Marketer Hoài SEO Mentor
Hoài SEO Mentor

CEO @ Công ty tư vấn SEO

Bí Thuật Đưa Từ Khóa Lên TOP Trong 24h

Bạn có tin rằng một bài viết mới trên website hoàn toàn có thể lọt vào Top 50 hoặc thậm chí có thể là Top 20 trong kết quả tìm kiếm của Google chỉ sau vài ngày đăng tải? Sự thật là có đấy, nếu bạn biết áp dụng Keyword Golden Ratio (KGR).

Ở đây, mình không chỉ đề cập đến những trang đã có độ trust sẵn mà tất cả mọi website đều có thể làm được điều này.

Keyword Golden Ratio hay còn gọi là tỷ lệ vàng từ khóa là một phương pháp sẽ giúp bạn tăng thứ hạng và traffic cực kì hiệu quả, đặc biệt là những website mới gặp nhiều khó khăn trong việc xếp hạng từ khóa.

Và ở bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ đầy đủ các thông tin về:

  • Keyword Golden Ratio (KGR) là gì?
  • Nhưng lợi ích mà KGR mang đến?
  • Nghiên cứu và triển khai KGR như thế nào?
  • Ví dụ thực tế về KGR
  • Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng

Keyword Golden Ratio (KGR) là gì?

Keyword Golden Ratio hay tỷ lệ vàng từ khóa là thuật ngữ dùng để nói về phương pháp tìm kiếm những từ khóa có khả năng xếp hạng cao thông qua các dữ liệu được cung cấp trên internet. Đây là một cách làm mang lại hiệu quả rất cao khi bạn có thể dễ dàng tìm được nhiều từ khóa với mức độ cạnh tranh thấp.

Keyword Golden Ratio

Keyword Golden Ratio là gì?

Nghiên cứu từ khóa có tỷ lệ vàng theo KGR, lên ý tưởng và xuất bản nội dung, bài viết của bạn hoàn toàn có thể loạt Top 20 – 50 chỉ sau thời gian ngắn. Điều mà tưởng chừng các website yếu khó lòng đạt được trước đây.

Và nếu website của bạn là một trang đã có sẵn độ uy tín, bài viết có thể nằm trong top 10 chỉ sau vài giờ index. Có vẻ khó tin nhưng đó là sự thật.

Tại sao bạn nên sử dụng KGR?

Dưới đây là những lợi ích của việc bạn nên áp dụng KGR:

Keyword Golden Ratio

Mang lại kết quả nhanh chóng cho website mới

Hãy tưởng tượng bạn vừa tạo lập một website mới, bạn hí hửng lên kế hoạch và sản xuất nội dung cho trang. Nhưng sau vài tuần, thậm chí có thể vài tháng đầu tiên, không có ai truy cập vào và đọc các bài viết của bạn cả.

Lúc này chắc chắn bạn sẽ có cảm giác chán nản và động lực ban đầu cũng dần dần giảm sút. Đây là điều mà mình đã từng trải qua.

Tuy nhiên, kể từ khi biết đến KGR, mình có thể dễ dàng mang lại một lượng traffic nhất định và nhanh chóng cho website. Điều đó, không chỉ tạo ra một niềm vui và động lực tiếp tục mà còn khiến cho Google để ý đến bạn nhiều hơn.

Dễ dàng trong việc khoanh vùng từ khóa

Giả sử bạn đang bắt tay vào thực hiện một dự án SEO mới, bạn tổng hợp được một danh sách từ khóa với lên đến vài nghìn. Điều này khiến cho bạn phân vân vì không biết nên bắt đầu với những từ khóa nào.

Đây sẽ là lúc Keyword Golden Ratio phát huy hiệu quả. Nó sẽ là một công cụ giúp bạn khoanh vùng từ khóa cực kì hiệu quả, biết được những từ khóa có thể tạo ra lưu lượng truy cập nhanh, khả năng đạt thứ hạng cao và hướng đến những đối tượng người dùng thật sự.

Là công thức nghiên cứu thủ công, riêng biệt

KGR là một công thức nghiên cứu hoàn toàn thủ công, không một công cụ nào có thể thu thập được trong vài phút cả. Với một bộ từ khóa khác nhau, bạn có thể nghiên cứu được một chiến lược KGR riêng biệt mà người khác không có được.

Phương pháp đầu tư hữu hiệu cho thị trường ngách

Không phải ai cũng có đủ ngân sách để mua Guest Post nhằm thúc đẩy thứ hạng cả. Và Keyword Golden Ratio sẽ là một ý tưởng tuyệt vời để bạn vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn giúp cho website có được vị trí thứ hạng cao trên trang tìm kiếm của Google.

Kết quả từ việc áp dụng thành công KGR

Một ví dụ điển hình của sự thành công nhờ Keyword Golden Ratio, tác giả của phương pháp này Doug Castyton đã thực hiện các nghiên cứu để chứng minh tỷ lệ vàng của từ khóa sẽ mang lại những sự tăng trưởng rất lớn cả về lưu lượng truy cập lẫn doanh thu.

Thí nghiệm của anh ấy được áp dụng trên các dự án liên kết bán hàng với Amazon. Vì vậy, mục tiêu ở đây không đơn thuần là lưu lượng truy cập mà là tỷ lệ chuyển đổi để tăng doanh thu.

Doug Castyton tiến hành bằng việc xuất bản 200 bài viết tập trung vào các từ khóa KGR trong vòng 5 tháng. Và bạn có biết điều gì đã xảy ra không?

Keyword Golden Ratio

Kết quả mà Doug Castyton đã đạt được khi triển khai KGR

Mức hoa hồng được thu từ trang web đã tăng từ 100 đô la lên đến hơn 14.000 đô la trong 12 tháng. Trong khi đó, lưu lượng truy cập đạt mức tăng trưởng 800%. Hiệu quả thu được thật sự đáng kinh ngạc.

Công thức tính Keyword Golden Ratio

Tỷ lệ vàng của từ khóa được tính như sau:

KGR = Số lượng kết quả tìm kiếm có chứa từ khóa trên Google chia cho tổng lượng tìm kiếm hàng tráng. Trong đó, lượng tìm kiếm phải nhỏ hơn 250. 

Bí Thuật Đưa Từ Khóa Lên TOP Trong 24h

Công thức tính KGR – Nguồn ảnh từ Mangtools

Bạn có thắc mắc tại sao phải nhỏ hơn 250 không? Ở đây, chúng ta có 2 lý do để giải thích cho điều này:

  • Thứ nhất, lưu lượng tìm kiếm thấp cho phép bạn có thể xếp hạng nhanh hơn trên Google. Một từ khóa với lượng search volume 250/tháng tất nhiên sẽ dễ lên top so với từ khóa có lên đến 2000/tháng
  • Thứ hai, hầu như mọi người đều quan tâm đến từ khóa có lượng tìm kiếm cao vì tiềm năng lợi nhuận của nó lớn, điều này đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh cũng rất khốc liệt.

Khi đó, kết quả thu được càng nhỏ, chứng tỏ mức độ cạnh tranh của từ khóa càng thấp và càng dễ lên top. Cụ thể:

  • KGR dưới 0,25, bài viết của bạn có cơ hội rất lớn để lọt vào top 50 ngay sau khi nó được index
  • KGR từ 0,25 đến 1, bạn sẽ nhanh chóng lọt vào top 100 chỉ sau thời gian ngắn đăng tải
  • KGR lớn hơn 1, nếu là một website yếu thì rất khó để bạn xuất hiện trên các trang tìm kiếm của Google

Vậy, kết luận ở đây là chúng ta nên ưu tiên chọn những từ khóa có Keyword Golden Ratio dưới 0,25 để xuất bản nội dung. Đặc biệt, nếu website của bạn là một trang mới, chưa có độ trust và không muốn cạnh tranh thì đây là một điều rất nên làm.

Nếu bạn tìm được một keyword có KGR nhỏ hơn 0,25 và tổng lượng tìm kiếm là 250, tương ứng với 63 kết quả “allintitle” đang xuất hiện trên trang tìm kiếm. Điều đó nói lên rằng, có khoảng 63 đối thủ đang cùng cạnh tranh với bạn ở từ khóa đó.

Allintitle là gì?

Allintitle là một câu lệnh được tạo ra bởi Google mục đích giúp chúng ta có thể biết được có bao nhiêu kết quả có chứa từ khóa mục tiêu trong thẻ tiêu đề.

Cú pháp là: allintitle: “từ khóa”

Ví dụ như hình bên dưới, mình sử dụng câu lệnh allintitle để tìm kiếm các kết quả có chứa từ khóa “SEO là gì?”

allintitle

Trong trường hợp dùng allintitle bị Google yêu cầu xác minh không phải là Robot tự động, bạn cũng không cần phải quá lo lắng. 

Thường thì chúng ta chỉ có thể thực hiện một số lượt nhất định trong một khoản thời gian. Mục đích của Google là để ngăn chặn hành vi quét tự động của các công cụ SEO.

Vậy nếu như chúng ta có đến hàng nghìn từ khóa cần kiểm tra allintitle thì sao? Mình sẽ bật mí đến bạn 2 công cụ có khả năng giúp bạn làm điều này là Rtool và LarKeyword.

Từ khóa siêu dài và Sandbox

Bạn có thể đưa trang web của mình vượt ra khỏi Sandbox một cách nhanh chóng hơn khi hướng đến những từ khóa cài và siêu dài.

Sandbox là gì?

Google Sandbox là một thuật ngữ dùng để nói về về hiện tượng các website bị kìm hãm bởi Google. Đó giống như khoảng thời gian mà Google đang muốn nhìn nhận và kiểm chứng website của bạn trước khi đưa nó xuất hiện trên kết quả tìm kiếm. 

Dù cho bạn có tối ưu SEO đến đâu đi nữa thì trang web cũng không thể nào đạt được thứ hạng cao cho đến khi giai đoạn đó qua đi. Một sự thật là Sandbox chưa bao giờ được công nhận cả. Tuy nhiên, hầu hết giới làm SEO đều tin rằng nó thực sự tồn tại.

Dấu hiệu nhận biết của Sandbox là trong vài tháng đầu tiên, website của bạn luôn chật vật ở vị trí gần cuối top 100. Nhưng khi vượt qua nó, bạn sẽ thấy một sự tăng trưởng rất rõ rệt, thậm chí nếu được tối ưu tốt bạn sẽ thấy một sự bức phá từ trang 10 lên trang 2,3 chỉ sau vài ngày.

Bí Thuật Đưa Từ Khóa Lên TOP Trong 24h

Mặc dù không được công nhận chính thức nhưng Google Sandbox được tin là có tồn tại

KGR có tác động như thế nào đến Sandbox?

Keyword Golden Ratio là một ý tưởng rất tuyệt vời để giúp website của bạn có thể vượt Sandbox một cách nhanh hơn. Thay vì phải mất đến vài tháng thì sẽ được rút ngắn xuống còn vài tuần.

Tuy nhiên, không phải chỉ cần áp dụng là sẽ thành công 100%. Bởi lẽ ở đây còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như nội dung có thật sự đủ chất lượng.

Nhưng hãy thử nhìn nhận theo một cách khác, các từ khóa có lượng search volume lớn tất nhiên mức độ cạnh tranh rất cao và dĩ nhiên những trang web mới khó lòng mà chen chân vào một thứ hạng tốt được.

Trong khi đó, những từ khóa dài mặc dù lượng search volume thấp nhưng lại là cách phù hợp và hiệu quả. Số lượng từ khóa đứng top nhiều, traffic càng tăng trưởng, thời gian người dùng ở lại trên trang lâu. 

Những thông số tích cực cho biết rằng người dùng đang thật sự hài lòng với website của bạn, tất nhiên khi Google cũng sẽ hài lòng vì điều đó. Và Sandbox sẽ không còn tồn tại quá lâu nữa.

Một điều cũng rất đáng để chú ý, ngay cả khi cạnh tranh với những đối thủ yếu thì từ khóa có lượng tìm kiếm cao cũng phải rất nhiều thời gian. Hay nói cách khác, có thể Google đã làm chậm tốc độ xếp hạng trang web thông qua lượng tìm kiếm của từ khóa.

Cách nghiên cứu và triển khai  Keyword Golden Ratio

Tiếp theo đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cách triển khai  Keyword Golden Ratio đối với một từ khóa mục tiêu cụ thể mà ở đây là “giày thể thao”.

Tìm kiếm từ khóa KGR tiềm năng

Sử dụng Google Suggest là một phương pháp tìm kiếm từ khóa rất hữu hiệu. Tuy nhiên, số lượng từ khóa sẽ không nhiều, đồng thời bạn cũng không thể xem được lượng search volume và độ khó của từ khóa đó.

nghien cuu KGR

Nếu muốn tiết kiệm thời gian và công sức, hãy sử Ahrefs với nhiều tính năng hiệu quả như biểu đồ, từ khóa liên quan, câu hỏi, xếp hạng tương tự và cũng biểu thị đầy đủ các thông số của từ khóa.

KGR

Khi kết quả đã được trả về, bạn cần quan tâm đến 2 tiêu chí là lượng search volume và độ khó của từ khóa. Các chỉ số còn lại không cần thiết.

Lọc ra các từ khóa có lượng tìm kiếm lớn 250

Như mình đã đề cập ở phần công thức tính Keyword Golden Ratio, chúng ta sẽ chọn những từ khóa có lượng tìm kiếm không vượt quá 250.

KGR

Và dưới đây là kết quả mà mình vừa thu được sau khi đã lọc:

KGR

Kiểm tra số lượng tiêu đề có chứa từ khóa (allintitle)

Với bộ từ khóa vừa được thu thập ở bước vừa rồi, chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra allintitle của chúng. Ở đây, mình sẽ chọn từ khóa “giày thể thao nữ đế cao” với lượng tìm kiếm 200/tháng.

Keyword Golden Ratio

Kết quả cho thấy có khoảng 12.200 kết quả. Quá cao và chắc chắn nó không đáp ứng tiêu chuẩn của KGR.

Ta sẽ thử lại ở từ khóa “giày thể thao nam cao gót cho nam” với 150 lượng tìm kiếm.

Keyword Golden Ratio

35 kết quả, chắc hẳn là một KGR đây rồi! Dựa trên công thức, ta sẽ tính KGR của từ khóa này:

KGR = 35 : 150 = 0.23

Tuyệt vời. Chúng ta vừa tìm được một KGR có khả năng đạt thứ hạng cao ngay sau khi bài viết được index.

Sẽ thế nào với những từ khóa không phải KGR?

Giả sử mình vừa được tìm được một từ khóa “phần mềm quét đơn livestream” với lượng search 1100.

Keyword Golden Ratio

Và khi kiểm tra allintitle, có 81 kết quả. Rất đáng để hy vọng!

Keyword Golden Ratio

Vậy KGR = 81 : 1100 = 0,07

Wow! Về mặt cơ bản, đây quả là một con số trên cả tuyệt vời. Nhưng mình rất tiếc khi phải nói với bạn rằng đó không phải là một KGR. Lí do là vì lượng tìm kiếm của nó lớn hơn 250.

Hãy nói về lợi ích của KGR, đó là giúp cho các website mới đạt thứ hạng cao trong thời gian ngắn và tạo ra những sự tăng trưởng đầu tiên. Và các từ khóa với lượng tìm kiếm cao, sẽ rất khó để bạn có thể được điều này.

Dùng bảng tính để kiểm tra allintitle nhanh hơn

Sẽ khá là phiền phức khi chúng ta phải nhấn qua lại liên tục từ dữ liệu từ khóa thu được sang Google. Việc phải sao chép và dán, rồi lại sao chép và dán có thể sẽ tốn khá nhiều thời gian của bạn.

Để giải quyết điều đó, mình đã tạo ra một bảng tính. Bạn chỉ cần nhập danh sách từ khóa và lượng tìm search của chúng. Sau đó, cột tự động điền liên kết có chứa allintitle cộng với từ khóa do cho bạn.

Sau khi bạn điền vào số kết quả allintitle, KGR của các từ khóa sẽ được tính tự động. Các ô sẽ được chuyển sang màu xanh lá cây, vàng hoặc đỏ dựa trên giá trị KGR.

Download bảng tính tại đây

Độ khó của từ khóa và Tỷ lệ vàng của từ khóa – Nên ưu tiên cái nào?

Một câu hỏi được đặt ra ở đây là độ khó của từ khóa (Keyword Difficulty hay KD) và tỷ lệ vàng của từ khóa (Keyword Golden Ratio) đều là 2 thông số để đánh giá mức độ cạnh tranh của từ khóa? Vậy chúng ta nên ưu tiên lựa chọn cái nào?  Thật sự là mình cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác được.

Bởi lẽ cả 2 đều là những số liệu giúp cho chúng ta đánh giá mức độ cạnh tranh của từ khóa và được xác định dựa trên những phương thức khác nhau.

KD của Ahrefs được đưa ra dựa trên sức mạnh liên kết hồ sơ (LPS) của các trang web hiện đang xếp hạng và được đánh giá dựa trên thang điểm 100: 

  • 0 – 10: dễ
  • 11 – 30: trung bình
  • 31 – 70: khó 
  • 71 – 100: rất khó

Trong khi đó, KGR được xác định bằng số trang web hiện có chứa từ khóa đó trong tiêu đề.

Kết luận, nếu bạn tìm được một từ khóa vừa tuân thủ KGR lại vừa có chỉ số KD thấp, đó quả thật là một từ khóa tuyệt vời.

Các vấn đề cần lưu ý về KGR

Hiệu quả mà Keyword Golden Ratio là điều có thể khẳng định. Nhưng bạn cũng cần phải lưu ý một số điểm khi sử dụng nó. 

Ngay sau đây là một số điểm cần biết khi sử dụng KGR:

Nhồi nhét từ khóa

Không nên để KGR xuất hiện quá nhiều lần trong bài viết. Các KGR sẽ dài hơn các từ khóa bình thường khác, thường là từ 5 từ trở lên. Ví dụ như: giày thể thao đẹp, giá rẻ cho nam giới.

Việc các từ khóa dài này xuất hiện với tần suất lớn trong bài viết là sẽ làm mất đi tính tự nhiên. Có thể gây ra sự khó chịu, gượng gạo cho cả người đọc.

Thay vào đó, hãy biến đổi một cách linh hoạt và thích hợp như giày thể thao cho nam, giày thể thao đẹp, giày thể thao giá rẻ… Hoặc sử dụng các từ đồng nghĩa cũng là một ý tưởng không tồi chút nào: giày chạy bộ, giày chạy bộ nam….

Để đảm bảo an toàn, mình nghĩ bạn chỉ nên chèn KGR một lần trong tiêu đề và 1,2 lần trong nội dung bài viết. Sau đó, chúng ta sẽ dùng các từ khóa liên quan, từ đồng nghĩa một cách bình thường là được.

Một mẹo nhỏ mà bạn có thể vận dụng là sử dụng các đề xuất mật độ từ khóa mà Yoast SEO khuyến nghị. Nhưng cũng cần phải biết rằng nó chỉ đưa ra cảnh báo khi từ khóa được sử dụng quá nhiều lần. 

Hãy nhớ rằng, Yoast SEO về bản chất cũng chỉ là một plugin để hỗ trợ tối ưu Onpage ở mức trung bình và nó chỉ phù hợp với những từ khóa đa dạng ngữ nghĩa. Trong khi đó, KGR là từ khóa ngách của ngách và áp dụng KGR là một kỹ thuật nâng cao.

Từ khóa có thể không xếp hạng

Không phải lúc nào Keyword Golden Ratio cũng sẽ được xếp hạng tốt, mặc dù các số liệu thu thập được cho biết đó là một từ khóa tốt nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Tại sao lại xảy ra điều này?

Người dùng vẫn luôn là ưu tiên mà Google muốn hướng đến và nếu như Google tìm thấy những trang web có độ uy tín cao lên top ở từ khóa ngắn và nó hoàn toàn phù hợp, hữu ích đối với những từ khóa dài. Trong trường hợp này, các KGR có thể sẽ không được lên top.

Vậy thì chúng ta nên xử lý như thế nào với tình huống này? Khi có được một KGR, hãy tham khảo qua những gì mà Google đang quảng bá đến người dùng trên công cụ tìm kiếm.

Nếu kết quả nhận được đều là các trang thương mại điện tử, nhiều khả năng người dùng mong muốn tìm kiếm những liên kết đó. Hoặc đó là các video thì người dùng muốn tìm kiếm video.

Hoặc trường hợp đặc biệt hơn nữa, đó là một KGR có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe, y tế thì tất nhiên chỉ có các trang thẩm quyền và có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này mới có thể đứng top.

Điều quan trọng ở đây là bạn cần biết những trang nào đang xếp hạng đầu tiên trong kết quả tìm kiếm của Google. Nếu không có một kết quả nào tương  tự với trang web của bạn, đó là một dấu hiệu xấu. Một dấu hiệu cho biết KGR dù sở hữu chỉ số tuyệt vời cũng không được xếp hạng.

Như vậy, điều cần nên làm ở đây, không chỉ tìm kiếm KGR mà bạn cũng cần phải định hướng nội dung để phù hợp với nhu cầu mà người dùng mong muốn.

Chỉ thử một bài đăng đạt chuẩn KGR

Hãy đăng tải ít nhất 20 bài viết tập trung vào KGR lên trên trang web của bạn để kiểm tra. Bạn sẽ thấy nó hoạt động rất hiệu quả trên quy mô lớn.

5% bài viết KGR lọt vào top đầu trên các kết quả tìm kiếm, 15% tiếp theo có vị trí thấp hơn nhưng hầu hết vẫn nằm trong top và 80% còn lại dao động từ vị trí 20 cho đến 50.

Và đến khi trang web của bạn được Google chú ý nhiều hơn, 80% còn lại sẽ bắt đầu có sự chuyển biến rõ rệt, phần lớn sẽ chuyển dịch vào vị trí của 20% kia.

Điều bạn cần làm ở đây là duy trì và sản xuất nội dung chất lượng đều đặn, đồng thời tìm cách tăng tính thẩm quyền (E-A-T) của trang web.

Chung quy lại thì nếu chỉ xuất bản 1,2 nội dung về KGR, khả năng cao là nó không được xếp hạng. Bạn nghĩ rằng nó không thực sự hiệu quả như những gì mình đã đề cập. Nhưng nếu đạt đến một số lượng cần thiết, bạn sẽ nhận về những thành quả bất ngờ.

Các câu hỏi thường gặp về KGR

Có công cụ nào hỗ trợ tìm KGR tự động không?

Điểm đặc biệt của Keyword Golden Ratio chính là được thực hiện bằng các thao tác thủ công để từ đó tạo ra những chiến lược riêng biệt mà người khác không có. Về bản thân mình, mình luôn đề cao việc tìm kiếm KGR bằng hình thức thủ công. 

Mình có nghe đến Larkeyword v2 có tích hợp tính năng tìm kiếm KGR nhưng mình chưa sử dụng bao giờ nên cũng không biết được mức độ chính xác của nó!

Làm gì khi lượng tìm kiếm từ khóa khác nhau giữa các công cụ?

Tất cả các dữ liệu được cung cấp bằng các công cụ đều mang tính tương đối, sẽ không có gì là chính xác 100% ngay cả khi chúng được cung cấp bởi chính Google.

Các cụ sẽ nghiên cứu từ khóa dựa trên các thuật toán khác nhau để xác định lượng tìm kiếm ước tính của từ khóa. Do đó, xác định lượng tìm kiếm chính xác tuyệt đối là điều không tưởng và nó cũng không quan trọng.

Điều nên chú ý ở đây là bạn sẽ dựa vào các số liệu được tìm thấy để so sánh lượng tìm kiếm giữa các từ khóa. Hãy nhớ rằng, KGR vẫn thực hiện được ngay cả khi chúng ta không biết được lượng tìm kiếm chính xác.

KGR dưới 0,25 nhưng lượng search volume lớn hơn 250

Về cơ bản, khi lượng search volume lớn hơn 250 thì đó không phải là một KGR. Tuy nhiên, nếu thích thì cứ làm thôi, miễn sao bạn thấy cần thiết và tự tin rằng website của bạn đủ mạnh để xếp hạng cao ở từ khóa đó.

Dù gì với KGR dưới 0,25 bạn cũng đã tìm được một từ khóa có mức độ cạnh tranh thấp hơn so với bình thường rồi. Ở đây, mình chỉ nói đến việc khó có thể đạt được thứ hạng cao trong thời gian ngắn mà thôi.

Và cũng có 2 vấn đề mà bạn nên lưu ý:

  • Giả sử, từ khóa có lượng tìm kiếm 10.000 và KGR 0,25 điều có nói lên rằng có 2500 tiêu đề trên Google có chứa từ khóa này hay nói cách khác là 2500 đối thủ.
  • Còn với từ khóa có KGR dưới 0,25 và lượng tìm kiếm dưới 250, bạn chỉ luôn có tối đa 62,5 đối thủ.

Theo kinh nghiệm của mình, từ khóa có lượng search volume cao luôn mất nhiều thời gian để xếp hạng hơn từ khóa có search volume thấp bất kể mức độ cạnh tranh như thế nào.

Phá cách KGR, tại sao không?

Nếu website của bạn không phải là một trang mới, đã xây dựng được độ trust và hệ thống link building vững chắc, bạn có thể tùy biến KGR bằng cách tăng các chỉ số bởi đây không phải là một quy tắc nghiêm ngặt.

Sử dụng các từ khóa có lượng tìm kiếm 500 hay 1000/tháng. Hoặc chọn các giá trị KGR 0,8 hay 1,5. Tất cả sẽ phụ thuộc vào mức độ hiệu quả mà website của bạn đạt được.

Kết luận

Keyword Golden Ratio là một chiến lược cần thiết khi bạn bắt tay vào thực hiện một dự án SEO mới. Nhanh chóng có được thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm, vượt qua các đối thủ cạnh tranh và mang đến sự tăng trưởng cho website là điều mà KGR mang đến.

Hy vọng bài viết đã mang lại nhiều thông tin hay và thú vị dành cho bạn. 

Nguồn: https://hoaidoan.vn/keyword-golden-ratio.html