Tại sao bạn nên chú trọng trải nghiệm người dùng trên mobile app?
Trong một nghiên cứu gần đây của Adjust, 90% người dùng cho biết rằng hiệu suất kém là lý do cốt lõi khiến họ ngừng sử dụng một ứng dụng. Với vai trò là một nhà phát triển ứng dụng, bạn cần đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của người dùng mà không làm giao diện của app trở nên phức tạp. Khi điều chỉnh trải nghiệm người dùng (UX), bạn cũng cần phải đi sâu vào tâm lý của họ, cụ thể là làm cách nào để họ có thể dễ dàng tận dụng tối đa ứng dụng của bạn? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem xét lý do tại sao thiết kế trải nghiệm người dùng lại quan trọng và gợi ý cho bạn một số tips hay khi thực hiện thiết kế UX cho app.
Trải nghiệm người dùng là gì?
Nói một cách đơn giản, trải nghiệm người dùng đề cập đến phản ứng của người dùng cuối cùng (end user) khi họ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ. Chỉ tính riêng với mobile app, trải nghiệm người dùng bao gồm chức năng, tính dễ sử dụng và gần đây nhất là khả năng truy cập. Trải nghiệm người dùng có thể đơn giản như độ tương phản màu sắc, khả năng hiển thị ảnh hoặc thậm chí chỉ là tính logic của app khi sử dụng. Thuật ngữ này bắt nguồn từ Donald Norman, một nhà nghiên cứu về tính khả dụng và khoa học nhận thức, thuật ngữ này được ông đưa ra trong những năm 1990. Với việc mobile đã trở thành nền tảng thống trị cả thế giới, việc làm nổi bật thiết kế app, tăng trải nghiệm người dùng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
“Một sản phẩm không chỉ là sản phẩm. Đó là một tập hợp các trải nghiệm gắn kết và tích hợp với nhau. Bạn cần chú ý đến các giai đoạn của một sản phẩm, từ những ý định phát sinh ban đầu cho đến những phản ánh cuối cùng của người dùng, từ lần sử dụng đầu tiên đến dịch vụ trợ giúp, dịch vụ và bảo trì. Để thành công, hãy làm cho tất cả công đoạn này hoạt động cùng nhau một cách liền mạch. ” - Don Norman
Tại sao UX trên mobile app lại quan trọng?
Cùng với các kích thước màn hình và các thiết bị khác nhau thiết kế, bạn cũng cần lưu ý yếu tố con người như thị giác hay cảm xúc. Bạn không thể chỉ áp dụng một dạng thiết kế từ máy tính cho đến app và mong đợi kết quả tốt. Bạn cần hiểu rằng, tối ưu hóa trải nghiệm mobile app sẽ rất khác với tối ưu hóa trên máy tính. Trong Whitepaper của Career Foundry, chuyên gia UX và các chuyên gia từ hơn 50 nhà phát triển hàng đầu bao gồm Microsoft, Google, Facebook, Volkswagen và Zalando kết luận rằng bất kỳ khoản đầu tư nào vào thiết kế UX đều mang lại lợi nhuận tài chính lên đến 100 đô la cho mỗi 1 đô la vốn đầu tư. Với việc tăng mức độ hài lòng của khách hàng, về lâu dài cũng sẽ có nhiều khoản tiết kiệm hơn. Người dùng khi sử dụng các thiết bị di động sẽ có một góc nhìn rất khác, họ có thể dành nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin trên trang web mở bằng laptop của mình nhưng với mobile, chỉ cần 5 phút không tìm được điều mình muốn, họ có thể nhanh chóng tìm kiếm một app khác cung cấp những dịch vụ tương tự.
So sánh UX và UI
Mặc dù UX và giao diện người dùng (UI) hoạt động song song và cùng có một số mục tiêu chung, nhưng cũng tồn tại những điểm khác biệt mà mỗi chúng ta đều cần biết nếu muốn chinh phục nó. Trong khi UI tập trung vào cách người dùng tương tác với sản phẩm, thì UX quan tâm đến cách tiếp cận toàn diện hơn - toàn bộ hành trình của người dùng hoặc trải nghiệm từ lần chạm đầu tiên đến lần cuối cùng. Mobile UX làm nổi bật thiết kế cấu trúc của ứng dụng và tìm giải pháp cho bất kỳ phần yếu tố nào trong hành trình của người dùng có thể được tối ưu hóa tốt hơn. Mặc dù tính thẩm mỹ đóng một vai trò quan trọng trong trải nghiệm của người dùng, nhưng mục đích cốt lõi là kích thích và giữ chân người dùng bằng hiệu quả của chức năng ứng dụng trên thiết kế của nó. Hãy xem trải nghiệm người dùng như bộ xương và các cơ quan, còn giao diện người dùng như hình dáng bên ngoài. Thử tưởng tượng xem, nếu không có UX, UI thì sẽ khó hoạt động một cách hiệu quả.
Một số nguyên tắc thiết kế UX trên thiết bị di động
1. Khả năng sử dụng
Màn hình di động nhỏ hơn màn hình máy tính nên cần sắp xếp chữ, hình ảnh một cách phù hợp. Bạn cũng cần hiểu vị trí đặt ngón tay của người dùng, cách họ cầm điện thoại để bố trí cho phù hợp nhất. Hãy nhớ quy tắc ngón tay cái. Ứng dụng của bạn cũng cần đủ trực quan để bất kỳ người dùng nào cũng có thể biết cách sử dụng nó trong vài giây.
2. Sự quen thuộc
Người dùng luôn có ấn tượng với các thiết kế app trước đó. Ví dụ như các app từ điển sẽ thường có một motif nhất định in sâu trong trí nhớ của người dùng. Một UX tốt sẽ giúp người dùng mất ít thời gian để làm quen với cách sử dụng hơn. Các mẫu thiết kế rất quan trọng khi quản lý trải nghiệm người dùng của bạn. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng lại những khung thiết kế hiện có để giúp bạn tránh được các vấn đề thường gặp.
3. Khả năng tiếp cận
Với việc sử dụng mobile app trên toàn cầu và đa thế hệ, điều quan trọng là phải xem xét nhu cầu của mọi người dùng tiềm năng. Khoảng 15% dân số thế giới hiện mang theo khiếm khuyết nào đó về mặt thể chất - hãy luôn nghĩ về điều này khi phát triển UX trên thiết bị di động của bạn. Phương pháp hay nhất luôn là thiết kế ứng dụng của bạn để phù hợp với nhiều người dùng. Ví dụ, 51% người từ 55 tuổi trở lên nói rằng việc sử dụng các chức năng giọng nói sẽ giúp ích cho họ rất nhiều.
4. Sự hấp dẫn
Người dùng của bạn cảm thấy thế nào khi họ sử dụng ứng dụng của bạn? Người dùng của bạn càng khai thác được nhiều tiện ích trên ứng dụng của bạn, thì họ càng có nhiều khả năng dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn. Thu hút khán giả của bạn bằng khả năng sử dụng và thiết kế đẹp mắt chắc chắn sẽ thu hút họ quay lại để khai thác thêm tiềm năng mà ứng dụng sẽ mang lại trong tương lai.
Cuối cùng, nền tảng của bất kỳ trải nghiệm người dùng tốt nào cũng là kiểm tra liên tục và tối ưu hóa. Mỗi thay đổi nhỏ đều ảnh hưởng đến cách người dùng tương tác với ứng dụng của bạn. Chỉ bằng cách tiếp thu và kết hợp phản hồi của người dùng về UX, bạn mới có thể đảm bảo trải nghiệm người dùng của mình được cập nhật theo đúng nhu cầu của họ. Chắc chắn, sự tiếp thu sẽ có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong quá trình phát triển mobile app của mình.
AppROI Marketing Team
Xin chân thành cảm ơn!