Phát triển mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam

Sáng 10-7, Hội thảo khoa học Quốc gia phát triển mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến đến các điểm cầu Đà Nẵng, Hà Nội, Thái Nguyên, Bến Tre, Cần Thơ, Nghệ An, Thừa Thiên Huế,.... Tại đầu cầu trực tuyến tại Bến Tre, tập thể viên chức, người lao động và sinh viên của Phân Hiệu Đại Học Quốc Gia TP. HCM tại Tỉnh Bến Tre đã cùng tham dự trực tuyến Hội thảo quốc gia “Phát triển mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới , sáng tạo tại Việt Nam” với tinh thần học hỏi để không ngừng nâng cao bản thân. Trong suốt quá trình diễn ra Hội thảo tập thể luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Đầu cầu trực tuyến tại Bến Tre (Ảnh từ Phân Hiệu Đại Học Quốc Gia TP. HCM)

Ảnh 1. Đầu cầu trực tuyến tại Bến Tre (Ảnh từ Phân Hiệu Đại Học Quốc Gia TP. HCM)

Song song đó, Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên cùng nhiều đại diện doanh nhân, nhà khởi nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia)

Ảnh 2. Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia)

Hội thảo nhằm mục đích: (1) tạo diễn đàn để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong việc xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 844 tại Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2016-2020; (2) đề xuất các giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021-2025; (3) Nâng cao năng lực nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên thế mạnh của Bộ, ngành, địa phương cho các cán bộ phụ trách, cán bộ nghiên cứu; (4) Hình thành và kết nối mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các Bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu làm nền tảng cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Tham gia Hội thảo có hơn 300 chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên đến Trường đại học, các Viện nghiên cứu, các sở, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương liên quan đến công tác hỗ trợ khởi nghiệp; đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khởi nghiệp,…

Cũng tại Hội thảo các diễn giả đã đề xuất xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu bởi đây là yếu tố cần phát triển để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hệ cơ sở dữ liệu này là nơi mọi thành phần trong mạng lưới đổi mới sáng tạo (nhà nghiên cứu, đại học, doanh nghiệp, nhà nước) đều có thể được tiếp cận, được chia sẻ. Dữ liệu giúp chuyên gia, doanh nghiệp và nhà nước có đủ nguyên liệu để nghiên cứu. Ngoài ra, việc kết nối các nhóm nghiên cứu mạnh từ trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp lớn, các công ty spin-off và start up cần có ưu đãi mới về tài chính sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số; đưa ra những chính sách đặc thù về thí điểm mô hình sandbox, cách thoái vốn; mở rộng mạng lưới đổi mới sáng tạo với tổ chức hỗ trợ, nhà đầu tư và cố vấn. Đồng thời kết nối công ty spin- off và startup với các nền tảng đổi mới sáng tạo mở như chương trình Techfest, hội chợ đầu tư công nghệ...

Hội thảo thực sự là diễn đàn kết nối, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong việc xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 844 tại Trung ương, địa phương giai đoạn 2016 - 2020; đề xuất các giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; đề cập đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên thế mạnh của Bộ, ngành, địa phương cho các cán bộ phụ trách, cán bộ nghiên cứu…

Long Ngo