Xu hướng ứng dụng NFT trong marketing

Thế giới công nghệ không ngừng phát triển mang đến cho người làm quảng cáo những giải pháp marketing tuyệt vời. Bắt đầu từ các giải pháp marketing ngoài trời truyền thống, đến khi internet xuất hiện người ta bắt đầu nghĩ đến các giải pháp marketing online (Email marketing, quảng cáo trên google, facebook hay xây dựng các cộng đồng trên mạng xã hội,…).

Năm 2017, một khái niệm mới ra đời mang tên Non fungible token (NFT). Trong một thế giới mà việc bảo vệ bản quyền cho các sản phẩm kỹ thuật số vẫn vô cùng khó khăn, thì sự xuất hiện của NFT chính là lời giải cho bài toán này. Tôi chợt có một suy nghĩ “Liệu các thương hiệu có thể ứng dụng NFT vào các giải pháp marketing hiện nay không?”.

Và câu trả lời là có, bởi ý tưởng này thực tế đã có một số thương hiệu lớn áp dụng và đạt được những thành công nhất định. Nhưng đây chủ đề cho một bài viết khác, hôm nay tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu xem ứng dụng NFT trong marketing như thế nào.

NFT (Non-Fungible Token) là gì?

Theo Wikipedia, Non-Fungible Token (NFT) là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên blockchain (sổ cái kỹ thuật số) đại diện cho một tài sản kỹ thuật số duy nhất. NFT là token, nhưng không giống như các loại tiền điện tử như Bitcoin và nhiều token khác, các NFT không thể hoán đổi cho nhau, mỗi NFT đều là duy nhất.

NFT

NFT dựa trên công nghệ blockchain và hoạt động tương tự như Bitcoin (và các loại tiền điện tử khác). Nhưng thay vì tiền mặt, chúng là đại diện cho những tài sản như các tác phẩm nghệ thuật hoặc âm nhạc. Chúng có thể ở nhiều dạng kỹ thuật số, bao gồm hình ảnh, GIF, nhạc, video, bài đăng trên mạng xã hội, game, thẻ bài, vé sự kiện và thậm chí cả thế giới ảo. NFT là hoàn toàn duy nhất và không thể thay thế cũng như không thể phân chia.

Tại sao NFT lại quan trọng đối với các Marketer?

Điều làm cho NFT có giá trị là chúng là duy nhất, có thể theo dõi và có thể dễ dàng mua và bán. Lần đầu tiên trong lịch sử, tài sản kỹ thuật số có thể được bảo vệ khỏi những kẻ giả mạo, sao chép thậm chí là ăn cắp. Các sản phẩm được “đúc” trên blockchain có nguồn gốc rõ ràng và minh bạch, không thể sao chép.

NFT cũng tạo ra cơ hội kiếm tiền vô cùng lớn cho các nhà sáng tạo nội dung. Về bản chất, sản phẩm kỹ thuật số hiện nay có thể được tạo ra, phân phối và quản lý thông qua NFT. Điều đó có nghĩa là những người làm marketing và các thương hiệu có thể tạo, quản lý và kiếm tiền từ tài sản kỹ thuật số dễ dàng hơn bao giờ hết.

Lợi ích mà NFT mang lại cho thương hiệu 

Ngoài khả năng tạo ra các sản phẩm kỹ thuật số và tiện ích mở rộng thương hiệu, NFT cũng cung cấp cho các thương hiệu rất nhiều ứng dụng khi nói đến marketing.

Đối với người mới bắt đầu, NFT cho phép xác nhận quyền tác giả và xuất xứ. Thứ rất khó để thực hiện trong digital marketing ngày nay. Ví dụ: NFT cho phép các marketer truy cập và kiểm tra nguồn gốc và lịch sử mọi giao dịch đã được thực hiện, giúp giảm thiểu nguy cơ gặp gian lận. NFT cũng cung cấp giải pháp bảo vệ bản quyền cho các tác tác phẩm kỹ thuật số. Ngay cả khi tác phẩm đã được bán, thông tin tác giả vẫn được lưu trữ trong dữ liệu.

Các thương hiệu có thể tạo nội dung marketing mà không lo bị đánh cắp hoặc sao chép. Việc sử dụng NFT trong giai đoạn đầu của các chiến marketing có thể mang lại cho thương hiệu các giải pháp PR. Đặc biệt giúp nâng cao nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Về lâu về dài, NFT còn mang lại nhiều cơ hội hơn để khách hàng gắn bó với thương hiệu và nâng cao trải nghiệm. Mặc dù chưa phổ biến hiện nay, nhưng NFT thực sự là một hướng đi mới không thể bỏ qua.

Thách thức khi ứng dụng NFT trong marketing

Hiện tại các thương hiệu vẫn đang trong giai đoạn khám phá ứng dụng của NFT trong marketing. Một số thương hiệu đã đi tiên phong và nhận thấy một số thách thức khi triển khai.

Hầu hết nỗ lực marketing của các thương hiệu với NFT đều là những thử nghiệm mạo hiểm. Nhiều thương hiệu không quan trọng nội dung NFT đại diện cho điều gì và nó mang lại lợi ích gì cho chủ sở hữu. Chính xác thì họ chỉ đang muốn thử nghiệm.

Những thách thức thực tế hơn đối với người làm marketing bao gồm chi phí (việc đúc NFT có thể tốn kém hơn giá trị của chính nó). Ngoài ra, NFT hoạt động trên nền tảng blockchain – Hiện có nhiều tranh cãi liên quan đến việc blockchain tiêu hao nhiều năng lượng, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Điều này gây khó khăn cho các thương hiệu thân thiện với môi trường.

Hiện nay các điều luật và quy định chưa theo kịp công nghệ, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, giấy phép và nghĩa vụ thuế. Một thách thức quan trọng đối với những người tham gia thị trường NFT là sự bất ổn của thị trường. Hiện tại thị trường NFT giống như một bong bóng tài chính bị thổi phồng quá mức và có thể vỡ bất cứ lúc nào. 

Tất nhiên ngọn lửa có thể thay đổi cả nền văn minh của nhân loại nhưng cũng có thể đốt cháy hết tất cả. Điều quan trọng là bạn sử dụng nó như thế nào mà thôi.

Một số ví dụ về ứng dụng NFT

Mặc dù NFT đã xuất hiện từ năm 2017, nhưng chúng chỉ mới nổi nên gần đây, đặc biệt là trong các ngành nghệ thuật, giải trí, game, thể thao và sưu tầm.

Một trong những ví dụ đầu tiên và nổi tiếng nhất về việc sử dụng NFT cho mục đích thương mại là CryptoKitties, một trò chơi giao dịch mèo ảo. Trò chơi đã truyền cảm hứng cho sản phẩm CryptoKicks của Nike vào cuối năm 2019.

Nike-ung-dung-NFT-trong-marketing-thuong-hieu-voi-CryptoKicks-1

Nike cũng tham gia thị trường NFT với sản phẩm CryptoKick token

Giao dịch thẻ sưu tầm đã trở thành ngành kinh doanh lớn trong thị trường NFT kể từ khi CryptoKitties xuất hiện lần đầu tiên. Theo USA Today, NBA Top Shot đã bán được hơn 200 triệu USD thẻ NFT và các bộ sưu tập liên quan cho đến nay. Một thẻ tân binh NBA Luka Doncic Dallas Mavericks có chữ ký được bán với giá 4,6 triệu đô là trong một trong những minh chứng.

Các ứng dụng chính của NFT trong marketing

Có rất nhiều ứng dụng của NFT mà các marketer có thể tận dụng để gia tăng nhận thức, mức độ tương tác, giữ chân khách hàng và tăng doanh thu cho thương hiệu. Dưới đây là một vài cơ hội rõ ràng nhất mà NFT mang lại:

Tạo ra nhận thức về thương hiệu

Lợi ích rõ ràng nhất của việc tạo NFT là tạo ra nhận thức về thương hiệu. Tạo ra những NFT tuyệt vời và dùng chúng để làm quà tặng hoặc bán cho khách hàng. Đặc biệt, việc này sẽ gây hứng thú cho những người biết và quan tâm tới NFT.

Một ứng dụng phổ biến để tăng nhận thức và thiện chí cho thương hiệu là sử dụng NFT để gây quỹ cho các tổ chức từ thiện. Những người nổi tiếng như Lindsay Lohan đã tạo ra những khoản tiền khổng lồ bằng cách thu hút những người giàu đầu tư.

Tăng gắn kết với thương hiệu

Một cách sử dụng thực tế hơn của NFT đối với thương hiệu là tăng cường nhận thức và tương tác với thương hiệu thông qua việc tạo và phân phối các bộ sưu tập kỹ thuật số phiên bản giới hạn, các sự kiện trải nghiệm và đồ lưu niệm.

Ứng dụng mạnh mẽ hơn của NFT liên quan đến việc tạo ra các sự kiện hoặc cộng đồng độc đáo.

Ví dụ: $RAC, một token do nghệ sĩ thu âm RAC phát hành, cấp cho chủ sở hữu token quyền truy cập vào nhóm Discord riêng tư và cấp cho họ quyền tham gia sớm vào các đợt giảm giá sản phẩm.

Các thương hiệu lớn là những người đầu tiên chấp nhận NFT, vì họ thấy được giá trị của việc mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng sang các thị trường mới trong khi vẫn duy trì vị thế của mình. Thương hiệu thời trang Gucci đã tạo ra những đôi giày thể thao ảo để cho phép khách hàng trải nghiệm trước khi mua. Việc kết hợp công nghệ NFT và công nghệ thực tế ảo VR đã cho thấy tư duy đi đầu của các thương hiệu trong ngành thời trang và giày dép.

Thương hiệu đồng hồ sang trọng Jacob & Co đã bán đấu giá một chiếc đồng hồ kỹ thuật số NFT độc nhất vô nhị trên ArtGrails. Người trả giá cao nhất sẽ nhận được tất cả các trang bị vật lý đi kèm với một chiếc đồng hồ cao cấp, như giấy chứng nhận quyền sở hữu và hộp đựng. Đây chỉ là sự khởi đầu của một trào lưu mới.

Tương tác và giữ chân khách hàng

Các ứng dụng NFT giúp tương tác và giữ chân khách hàng bao gồm trò chơi, huy hiệu và các ưu đãi liên quan. Không những thế, các trò chơi, huy hiệu và ưu đãi NFT mang đến giải pháp thu thập dữ liệu khách hàng hiệu quả.

Ngày nay, NFT có thể chứa thông tin sản phẩm, các chương trình giảm giá mua hàng và các thông tin khác. NFT rất lý tưởng để kiểm soát quyền truy cập vào các nội dung như trang web và sự kiện, bao gồm cả các bản phát hành sản phẩm.

Mở rộng phát triển sản phẩm

Cơ hội hấp dẫn nhất cho các thương hiệu và những người sáng tạo nội dung là mở rộng thêm một kênh giúp tăng doanh thu.

Ở cấp độ cơ bản, NFT cho phép người sáng tạo đo lường và kiếm tiền tốt hơn từ nội dung của họ. Đồng thời, các doanh nghiệp dựa trên dịch vụ có thể tạo ra các tài sản hữu hình và cấp phép hoặc kiếm tiền từ tiền bản quyền dựa trên việc sử dụng NFT.

Các thương hiệu hướng tới với khách hàng trẻ tuổi có thể tận dụng các game trên NFT. Như Fortnite đã chứng minh, doanh thu từ việc bán hàng hóa kỹ thuật số trong trò chơi là con số khổng lồ. Một số ví dụ về game NFT bao gồm: Ubisoft Rabbids, F1 Delta Time và Azure Space Mystery của Microsoft .

ung-dung-NFT-trong-marketing-thuong-hieu-voi-game

Game NFT đang rất phát triển

Nike CryptoKicks là một ví dụ điển hình về việc kết hợp sản phẩm kỹ thuật số với thế giới thực. Ứng dụng này cho phép người dùng tạo những đôi giày thể thao tùy chỉnh của riêng họ mà sau đó có thể được sản xuất trong thế giới thực. Điều này cũng có thể ứng dụng trong ngành công nghiệp thời trang.

Các ứng dụng khác

Một ý tưởng cho các thương hiệu trong ngành xuất bản hoặc sự kiện là việc sử dụng NFT để tạo các token cho phép đăng ký thành viên hoặc quyền tham gia sự kiện. Những vé hoặc NFT này có thể được mua và bán bởi những người mong muốn tham gia sự kiện.

Ngoài chơi game, còn có một ứng dụng NFT nghe cực kỳ khó tin trong thế giới ảo:  bất động sản. SuperWorld là một trò chơi giải trí ảo mô phỏng Trái đất, nơi mọi thứ đều được rao bán (từ Taj Mahal đến Vạn Lý Trường Thành) và người dùng có thể tạo và đặt các tài sản bổ sung trên hành tinh ảo để bán. Các thương hiệu có thể tạo thế giới ảo của riêng họ hoặc tham gia vào SuperWorld để tổ chức các sự kiện ảo.

Cho dù bạn là người xây dựng chiến lược cho thương hiệu, nhà sáng tạo, nhà tiếp thị sản phẩm hay nhà phát triển, NFT cung cấp cơ hội hấp dẫn và duy nhất để tăng nhận thức về thương hiệu, mức độ tương tác và gia tăng nguồn doanh thu. Hãy ứng dụng NFT trong marketing thương hiệu của bạn ngay hôm nay.

*Nguồn: nguyenthanhnam