Tổng Quan Thị Trường Hậu Cần Thương Mại Điện Tử Đông Nam Á Năm 2021
Theo sau Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á đang trở thành một trung tâm thương mại điện tử năng động. Sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới đã kéo theo sự phát triển của ngành hậu cần trong khu vực. Thị trường hậu cần thương mại điện tử ASEAN dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng CAGR hơn 6% trong giai đoạn 2021-2026.
Tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực
Singapore, Malaysia và Indonesia là 3 quốc gia Đông Nam Á nằm trong top các thị trường hàng đầu thế giới có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất. Ngoài ra, thương mại điện tử ở các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan, Việt Nam và Philippines cũng được dự đoán đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hai con số.
Lợi ích của thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở việc tạo ra cơ hội kinh doanh mà còn góp phần vào sự gắn kết xã hội, phát triển kinh tế chung của khu vực và là những yếu tố quan trọng để hội nhập quốc tế.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. Các công ty hàng đầu trong ngành như Lazada, Shopee và Tokopedia đã tiếp cận thị trường từ sớm bằng cách cung cấp các nền tảng dễ tiếp cận – nơi các nhà bán lẻ có thể giao dịch trực tuyến và tiếp cận người tiêu dùng mới trong và ngoài quốc gia của họ.
Sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng
Kế hoạch Tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) 2025 được các Nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua vào tháng 9/2016 tại Vientiane (Lào) bao gồm các sáng kiến về cơ sở hạ tầng bền vững, đổi mới kỹ thuật số, hậu cần liền mạch, về quy định và tính di động của con người.
Mặc dù các quốc gia Đông Nam Á có cấu trúc địa lý đặc biệt, nhiều đảo và quần đảo, hạ tầng chưa hoàn thiện. Sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng cũng sẽ giúp chi phí hậu cần nhanh chóng ổn định. Đường sắt và đường bộ vẫn là 2 mạng lưới giao thông đóng vai trò là các hành lang kinh tế chính của ASEAN.
Thị trường Hậu cần Thương mại điện tử Đông Nam Á
Đông Nam Á có khoảng cách đáng kể trong cơ sở hạ tầng hậu cần giữa các quốc gia. Singapore và Malaysia là một trong những quốc gia có chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể cao nhất, trong khi các quốc gia khác ở mức bằng hoặc dưới mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và mở rộng thị trường nội khối có lợi cho ngành logistics.
Khi nhu cầu về dịch vụ hậu cần tăng nhanh trong khu vực, các công ty đang trở nên cạnh tranh hơn để nắm bắt cơ hội lớn. Theo đó, các công ty quốc tế như DHL, Kerry Express và Best Express… đang đầu tư chiến lược để thiết lập mạng lưới hậu cần khu vực bằng cách mở các trung tâm phân phối mới, kho thông minh,…
Để duy trì tính cạnh tranh về chi phí, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử lựa chọn các đơn vị 3PLs thay vì tự quản lý hàng hoá và vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Các đơn vị 3PLs có sự am hiểu nhất định về địa phương giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản như pháp luật, văn hóa và ngôn ngữ; hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp bước đầu thâm nhập thị trường Đông Nam Á.