VNPR: Sân chơi lớn của những người làm Quan hệ Công chúng và Truyền thông tại Việt Nam
“Làm công việc kết nối phát triển, vậy tại sao chính người làm Quan hệ Công chúng và Truyền thông lại tự giới hạn cơ hội kết nối của mình?”
“Tôi có nhiều cơ hội quan sát, tìm hiểu và làm việc cùng các đồng nghiệp tại Malaysia, Thailand, Singapore… thấy họ và chúng ta có nhiều tương đồng trong mức phát triển nghề nghiệp. Vậy tại sao họ có thể gây dựng được cộng đồng mạnh mà mình vẫn chưa làm được việc đó tại Việt Nam?” – ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) chia sẻ về nhu cầu cần phát triển cộng đồng những người làm Quan hệ Công chúng và Truyền thông (QHCC&TT) tại Việt Nam và hành trình xây dựng tổ chức ấy cùng các đồng sự trong hơn 2 năm qua.
VNPR không chỉ là tổ chức dành cho chuyên gia, mà còn là sân chơi lớn của những người làm QHCC&TT tại Việt Nam
Đến giờ phút này, tôi luôn tin rằng mình đã có nhiều may mắn trong sự nghiệp. Hơn 20 năm làm việc, từ vị trí Chuyên viên Quan hệ Quốc tế của một bộ cho đến nhiều tập đoàn đa quốc gia, tôi đã được học, được nhận nhiều giá trị từ môi trường chuyên nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, được đào tạo, huấn luyện và trải qua nhiều thử thách. Đến một giai đoạn nào đó, tôi nghĩ mình có trách nhiệm chia sẻ lại những tài nguyên đó.
Khi làm việc đủ lâu trong ngành QHCC&TT tại Việt Nam, bạn sẽ thấy đây là một môi trường rất sôi động và phát triển nhưng đang thiếu đi sự gắn kết ở quy mô lớn. Việc này không tốt cho sự phát triển lâu dài, không chỉ của cá nhân mà còn của ngành, vì một nghề nghiệp mà thiếu đi một tập thể, một tổ chức đại diện thì thiếu đi sự công nhận của xã hội. Mặt khác, làm công việc kết nối thông tin, phát triển quan hệ với con người, tại sao chính những người làm PR lại tự giới hạn cơ hội kết nối của mình? Đây là điều tôi đã băn khoăn từ lâu.
Cho đến 3 năm trước, trong một sự kiện của ngành Quan hệ Công chúng – Truyền thông quy mô Đông Nam Á, tôi có cơ hội tiếp xúc với các đồng nghiệp tại Malaysia, Thailand, Singapore… tôi thấy họ và chúng ta cũng có mức phát triển tương đồng trong nghề nghiệp. Vậy tại sao họ có thể có được cộng đồng mạnh mà mình vẫn chưa làm việc đó, hoặc chưa nghĩ tới?
Đó là cột mốc khiến tôi và các đồng sự quyết định hiện thực hoá ý tưởng này. Ngay sau chuyến đi, chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị những bước đầu tiên để thành lập VNPR. Lúc đó, VNPR có 3 thành viên sáng lập, tôi cùng Tâm Phan – Giám đốc Điều hành GoldenPen và Mai Anh Lê – Giám đốc Quốc gia Global PR Hub.
VNPR là một tổ chức nghề nghiệp, vì vậy giá trị đầu tiên chúng tôi muốn mang đến cho người làm QHCC&TT ở Việt Nam là cảm hứng và sự tự hào về những gì mình làm. QHCC&TT không chỉ là công việc mà còn là sự nghiệp, là nghệ thuật. Những người đam mê nó sẽ có thêm động lực để làm việc tốt hơn. Đây cũng là nơi chúng ta cùng nhau xây dựng sự công nhận nghề nghiệp trong xã hội và cộng đồng nghề nghiệp nói chung. Các bạn tham gia vào VNPR không chỉ nhận những giá trị đó mà còn là người lan toả những giá trị đó đến cộng đồng.
Bạn hỏi có tiêu chí yêu cầu nào khi một cá nhân muốn trở thành thành viên của VNPR không? Có và không.
Chúng tôi là một tổ chức mở. Sẽ rất tốt nếu các bạn đang học – làm việc trong ngành PR, Truyền thông. Chúng tôi cũng chào đón các bạn làm việc trong lĩnh vực liên quan như tiếp thị, phát triển xã hội, văn hoá, kinh doanh, nghiên cứu, giảng viên… VNPR đều đón nhận, miễn là các bạn có mong muốn chia sẻ, tiếp cận, học hỏi về QHCC&TT.
VNPR không phải là tổ chức chỉ dành cho chuyên gia. Chúng tôi luôn khao khát VNPR là sân chơi lớn của những người làm QHCC&TT tại Việt Nam.
Chìa khoá của sự phát triển: Tạo ra sự giao thoa năng lượng giữa các thế hệ
Nếu bạn để ý, trong 2 năm nay, bên cạnh các hoạt động học thuật, cộng đồng, VNPR có nhiều hoạt động hướng tới giới trẻ, dành cho các nhân sự QHCC&TT trẻ. Chúng tôi đã ký hợp tác chiến lược với Đại học Văn Lang – nơi có hơn 4.000 sinh viên đang theo học ngành Quan hệ Công chúng – Truyền thông với vai trò cố vấn về nghiệp vụ cũng như tham gia trực tiếp vào hoạt động giảng dạy. Nhiều sự kiện, workshop hướng nghiệp… được tổ chức tại các trường đại học trên địa bàn cả nước. Bản thân các thành viên sáng lập VNPR cũng trực tiếp tham gia giảng dạy tại một số khoa PR – Truyền thông tại các trường đại học, cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Các nhân sự trực tiếp vận hành VNPR đến thời điểm hiện tại cũng là các bạn trẻ, một số bạn đang là sinh viên.
Có được sự đa dạng này là bởi chúng tôi tin rằng VNPR sẽ được phát triển xa hơn bởi những người trẻ. Chính các bạn là người định hình nên tương lai của VNPR nói riêng cũng như thế giới QHCC&TT trong thời gian tới. VNPR là không gian mà các bạn trẻ và chính chúng tôi có cơ hội cùng nhau chia sẻ và giao thoa năng lượng. Những người đã làm nghề nhiều năm nhìn vào tinh thần của các bạn trẻ và có động lực để sẵn sàng học hỏi, trang bị kiến thức và xu thế mới. Ngược lại, những bạn trẻ cũng được truyền năng lượng về kinh nghiệm – các bạn ấy cần sự tự tin khi áp dụng kiến thức của mình vào con đường đã chọn.
Trong quá trình tư vấn phát triển kinh doanh và văn hoá doanh nghiệp, tôi quan sát người làm quản trị thành công là người giúp tổ chức tạo ra cơ chế hợp tác, thúc đẩy, động viên thế hệ trước và thế hệ sau cởi mở với nhau và thật sự trở thành “cộng sự”. Đó là sự giao thoa năng lượng đích thực, phá bỏ rào cản về tuổi tác, sự tích luỹ kinh nghiệm cũng như sự “tự ti” có thể có đâu đó. Điều đó chỉ có được trên nền tảng của sự tôn trọng lẫn nhau, tinh thần hợp tác, cùng hướng về một mục tiêu và hiểu đầy đủ giá trị của mình.
Nhìn rộng ra các mô hình lớn, việc tạo ra sự tiếp nối các thế hệ là một việc quan trọng trong quá trình đưa tổ chức lớn mạnh. Khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng rút ngắn. Hiện nay, bạn dễ dàng tương tác được với lãnh đạo một tập đoàn, một tổ chức trên mạng xã hội và chính những lãnh đạo đó là người tự cập nhật các kênh tương tác của mình. Đây là điều mà 10-20 năm trước khó có thể có. Việc này chính là quản trị sự thay đổi. Ai quản trị tốt sự thay đổi là người thành công trong việc tạo ra động lực phát triển cho tổ chức.
VNPR đã và đang có được tinh thần đó. Chúng tôi cùng nhau quản trị sự thay đổi thông qua từng dự án, và chính bản thân tôi đang học tập để thay đổi từng ngày.
“Chúng tôi muốn cùng cộng đồng QHCC&TT Việt Nam bước ra thế giới”
Ngay từ ngày đầu thành lập, VNPR đã đặt mục tiêu phải đưa cộng đồng QHCC&TT tại Việt Nam “go global”.
Một cộng đồng phát triển không chỉ có liên kết nội bộ mà cần vươn ra ngoài kia, nhất là trong bối cảnh truyền thông Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới. Chúng ta không chỉ có cơ hội học tập các đồng nghiệp của mình tại nhiều quốc gia, và chính họ cũng học được từ chúng ta. Hơn nữa, đứng từ vai trò những người làm truyền thông, tại sao chúng ta không dùng chính sức mạnh nghề nghiệp của mình để lan toả các giá trị tốt đẹp của Việt Nam ra thế giới?
Năm 2020, chúng tôi đã thực hiện cuộc thi “Kiên cường Việt Nam” – một dự án cộng đồng được phát động trên toàn quốc, với mục đích lan toả những hình ảnh ấn tượng về dân tộc Việt Nam kiên cường trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19. Các bức ảnh giành giải thưởng đã được trình chiếu trên màn hình lớn tại quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, nơi được mệnh danh là trái tim truyền thông thế giới. Đó là giây phút các thành viên VNPR thực sự hạnh phúc khi đã đưa hình ảnh Việt Nam mạnh mẽ kiên cường lan toả mạnh mẽ niềm tự hào dân tộc ra khỏi biên giới đến với bạn bè quốc tế.
Chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội kết nối VNPR với các cộng đồng nghề nghiệp lớn trên thế giới. Đầu năm 2021, VNPR nhận được “Giải thưởng Đóng góp Nổi bật” ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi trong việc phát triển ngành Quan hệ Công chúng tại Việt Nam do Hiệp hội Quan hệ Công chúng và Truyền thông Thế giới – chi nhánh Đông Nam Á (PRCA SEA) trao tặng. Đó là một sự công nhận lớn cho VNPR khi các cá nhân/ tổ chức phải đáp ứng hàng loạt các tiêu chí gắt gao và vượt qua nhiều vòng đánh giá từ Hội đồng Giám khảo gồm các nhà báo tên tuổi, các học giả, chuyên gia đang quản lý các thương hiệu lớn trên thế giới và VNPR là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam.
Trong năm 2021, VNPR đón nhận một tin vui khi chúng tôi trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Truyền thông và Quan hệ Công chúng Thế giới – PRCA. Việc đứng trong tổ chức lớn nhất thế giới của những người làm nghề sẽ cho các thành viên VNPR cơ hội “go global” – bước ra thế giới với nhiều cơ hội phát triển và kết nối. Trước mắt, chúng tôi đang cùng PRCA chuyển giao các khoá đào tạo kiến thức về PR – Truyền thông hàng đầu hiện cho các thành viên của mình. Tôi kỳ vọng điều này sẽ tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng, trực tiếp mang lại cơ hội học tập và phát triển cho chính các thành viên của mình.
Trong năm 2021, chúng tôi đã và đang triển khai nhiều hoạt động với 2 mục đích chính: Phát triển cộng đồng người làm nghề QHCC&TT tại Việt Nam. VNPR sản xuất chuỗi chương trình PR90s, chia sẻ kiến thức và góc nhìn về QHCC&TT thông qua các chuyên gia, người có ảnh hưởng và lãnh đạo nổi bật trong cộng đồng. Chúng tôi cũng tiếp tục các hoạt động hợp tác đào tạo với Đại học Văn Lang và các cơ sở giáo dục khác. Cuối năm nay, VNPR ấp ủ một sự kiện vinh danh cộng đồng nghề nghiệp của mình. Chúng tôi sẽ trở lại với một hoạt động tiếp nối tinh thần Việt Nam kiên cường, lan toả sự tự hào dân tộc với bạn bè quốc tế cùng với các đơn vị, tổ chức cùng giá trị.
VNPR có thể đi xa đến đâu? Câu hỏi này sẽ được giải đáp trong tương lai. Nhưng chúng tôi tin rằng, trên hành trình ấy, sớm hay muộn, nghề Quan hệ Công chúng và Truyền thông sẽ nhận được sự công nhận đầy đủ tại Việt Nam và bước ra thế giới.
Thông tin nhân vật: Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch VNPR – Giám đốc MConsultant
Khởi đầu với vị trí là chuyên viên Quan hệ Quốc tế của một bộ, đến nay, ông Mỹ đã có hơn 20 năm hoạt động trong ngành Quan hệ Công chúng, quản trị danh tiếng phát triển kinh doanh. Vị trí gần đây nhất ông đảm nhiệm là Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của tập đoàn Coca-Cola Đông Nam Á và Anheuser-Busch InBev ASEAN.
Hiện ông Mỹ là Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (Vietnam Public Relations Network – VNPR) – Tổ chức đầu tiên dành cho những người làm PR chuyên nghiệp tại Việt Nam, trực thuộc PRCA – Hiệp hội Quan hệ Công chúng và Truyền thông thế giới.
Đăng ký trở thành thành viên của VNPR: https://forms.gle/DYmAuhH5HQr2dMSJ6