SEONGON: Những cách để tiếp cận khách hàng mới với Online Marketing mùa COVID-19
Dưới tác động của COVID-19, khách hàng thắt chặt chi tiêu, hạn chế ra đường, các cửa hàng buộc phải đóng cửa thì nhu cầu bức thiết về tìm kiếm khách hàng mới của doanh nghiệp trên môi trường online càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Bài viết dưới đây liệt kê những cách để tìm kiếm, tiếp cận khách hàng trên môi trường số.
Hành vi người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể bởi COVID-19. Họ lên mạng nhiều hơn, online nhiều hơn và mua sắm online nhiều hơn.
Theo báo điện từ VnEconomy, số người tiêu dùng mua sắm online đã tăng hơn 25%.Vậy nên, đối với nhiều doanh nghiệp, kinh doanh online gần như là con đường duy nhất. Nhưng làm gì và làm như thế nào để kinh doanh online hiệu quả lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Bắt đầu từ khách hàng của bạn
Một nguyên tắc quan trọng khi kinh doanh (dù online hay không) mà bạn cần nhớ, đó là khách hàng xuất hiện ở đâu thì thương hiệu cần có mặt ở đó. Chưa bàn đến việc làm tốt hay không, chỉ cần khách hàng biết đến doanh nghiệp, cân nhắc sản phẩm, dịch vụ là một lựa chọn thì sẽ có khả năng họ tìm đến bạn. Vậy nên, hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ khách hàng của mình.
- Họ có thói quen online như thế nào?
- Họ hay vào trang nào, mạng xã hội gì, page gì?
- Họ làm gì ở trên các nền tảng đó?
- Khi có nhu cầu về sản phẩm, đâu là kênh online họ tìm đến? Hỏi những câu gì?
- Liệu doanh nghiệp có thể làm gì ở những điểm chạm đó?
Khi trả lời được những câu hỏi trên, ít nhất bạn sẽ biết được mình cần tập trung nguồn lực hữu hạn vào đâu.
Xây dựng các tài sản online
Sau khi trả lời được các câu hỏi trên, bước tiếp theo là xây dựng/ cải thiện tài sản online. Đó có thể là website, fanpage, tài khoản trên trang thương mại điện tử... tuỳ vào việc khách hàng tiềm năng của bạn xuất hiện ở đâu.
Mỗi kênh sẽ có cách thiết lập khác nhau, nhưng nhìn chung bạn cần thể hiện được những điểm sau đây trên mỗi điểm chạm:
- Giới thiệu được doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm, dịch vụ gì?
- Thể hiện được sự uy tín của thương hiệu thông qua phần lịch sử hình thành, các thành tựu đạt được hay lời khen của khách hàng và thông qua cả cách thiết kế, thể hiện nội dung chuyên nghiệp
- Khách hàng dễ dàng tìm được thông tin mong muốn về sản phẩm
- Các thông tin về sản phẩm dịch vụ cần rõ ràng minh bạch
- Liên tục có người/ phần mềm hỗ trợ khách hàng khi có thắc mắc
Và tất cả những điều này cần đồng nhất trên các kênh online khác của doanh nghiệp.
Một số cách để tiếp cận khách hàng mới theo từng kênh
Tiếp theo là tận dụng tối đa từng kênh để đạt hiệu quả cao trong việc tiếp cận, tìm kiếm khách hàng.
Mạng tìm kiếm Google
Theo thống kê từ Google, hơn 53% người dùng đều tìm kiếm trên Google trước khi quyết định mua hàng online, vậy đây là một kênh không thể bỏ qua trong công cuộc làm Online Marketing của bạn.
Tận dụng quảng cáo Google Ads
Quảng cáo là cách nhanh nhất để bạn kiếm được khách hàng mới. Nhưng trong bối cảnh COVID-19, ngân sách hạn chế, thay vì chi tiền dàn trải cho mọi loại truy vấn, bạn cần tập trung vào những truy vấn “ăn tiền” để tối ưu hiệu quả mà vẫn tiết kiệm ngân sách.
Cụ thể, thay vì quảng cáo cả cho những từ khoá chung chung như “iPhone 11”, một từ khoá có ý định tìm kiếm khá mơ hồ, (liệu người tìm kiếm có đang có ý định mua hàng hay chỉ đang tìm hiểu thông tin về nó?), bạn có thể tập trung ngân sách cho những từ khoá rất sát ý định mua hàng như “mua iphone 11 giá rẻ tại Hà Nội”. Hoặc nếu bạn đã chạy Google Ads trước đó, hãy tập trung toàn bộ ngân sách cho những từ khoá có tỷ lệ chuyển đổi cao.
Ngoài quảng cáo tìm kiếm thông thường, Google Shopping cũng là một lựa chọn không tồi trong giai đoạn này, nhất là đối với những sản phẩm có rào cản về giá thấp.
Làm SEO
Thông thường, làm SEO ở thời điểm này cũng đã muộn, vì một dự án SEO bình thường sẽ mất từ 6-9 tháng để có kết quả.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tận dụng một số từ khoá dài, từ khoá thông tin có độ khó không quá cao để làm trước. Những từ khoá này, theo kinh nghiệm của SEONGON chỉ cần nội dung content đủ tốt là bạn đã có thể lên TOP sau 2,3 ngày đến 1 tuần.
Dù lượng traffic từ những từ khoá này không nhiều nhưng chúng vẫn có thể tiếp cận được đến khách hàng tiềm năng của bạn.
Thiết lập Google My Business
Google My Business là công cụ hiệu quả trong việc tiếp cận những khách hàng ở xung quanh (địa phương) bạn trên mạng tìm kiếm.
Đây là một công cụ miễn phí của Google giúp khách hàng tìm kiếm doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn. Với công cụ này bạn sẽ thể hiện được đầy đủ các thông tin cần thiết nhất về doanh nghiệp như sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giờ mở cửa, địa chỉ được hiển thị trên Google Map... Việc thiết lập Google My Business cũng không khó, chỉ cần khoảng 30 phút.
Các cách tiếp cận khách hàng trên mạng xã hội (Facebook)
Tại Việt Nam, Facebook vẫn là mạng xã hội (MXH) được nhiều người sử dụng nhất, bao gồm có khách hàng tiềm năng của bạn. Dưới đây là một số cách để tiếp cận khách hàng trên MXH này.
Vẫn là quảng cáo
Tương tự với mạng tìm kiếm, quảng cáo trên Facebook cũng là cách nhanh nhất để tiếp cận khách hàng. Hãy tận dụng các tính năng như quảng cáo lookalike, quảng cáo tới tệp đối tượng đã tương tác để giảm thiểu chi phí quảng cáo và tiếp cận đúng các khách hàng thực sự quan tâm.
Bằng tính năng lookalike, quảng cáo Facebook sẽ tìm tới những đối tượng tương đồng với tập khách hàng sẵn có của bạn. Phương pháp này giúp tăng hiệu quả chuyển đổi một cách rõ rệt.
Chia sẻ kiến thức, thông tin hữu ích trên các group
Kiến thức, thông tin hữu ích luôn là những loại nội dung không bao giờ lỗi thời dù có COVID-19 hay không. Nếu những nội dung này càng liên quan đến bối cảnh dịch bệnh thì sẽ càng được độc giả mục tiêu của bạn đón nhận. Đây cũng là một cách giúp bạn tiếp cận tới đối tượng khách hàng mục tiêu mà không tốn quá nhiều chi phí.
Seeding
Seeding là một phương pháp không mới, nhưng vẫn có thể mang lại hiệu quả không ngờ. Với sự phổ biến của mạng xã hội, các group trên facebook đã dần thay thế nhiệm vụ của các forum ngày trước, là nơi để hỏi đáp, thảo luận về những sản phẩm, dịch vụ họ có ý định mua.
Chính vì thế, với một kịch bản seeding tinh tế và bền bỉ, bạn hoàn toàn có thể tìm khách hàng bằng phương pháp này.
Một mặt hàng hay được seeding nhiều nhất và cũng hiệu quả nhất là đồ ăn/ quán ăn, khi mỗi bài viết dạng review có thể mang đến cho bạn hàng nghìn like/share/ comment, chưa kể lượt đặt hàng hay đến quán sau đó:
Khéo léo sử dụng review tốt, đánh giá tốt, nêu lên được một số ưu điểm nổi bật sẽ giúp khách hàng thêm tin tưởng vào dịch vụ sản phẩm của bạn.
Livestream
Đối với những ngành hàng bán lẻ, đây là một phương pháp Marketing bùng nổ trong những năm gần đầy. Không chỉ giúp khách hàng thấy trực quan sản phẩm, mà hình thức còn thôi thúc sự tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp, rút ngắn đáng kể thời gian để họ cân nhắc quyết định mua hàng.
Với những ưu điểm này, những ngành hàng bán lẻ, thời trang, mỹ phẩm có rào cản về giá không quá cao có thể áp dụng hình thức này.
Phát triển fanpage
Thay vì website, hiện nay có rất nhiều người dùng sử dụng MXH làm công cụ tìm kiếm đầu tiên khi họ muốn mua sản phẩm. Một fanpage được làm chỉn chu, thường xuyên cập nhật các bài mới về sản phẩm sẽ chiếm được nhiều lòng tin hơn của khách hàng.
Với những mạng xã hội khác, tuy có khác nhau về bản chất sử dụng, nhưng về lý thuyết bạn vẫn có thể áp dụng được các cách trên.
Các cách tiếp cận khác
Nếu bạn đã làm SEO cho website của mình trước đó, thì đây chính là giải pháp cứu cánh trong thời điểm này. SEONGON biết rất nhiều khách hàng của mình nhờ làm SEO đã có thể giữ được một nguồn khách hàng ổn định chỉ nhờ vào organic traffic.
Tuy nhiên nếu không, bạn vẫn có những cách khác để tiếp cận khách hàng trên kênh này:
Email Marketing
Theo thống kê của Backlinko, email vẫn là kênh có tỷ lệ ROI cao nhất trong tất cả kênh với hơn 4200% (thu được 42$ cho mỗi 1$ bỏ ra). Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp bỏ qua hoạt động này hoặc làm chưa hiệu quả.
Nếu bạn đã có sẵn một nguồn email trước đây từ việc thu thập thông tin khi bán hàng thì đây là lúc để tận dụng triệt để. Với chi phí công cụ không quá lớn, bạn có thể tiếp cận tới hàng nghìn khách hàng tiềm năng chỉ trong vài phút.
Content Marketing
Ngoài các bài viết SEO ra, các nội dung theo trend, giải quyết được các nhu cầu thực tế của khách hàng tiềm năng trong mùa COVID-19 sẽ rất được cộng đồng đón nhận.
Có thể lấy ví dụ từ nhãn hàng Karo, lấy chủ để phòng chống COVID-19 trong mùa dịch để tạo ra một video ca nhạc vui tai bắt mắt, tạo được hiệu ứng lớn trong cộng đồng các khách hàng, từ đó vừa giúp tăng nhận diện thương hiệu, vừa đẩy mạnh doanh số trong mùa này.
Hoặc SEONGON liên tục chia sẻ những bài viết liên quan đến Online Marketing, kinh doanh trong mùa COVID-19 đến cộng đồng marketer và độc giả.
Hỗ trợ cộng đồng miễn phí với sản phẩm, dịch vụ hay chuyên môn của bạn
Trong thời điểm dịch mọi người đều khó khăn, bất cứ một sự hỗ trợ, giúp đỡ nào từ phía doanh nghiệp cũng sẽ là quý giá đối với những người cần nó.
Ví dụ, ở đợt COVID-19 tháng 2 vừa rồi, SEONGON đã mở miễn phí trang academy.seongon.com – một trang đào tạo về SEO, Google Ads, Online Marketing. Điều này giúp chuyên trang đào tạo này có lượng tăng traffic đột biến và giúp SEONGON tăng được nhận diện thương hiệu tới cộng đồng và đối tượng khách hàng tiềm năng.
Lên các trang thương mại điện tử
Kể từ khi Shopee hay Lazada trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam, người tiêu dùng đã có một thói quen mới, đó là khi cần tìm kiếm sản phẩm gì họ sẽ lên các trang thương mại điện từ này tra cứu. Hành vi này được sinh ra có lẽ chính bởi sự thuận tiện mà các trang này mang lại: hỗ trợ ship, giá rẻ, nhiều sản phẩm để lựa chọn...
Vậy nên ngoài website, fanpage, các trang thương mại điện từ là một kênh mà bạn không thể bỏ qua, đặc biệt đối với ngành bán lẻ.
Sử dụng các mô hình 3D
Đối với các sản phẩm mà khách hàng luôn thích xem tận mắt, sờ tận tay như bất động sản, trang sức, xe cộ... thì việc bị đóng cửa không khác nào làm mất đi cần câu cơm của họ. Tuy nhiên, với công nghệ và internet hiện nay, khó khăn này có thể giải quyết với các mô hình 3D, gian hàng trực tuyến, hay không gian ảo.
Có thể lấy ví dụ ngay từ FordVN trong mùa COVID-19 này:
Tận dụng nền tảng YouTube
Bạn có biết rằng YouTube là mạng tìm kiếm lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Google. Kể từ khi ra đời vào năm 2005, xem YouTube dần trở thành thói quen không thể thiếu của người Việt Nam và thậm chí hình thức này còn đang dần thay thế cho tivi truyền thống.
Hơn nữa, khách hàng hiện nay có xu hướng xem hướng dẫn, review sản phẩm, so sánh sản phẩm trên nền tảng này vì tính trực quan, thuận tiện và giàu thông tin.
Vì thế, đây cũng là một kênh tiềm năng cho việc tiếp cận khách hàng mới. Hãy bắt đầu với những video hướng dẫn, có thể tự quay bằng điện thoại đơn giản nhưng tập trung vào chất lượng của từng video.
Tăng nhận diện thương hiệu với TikTok
Theo một thống kê, có tới 13 triệu người Việt sử dụng nền tảng TikTok. Độ tuổi chủ yếu là học sinh, sinh viên từ 12-24 tuổi với trung bình 28 phút xem mỗi ngày. Nếu nhìn ngay từ thống kê, có thể dễ dàng nhận thấy đây là một kênh tiếp thi sản phẩm phẩm dịch vụ cho giới trẻ tiềm năng, cũng một phần bởi tính đặc thù giải trí của nền tảng này.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đã tận dụng thành công nền tảng này, TikTok có thể áp dụng cho mọi loại ngành nghề và lứa tuổi, là một kênh để xây dựng thương hiệu hiệu quả với những video chia sẻ kiến thức hữu ích ngắn và đặc biệt là có thể dễ dàng đạt được 100.000 đến cả triệu view.
Từ lượng view khổng lồ đó, bạn tiếp tục điều hướng khách hàng về site, dẫn dắt họ mua thêm sản phẩm, dịch vụ. Chưa kể, việc công sức bỏ ra cho những video trên nền tảng này không cần quá cầu kỳ, trau chuốt miễn có nội dung tốt.
Trên đây là một số cách giúp bạn tìm kiếm và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong mùa COVID-19. Hy vọng bạn sẽ thấy những thông tin này hữu ích.
Với kinh nghiệm từng giúp nhiều khách hàng vượt qua khó khăn và tăng trưởng doanh số bằng những giải pháp Online Marketing, nếu bạn cần sự giúp đỡ hãy liên hệ với SEONGON để được tư vấn.
* Nguồn: SEONGON – Google Marketing Agency