3 lưu ý doanh nghiệp SMEs cần nhớ khi thực hiện chiến dịch truyền thông thương hiệu
Sau khi doanh nghiệp đã xác định được điểm giao phù hợp giữa sản phẩm, định vị và tập khách hàng, làm thế nào để giao tiếp với người mua tiềm năng về "vị trí" thương hiệu của mình trên thương trường? Trong khi các doanh nghiệp lớn dễ dàng bắt tay với Agency để tạo ra các chiến dịch "để đời", bài toán truyền thông thương hiệu với SMEs có phần khó khăn hơn. Đâu là những điều doanh nghiệp SMEs cần lưu ý khi làm truyền thông thương hiệu? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
1. Hiểu rõ vai trò của sáng tạo trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu
Sáng tạo là yếu tố không thể thiếu trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu từ lớn đến nhỏ. Thông thường, các doanh nghiệp muốn cung cấp càng nhiều thông tin tới người dùng càng tốt. Điều này đôi khi gây ra sự phản cảm, khiến người dùng bị ngợp và thậm chí muốn dừng tiếp nhận thông tin từ thương hiệu qua các kênh đã đăng ký trước đó. Lúc này, sự sáng tạo sẽ giúp đối tượng mục tiêu cảm thấy thú vị và chú ý tới thông điệp và chủ động tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp sau chiến dịch truyền thông thương hiệu của mình. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu nhanh chóng và hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam, chưa thật sự đầu tư cho các nhân sự làm trong mảng này hay hợp tác với một agency để lên ý tưởng cho chiến dịch truyền thông thương hiệu của mình.
Sự sáng tạo được thể hiện không chỉ về mặt ý tưởng mà còn được truyền tải trên các ấn phẩm truyền thông, các mẫu quảng cáo, key visuals, các video clip hay TVC… Điều này đã được chứng minh trên thực tế với ví dụ về sự quay trở lại đầy tính đột phá của Bitis’. Nhờ hợp tác với nhiều agency khác nhau như Redder, Climax, Biti’s đã để lại ấn tượng đối với khách hàng mục tiêu của mình qua các chiến dịch đầy tính sáng tạo và đánh vào cảm xúc như “Đi để trở về”. Đây có thể coi là cú chuyển mình thành công của một thương hiệu Việt, khiến người Việt yêu thích và tin tưởng lựa chọn một sản phẩm “made in Vietnam” khác biệt và bứt phá. Kết quả đó là nhờ sự đầu tư về mặt sáng tạo của Biti’s.
2. Lựa chọn Agency phù hợp với mục tiêu truyền thông
Đối với các doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam, việc bỏ ra chi phí thuê agency truyền thông vẫn là một sự cân nhắc lớn. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp bằng cách tìm tới những agency nhỏ hoặc dựa trên mối quan hệ để làm việc với các freelancer để tối ưu chi phí. Vì thế, đôi khi hiệu quả truyền thông không được như mong đợi. Không những thế, các doanh nghiệp SMEs chưa thực sự hiểu về quy trình làm sáng tạo hay lên kế hoạch truyền thông. Họ luôn luôn đặt ra các KPI về doanh số cho chiến dịch truyền thông thương hiệu của mình, trong khi agency thường chỉ cam kết các KPI về truyền thông như độ lan tỏa, số người biết tới chiến dịch, số người tham gia chiến dịch… Đây chính là rào cản khiến việc hợp tác với agency còn nhiều khó khăn khi hai bên không cùng chung tiếng nói.
Để tránh rơi vào lối mòn này, đầu tiên, bản thân các doanh nghiệp SMEs cần thật sự hiểu về mô hình kinh doanh, sản phẩm và mục tiêu doanh nghiệp đang hướng tới. Họ cần đi từ bức tranh tổng quan về mục tiêu kinh doanh, từ đó xác định mục tiêu thương hiệu và mục tiêu truyền thông của mình. Mục tiêu thương hiệu có thể là mức độ nhận biết thương hiệu (awareness), sự trung thành với thương hiệu (brand loyalty)... Mục tiêu truyền thông (communication objective) là muốn người tiêu dùng thực hiện hành động gì sau khi nghe được thông điệp ấy. Một từ khóa quan trọng bạn cần nhớ khi xác định mục tiêu truyền thông chính là: hành động của người tiêu dùng.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về các agency tại Việt Nam để đánh giá về chất lượng cũng như mức độ phù hợp với mục tiêu truyền thông của mình. Để lựa chọn được agency phù hợp, doanh nghiệp cần phân biệt rõ ràng 2 loại chiến dịch truyền thông: Truyền thông xây dựng thương hiệu (thematic campaign) và truyền thông để giải quyết một vấn đề nhanh chóng (tactical campaign).
Thematic campaign tập trung vào mục tiêu nhận diện thương hiệu, xây dựng tình yêu với thương hiệu, và với loại chiến dịch này, các agency thiên về sáng tạo sẽ thực hiện tốt và hiệu quả hơn.
Trong khi đó, tactical campaign là những chiến dịch truyền thông ngắn hạn (khoảng 3 tháng), chỉ giải quyết một vấn đề kinh doanh trước mắt. Chẳng hạn như, các hãng nước giải khát sẽ chọn mùa hè làm thời điểm tung ra các chiến dịch truyền thông thu hút khách hàng, tăng doanh số; hay nhãn hàng đồ gia dụng lại lựa chọn thời điểm Tết… Với loại chiến dịch này, doanh nghiệp nên lựa chọn các agency chuyên về media, tạo thêm leads để chuyển đổi thành doanh thu.
3. Tìm kiếm nhân sự chủ chốt có nhiều kinh nghiệm về Marketing
Một điểm yếu của các doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam là sự bị động trong quá trình lên kế hoạch và thường chạy theo xu hướng thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn thường sẽ xây dựng một bức tranh tổng quan như kế hoạch Marketing trong vòng 1 năm. Họ luôn đi từ mục tiêu kinh doanh để xây dựng mục tiêu Marketing và từ đó tính toán số lượng chiến dịch họ cần chạy trong vòng 1 năm đó. Đây là điều các doanh nghiệp SMEs cần học hỏi từ các doanh nghiệp lớn.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp SMEs cần có sự tư vấn từ các chuyên gia. Họ cần nhân sự có kiến thức chuyên sâu về Marketing hoặc người tư vấn Marketing ngay từ giai đoạn lên kế hoạch, xây dựng chiến lược, định vị thương hiệu trước khi tìm tới một agency giúp họ thực hiện các chiến dịch truyền thông thương hiệu hiệu quả. Chuyên gia Marketing cần phân biệt rạch ròi giữa bán hàng và làm thương hiệu cũng như có một tư duy cởi mở với thị trường, không chạy theo lối mòn.
Có thể nói, khi doanh nghiệp SMEs hiểu rõ vai trò của sáng tạo trong chiến dịch truyền thông thương hiệu, lựa chọn được một agency phù hợp với mục tiêu của mình và xây dựng được đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao về Marketing, doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều chiến dịch ấn tượng và khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường.