Làm content ở in-house và agency có gì khác biệt?
Cái dễ của nghề content là ai cũng có thể làm được. Còn cái khó của nghề content đó là ai cũng có thể bình luận, chỉnh sửa. Nên đôi khi đứa con tinh thần của bạn sẽ bị vùi dập từ trong trứng nước hoặc thành phẩm cuối cùng bị sửa cho tơi tả nhìn không ra.
Làm content in-house, sẽ có lúc bạn thấy chán nản mệt mỏi và nghĩ đến việc thay đổi môi trường, đổi công ty, thay lĩnh vực hay nhảy hẳn sang agency. Bạn ở agency thì lại nghĩ: “Ôi mệt mỏi quá rồi, hay là về client cho nó nhàn”. Nhưng đó chỉ là do bạn nghĩ thôi. Phía nào cũng có cái khó riêng, không nên “đứng núi này trông núi nọ”.
Bạn tò mò không biết bên kia họ làm gì, vì có qua đó bao giờ đâu mà biết. Biết đâu nghiện rồi không dứt ra được. Nhưng nếu vẫn không hợp thì bạn làm gì tiếp theo? Là người đã trải nghiệm ở cả 2 môi trường, thôi thì để mình chia sẻ vài điểm khác biệt, đặc thù riêng để các bạn suy nghĩ trước khi thử nhé.
Nhìn chung
Đầu tiên, nói một cách ngắn gọn, công việc của Content Writer in-house nghĩa là bạn đang viết mọi thứ cho một người. Tất tần tật những nơi nào có chữ thì đều cần đến tay bạn. Cái chính là viết content cho fanpage và website (tầm nhìn, chiến lược, sản phẩm, dịch vụ, blog, SEO...), soạn nội dung cho landingpage, viết thông cáo báo chí, viết bài PR; có khi lại soạn nội dung cho tờ rơi, brochure, POSM, bảng hiệu, standee, backdrop, soạn text cho banner quảng cáo, làm kịch bản video…
Làm content ở agency sẽ chuyên môn hoá hơn và tuỳ thuộc vào agency chuyên mảng nào: PR/ SEO/ Social Media...; performance agency thì viết content tạo ra chuyển đổi, creative agency thì viết slogan, tagline, viral clip, TVC... Cũng có những digital agency có thể “cân hết” tất cả các nội dung trên và bạn có thể viết nhiều thể loại.
In-house là làm nhiều việc cho một người, còn agency là làm một việc cho nhiều người.
Nói tóm lại, in-house là làm nhiều việc cho một người, còn agency là làm một việc cho nhiều người. Làm agency không vui như bạn nghĩ mà làm in-house cũng không nhàn như bạn tưởng đâu.
Đặc thù công việc ở in-house
Người làm marketing nói chung và làm content ở phía nào cũng chịu nhiều áp lực. Từ việc đào đâu ra ý tưởng mới mỗi ngày, cho đến các quy định và cập nhật của Facebook, làm việc với designer, thể hiện đúng chất riêng của thương hiệu, đối thủ vượt mặt mỗi ngày, thị trường đang làm gì, khách hàng đang quan tâm điều gì, trend nào đang hot…
Nếu bạn làm việc ở in-house, team thường gồm 1 Content Leader và 1 Content Writer. Công việc chính sẽ là lập kế hoạch các content cho tuần/ tháng. Sau khi được duyệt thì bắt tay vào viết. Lợi thế của bạn là sự am hiểu về sản phẩm và thương hiệu vì đã nghiên cứu ngày này qua tháng nọ. Nhưng nói chung khi làm ở brand, muốn viết tốt bạn phải hiểu sâu sắc, yêu thương hiệu đó, nâng niu nó, tự hào khi nhắc về nó thì mới viết content tốt được.
Ngoài ra, bạn có thể làm đủ thứ việc khác: chạy ads, thiết kế, phát tờ rơi, tổ chức sự kiện, đặt in tờ rơi, chạy tới chạy lui ship đồ, đi quay phim... (những việc này tuỳ công ty, và các công ty lớn sẽ chuyên môn hoá hơn).
Tuy nhiên, khi đã làm việc một thời gian, bạn sẽ đối mặt với việc cạn ý tưởng. Viết một tháng, thật hứng thú và có quá nhiều điều mới để viết. Nhưng rồi 6 tháng, 1 năm, 2 năm... khi đã khai thác hết tất cả các chủ đề liên quan thì có phải bạn sẽ cắn răng: “Ai chà, viết hết trơn rồi giờ viết gì nữa đây nhỉ?”.
Sự nhàm chán sẽ đến từ việc lặp đi lặp lại, nghiên cứu sản phẩm, viết bài, sửa bài ngày này qua tháng nọ. Thật may mắn nếu bạn làm việc cho thương hiệu có nhiều điểm thú vị, nhiều dòng sản phẩm. Ngược lại, khi gặp sản phẩm khô khan, đầy tính kỹ thuật thì đó sẽ là một thử thách lớn để bạn kiên trì với công việc.
Đặc thù công việc ở agency
Về phía agency, nỗi lo nhàm chán ở trên sẽ được xoá tan, vì có rất nhiều dự án để bạn thử sức. Cùng thời điểm, có thể bạn sẽ viết cho 3-5 thương hiệu khác nhau đủ thể loại (hoặc nhiều hơn).
Ví dụ sáng nghiên cứu sữa chua, chiều thì đi bán tour du lịch, nửa buổi cày thức uống dinh dưỡng dành cho trẻ em, cuối giờ ở lại brandstorming về thuốc loãng xương cho người già, nội y cao cấp, bất động sản hay thậm chí... nhang cúng cũng nên.
Việc sáng ăn bánh mì, đi xe máy “cà tàng”, ở nhà trọ nhưng phải tưởng tượng để viết về siêu xe hạng sang, biệt thự triệu đô, lối sống thượng lưu là chuyện bình thường. Hay thậm chí người yêu còn chưa có nhưng được giao dự án sản phẩm thai giáo cũng nên.
Lợi thế của các bạn ở agency là luôn cảm thấy tươi mới, dự án mới liên tục để làm, hiểu biết rộng đủ mọi lĩnh vực. Làm ở agency sẽ luôn sáng tạo, luyện được nội công thâm hậu qua cả hàng trăm, hàng nghìn dự án nên chuyên môn của bạn sẽ rất sâu.
Thế nhưng, chính điều này lại là áp lực bởi trong một thời gian cực kỳ ngắn phải nghiên cứu rất nhiều mảng khác nhau. Brief về lúc 9 giờ sáng, account trao đổi lại thông tin, gửi kèm một “mớ” tài liệu về dự án để nghiên cứu. Sau đó, team phải họp bàn để tìm ra ý tưởng đột phá nhất, xây dựng content direction gửi lại trong ngày hoặc sáng hôm sau.
Làm việc ở agency, bạn sẽ gặp phải tình huống “deadline chồng deadline”, làm việc cả vào ngày cuối tuần hoặc ở lại công ty đến 8, 9 giờ tối. Nói như vậy không có nghĩa là làm in-house sẽ nhàn, vì cũng tuỳ công ty. Lúc mình còn làm in-house, chuyện mang việc về nhà buổi tối hay về trễ cũng rất thường xuyên.
Cần dung hoà giữa chính kiến cái tôi cá nhân với ý kiến chung, góp ý từ phía khách hàng.
Phía agency còn một khó khăn khác, đó là do ngồi ở xa nên có khi thông tin nhận được cũng bị “rơi rớt” đôi phần, không hiểu đúng kỳ vọng của khách hàng. Sản phẩm làm ra phải vượt qua rất nhiều vòng kiểm duyệt. Đầu tiên là vòng ý tưởng, vòng brandstorming, Account gửi cho khách hàng duyệt, rồi mới bắt tay vào triển khai.
Trong quá trình triển khai sản phẩm, bạn sẽ đi lòng vòng từ Content Writer lên Content Manager/ Creative Manager. Nếu được duyệt sẽ gửi qua Account. Làm sáng tạo đương nhiên bạn sẽ muốn sản phẩm đi tốt nhất, hay nhất. Thế nhưng, Account sẽ bảo chỉnh chỗ này, chỗ kia. Rồi bạn phải chỉnh sửa lại, chỉnh xong gửi cho khách hàng và hồi hộp chờ feedback. May mắn thì qua luôn từ version 1, còn đa số sẽ chuẩn bị tinh thần sửa lần 1, lần 2, lần 3 là chuyện rất bình thường. Thậm chí, đôi khi bạn phải làm lại, hoặc lấy lại option 1 sau khi đã sửa rất nhiều lần. Nếu có một trái tim mong manh dễ vỡ thì bạn không phù hợp với vị trí này.
Đôi khi option bạn nghĩ là đẹp nhất và dồn hết công sức lại không quan trọng bằng “option khách hàng thích” đâu. Cần dung hoà giữa chính kiến cái tôi cá nhân với ý kiến chung, góp ý từ phía khách hàng.
Còn chuyện “lật kèo, đổi brief” thì sao nhỉ? Sau khi đã hoàn thành, account nhắn nhẹ “Chị ơi, khách hàng nói cái này không làm nữa” hoặc “Làm cái khác nè em, nãy chị đưa lộn thông tin”. Trước đó thì hối thúc deadline, kiểu 2 giờ chiều book order, 4 giờ chiều đòi sản phẩm. Lúc này, bạn chỉ có thể thở dài mấy tiếng rồi lại cắm đầu làm cho kịp thôi, chứ biết làm sao.
Bài viết bị khách hàng khen chê, cũng có nhiều lý do, hãy lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp. Do áp lực thời gian, khả năng chưa đủ thẩm thấu hết, người viết cảm nhận “chưa tới” khá phổ biến. Cũng dễ hiểu, bởi vì so với các bạn ngồi ở brand hiểu tận “chân tơ kẽ tóc” chưa chắc đã viết tốt được thì rất khó cho người bên ngoài mới tìm hiểu vài ngày có thể hiểu hết. Chính vì thế, việc phối hợp hỗ trợ lẫn nhau là điều cực kỳ cần thiết.
Phía team client cần brief kỹ càng, cung cấp thông tin, nêu được mong muốn của mính, các banner mẫu, content mẫu muốn hướng tới hoặc những lưu ý cần tránh. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian chỉnh sửa. Kết hợp lợi thế chuyên môn vững của agency và kiến thức về sản phẩm của client để đạt kết quả tốt nhất.
Hai phía hoàn toàn có thể học hỏi nhau
Team agency có thể tìm hiểu thêm insight từ phía khách hàng. Nếu muốn viết tốt hãy dành thời gian nghiên cứu thật sâu, cố gắng trải nghiệm sản phẩm nếu có thể. Ví dụ, team mình hay đặt mua sản phẩm của khách hàng, đến tận nơi cửa hàng để trải nghiệm dịch vụ.
Ở chiều ngược lại, nếu trong lúc làm việc với agency hoặc lang thang giao lưu trong các group về content, bạn có thể học hỏi, cập nhật kiến thức mới, form mẫu, quy trình quản lý chuyên nghiệp của họ. Ví dụ, để quản lý order content hoặc design, bạn có thể tham khảo file tại đây.
Hy vọng bạn có cái nhìn rõ hơn về môi trường làm việc ở cả 2 phía.