WPP muốn hợp tác với những client cùng hướng đến phát triển bền vững
“Tiếp thị có trách nhiệm là ưu tiên hàng đầu của WPP nên đội ngũ luôn suy xét tác động của hoạt động tiếp thị và sản phẩm sáng tạo đến xã hội. Tương tự, chúng tôi cũng cẩn trọng hơn trong mọi quan hệ đối tác. Nếu client có cùng giá trị mà WPP muốn truyền tải thì sẽ lựa chọn hợp tác”, Giám đốc Điều hành WPP chia sẻ.
Ngày 30/6, WPP tổ chức sự kiện Investor Event và chủ yếu bàn về việc kết hợp ESG (Environment, Social, và Government) vào chiến lược và mục tiêu kinh doanh của tập đoàn. Được biết, lấy ESG làm trọng tâm phát triển nghĩa là mọi đánh giá, ra quyết định đầu tư đều dựa trên các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị công ty. Còn Investor Day là sự kiện cập nhật cho công chúng về sức khoẻ thương hiệu và định hướng phát triển của công ty.
Tại đây, ông Mark Read – Giám đốc Điều hành của WPP nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp thị có trách nhiệm (Responsible Marketing) trong việc thu hút client và nhân sự tài năng.
Đứng trước nhu cầu về sản phẩm sáng tạo liên quan đến ESG gia tăng mạnh mẽ, ông Read cũng chia sẻ với Campaign: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng doanh thu đáng kể trong lĩnh vực tư vấn client về những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, bình đẳng chủng tộc, quyền riêng tư, và tiếp thị có trách nhiệm…
Hiện nay, gần 30 client của chúng tôi đặt ESG làm trọng tâm của mọi hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, nhà sản xuất ô tô chuyển dịch sang mô hình điện khí hoá, công ty thực phẩm đánh giá lại danh mục sản phẩm…”
Tiêu chí hợp tác với client
Khi bàn về vấn đề đưa ra quyết định hợp tác với client, ông Read bày tỏ: “WPP mong muốn hợp tác với những client có chung giá trị và hướng tới phát triển bền vững. Chúng tôi muốn truyền thông sản phẩm và cách sử dụng theo hướng có trách nhiệm. Chẳng hạn, thức uống có cồn hay đồ ăn vặt phần nào ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng người tiêu dùng vẫn có nhu cầu. Vì vậy, trọng tâm của quan hệ hợp tác mà WPP hướng đến là thúc đẩy việc sử dụng có trách nhiệm những sản phẩm đó.
Hay quá trình hợp tác cùng client thuộc lĩnh vực năng lượng mang lại khá nhiều thách thức cho WPP. Tuy nhiên, chúng tôi nỗ lực hỗ lực hỗ trợ khi nhận thấy client thực hiện chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang nguyên liệu bền vững hơn ảnh hưởng tích cực đến môi trường, xã hội”.
Sau cùng, ông nhấn mạnh: “Tiếp thị có trách nhiệm là ưu tiên hàng đầu của WPP nên đội ngũ luôn suy xét tác động của hoạt động tiếp thị và sản phẩm sáng tạo đến xã hội. Tương tự, chúng tôi cũng cẩn trọng hơn trong mọi quan hệ đối tác. Nếu client có cùng giá trị mà WPP muốn truyền tải thì sẽ lựa chọn hợp tác”.
Về việc chọn ESG làm chủ đề chính cho sự kiện, ông Read cho biết WPP nói riêng cùng ngành sáng tạo nói chung hiện đang là trung tâm của những thay đổi về mặt chính trị, xã hội, môi trường. Và có thể nói các dự án của WPP cùng client đều có mối liên hệ chặt chẽ với những vấn đề nêu trên. Chính vì vậy, ESG rất quan trọng với WPP cũng nhưm là yếu tố giúp tập đoàn đi đúng hướng.
Không đánh đổi giữa hiệu quả kinh doanh và ESG
WPP đưa ra 3 lý do chính khiến ESG trở thành một trong những nhân tố quyết định thành công của client. Thứ nhất, theo dữ liệu từ Kantar, 95% khách hàng cho rằng doanh nghiệp cần có trách nhiệm với những mối lo ngại về môi trường. Trong đó, có 81% người kỳ vọng mua nhiều sản phẩm bền vững hơn trong vòng 5 năm tới. Thứ hai, ESG là động lực thức đẩy tăng trưởng chính của doanh nghiệp. Một nghiên cứu từ BrandZ chỉ ra rằng các thương hiệu với điểm ESG cao hơn có tốc độ tăng trưởng gấp 2,5 lần những thương hiệu khác cùng ngành. Cuối cùng, 83% nhân viên có xu hướng trung thành hơn với công ty giúp họ đóng góp công sức vào những vấn đề xã hội, môi trường (theo Forbes).
Về phương diện nhân sự, đầu tư vào ESG giúp WPP trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều tài năng ngành sáng tạo. Với đội ngũ nhân sự tài giỏi, WPP có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho client.
Còn client cũng mong đợi năng lực cùng sự đa dạng của đội ngũ agency có thể giúp họ giải quyết vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau. Song song, họ cũng chú trọng đến tác động của sản phẩm được tạo ra từ quá trình hợp tác. Chẳng hạn, để đảm bảo sản phẩm không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, WPP cam kết đạt mục tiêu trung hoà khí thải carbon vào năm 2025. Qua đó giành được sự tin tưởng từ client.
Ông Read nhấn mạnh: “Hiệu quả kinh doanh và chiến lược ESG là 2 yếu tố liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta càng hành động đúng với mục tiêu đề ra thì công việc kinh doanh sẽ càng tiến triển và bền vững”.
Tránh lạm dụng hình thức tiếp thị “bẩn”
Tại sự kiện, ông Read đề cập đến vấn nạn lạm dụng hình thức quảng cáo “tẩy xanh” (Greenwashing). Đây là hình thức tiếp thị đánh bóng thương hiệu bằng cách cung cấp thông tin sai lệch để thuyết phục công chúng rằng sản phẩm, mục tiêu và chính sách của tổ chức là thân thiện với môi trường nhưng không có hoạt động thực tế. Vấn đề này trở nên khó khăn hơn trước sự bùng nổ của mạng xã hội. Vì nhiều doanh nghiệp chủ yếu phổ biến thông tin về thương hiệu, bày tỏ sự ủng hộ về vấn đề xã hội... nhưng không có hành động thực tiễn. Do đó, theo ông Read, nhiệm vụ hàng đầu của doanh nghiệp là làm điều đúng đắn. Cụ thể, doanh nghiệp nên sẵn sàng cho người tiêu dùng thấy từng bước đi của mình. Nhờ đó, người tiêu dùng từ nhận thức được những đóng góp thực tế của doanh nghiệp mới chuyển sang đồng cảm và ủng hộ.
Vượt xa các đối thủ cạnh tranh?
Dữ liệu của công ty nghiên cứu, đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp Sustainalytics cho thấy WPP có chỉ số rủi ro ESG thấp nhất trong số 5 agency toàn cầu. Theo bảng xếp hạng CDP năm 2020 (Carbon Disclosure Project – Dự án Công khai tác động của khí thải carbon), WPP thuộc nhóm các doanh nghiệp quản lý tốt tình trạng khí thải độc hại ra ngoài môi trường.
WPP còn công khai dữ liệu cho thấy tập đoàn có tiến bộ trong việc cải thiện sự đa dạng nhân sự. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân viên là dân tộc thiểu số còn thấp đòi hỏi WPP nghiêm khắc thực hiện cam kết thúc đẩy sự đa dạng ở mọi cấp bậc hơn.
Theo dòng các chỉ số thương hiệu tích cực, WPP cũng tuyên bố sứ mệnh mới là sử dụng sức mạnh sáng tạo để tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho nhân sự, hành tinh, client và cộng đồng. Ngoài ra, đội ngũ quản lý cấp cao của WPP lần lượt chia sẻ nhiều case study hợp tác với client lớn như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Unilever...
Nhận xét của các nhà phân tích về chiến lược ESG của WPP
Đại diện của công ty môi giới chứng khoán Anh Numis Securities cho biết: “Chiến lược ESG của WPP được triển khai khá tốt từ nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh lên môi trường đến cải thiện sự đa dạng và hoà nhập trong công ty. Quan trọng hơn cả là thông điệp WPP muốn truyền tải khi mong muốn được hợp tác cùng các client tạo ra sự thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội, môi trường”.
Nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Anh Barclays bày tỏ: “Chiến lược ESG hiển nhiên sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả WPP và những bên liên quan. Tuy nhiên, tôi tự hỏi liệu WPP có nên cam kết ‘từ chối’ luôn cả những quảng cáo như một chiếc SUV động cơ đốt trong, để tránh ảnh hưởng tới chiến lược ESG?”.
Đại diện của WPP đáp lại rằng thay vì “từ chối”, họ sẵn sàng đồng hành cùng client trong quá trình chuyển đổi để trở nên tốt hơn. Ví dụ, WPP đang đồng hành cùng Ford – một trong những client lớn của tập đoàn, đang trên hành trình điện khí hoá sản phẩm.
Thêm vào đó, nếu người tiêu dùng được giáo dục về lợi ích của một chiếc xe điện và vẫn chọn mua chiếc SUV ngốn xăng, thì không ai được phép ngăn cản. Còn vai trò của ban lãnh đạo WPP là cố gắng đưa ra quyết định hợp lý nhất có thể cho cả công ty và đối tác.
ESG trở thành trọng điểm trong công cuộc cải cách của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là sau diễn biến phức tạp của đại dịch. Bên cạnh WPP, còn có chuỗi siêu thị lớn tại Anh Sainsbury’s, tập đoàn đầu tư IPA, hay các kỳ lân như Airbnb, Oatly… cũng lần lượt tổ chức triển khai ESG cho doanh nghiệp.
Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Campaign Asia