Dentsu Redder Impact Academy: Thăm vườn điện ảnh
Người ta thường nhìn nhận điện ảnh như một loại hình nghệ thuật thứ 7. Nhưng bằng lăng kính của một đạo diễn tử tế, cô Nguyễn Việt Linh đã khiến khán phòng không ngừng thán phục về kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm sống và quan điểm làm nghề rõ ràng, qua đó điện ảnh hiện lên với một màu sắc chân thật và hoàn toàn khác.
Bài viết là nội dung chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Việt Linh tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy. Cô là một trong những đạo diễn gạo cội của nền điện ảnh nước nhà, là người đầu tiên được Bảo tàng Nghệ thuật Queensland Art mời mang điện ảnh Việt Nam (với 4 tác phẩm “Gánh xiếc rong”, “Dấu ấn của quỷ”, “Chung cư” và “Mê thảo – thời vang bóng”) đến giới thiệu tại chương trình nghệ thuật cận đại Châu Á – Thái Bình Dương ở Brisbane, Australia.
Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống.Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây.
*Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple Podcast và VoizFM
1. Điện ảnh cũng là một nghề
Dưới góc nhìn này, người làm nghề không thần thánh hay quan trọng hoá điện ảnh, mà xem đây cũng là một nghề đòi hỏi sự đam mê, tư chất, quá trình rèn luyện để trở nên tinh xảo.
Cũng như những loại hình sáng tạo khác, làm điện ảnh cũng cần có: Mục tiêu (là gì, cho ai...); Ý tưởng (thông điệp của tác phẩm là gì); Phong cách (lãng mạn trữ tình hay hài hước...); Giải pháp (tác phẩm là giải pháp của một sản phẩm thị trường, hay để đi vào đời sống và tôn vinh xúc cảm…).
2. Quy trình sản xuất một bộ phim
Kịch bản
Ý tưởng kịch bản có thể là một câu chuyện hoàn toàn mới hoặc được chuyển thể từ tác phẩm có sẵn.
Kịch bản có 2 loại: Tuyến tính – mạch thời gian đi từ quá khứ đến tương lai, và Phi tuyến tính – diễn biến khi nhân vật đã lớn và nhớ lại khoảng thời gian ấu thơ. Nhưng cũng có một thể thức kịch bản khác khó hiểu hơn, chúng thách thức người xem phải tự nối lại những mối ghép tình tiết, kích thích và đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia ở người xem.
“Tạo kịch tính cho một sự thật là phim tài liệu. Nói đến một sự thật thông qua kịch tính là phim truyện” – Qua câu đối thoại giữa hai người làm nghệ thuật tài ba (Đạo diễn Việt Linh và bạn) đã cho thấy một điều cốt yếu trong sáng tạo kịch bản: Sự kịch tính vô cùng quan trọng trong kịch bản, ngay cả trong phim tài liệu tưởng như không cần.
Có thể bạn chưa biết: Cô Việt Linh là một trong những đạo diễn chuyển thể nhiều phim nhất nền điện ảnh Việt Nam, ngay cả những tác phẩm “khó nhằn" như những con chữ đẹp đến trúc trắc trong tác phẩm “Chùa Đàn" của bậc thầy tuỳ bút Nguyễn Tuân.
Đạo diễn
Trước hết, đạo diễn là một nhà lãnh đạo: Có cương phải có nhu, phải quy tụ được lòng người thì việc mới thành. Còn cái tài năng của người đạo diễn không chỉ nằm ở tri thức hay khả năng bày biện, mà còn ở sự rung cảm và dụng tâm để chế tác những chất liệu có sẵn thành tuyệt tác.
Cả sự nghiệp của cô đã chứng minh điều này. Người ta chưa tìm thấy sự giống nhau hay mối tương quan nào về nội dung giữa các tác phẩm của cô, đạo diễn Việt Linh luôn thử sức bản thân ở nhiều đề tài đa dạng, chỉ có sự nghiêm túc với nghề và sự tôn vinh xúc cảm là thứ được tìm thấy xuyên suốt như sợi chỉ đỏ nối liền sự nghiệp của cô. Làm đạo diễn – cô nói – vừa dễ nhưng cũng vừa khó. Người đạo diễn phải biết rõ mình muốn gì và tư chất cũng như cái tôi cá nhân độc lập là vô cùng quan trọng.
Vậy ý tưởng của đạo diễn, của những kịch tính trong kịch bản đó, đến từ đâu? Câu trả lời nằm ở sự rèn luyện, dụng công quan sát, sự rung cảm với những chi tiết nhỏ trong cuộc đời. Ví như “Chung cư" – bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên được phát hành thương mại tại Pháp vào năm 2000 – đã được trao giải Đạo diễn xuất sắc của Liên hoan phim Cộng đồng Pháp ngữ Nemours (Bỉ). Tác phẩm này bắt đầu với sự xúc động của một người lính trở về từ năm 1975 khi đứng trước bối cảnh thời đại được khắc hoạ trong tác phẩm cùng tên của tác giả Nguyễn Hồ.
3. Mối tương quan giữa văn học và điện ảnh
Trong hệ thống kiến trúc thượng tầng, điện ảnh có lẽ gần gũi với văn học nhất. Sự thật là ta có thể tìm thấy trong điện ảnh những dấu chấm than, chấm phẩy... Chúng nằm ở đôi mắt của diễn viên, cái liếc mắt đưa tình hay ánh mắt bối rối như chứa thêm hàng ngàn ý tứ phía sau một dấu ba chấm.
Một bộ phim là một cái nhìn: Giống như văn học, điện ảnh là tấm gương phản chiếu cuộc đời, là hiện thực qua lăng kính chủ quan của đạo diễn với nhân sinh quan, tư tưởng và thái độ rõ ràng.
Giống như văn học, điện ảnh là tấm gương phản chiếu cuộc đời, là hiện thực qua lăng kính chủ quan của đạo diễn với nhân sinh quan, tư tưởng và thái độ rõ ràng.
Những tác phẩm của đạo diễn Việt Linh phần nào giúp người xem mường tượng và hình dung về cô – một người lính kháng chiến từ năm 15 tuổi với cái nhìn hậu chiến không thể lạc quan như thời bao cấp. Cô luôn thể hiện điều đó bằng sự bi tráng trong tác phẩm của mình, và dụng tâm lột tả sự bi tráng đó trong từng chi tiết nhỏ nhất, bởi “chi tiết nhỏ làm nên cuộc sống”.
“Đừng làm phim mà nói cái mình không biết” – cô nhấn mạnh. Quan điểm này gợi nhắc đến một nhà văn hiện thực tiêu biểu của thế kỷ 20, Nam Cao từng viết: “Sự cẩu thả trong bất kỳ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.
4. Dấu ấn cá nhân
Trong điện ảnh, trạng thái luôn lớn hơn hành động: Một trạng thái có thể xuất hiện dưới nhiều dạng hành động khác nhau. Ví dụ, trạng thái ‘vui’ có thể biểu lộ qua hành động nhảy chân sáo, hát bâng quơ... của nhân vật. Vai trò của người đạo diễn là cho diễn viên một trạng thái và để họ tự do tìm hành động riêng thể hiện được trạng thái đó của nhân vật. Việc này nhằm đảm bảo sự giàu có và đa dạng của các chi tiết.
Tính Song khả – khả thi (làm được) và khả tín (tin được) trong điện ảnh chính là nằm ở chỗ này. Người làm nghệ thuật phải không ngừng đa nghi và đặt câu hỏi: Mình có tin hay không? Nếu mình không tin làm sao khán giả có thể tin được?
Điện ảnh tương quan với văn học ở cái tính chất “đốt giai đoạn”: Chi tiết được chọn phải đắt, phải được gói gọn, phải đặc tả cảm xúc. Khi ta bỏ bớt đi mà không thấy mất gì, thì thứ còn lại đó chính là Điện ảnh/ Văn học bởi: “Có những phim, rất đúng nhưng không đẹp, có khi đẹp nhưng không đặc sắc, mà làm nghệ thuật thì phải sắc”.
5. Hiệu quả tâm trí
Trên phương diện kỹ thuật: Khi hai mối nối khác nhau được lắp ghép lại, ta sẽ có một ý nghĩa khác cho câu chuyện. Đó là nghệ thuật dựng phim, được nghiên cứu trên sự mạch lạc, nhịp điệu, tiết tấu, đốt giai đoạn và ngôn ngữ điện ảnh.
Bố cục của phim: Phải tạo được cảm xúc cho người xem – Cô Việt Linh chia sẻ – Ngược với suy nghĩ của nhiều người, bố cục đẹp không dựa vào khuôn thước mà dựa vào những điều khán giả cảm nhận được khi xem. Một cảnh quay bầu trời có gợi được cảm giác chơi vơi hay không, một đường chân trời chuẩn chỉnh chia đôi tầm mắt chưa chắc gợi tả được.
Nguồn: Dentsu Redder
Ngôn ngữ điện ảnh sở hữu hai khía cạnh:
- Kỹ thuật: Làm ra hình ảnh, thể hiện câu nói để được nhìn thấy
- Nghệ thuật: Những gì toát ra từ hình ảnh, biểu hiện ý đó để được cảm thấy
Câu hỏi được đặt ra: “Tại sao cùng một phân cảnh, có khi người này diễn xuất, mình rơi nước mắt, nhưng với người khác thì không?”. Đó thuộc về kỹ thuật nghề nhưng được soi chiếu và gạn lọc bằng sự cảm thấu cuộc đời, sự dày dạn của từng nhân tố tham gia vào bộ phim ấy.
Thứ ta nói, làm và diễn phải là một lát cắt của cuộc sống, không cường điệu hay e dè, như thể mọi thứ đang thực sự diễn ra ngoài kia, không phải trong khuôn khổ một phim trường.
Điều đọng lại quan trọng nhất có lẽ không phải là hiệu ứng từ những loại ống kính khác nhau hay một khái niệm rất kêu mà báo giới thường dùng là “ngôn ngữ điện ảnh”, mà là nội tại của người làm nghệ thuật. Cái hay hoá ra không nằm nơi ngôn từ được phơi bày, mà nằm ở cách người ta cảm nhận nó.
Loại hình nghệ thuật nào cũng có văn phạm cũng như quy cách, và sự độc đáo chỉ xuất hiện khi ta dám phá bỏ văn phạm để chạm đến trái tim người xem. Điều này không chỉ đúng trong văn học hay điện ảnh, mà cả trên phương diện quảng cáo.
Loại hình nghệ thuật nào cũng có văn phạm cũng như quy cách, và sự độc đáo chỉ xuất hiện khi ta dám phá bỏ văn phạm để chạm đến trái tim người xem.
Phải nghe, phải đọc mới thấy cái tài tình và tinh tế của người đạo diễn nằm trong từng chi tiết. Trong tác phẩm điện ảnh “Nổi gió”, đạo diễn Huy Thành đã cho hai nhân vật, là chị em trở về từ hai chiến tuyến, gặp nhau trong tình cảnh người chị đang giặt đồ. Khi đó, cô chị đã ôm lấy đứa em trai của mình bằng đôi tay đầy xà phòng. Bỏ qua logic diễn tiến, hình ảnh xà phòng chính là đại diện cho sự mong manh, nó lột tả một phần niềm vui sum vầy sẽ nhanh chóng tan biến khi hai người phải sớm quay về mặt trận.
Người ta nói: “Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Thế nên chúng ta chẳng phải đi tìm ý tưởng cho sản phẩm ở đâu xa xôi, mà ý tưởng chính là sự rung động đầu tiên và ta làm mọi thứ xoay quanh rung cảm đó. Ví như diễn xuất, đôi mắt phải nói được trước, khi trong tim anh đã có tình cảm ấy thì phát âm sẽ tốt, thì ngay cả cái nghẹn ngào người xem cũng nghe được.
Quay về vai trò của người đạo diễn: Hãy biết mình muốn gì trước khi đợi chờ người xem nhận ra. Hãy làm vì cái bản thân muốn và tin, để người xem phim nhận được không chỉ là những tình tiết nối dài, mà là ý niệm về nhiều điều muôn thuở, về xã hội, thời đại và con người.
Sau hơn 3 tiếng được nghe chia sẻ từ người có thể gọi là “kẻ mộng thi thư”, ta buộc phải tự vấn: Phải chăng nghệ thuật nói chung, hay điện ảnh nói riêng, với những chi tiết được chắt lọc trên đầu ngọn bút và sau ống kính máy quay cũng đòi hỏi tâm sức như lúc mưu lược, để kết tinh thành lý tưởng có sức lay động, làm thay đổi cả hệ tư tưởng, tình cảm và nhân sinh quan của người xem, cho người ta hy vọng để sống tốt đẹp hơn, như chân giá trị của hệ thống kiến trúc thượng tầng trong xã hội vốn thế.
Dentsu Redder Impact Academy
Wider Perspectives, Richer Souls, Better Humanity