Marketer Dentsu Redder
Dentsu Redder

Công ty Cổ phần Quảng cáo Redder Asia

Dentsu Redder Impact Academy: Giáo dục Sáng tạo

Dentsu Redder Impact Academy: Giáo dục Sáng tạo

“Sáng tạo” là một từ có hàm nghĩa khá rộng. Nên mục đích của buổi chia sẻ nhằm làm sáng tỏ định nghĩa đó, cũng như làm rõ vai trò của Giáo dục Sáng tạo trong bối cảnh hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Bài viết là nội dung buổi chia sẻ của anh Thanh Bùi – một nghệ sĩ, nhà giáo dục và doanh nhân sáng tạo – tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy.

Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống. Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây

*Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple Podcast và VoizFM

Nhắc đến “sáng tạo”, suy nghĩ đầu tiên của chúng ta là gì? “Âm nhạc”, “hội hoạ” hay “nhảy múa” – Hầu hết những từ khoá hiện lên trong tâm trí ta là các hoạt động thiên hướng nghệ thuật. Vì lẽ đó, chúng ta lớn lên với những định kiến về ước muốn “làm sáng tạo” của thế hệ trước, chúng ta băn khoăn về khả năng sáng tạo của bản thân. Cũng bởi, định nghĩa về “sáng tạo” hiện đang bị bó hẹp và đóng khung vào vài khía cạnh nhất định.

Giáo dục Sáng tạo là gì? 

Poster của buổi chia sẻ
Nguồn: Dentsu Redder

Khởi động buổi chia bằng một hoạt động tương tác thú vị: anh Thanh Bùi đưa ra 6 bức ảnh ngẫu nhiên và yêu cầu mỗi người sắp xếp chúng theo thứ tự mà bản thân cho là hợp lý nhất, sau đó giải thích với mọi người về câu chuyện của mình.

Kết quả là, mỗi người đều có những câu chuyện, cách giải thích riêng và không có đáp án nào sai cả. Chúng ta là những cá thể khác biệt, và bởi không suy nghĩ giống nhau, nên cách học của mỗi người sẽ khác nhau. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sứ mệnh giáo dục sáng tạo: Để mỗi người nhận ra khuynh hướng “độc nhất vô nhị” của bản thân khi đứng trước các vấn đề, từ đó sáng tạo con đường riêng trong việc tìm giải pháp.

Anh Thanh Bùi cũng chia sẻ nỗi trăn trở của bản thân khi nhìn vào những vấn đề của nền giáo dục phổ thông: Giáo dục đang thiết lập ra những khuôn khổ vững chắc về cách tư duy đúng hoặc sai. Hãy quan sát cách chúng ta giơ tay phát biểu ý kiến: Một tay xếp trên bàn, một tay nâng lên, cánh tay khép lại – tất cả đều được quy định và “chấp hành” một cách đồng bộ bởi các học sinh. Diễn giả cho rằng, điều này góp phần ngăn cản người học chạm tới chiếc chìa khoá của giáo dục sáng tạo – là thể hiện được cá tính, sự độc nhất và khuynh hướng của mỗi cá nhân trong suốt quá trình học tập.

Định nghĩa: Giáo dục sáng tạo là một triết lý tiếp cận hoặc tư duy cho rằng giáo dục nên đem lại trải nghiệm rộng rãi và cởi mở nhất cho tất cả học sinh. 

“Dạy” là cách hay nhất để học

Lối giáo dục cũ chú trọng vào việc cung cấp thông tin cho người học về những giá trị đúng hoặc sai, nhờ đó học sinh biết cách tuân thủ các chuẩn mực xã hội và quy tắc đạo đức. Như vậy, phần lớn hoạt động học tập sẽ xoay quanh việc ghi nhớ thông tin. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi khi Internet xuất hiện. Thông tin ở khắp mọi nơi, dễ dàng tiếp cận và tra cứu. Nền giáo dục đang tiến dần đến một bước ngoặt, và chúng ta là thế hệ sẽ quyết định con đường phía trước: Tiếp tục đi trên lối mòn (học để ghi nhớ), hoặc rẽ sang một hướng mới (học để nêu ra những câu hỏi).

Anh Thanh Bùi cho rằng: “Học là để biết cách đặt ra những câu hỏi hay”. Bằng cách đặt nhiều câu hỏi, chúng ta mới có thể mở rộng khả năng giải quyết của bộ não đến những vấn đề nằm ngoài “cái hộp thông tin” của công nghệ và máy móc. Và những câu hỏi hay thường sẽ xuất hiện khi chúng ta diễn giải lại cho một người khác. Vì thế, “dạy” chính là cách học tốt nhất.

Khoa học đã chứng minh: Bộ não được chia làm nhiều khu vực để tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta sẽ kích hoạt những phần khác nhau của bộ não khi đọc, nghe hoặc nhớ. Tuy nhiên, khi truyền đạt lại kiến thức cho người khác, mọi khu vực của não bộ đều phải phối hợp cùng nhau để lắng nghe, ghi nhớ, giao tiếp với người học, và quan trọng nhất trong suốt quá trình giảng dạy, chúng ta sẽ phải liên tục kích thích bộ não suy nghĩ để đặt câu hỏi mới.

Nguồn: Dentsu Redder

Quá trình kích thích sự hoạt động của não bộ được gọi là Brain Sweat, hay “bài tập thể dục não”. Như mọi cơ quan khác, bộ não cũng cần được tập luyện thường xuyên với cường độ cao, nói nôm na thì giống quá trình rèn luyện cơ bắp nhưng là cho não bộ. Trong giáo dục sáng tạo, Brain Sweat là phương pháp phổ biến để kích thích sự tích hợp thông tin từ mọi khu vực của não để liên tục đặt câu hỏi mới.

Vậy thì chúng ta nên đặt câu hỏi như thế nào? “Hai câu hỏi quan trọng bậc nhất: Cái gì? (What) và Thế thì sao? (So What)”, theo anh Thanh Bùi. Khi bắt đầu tìm hiểu về vấn đề nào đó, hãy liên tục hỏi: Tại sao điều đó lại quan trọng? Tại sao không? Tại sao nó quan trọng với người này mà không quan trọng với người khác?... 

Việc đặt câu hỏi giúp ta chứng minh và thấu hiểu những lập trường khác hay thậm chí là đối nghịch nhau, giúp ta sẵn sàng đưa ra nhiều câu trả lời hơn cho một câu hỏi, thậm chí là chỉ ra một nghịch lý mới, hay khám phá được những khái niệm phức tạp… 

Điều này lí giải cho tầm quan trọng của một môi trường giáo dục sáng tạo, trong đó giáo viên giúp kích thích sự tò mò và đặt ra các bộ câu hỏi khác nhau nhằm giải phóng tâm trí của mỗi người học. Và khi thế giới càng trở nên kết nối hơn, thì việc được tự do khám phá thế giới qua nhiều lăng kính lại càng trở nên cần thiết.

Giáo dục sáng tạo nên được bắt đầu từ những giai đoạn đầu đời

Sự phát triển của não khi còn nhỏ là sự tích luỹ của các kĩ năng nền tảng được hình thành qua những trải nghiệm của trẻ, và đó là lí do tại sao giáo dục sáng tạo đề cao việc nuôi dưỡng các kĩ năng xã hội, tình cảm, nhận thức và ngôn ngữ trong những năm đầu đời. Như vậy, khái niệm giáo dục sáng tạo có thể đúc kết thành: “Education is one human being talking to another human being about what it means to be human (Giáo dục là một con người nói với người khác về ý nghĩa của việc làm người)".

Câu thần chú sáng tạo

ABCD: Always Be Connecting the Dots 

Sáng tạo là một bài tập, và nếu chúng ta thực hành việc Kết-nối-những-dấu-chấm mỗi ngày, ta có thể phát triển kỹ năng sáng tạo và tư duy đổi mới của bản thân.

Câu thần chú “ABCD: Always Be Connecting the Dots” nhắc ta không ngừng quan sát, tổng hợp, tìm hiểu mối quan hệ giữa các sự vật, và nhìn thế giới theo những cách mới. Dần dần chúng ta sẽ nảy sinh sự trân trọng và yêu thương với những kết nối này, khi đó, sự sáng tạo sẽ được thành hình. Đó là nỗ lực tìm tòi những cách tiếp cận, giải pháp mới để tạo ra những giá trị tốt đẹp và thay đổi tích cực cho thế giới xung quanh.

Bằng cách đó, mọi người đều có thể sáng tạo!

 

Hỏi – đáp

Câu 1: Giáo dục sáng tạo nên bắt đầu từ sớm, vậy thì khi chơi với con, làm thế nào để các bậc cha mẹ khuyến khích óc sáng tạo ở con? Liệu những quy tắc trò chơi sẽ hình thành một “công thức" cho trẻ và giới hạn sự sáng tạo?

Hãy liên tục tương tác, đặt ra những câu hỏi mở cho con, như: Làm cách nào? Tại sao? Tại sao không?... Điều này giúp đứa trẻ không sợ khi phải suy nghĩ và để không áp đặt suy nghĩ của người lớn lên trẻ. Ví dụ khi cùng con vẽ mặt trời, thay vì khẳng định rằng mặt trời phải có hình tròn và màu vàng, hãy đặt ra những câu hỏi để bé giải thích dựa vào trí tưởng tượng của bản thân. Bé định vẽ mặt trời như thế nào? Tại sao lại vẽ mặt trời màu đen? Tại sao mặt trời có hình vuông?...

Hãy đa dạng hoá hoạt động khi chơi với con. Ví dụ khi chơi một trò đã có sẵn các quy tắc (như domino, cờ...), hãy thử tích hợp thêm âm nhạc hay hoạt động thể chất khác để kích hoạt nhiều khu vực trong bộ não của trẻ cùng kết hợp với nhau, từ đó phát triển sự sáng tạo ở nhiều khía cạnh.

Bên cạnh đó, sự kết nối và thấu hiểu là rất quan trọng. Trẻ em cảm nhận được tình thương khi cùng chơi với bố mẹ, hãy để bé cảm thấy thoải mái đặt câu hỏi và tự do thể hiện suy nghĩ của mình.

Câu 2: Làm thế nào để phát triển óc sáng tạo cho những người đã qua lứa tuổi tiếp nhận giáo dục sáng tạo?

Như đã đề cập, các số liệu khoa học chứng minh rằng: Giới hạn của sự sáng tạo sẽ thu hẹp khi con người ngày càng lớn lên. Người lớn chỉ có thể phát triển đến một mức độ và với một tiến độ nào đó chậm hơn trẻ em.

Tuy nhiên, anh Thanh Bùi cho rằng sáng tạo là hành trình học suốt cuộc đời, và chúng ta vẫn có thể thường xuyên tìm những cách thức sáng tạo mới khi tiếp cận vấn đề. Vì thế, chỉ cần không tự tạo áp lực bằng một mục tiêu quá xa vời, mỗi người trưởng thành đều có thể bắt đầu tự giáo dục sáng tạo cho mình.

Nguồn: Dentsu Redder

Câu 3: Giáo dục ở nhà và ở trường, bên nào quan trọng hơn? Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi cha mẹ ngày càng trở nên bận rộn, làm thế nào để cha mẹ học cách giáo dục cho con?

Phụ huynh không nên đặt trách nhiệm làm cha mẹ lên người giáo viên trong trường. Thầy cô có vai trò quan trọng nhưng không thể quan trọng hơn bố mẹ, bởi nền tảng phải được xây đắp từ gia đình. Cốt lõi của giáo dục nói chung và giáo dục sáng tạo nằm ở sự kết nối và thấu hiểu, và vì lẽ đó, cha mẹ đóng một vai trò không thể thay thế.

Bởi cha mẹ là người thấu hiểu con nhất, nên anh Thanh Bùi khuyên rằng cách học giáo dục con cái hiệu quả nhất đến từ việc các bậc phụ huynh tự nhìn nhận lại những hành động và lời nói của bản thân. Tự nhìn nhận là cách để cha mẹ rút kinh nghiệm trong việc kiểm soát cảm xúc của mình, từ đó có cơ hội để hiểu và kết nối nhiều hơn với trẻ.

Câu 4: Quan niệm cho rằng sáng tạo xuất hiện khi chúng ta trăn trở và suy nghĩ nhiều về một vấn đề nào đó. Nhưng khi cuộc sống quá đủ đầy, khi mọi thông tin được bày sẵn trước mắt, liệu thế hệ trẻ tương lai có tìm thấy động lực để tiếp tục học hỏi?

Các bậc cha mẹ cần thiết lập một hệ thống giá trị cho con trẻ, với cốt lõi nằm ở sự tôn trọng. Hãy cho trẻ cơ hội khám phá, đặt câu hỏi về những điều xung quanh. Bởi các con cần được biết, hiểu và trân trọng giá trị của những thứ bản thân đang có được.

Chân thật, trân trọng và thấu cảm là nền tảng của giáo dục sáng tạo.

Các con học thông qua những điều bản thân nói và không nói, làm và không làm – con phải biết được những thứ con có là từ đâu. Con ăn thịt bò thì phải biết món đó từ đâu, nơi đó có gì, người ta làm thế nào để tạo ra và mang đến cho con. Con phải biết tại sao bản thân có những thứ ở hiện tại, vì khi hiểu được mối quan hệ giữa những điều xung quanh mình (mối gắn kết giữa người với người, con người với tự nhiên…), con trẻ sẽ biết cách thấu cảm với những điều đó và mong muốn tạo ra những giá trị tốt đẹp cho những sự kết nối ấy.

Chân thật, trân trọng và thấu cảm là nền tảng của giáo dục sáng tạo.

Câu 5: Để sáng tạo cần rèn giũa kĩ năng kết nối thông tin và suy nghĩ vượt ra ngoài thông tin, nhưng thông tin và kiến thức cũng là nền tảng cho sáng tạo. Làm sao để cân bằng giữa kĩ năng và kiến thức?

Sáng tạo là kết nối các kiến thức với nhau và thêm vào đó “gia vị” để giải pháp trở nên hấp dẫn. Cần nhớ rằng, kiến thức là cơ sở, không phải thứ giúp chúng ta vượt trội hơn. Quan trọng là phải thu thập kiến thức và thực hành cách kết nối chúng.

Câu 6: Liệu chúng ta có đang, và có nên “ép buộc” trẻ em tiếp thu kiến thức?

Hướng tiếp cận là rất quan trọng. Mỗi đứa trẻ sẽ học qua những cách khác nhau: có trẻ sẽ học bằng các thí nghiệm, có trẻ học từ quan sát... Vì vậy, giáo dục là phải tìm hiểu một đứa trẻ như một cá thể độc nhất, có “khuynh hướng” riêng biệt, để từ đó đưa ra cách tiếp cận hiệu quả nhất cho chúng.

Ở đây, anh Hùng Võ cũng nhắc đến triết lý “học đa góc nhìn” (multifaceted learning), mà quan niệm rằng một đứa trẻ cần được nhìn giáo dục từ nhiều hướng khác nhau – để có tầm nhìn bao quát rộng mở và dần dần xác định khuynh hướng của mình.

/Mở rộng/ Hướng tiếp cận và Phương pháp khác nhau như thế nào?

  • Phương pháp là những hướng dẫn, mà khi tuân theo các chỉ dẫn đó, chúng ta sẽ biết cách di chuyển trong khuôn khổ. Phương pháp giáo dục quy định những quy tắc cần tuân theo để đạt được kết quả như mong đợi.
  • Hướng tiếp cận là cách “unbox the framework" – mở rộng mình ra khỏi khuôn khổ, cho trẻ tự do khám phá và tìm câu trả lời cho hành trình của mình, để trẻ học hỏi trong suốt quá trình.

Câu 7: Liệu giáo dục sáng tạo có phải đặc quyền cho những gia đình có điều kiện? Làm thế nào để giáo dục sáng tạo trở nên dễ tiếp cận hơn với tất cả mọi người?

Cốt lõi của giáo dục sáng tạo là giáo dục nền tảng với hướng tiếp cận sáng tạo (fundamental education with creative approach). Như vậy, khả năng được tiếp cận giáo dục sáng tạo không phụ thuộc vào năng lực tài chính hay điều kiện gia đình, mà là ở mức độ thấu hiểu giữa phụ huynh với con, và giáo dục bằng hướng tiếp cận phù hợp với con. Vì lẽ đó, tất cả bậc cha mẹ đều có thể xây dựng nền tảng giáo dục sáng tạo cho con mà không bị giới hạn bởi hoàn cảnh gia đình.

Nhiệm vụ cốt lõi hiện nay là sự phối hợp giữa các ngành nghề/ lĩnh vực nhằm truyền tải và làm sáng tỏ được khái niệm giáo dục thông qua tiếp cận sáng tạo cho phụ huynh, để từ đó, họ có thể mở lòng và tạo ra những thay đổi tích cực hơn cho thế hệ tương lai.

Dentsu Redder Impact Academy
Wider Perspectives, Richer Souls, Better Humanity