Làm sao để phân biệt “Influencer” ảo hay thật?
Các thương hiệu thời trang và làm đẹp vẫn luôn tìm cách để tối ưu hóa kênh marketing thông qua người nổi tiếng, KOLs hay influencer để mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo State of the Creator Economy năm 2018 của IZEA, công ty phần mềm marketing tiết lộ rằng influencer marketing đã phát triển trên tất cả mọi nền tảng, thu hút 70% doanh nghiệp đầu tư vào hình thức marketing này. Tuy nhiên, hình thức influencer marketing càng phát triển cũng kéo theo sự nở rộ của các “Influencer” và KOLs trên các nền tảng mạng xã hội. Điều đáng chú ý là đằng sau mỗi con số follower (người theo dõi) hùng hậu hay các lượt like, share đông đảo không phải con số nào cũng là thực. Giữa ma trận “Influencer” và KOLs trên mạng xã hội, làm sao để phân biệt được ai là influencer ảo hay thật?
Một chuyên gia trong lĩnh vực fashion marketing đã chỉ ra những điểm để phân biệt đâu là Influencer ảo và thât trên Facebook một cách đơn giản.
Số lượng like tăng bất ngờ
Nếu một nhân vật mà bạn biết hoặc đang quen, số lượng like của mỗi post vốn đều đều chỉ vài chục hoặc một vài trăm, một ngày đẹp trời bỗng vọt lên gấp mấy lần, thì rất có thể họ vừa bắt tay với một đơn vị chuyên cung cấp follower và tương tác ảo.
Có 2 lý do cho việc tăng tương tác đột biến, đó là nội dung post của họ có gì đó đặc biệt và nhận được sự hưởng ý nhiệt tình của cư dân mạng. Nhưng nếu từ thời điểm đó trở đi, các bài post của họ đều có lượng tương tác “đều đều”, không mấy dao động so với nhau, dù là ảnh “sống ảo” hay là bài pr sản phẩm hoặc chỉ post vu vơ, thì có thể họ đã mua một con số like nhất định.
Bên cạnh đó, chúng ta đều biết thuật toán của Facebook sẽ không hiển thị mỗi post cho tất cả các thành viên có trong danh sách bạn bè hay người theo dõi, vậy nên lượt người tương tác khủng trong một thời gian ngắn sau khi post cũng có thể cho thấy “vấn đề”.
Hành vi mua tương tác không mới mẻ, nhưng ngày càng tinh vi hơn. Một thành viên của đơn vị cung cấp tương tác cho những ai có nhu cầu trở nên được chú ý trên mạng xã hội có các gói dịch vụ “like” tùy nhu cầu. Nếu Facebook của bạn đang “mốc meo”, bỗng xuất hiện 1000 lượt like, thả tim… thì quá ảo, vậy thì con số 100 trở đi tùy bạn chọn, bất kể bạn đăng gì. Họ còn có cả dịch vụ giúp tăng like nhỏ giọt hay tăng đều đặn để người mua không bị quá lố (hoặc bốc phốt).
Influerncer ảo: Follower có tên và avatar người thật nhưng profile thì ảo
Kế tiếp, nếu dành thời gian cẩn thận xem xét profile của những người đã tương tác với post, bạn có thể nhận thấy sẽ có loạt người sở hữu điểm chung. Facebook không hiện nút kết bạn với họ như những người sử dụng facebook thông thường. Tất nhiên, sẽ có những người đến giới hạn kết bạn của facebook (tối đa 5000 người) hoặc họ cài đặt chức năng không nhận lời mời kết bạn từ người lạ. Tuy nhiên, vài trăm người như vậy cùng xuất hiện trong một post thì quá khả nghi.
Khi xem danh sách tương tác của influencer ảo, bạn sẽ bắt gặp nút “Kết bạn” hầu như không hề xuất hiện kế đa số những tài khoản này.
Nếu chịu khó lướt profile của những follower ảo này, mới đầu sẽ không thấy gì khác so với tài khoản thông thường. Nếu trước đây, các tài khoản ảo sẽ có những cái tên rất “vô nghĩa” và thường dùng những ký tự đặc biệt, thì sau đợt thanh lọc năm vừa qua của Facebook, các dịch vụ đã tinh vi hơn bằng cách tạo tài khoản tên dùng Việt Nam có dấu hẳn hoi. Thời avatar là ảnh phong cảnh hay hoạt hình đã quá xưa, để tăng độ tin cậy, các tài khoản follow ảo vẫn sở hữu ảnh avatar người thật (dù chưa chắc chính chủ) và có vài bài đăng như những tài khoản bình thường. Tuy nhiên nếu đọc kỹ nội dung của những tài khoản này đều là share lại từ các “influencer” hay những fanpage đã dùng dịch vụ mua like.
Thử nhấn vào xem danh sách người tương tác, hãy nhấn vào bất kỳ tài khoản nào không có nút “Kết Bạn”, chỉ cần kéo xuống vài lần (từ 4-5 lần), bạn sẽ nhận ra những tài khoản này rất mới, có thể là tạo trong năm 2020, sau khi facebook thanh lọc loạt nick ảo. Hoặc tài khoản nhiều năm nhưng hầu hết các post đều là share những bài viết mang tính pr, quảng cáo… Đó là các nick clone được dùng để tăng tương tác cho người mua.
Chỉ cần click vào profile, kéo xuống khoảng 4-5 lần bạn sẽ thấy những mật mã này trong tài khoản và ngay bên trên sẽ là hình ảnh đại diện vừa được thay. Điều này chứng tỏ những tài khoản này hoàn toàn là ảo và người influencer đó đã dùng dịch vụ mua like.
Influencer thật mới mang lại giá trị thật
Hiệu quả của hình thức influencer marketing đã được chứng minh, điều này biến nó thành xu hướng trong vài năm trở lại đây trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong ngành thời trang và làm đẹp. Tuy nhiên, chỉ những Influencer thật mới mang lại giá trị thật cho thương hiệu. Chỉ những follower thật mới có thể trở thành khách hàng tiềm năng của thương hiệu.
Nếu thương hiệu của bạn muốn sử dụng influencer marketing, hãy xem xét việc đặt bút ký hợp đồng với các KOL cũng như influencer. Con số hiển thị người follow hay like không hoàn toàn nói lên được giá trị thực mà người đó mang lại. Hãy xem xét đến giá trị nội dung mà người đó có thể thực hiện, cũng như hình ảnh của nhân vật có phù hợp với giá trị thương hiệu đang hướng đến.
Mới đây, một chủ doanh nghiệp nhỏ đã ngậm ngùi chia sẻ, bản thân anh tự thân liên hệ với một influencer có cả triệu lượt follow để cô nàng post quảng cáo trên trang cá nhân sản phẩm của mình. Thanh toán đã xong nhưng cô nàng chỉ post trên trang cá nhân vài giờ rồi nhanh chóng tắt chức năng hiển thị. Nhiều người khác cũng bị tình trạng tương tự trong ma trận influencer. Hãy tỉnh táo để chọn influencer có tâm và có tầm thay vì lượng người follow đông đảo khi mà biết đâu, con số ấy hoàn toàn ảo đấy!
—
*Influencer: người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Influencer có thể là những người trẻ được yêu thích bởi ngoại hình, tài năng, hay một năng lực đặc biệt. Ở thời điểm hiện tại, influencer không còn bị giới hạn là con người nữa, các loại thú cưng hay nhân vật đồ họa được yêu thích bởi phần đông cũng được xem là một influencer.
*KOLs: Key Opinion Leaders – những người có phát ngôn và quan điểm được nhiều người đón nhận trên mạng xã hội -> giúp họ trở thành người đại diện hiệu quả cho các chiến dịch truyền thông. Điểm khác biệt giữa một influencer và KOLs là KOLs có thể là những chuyên gia có chuyên môn đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này khiến cho những quan điểm và phát ngôn của họ được củng cố bởi suy luận, kiến thức và thông tin chuyên môn vững chắc hơn Influencer.
* Nguồn: Style Republik