Cấu trúc của Mobile Advertising: Định dạng, nội dung và màu sắc
Mobile Advertising (Mobile Ad) là loại quảng cáo hiển thị trên điện thoại của người dùng khi họ truy cập trang web hoặc sử dụng app. Mục tiêu của Mobile Ad là quảng bá thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ.
Mục tiêu của Mobile Ad là thu hút sự chú ý của người dùng, khiến họ quan tâm và cuối cùng dẫn đến tương tác, mua hàng hoặc chỉ đơn giản là xây dựng thương hiệu.
Mặc dù các app marketer đều biết Mobile Ad là gì, nhưng không nhiều người biết cấu tạo và cách thức thay đổi định dạng, bố cục để tạo ra tác động tích cực.
Bài viết sau đây sẽ phân tích cấu trúc của một Mobile Ad và cung cấp những lời khuyên để marketer xây dựng quảng cáo hấp dẫn hơn.
CTA
Nút kêu gọi hành động (Call To Action – CTA) thông báo cho người xem quảng cáo biết họ nên làm gì. Về cơ bản, CTA khuyến khích người dùng thực hiện những hành động cụ thể. Trong ví dụ dưới đây, CTA kêu gọi người dùng nhấp vào quảng cáo và cài đặt app.
Nguyên tắc tâm lý
Bản chất con người luôn tò mò, cố gắng tìm hiểu và kiểm soát môi trường xung quanh để biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta thường tìm tòi, theo dõi dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ để có thể dự đoán những gì xảy ra tiếp theo và quyết định xem có nên thực hiện hành động hay không. Do đó, điều quan trọng là phải giữ CTA theo chủ đề với phần hình ảnh nhất quán, nhưng hãy thử nghiệm xem bạn có thể làm cho nó nổi bật như thế nào.
Tạo CTA trông giống như một nút bấm là điều tốt nhất bạn có thể làm. Thiết kế và lời kêu gọi hành động của CTA thể hiện càng rõ ràng, càng tốt. Nếu người dùng tương tác với thương hiệu lần đầu tiên, thì hãy làm cho CTA thật nổi bật. Đồng thời, hãy luôn nhắc nhở người dùng hiện tại của mình.
Làm thế nào để kiểm tra?
CTA là mấu chốt của quảng cáo, nó tạo ra mục đích cho những người đã tương tác với quảng cáo và đó là con đường liên kết người dùng với sản phẩm.
CTA là mấu chốt của quảng cáo, nó tạo ra mục đích cho những người đã tương tác với quảng cáo và đó là con đường liên kết người dùng với sản phẩm. CTA cũng nên được coi là một phần quan trọng trong chiến lược A/B testing. Nút kêu gọi hành động phải dễ nhìn, rõ ràng, đơn giản và không gây rối mắt; cố gắng sử dụng hình nền đơn giản, không gây mất tập trung cho thông điệp chính mà quảng cáo đang cố gắng truyền tải.
CTA phải luôn bổ sung cho nội dung. Ví dụ, nếu đó là quảng cáo cho một app, CTA có thể là “Cài đặt ngay bây giờ” hoặc nếu đó là một bài đăng chia sẻ trên social media dẫn đến blog thì CTA có thể là “Đọc thêm”.
Khi chạy A/B testing, hãy bắt đầu với một số nội dung như “Cài đặt” hoặc “Tải xuống” để bạn có thể tạo điểm chuẩn, sau đó thử nghiệm với các kiểu khác nhau để xem đối tượng mục tiêu của bạn sẽ phản ứng như thế nào. Những thay đổi nhỏ trong cách diễn đạt có thể tạo ra sự khác biệt lớn, vì vậy bạn nên thử tìm hiểu xem cách nào hiệu quả. Hãy theo dõi tỷ lệ nhấp vì đây là thước đo tuyệt vời xem CTA có hoạt động tốt không.
Định dạng
Sự chú ý của người dùng
Người tiêu dùng luôn bị nhồi nhét với rất nhiều nội dung và thông tin, vì vậy việc thu hút sự chú ý của họ là một thách thức. Việc thu hút sự chú ý của người dùng thậm chí còn khó hơn và tỷ lệ thành công có thể khác nhau rất nhiều tuỳ thuộc vào loại quảng cáo đang được hiển thị, cũng như loại thiết bị họ đang xem quảng cáo. Hãy nhớ rằng, nếu việc nhắm mục tiêu thành công và bạn đã sắp xếp để đặt quảng cáo trước những khách hàng mục tiêu, nhưng họ chỉ có thể nhìn thoáng qua trước khi sự chú ý chuyển sang thứ khác. Đừng thất vọng, có một vài điều bạn có thể làm để giành được thêm vài giây quý giá từ người dùng.
Quảng cáo tĩnh
Quảng cáo tĩnh là hình thức quảng cáo phổ biến nhất. Chúng không có bất kỳ phương tiện hoặc yếu tố chuyển động bổ sung nào. Loại mobile ad này là một banner tĩnh có nội dung trực quan cố định, thường bao gồm văn bản và lời kêu gọi hành động rõ ràng. Quảng cáo tĩnh rất phổ biến vì chúng dễ dàng được tích hợp vào hầu hết các kênh truyền thông, sản xuất đơn giản và không đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn. Mặc dù dễ tạo, nhưng chúng thường ít tác động hơn và do đó không tạo ra phản ứng mạnh khi hiển thị cho người dùng.
Quảng cáo động
Quảng cáo động có thể được cá nhân hoá theo hồ sơ của người dùng, do đó thường hấp dẫn hơn. Quảng cáo động cũng cho phép bạn hành động tuỳ thuộc vào hành vi và tương tác của người tiêu dùng với quảng cáo, bạn có thể hiển thị các sản phẩm, giá cả khác nhau hoặc thậm chí giảm giá cho họ.
Tạo quảng cáo động có thể phức tạp và khó duy trì hơn vì chúng yêu cầu các tiêu chí hồ sơ người dùng phải được cập nhật liên tục, để đảm bảo bạn đang hiển thị quảng cáo có liên quan vào đúng thời điểm. Bằng cách đó, bạn đang thu hút người dùng, giúp mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao hơn cho quảng cáo.
Đa phương tiện
Đa phương tiện là bất kỳ hình thức quảng cáo kỹ thuật số nào có các tính năng tương tác, chẳng hạn như video, âm thanh hoặc bất kỳ tính năng nào khác được thiết kế để thu hút người dùng. Đa phương tiện cho phép bạn thử các loại hình ảnh động khác nhau tuỳ thuộc vào quảng cáo trên thiết bị di động. Loại mobile ad này thường tạo ra tỷ lệ chuyển đổi cao hơn vì phim ảnh giúp thu hút sự chú ý của người dùng, truyền tải thành công thông điệp bạn đang cố gắng truyền đạt.
Quảng cáo video
Quảng cáo video là một trong những loại quảng cáo được sử dụng nhiều nhất. Một người dùng thông thường có thể dành 16 giờ mỗi tuần để xem video trực tuyến. Không có gì ngạc nhiên khi đây là một trong những loại quảng cáo được các nhà quảng cáo thường xuyên sử dụng để tạo ra tương tác với khán giả của họ.
Như đã thảo luận ở trên, người dùng trung bình có khoảng thời gian chú ý là 8 giây khi xem quảng cáo, vì vậy hãy cố gắng tập trung vào các video không quá 15 đến 30 giây. Hãy cố gắng thu hút sự chú ý của người dùng trong vòng 5 giây đầu tiên cho đến khi kết thúc quảng cáo và nhấp vào CTA.
Interstitial Ads
Interstitial Ads là quảng cáo toàn màn hình. Loại mobile ad này có hiệu quả cao vì nó sử dụng khoảng không quảng cáo hiện có của chủ sở hữu app. Interstitial Ads có tác động lớn và dễ dàng thu hút sự chú ý của người dùng, dẫn đến tỷ lệ nhấp cao hơn và tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn.
Nội dung quảng cáo
Tại sao nên vận dụng storytelling?
Con người thích tạo ra những câu chuyện để tóm tắt và đơn giản hoá một điểm. Hãy lấy ví dụ về một câu chuyện thần thoại, một câu chuyện cổ tích hoặc thậm chí một mẩu chuyện nhỏ hằng ngày. Tất cả đều có chức năng giống nhau, giảm bớt sự phức tạp và mang đến một thông điệp rõ ràng, dễ hiểu.
Nội dung quảng cáo là gì?
Nội dung quảng cáo là văn bản trong quảng cáo. Văn bản quảng cáo sẽ bao gồm tiêu đề, mô tả và lời kêu gọi hành động. Nhưng hãy nhớ rằng mục tiêu của một văn bản quảng cáo không phải là để thể hiện những lợi ích của sản phẩm. Nội dung quảng cáo giúp kể một câu chuyện, đặt kỳ vọng và thuyết phục người dùng thực hiện hành động.
Cách diễn đạt tạo ra những kỳ vọng khác nhau
Bạn có thể tạo ra những kỳ vọng khác nhau cho người dùng và đạt được kết quả tốt hơn bằng một số thủ thuật đơn giản. Hãy sáng tạo bằng cách thử nghiệm các CTA khác nhau. Ví dụ: “download”, “get it”, “join”, “try” là những CTA luôn hoạt động tốt. Tuy nhiên, bạn có thể suy nghĩ khác hơn và sử dụng CTA liên kết trực tiếp với nội dung quảng cáo. Hãy thử thiết lập một câu hỏi hoặc một nguồn tham khảo trên quảng cáo và câu trả lời trên CTA, ví dụ:
- Nội dung quảng cáo: Bạn có muốn một app giao hàng tạp hoá cho bạn hàng tuần không?
- CTA: Đăng ký ngay!
Vượt qua đối thủ cạnh tranh là một thách thức lớn, vì vậy bạn phải cố gắng truyền cảm hứng cho người dùng. Một cách để làm điều đó là sử dụng các từ sinh động và mạnh mẽ, vì vậy hãy cố gắng kết hợp các từ vựng trong nội dung quảng cáo của bạn như: Dễ dàng, Hiệu quả, Miễn phí, Đảm bảo, Ngay bây giờ...
Những từ này cung cấp thông điệp một cách nhanh chóng, ngay cả khi đó chỉ là một cái nhìn thoáng qua khi người dùng đang lướt bản tin. Hãy nghĩ về những cảm xúc khác nhau mà bạn có thể nuôi dưỡng trong văn bản quảng cáo của mình. Bạn có thể tập trung vào những cảm giác tốt đẹp mà người dùng có thể nhận được từ app và truyền đạt nó, chẳng hạn như: “Trò chơi thú vị nhất mà bạn có thể chơi” hoặc “Bạn xứng đáng có một chiếc bánh mì kẹp thịt, hãy đặt hàng ngay bây giờ”. Khả năng và chiến lược của nội dung quảng cáo là không giới hạn, vấn đề chỉ là thử nghiệm xem những gì phù hợp với đối tượng người dùng.
Màu sắc
Lý thuyết về màu sắc
Lý thuyết về màu sắc là một môn nghệ thuật và khoa học cố gắng giải thích cách các màu pha trộn hay tương phản. Màu sắc khác nhau truyền tải các thông điệp khác nhau. Ví dụ, màu đỏ có thể báo hiệu cả giận dữ và tình yêu; màu xanh lam và xanh lá cây thể hiện sự bình tĩnh, tăng trưởng và đáng tin cậy; còn màu vàng biểu thị tuổi trẻ, hạnh phúc và năng lượng. Màu sắc bạn sử dụng ảnh hưởng đến nhận thức về quảng cáo và phản ứng của người dùng.
Màu sắc bạn sử dụng ảnh hưởng đến nhận thức về quảng cáo và phản ứng của người dùng.
Bộ não chỉ mất vài nano giây để phân tích một quảng cáo, xử lý thông tin, phân loại và “dịch” những gì nó nhìn thấy. Mọi người đều bị thu hút bởi màu sắc và nó phần nào tác động đến quyết định mua hàng của người dùng. Hãy lấy trái cây làm ví dụ, một quả táo đỏ bóng được cho là hấp dẫn hơn một quả có màu đỏ nhạt và do đó, người tiêu dùng có nhiều khả năng mua loại táo có màu sáng bóng hấp dẫn hơn.
Những quyết định này xảy ra mọi lúc và là một đặc điểm mà đa phần mọi người đều có. Kinh nghiệm và mối liên hệ trước đây đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định về màu sắc. Do đó, điều quan trọng là A/B testing quảng cáo và chọn màu sắc có liên quan đến thông điệp mà bạn đang cố gắng truyền đạt, cũng như đáp ứng kỳ vọng về những gì người dùng nghĩ rằng app của bạn sẽ phân phối.
Tìm hiểu sâu hơn về trải nghiệm người dùng đối với app và lưu ý rằng những người từ các quốc gia khác nhau có thể có các liên kết màu sắc khác nhau. Bạn cũng có thể thực hiện A/B testing quảng cáo màu sắc khác nhau giữa những người dùng mới.
Mobile Ad có nhiều tầng khác nhau trong cấu trúc mà mọi người có thể thử nghiệm và điều chỉnh để tạo ra một quảng cáo hấp dẫn, lôi cuốn và kích thích hơn. Từ văn bản đến hình ảnh, có một số kỹ thuật mà một marketer có thể sử dụng để tạo ra các mobile ad hấp dẫn hơn. Biết cấu trúc của mobile ad là điều cần thiết để hiểu điều gì sẽ thu hút sự chú ý của người dùng, tạo ra sự quan tâm, từ đó tăng mức độ tương tác và doanh thu.
* Nguồn: AppROI Marketing