Mở rộng/

Khác với sự thật (fact), niềm tin (faith) là thứ khoa học không lý giải được và cũng không cần được lý giải. 

Niềm tin tôn giáo là một điểm tựa cần thiết cho nhiều người, đặc biệt trong xã hội hiện đại khi nhiều mối quan hệ vừa chằng chịt, vừa đứt gãy. Ngay cả khi những người thậm chí xưng bản thân là đại diện của tôn giáo gặp thất bại, niềm tin của các môn đồ dành cho họ vẫn không hề thay đổi. Bởi trên phương diện con người, đối với những sự việc liên quan đến lợi ích thiết thân, ta sẽ không liều lĩnh mang ra để thí nghiệm và kiểm chứng.

Nói cách khác, niềm tin tôn giáo như thứ thuốc đề kháng cho tinh thần trước những mặt trái của cơ chế thị trường, hay trước những câu hỏi mà đôi khi các khía cạnh vật chất không thể giải đáp nổi.

Tóm lại là, các tôn giáo đều đưa ra một lộ trình thay đổi bản thân để ta có một cuộc sống hoàn toàn mới, thay đổi nhân sinh và thế giới quan để từng nấc bước đến một “thiên đường” mà tôn giáo định nghĩa – chứ không dựa trên hệ quy chiếu đạo đức.

Ngoài ra Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng cũng nhắc đến mối quan hệ mật thiết, sâu sắc giữa Tôn giáo và Quản lý Nhà Nước/ Quốc Gia. Từ câu chuyện Công giáo với sự bành trướng của Đế quốc La Mã, hay câu chuyện Phật giáo được đồng thuận phát triển song song với Thần đạo tại Nhật Bản, đều liên quan đến nhiều căn cơ chính trị sâu xa.

Những câu hỏi được đặt ra

Tôn giáo và Tình yêu thương

Câu hỏi được anh Hùng Võ đặt ra để gợi mở thảo luận: “Liệu ta có thể học được lòng trắc ẩn qua tôn giáo hay không?”.

Câu trả lời là không, theo quan điểm của tiến sĩ, yêu thương là một tất yếu sinh học, chứ không phải sản phẩm của Triết lý hay Tôn giáo. Xã hội con người là mạng lưới rộng lớn được kết nối với nhau để sinh tồn. Cơ thể con người có hơn 155 các chất dẫn truyền thần kinh, trong đó có nội tiết tố tình yêu (Oxytocin) vô cùng quan trọng, mà nếu thiếu đi thì ta sẽ không thể yêu dù bằng bất cứ cách nào. 

Không bàn đến yêu cầu đạo đức hay niềm tin tín ngưỡng, từ khi được kết nối với thế giới này, tình yêu thương là bản chất sinh học không thể tách rời của con người. Và bị phủ nhận tình yêu chính là phủ nhận đau đớn nhất, bởi đó là sự phủ nhận lên toàn bộ cuộc đời và sự tồn tại của chúng ta.

Và yêu thương là kết nối, không dựa theo định luật hay trên những căn cứ trực quan. Điều này được lý giải qua vô số những chuyện oái oăm trong cuộc sống, như chúng ta không gắn bó với một người chỉ vì những điều kiện có thể định danh.

Tôn giáo là một trong những lựa chọn mà con người tìm đến khi họ mất kết nối với cuộc đời, để được phục hồi niềm tin và cân bằng tâm lý sau những đổ vỡ.

/Mở rộng/

“Từ Bi Hỉ Xả” là căn cốt của những điều Đạo Phật dạy chúng ta. Cụ thể hơn, “Từ” là yêu thương; “Bi” (Compassion) là lòng trắc ẩn, sự xúc động khi thấy người khác gặp hoạn nạn và mong muốn giúp đỡ họ; “Hỉ” (Sympathetic Joy) là niềm vui lúc ta thấy việc thiện trong đời; và “Xả” là sự bình thản trong mọi hoàn cảnh.

Niềm tin và Khủng hoảng Hiện sinh

Con người không thể sống một cuộc đời mà không tin vào bất kỳ thứ gì. Nhưng niềm tin tôn giáo, hay bất kỳ niềm tin nào trong cuộc đời, đều đòi hỏi sự cân bằng và chừng mực. Khi ta đặt trọn niềm tin vào một điều, hoặc một người nào đó, tức là đang cho họ quyền hạn trong cuộc sống của chúng ta. Bất kể sự chấp nhận được bao bọc bằng những danh từ mỹ miều như tình yêu thương, ta đã bắt đầu tự nạn nhân hoá chính mình.

Khi cho rằng bản thân đang gặp khủng hoảng, hãy rà soát lại định nghĩa thực sự của chúng. Khủng hoảng chỉ xảy ra khi toàn bộ hệ giá trị mà ta tin tưởng, theo đuổi bị đụng độ và xung đột với luồng giá trị mới. Và khi đó, ta bị buộc phải lựa chọn một trong hai hệ giá trị, vốn có sức nặng ngang nhau, trong việc thay đổi toàn bộ cuộc đời phía sau của bản thân.

Sự thật là, không một ai có thể giúp ta đưa ra lựa chọn “đúng”, vì trạng thái hiện sinh chỉ có chính cá thể ta cảm nhận và hiểu được. Nên thay vì đi tìm lời khuyên, hãy thoát ra khỏi lối Tư duy Nhị nguyên (Dualism), giải phóng bản thân khỏi những giới hạn của lựa chọn, đồng thời đối chiếu lại khả năng của chính mình để nhìn thấy được cơ hội tốt hơn.

Nguồn: Dentsu Redder

Nhìn nhận vấn đề

Theo Lawrence Kohlberg, tâm lý về mặt đạo đức con người có 3 giai đoạn phát triển:

  • Giai đoạn 1 – Tiền Quy Ước (từ 1 tuổi đến khi đi học ở trường): Khi ta chưa biết về những quy ước của xã hội.
  • Giai đoạn 2 – Quy Ước: Những quy chuẩn để xây dựng định nghĩa về cuộc đời lương thiện được truyền dạy thông qua bố mẹ, là nền văn hoá được tiếp nhận bởi đứa trẻ. Phần lớn người ta sống đến cuối đời tin tưởng vào những chuẩn mực này, nên tiến trình phát triển chỉ dừng lại ở giai đoạn 2.
  • Giai đoạn 3 – Hậu Quy Ước: Khi ta nhận ra chuẩn mực là hư cấu của xã hội dùng để điều hành các mối quan hệ và mang lại an ninh trật tự. Tôn giáo là chỗ dựa thiêng liêng nhất của những hư cấu đó vì niềm tin là không thể chứng minh.

Bàn về tư duy sáng tạo

Giống với tư duy nhị nguyên, việc cho rằng bản thân chỉ có vài lựa chọn nhất định sẽ đóng khung chúng ta khỏi sự sáng tạo. Muốn sáng tạo, những bộ khung giá trị và mẫu hình tư duy cần được phá vỡ, những rào cản nhận thức và kinh nghiệm trong cuộc đời vốn bị áp đặt cần bị bẻ gãy.

Ngoài ra, khi nhìn nhận những hiện tượng tréo ngoe của thời đại, chúng ta cần phân biệt giữ Sự tương quan (Correlation) vs. Nhân quả (Causation). Những cặp sự việc xảy ra trùng hợp trong cuộc sống, đôi khi chỉ là tương quan song song, chứ không phải tương quan nhân quả. Ta không nên vội kết luận hiện tượng nào là nguyên nhân gây ra hiện tượng còn lại, đừng vội cho rằng chúng là vấn đề cần giải quyết. Sự nổi loạn phá vỡ những hình mẫu chính là cơ hội mở ra những lối tư duy mới hơn. Hãy chấp nhận sự nổi loạn và tạo điều kiện để nó phát triển trong giới hạn chấp nhận được.

Dentsu Redder Impact Academy
Wider Perspectives, Richer Souls, Better Humanity