Làm marketing có “nhàn” không?
Hiện tại, marketing đang là xu thế trên thị trường việc làm vì những hào nhoáng mà nghề này đem lại. Tuy vậy, không nhiều người thực sự hiểu làm marketing là làm gì. Nói một cách nghiêm túc, nghề này không “dễ làm” như bạn nghĩ.
Bài viết là quan điểm cá nhân của Ms. Nguyễn Thị Thu Hảo – Marcom Manager, GIGAN JSC.
1. Làm marketing có “nhàn” không?
Theo tôi, marketing được đánh giá là nhàn chỉ khi bạn đang làm một phần nhỏ công việc nào đó, hoặc bộ phận marketing đó làm việc chưa tích cực, chưa có nhiều trải nghiệm trong nghề. Làm marketing, nhất là Digital Marketing phải chấp nhận một sự thật hiển nhiên là công việc không có giờ giấc cố định, việc làm thêm giờ diễn ra thường xuyên như “ăn cơm bữa”, chẳng hạn như viết bài, canh ads, trả lời comment fanpage... có thể thâu đêm, thậm chí là vào ngày nghỉ.
Ngày trước team tôi đi du lịch miền tây, ngồi trên ghe xuồng bơi qua rạch còn phải mở laptop để canh “đổ lead” cho đội sales (nhận data khách hàng đăng ký tư vấn và chuyển cho bộ phận kinh doanh). Trực fanpage thì thường tới 10h đêm, đang đi chơi với bạn bè cũng phải “cắm mặt” vào điện thoại reply comment, không được chậm vì sẽ mất khách. Mùa lễ, tết chắc chắn phải làm trước content page, trực fanpage... chung quy là làm việc bất kể thời gian.
Nghề Marketing – làm việc bất kể thời gian
Còn với môi trường agency, bạn phải chạy theo deadline và áp lực của nhiều dự án cùng lúc. Việc thức tới 2-3h sáng để làm proposal là chuyện thường, sáng hôm sau 8h đã phải đi gặp khách hàng pitching. Nói chung là không có khái niệm “hết giờ”, chỉ có “hết việc” hay chưa.
Nếu làm việc ở mảng event (sự kiện) thì thứ 7, chủ nhật bạn đều “cắm đầu” ở sân khấu. Trước ngày event diễn ra thì set-up cả đêm, chạy thử chương trình quên ăn cơm là có thật. Có thể nói, nghề này chỉ xoay quanh deadline và một sức khoẻ tốt, dẻo dai, không yếu đuối, “bánh bèo”, dễ rơi nước mắt. Có khi cả cái event hoành tráng khách mời ai cũng có ảnh đẹp, riêng đội làm event mặt mũi bơ phờ, xong việc chả có tấm hình nào “ra hồn”.
Vậy nên mới nói, khổ cực đằng sau chỉ người trong nghề mới biết, người bên ngoài nhìn vào bảo... sướng lắm.
2. Làm Marketing có giàu không?
Câu trả lời là có và không. So với thu nhập của phòng kinh doanh thì người làm marketing có thu nhập thấp hơn, vì thuộc khối văn phòng, chỉ đâu đó 6-15 triệu đồng/tháng tuỳ level.
Thế nhưng công bằng mà nói, so với các ngành khác, marketing có mức thu nhập cao hơn bởi vì đòi hỏi công việc nhiều chất xám, sáng tạo, thời gian và công sức. Khi kỹ năng và kinh nghiệm tăng thì giá trị của bạn cũng tăng tương ứng. Số tiền đầu tư vào học hành, sách vở cũng tốn kém không ít. Trung bình một khoá học từ 6-8 triệu đồng, các khoá chuyên sâu hơn, từ 10-15-20 triệu. Nhưng đâu phải học xong là làm được ngay, bạn còn cần thêm thời gian làm việc thực tế để áp dụng kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm.
Mới ra trường sẽ bắt đầu với mức lương khoảng 6-8 triệu đồng/tháng, sau 1-2 năm kinh nghiệm tăng lên 8-10 triệu đồng/tháng. Với một bạn senior cứng cáp sẽ có mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Mức lương 15-30 triệu đồng/tháng dành cho cấp Leader/ Manager. Một số công ty lớn, công ty nước ngoài lương tính bằng USD sẽ là 2.000-3.000-5.000USD cho Marketing Manager/ Marketing Director/ CMO...
Khi kỹ năng và kinh nghiệm tăng thì giá trị của bạn cũng tăng tương ứng.
Tất nhiên mức lương sẽ tương xứng với năng lực và kinh nghiệm của bạn. Đối với các bạn làm thêm Digital/ chạy ads cho các shop/ doanh nghiệp nhỏ bên ngoài, thu nhập trung bình rơi vào 20-30 triệu/tháng là chuyện thường. Nhưng với cường độ làm việc như vậy, bạn phải ngầm đồng ý đánh đổi thời gian và sức khoẻ của mình.
3. Làm marketing có khó không?
Dễ bắt đầu và khó để tồn tại, nếu không chịu update (nâng cấp) bản thân liên tục bằng trải nghiệm trong nghề và kiến thức chuyên môn. Đây là ngành có số người trái nghề chuyển sang nhiều nhất. Những người làm marketing giỏi nhất chưa chắc đã được đào tạo bài bản về marketing, và ngược lại.
Nghề này vốn không hề cố định. Các công cụ, nền tảng Facebook/ Google/ thuật toán thay đổi liên tục, các khái niệm mới ra đời, thị trường biến động, đối thủ ngày một mạnh hơn... Vì vậy, nếu chỉ dựa trên những kiến thức cơ bản từ trường lớp và sử dụng năm này qua năm khác, thành công là điều không tưởng. Bạn phải học tập và làm việc liên tục, không ngừng nghỉ thay đổi nhận thức với môi trường ngành. Bạn có thể học qua công việc, sếp đồng nghiệp, các khoá học bên ngoài, tài liệu online, các buổi workshop...
Linh hoạt, đa năng, đa nhiệm, khả năng tự giác, ham học hỏi, tò mò với cái mới là nhiều tính từ mô tả một marketer.
4. Làm marketing cần tố chất gì?
Linh hoạt, đa năng, đa nhiệm, khả năng tự giác, ham học hỏi, tò mò với cái mới là nhiều tính từ mô tả một marketer. Tuỳ vị trí công việc sẽ áp dụng và khai thác các tố chất khác nhau của bạn, chẳng hạn như Content Social cần lắm việc nhanh nhạy bắt trend; Content Website cần nghiên cứu kiến thức sâu, rộng; Event cần năng động hoạt bát, giao tiếp tốt; PR cần khéo léo trong ứng xử, ngoại hình tốt, thiện cảm, khả năng viết, giỏi xây dựng mối quan hệ; Digital cần tư duy logic, nhạy cảm với con số, thích mày mò kỹ thuật, máy tính...
5. Ngành Marketing có lộ trình phát triển thế nào?
Intern 2-6 tháng thành Junior, thêm 2-4 năm thành Senior/ Leader, sau 5-7 năm thành Manager. Cấp Marketing Director/ CMO cần 10 năm kinh nghiệm trở lên. Tuy nhiên, chức danh chỉ mang tính tương đối, còn tuỳ quy mô công ty lớn nhỏ khác nhau có thể thăng tiến nhanh hơn. Có bạn 1-2 năm đã trưởng thành với chức danh Leader/ Manager; bạn thì làm Manager ở công ty này nhưng ra công ty khác tương đương ở mức Chuyên viên/ Leader mà thôi.
6. Nên làm marketing trong doanh nghiệp hay agency?
Trong doanh nghiệp team in-house, một nhân viên marketing có thể làm rất nhiều thứ, từ viết bài, tổ chức sự kiện cho đến phát tờ rơi..., rất đa năng, đa nhiệm. Nhiệm vụ của bạn xoay quanh việc làm sao để công ty có nhiều khách hàng mới nhất và bạn cũng học hỏi được nhiều kiến thức về quản trị doanh nghiệp. Công ty sẽ có nhiều bộ phận, phòng ban khác nhau, nên tầm hiểu biết của bạn sẽ rất sâu sắc về lĩnh vực nhất định.
Ngược lại, agency là đơn vị dịch vụ marketing, hiểu nôm na là làm một việc cho nhiều người. Ví dụ: agency chuyên làm digital cho hàng loạt doanh nghiệp khác. Hôm nay tôi làm marketing cho sản phẩm sơn tường, ngày mai làm cho lốp xe, ngày kia làm cho kem trị mụn, ngày tới làm cho ngân hàng chẳng hạn. Kiến thức của bạn sẽ được mở rộng nhiều ngành, và được luyện tập thường xuyên qua nhiều dự án nên sẽ vững chuyên môn và nhanh phát triển.
Cả 2 môi trường đều có khó khăn, vất vả riêng. Client có áp lực, deadline, agency cũng vậy. Áp lực của agency thì nặng hơn một chút vì dùng tiền của khách hàng nên phải hiệu quả, chịu sự chi phối, kiểm duyệt của khách hàng, làm đi làm lại cho đến khi khách hàng hài lòng. Nếu dự án về nhiều cùng lúc thì làm OT, làm cuối tuần là bình thường.
Thông thường, newbie (người mới) sẽ “dấn thân” vào agency để tích luỹ kinh nghiệm, sau đó chuyển hướng sang client để tìm nơi nương náu “ổn định” hơn. Lợi thế khi làm việc ở agency là được đào tạo và trải nghiệm dự án rất nhiều. Đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp tuyển dụng thường “ưu tiên các bạn từng làm trong agency”.
Marketing là một lĩnh vực rất rộng, bao hàm nhiều mảng công việc khác nhau. Tuỳ ngành hàng và đối tượng khách hàng B2B, B2C..., tính chất công việc sẽ rất đa dạng, không chỉ là hoạt động digital hay event.
Tóm lại, đây là công việc thú vị, nhiều niềm vui, thử thách và sự mới mẻ. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về nghề. Việc cân nhắc và ra quyết định chọn vị trí nào, mảng nào của marketing, client hay agency đều phải dựa trên thế mạnh, sở trường, sở thích, kỹ năng của bạn.
Xem thêm các bài viết khác về marketing tại đây.
Nguyễn Thị Thu Hảo – Marcom Manager
GIGAN JSC – Digital Performance Agency