Hiệu ứng COVID-19 thúc đẩy thanh toán qua mã QR tại khu vực APAC

Hiệu ứng COVID-19 thúc đẩy thanh toán qua mã QR tại khu vực APAC

Theo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard, 94% người tiêu dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một công nghệ thanh toán mới nổi trong năm tới. Đây là khu vực có sự chuyển đổi trong thanh toán nhanh hơn cả, với 88% người được khảo sát cho biết đã từng sử dụng ít nhất một loại hình thanh toán mới nổi trong năm ngoái, 2/3 trong đó là do tác động của đại dịch.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy công nghệ thương mại điện tử phát triển nhanh hơn 2 năm, đồng thời kéo theo một cuộc cách mạng trong thanh toán. Theo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard, 94% người tiêu dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) cho biết sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một công nghệ thanh toán mới nổi trong năm tới.

Đây là khu vực có sự chuyển đổi trong thanh toán nhanh hơn cả, với 88% người được khảo sát cho biết đã từng sử dụng ít nhất một loại hình thanh toán mới nổi trong năm ngoái, 2/3 trong đó là do tác động của đại dịch.

Các phát hiện từ Chỉ số thanh toán mới của Mastercard cho thấy rõ người tiêu dùng đang trông đợi một công nghệ thanh toán không chạm, đơn giản với giao diện dễ dùng.

Hiệu ứng COVID-19 thúc đẩy thanh toán qua mã QR tại khu vực APAC

Nguồn: Envato

Đối với nhiều người, điều đó nghĩa là sử dụng mã QR. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mã QR có sức hút đặc biệt mạnh mẽ so với những nơi khác trên thế giới, với 63% số người từng thanh toán bằng QR cho biết đã sử dụng hình thức này thường xuyên hơn trong năm qua. Tỷ lệ này là 64% ở cả Thái Lan và Ấn Độ, cao hơn mức trung bình toàn cầu 56%. Hơn nữa, đa số người được hỏi cho rằng các phương thức mới như mã QR giúp cho việc thanh toán trực tiếp đảm bảo vệ sinh (76%) và thuận tiện hơn (71%).

Công nghệ QR (Quick Response) không phải là công nghệ mới. Mã QR được phát minh vào năm 1994 tại Nhật Bản để giúp các nhà sản xuất theo dõi các bộ phận trên dây chuyền lắp ráp ô tô, tuy nhiên điện thoại thông minh mới chính là tác nhân thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi của nó.

Giờ đây, quét mã và được chuyển hướng đến trang thanh toán, quảng cáo hoặc cổng trực tuyến khác trở nên thật dễ dàng. Công nghệ này đem đến trải nghiệm đơn giản và an toàn, mà không cần phải rút ví hay cung cấp thông tin cá nhân.

Hiệu ứng COVID-19 thúc đẩy thanh toán qua mã QR tại khu vực APAC

Mã QR ngày càng được sử dụng rộng rãi cả trong và ngoài lĩnh vực thanh toán. Các công ty Fintech ở Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác đã mở rộng hình thức sử dụng mã QR để chuyển tiền giữa các cá nhân và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ, vốn đa phần chỉ chấp nhận tiền mặt, sử dụng thanh toán kỹ thuật số nhiều hơn.

Các công ty công nghệ thanh toán lớn như Mastercard đã tạo ra mã QR với khả năng tương tác toàn cầu, tăng khả năng tiếp cận của hình thức thanh toán này. Công nghệ này cũng đã trở nên hữu ích cho nhiều mục đích khác nhau, từ truy vết tiếp xúc COVID-19 (được sử dụng ở Singapore), thanh toán cước phí taxi, tới chuyển hướng thực khách tới trang thực đơn trực tuyến của nhà hàng.

Lợi ích to lớn dành cho các doanh nghiệp nhỏ

Tuy nhiên, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ (DNSNVN) vẫn phải đối mặt những khó khăn trong áp dụng công nghệ mã QR do sự phụ thuộc vào giao hàng tại nhà hay mặt tiền. Các doanh nghiệp này thường không có quầy hay máy POS để cung cấp mã QR cho khách hàng thanh toán.

Để giải quyết vấn đề này, mới đây Mastercard đã hợp tác với BOB Financial Solutions Limited để giới thiệu giải pháp ConQR (Mastercard QR on Card) tại Ấn Độ. Công nghệ được cấp bằng sáng chế này cho phép dễ dàng thanh toán bằng mã QR chỉ qua một công cụ thanh toán. 

Hiệu ứng COVID-19 thúc đẩy thanh toán qua mã QR tại khu vực APAC

Nguồn: Hires

Sự đổi mới này tạo ra một phương thức thanh toán di động và an toàn cho các DNSNVN mà không yêu cầu sử dụng điện thoại thông minh, mang lại sự đơn giản và hiệu quả về chi phí, giúp doanh nghiệp phát triển và thiết lập lịch sử tín dụng.

Các giải pháp công nghệ này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ chuẩn bị tốt hơn cho hậu đại dịch, đơn giản bởi người tiêu dùng hiện đánh giá cao các doanh nghiệp cung cấp nhiều phương thức thanh toán không chạm hơn. 

Theo Chỉ số thanh toán Mastercard, 74% người tiêu dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết sẽ mua sắm thường xuyên hơn tại các doanh nghiệp nhỏ nếu có thêm các tuỳ chọn thanh toán. Điều này cho thấy khách hàng không chỉ ưa thích các phương thức thanh toán mới nổi như mã QR mà còn mong đợi các doanh nghiệp cung cấp các phương thức này, và đổi lại, họ sẽ nhận được sự trung thành của khách hàng.

* Nguồn: Mastercard