Vắc xin Johnson & Johnson: Bài học về thông điệp và số liệu
Bài viết được dịch từ bài “The Johnson & Johnson Vaccine: The Importance of Clear Messaging and Numeracy” của Communiqué PR, agency đối tác tại Mỹ của EloQ Communications, và từng được đăng tải tại blog của EloQ. Trong bối cảnh có nhiều quan ngại trong giai đoạn triển khai tiêm phòng COVID-19 tại Việt Nam, bài viết này sẽ phân tích vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông điệp và số liệu rõ ràng khi truyền thông những chủ đề nhạy cảm.
Phần lớn các thành viên ở Communiqué PR (Mỹ) cùng bạn bè và người thân đã được tiêm phòng những mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên, trong đó, rất người nhận tiêm chủng từ vắc xin Johnson & Johnson (J&J).
Vì thế, khi chính quyền y tế liên bang khuyến nghị dừng tiêm chủng loại vắc xin nói trên để điều tra hiện tượng đông máu rất nguy hiểm và cực kì hiếm gặp thì đã có cuộc bàn luận sôi nổi xoay quanh chủ đề này trong cuộc họp của chúng tôi vào tháng 4/2021.
Buổi sáng hôm đó, nhiều đồng nghiệp đã thức giấc bởi những tin nhắn và những cuộc điện thoại từ người thân gọi đến để thông báo thông tin trên và dặn dò theo dõi triệu chứng.
Để trấn an gia đình, hầu hết đã nhắc rằng chỉ một phần rất rất nhỏ người tiêm vắc xin Johnson & Johnson xuất hiện tình trạng đông máu hiếm gặp. Họ chỉ ra rằng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kì (CDC) đã đưa ra quyết định tạm dừng sau khi ghi nhận chỉ 6 ca đông máu trong tổng số 7 triệu người đã tiêm vắc xin này ở Mỹ
Mặc dù thông tin này sẽ khiến nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng thực tế, đôi khi chúng ta cảm thấy khó khăn khi xử lý những con số. Tiến sĩ Ellen Peters, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Truyền thông (SRC) của tại Đại học Oregon, đã chỉ ra trong cuốn sách mang tên “Innumeracy in the Wild: Misunderstanding and Misusing Numbers (tạm dịch Những nhầm lẫn trong việc hiểu và sử dụng các con số)” rằng một bộ phận người Mỹ gặp khó khăn trong việc hiểu và phân tích số liệu.
“Không phải lúc nào báo chí cũng trích dẫn số liệu một cách rõ ràng và dễ hiểu như những mẩu tin về đời sống. Khi đưa những số liệu quan trọng, giống như những trường hợp đông máu hiếm gặp có khả năng liên quan đến vắc xin J&J, thì các phương tiện truyền thông nên cho công chúng biết rằng có 6 người gặp phải tình trang đông máu, và cũng có khoảng 6,999,994 người không gặp phải vấn đề này. Bên cạnh đó, nên đưa ra thông tin về khả năng xảy ra những tác dụng phụ thường gặp khác, ví dụ như khoảng 50% (3.5 triệu người) sẽ gặp các cơn đau nhức tại vùng tiêm. Điều này sẽ giúp cộng đồng có cái nhìn khách quan hơn về những tác dụng phụ hiếm gặp.”
Hãy xem cách sử dụng từ ngữ mà quyền Ủy viên FDA, Tiến sĩ Janet Woodcock, sử dụng trong phần mở đầu họp báo ngày 14/04/2021.
Bà đã nói: “Bên cạnh rất nhiều khuyến nghị khác, thì FDA và CDC đề xuất ngưng sử dụng vắc xin COVID-19 Johnson & Johnson sau khi nhận báo cáo về sáu ca đông máu nghiêm trọng hiếm gặp xảy ra sau quá trình tiêm chủng.”
Sau đó, bà nói tiếp về việc muốn tìm hiểu những trường hợp này để phổ biến thông tin cho các trung tâm y tế cũng như người được chích vắc xin. Bà nhấn mạnh rằng “những trường hợp này cực kì hiếm gặp,” trước khi dẫn tới thông điệp rằng “mức độ an toàn của vắc xin COVID-19 là ưu tiên hàng đầu của chính quyền liên bang.” [1]
Và theo như những gì chúng ta đã biết, việc này đã ngay lập tức tạo ra ảnh hưởng lớn khắp nước Mỹ khi các nhà thuốc và các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế hủy lịch tiêm chủng vắn xin J&J, hoặc chuyển sang tiêm chủng mũi thứ nhất của Pfizer hay Moderna cho người dân.
Trước mắt, thời hạn dừng tiêm chưa biết sẽ kéo dài bao lâu. Vắc xin J&J là một phần cực kì quan trọng trong kế hoạch khuyến khích cả nước tiêm chủng của chính phủ Biden.
(*Ghi chú của người dịch: Mỹ đã cho tiêm lại vắc xin J&J vào ngày 23/04)
Vào ngày 10/3, tổng thống Biden đã công bố kế hoạch mua thêm 100 triệu liều vắc xin J&J.[2] Vắc xin J&J có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những người ở vùng không có cơ sở vật chất trữ lạnh, một trong những điều kiện bảo quản cơ bản của cả vắc xin Pfizer và Moderna; hoặc ở những nơi khó tiếp cận 2 mũi tiêm.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người đã có sẵn những hoài nghi về vắc xin. Theo cuộc bình chọn tổ chức ngày 31/03 bởi KFF, 13% người tham gia cho biết rằng họ sẽ ‘tuyệt đối không’ tiêm ngừa. Kết quả này cho thấy rằng có một rào cản lớn trong chiến dịch tiêm chủng của quốc gia này.[3] Vào ngày trước khi thông tin tạm dừng vắc xin J&J được đưa ra, hai người phụ nữ trẻ làm việc tại tiệm bán rau củ gần nhà tôi nói rằng họ sẽ không tiêm vắc xin vì có nhiều lo ngại.
Trong bối cảnh này, các cơ quan y tế cần trấn an người dân rằng họ đang theo sát quá trình tiêm chủng. Cần phải giúp cộng đồng hiểu rằng mức độ rủi ro mắc phải COVID-19, nguy cơ biến chuyển nặng và tử vong thì cao hơn nhiều so với nguy cơ gặp phải phản ứng phụ hiếm gặp từ việc tiêm vắc xin.
Công tác truyền thông này không hề dễ dàng. Các quan chức y tế cộng đồng cần phải chủ động truyền đi thông điệp. Bên cạnh đó, họ cần cân nhắc cẩn thận về các ví dụ và số liệu chia sẻ đến với công chúng.
Mặc dù khả năng phân tích và sử dụng số học của mỗi người đều khác nhau, nhưng giới truyền thông không nên e ngại trước việc trích dẫn những số liệu. Theo TS Ellen Peters, nghiên cứu chỉ ra rằng con người có xu hướng thích dẫn chứng số liệu hơn là những mô tả định tính bằng lời nói.
Trong cuốn sách, TS Janet đã chia sẻ kết quả của một cuộc nghiên cứu về ung thư vú và chụp nhũ ảnh. Khi sử dụng những từ ngữ định lính như “nguy cơ thấp” hay “thường gặp” thay cho số liệu, người nghe đã có nhiều cách diễn giải khác nhau. Trong trường hợp này, việc sử dụng số liệu sẽ đem lại kết quả tốt hơn.
Trong thời gian sắp tới, nhiều người sẽ theo dõi tin tức liên tục để nhận được các thông tin minh bạch, rõ ràng, và kịp thời từ các cơ quan y tế. Việc tăng cường sử dụng số liệu sẽ giúp truyền tải thông điệp hiệu quả và theo như mong muốn.
[1] “FDA và CDC khuyến nghị dừng tiêm vắc xin Johnson…” 13/04
2021, https://news.yahoo.com/fda-cdc-announce-pause-administering-145001962.html.
[2] “Chính phủ Biden đặt mua thêm 100 triệu liền…” 10/03
[3] “Người Mỹ đã bớt do dự về vắc xin Covid…” 30/03
2021, https://khn.org/news/article/covid-vaccine-hesitancy-drops-among-americans-new-kff-survey-shows/.