Marketer Thành Toàn
Thành Toàn

Content and course editor @ Brands Vietnam

Bạn có biết cái đêm trao giải thảm hoạ nhất lịch sử ngành quảng cáo năm 1991?

Bạn có biết cái đêm trao giải thảm hoạ nhất lịch sử ngành quảng cáo năm 1991?

Mấy cái cúp bị cuỗm mất, người dẫn chương trình thì mất tích, sân khấu náo loạn cả lên – Đó là một đêm trao giải đầy tai tiếng: Clio Awards 1991.

Adweek tìm đến ông Stephen Pieretti, người phục vụ kiêm dẫn chương trình bất đắc dĩ của đêm trao giải Clio Awards 1991 để thực hiện một buổi phỏng vấn về sự kiện này.

Qua mấy thập kỉ, đêm gala của các giải thưởng quảng cáo vẫn luôn là một sự kiện trọng đại trong ngành, với không nhiều chuyện kịch tính lắm, trừ vài vụ ẩu đả hiếm hoi do chè chén. Clio Awards thì danh giá khỏi bàn, xuất hiện từ năm 1959 nhằm tôn vinh các quảng cáo truyền hình. Đêm trao giải năm nào cũng nghiêm túc, đầy mấy tràng phát biểu dài mỏi mệt, tung hê nhau và giao lưu đến không ngừng.

Nhưng 30 năm trước, vào ngày 13 tháng 6 năm 1991, đêm trao giải của Clio Awards đã đổ bể đến nỗi người ta vẫn còn xầm xì về sự kiện đó đến tận ngày nay.

Thoạt đầu, đối với ông Stephen Pieretti (người phục vụ tiệc cho sự kiện), mọi thứ vẫn diễn ra như bao đêm trọng đại khác. Ông đến trước vài tiếng để hỗ trợ nhân viên và ba xe tải mà sẽ cung cấp thức ăn cho khoảng 800 khách.

Ông Stephen Pieretti - Người phục vụ kiêm chủ trì lễ trao giải
Nguồn Nypost

Ông Stephen Pieretti đã phục vụ nhiều nhân vật nổi tiếng trong suốt bao năm, từ Donald Trump và Regis Philbin đến Henry Kissinger. “Chuyện này cũng thường thôi,” ông nói về sự kiện. “Chúng tôi làm vài ngàn cái mỗi năm mà”.

Đối với lễ trao giải năm 1991, ông Pieretti đã kí hợp đồng với Ban tổ chức của Clio cho hai đêm tiệc riêng biệt, một vào thứ năm ở Manhattan Center, và một “sự kiện lớn” sau đó vài ngày tại New York State Theater (hiện là David H. Koch Theater), với sức chứa khoảng 3.000 người.

Buổi lễ chính, với các hạng mục hào nhoáng như quảng cáo truyền hình, thậm chí còn đặt trước lịch phát trên TV. Tuy nhiên, sau sự kiện hôm thứ năm thì mọi thứ chấm dứt. Lượng khách tham gia hôm ấy dao động trong khoảng 400 – 700 người.  

Lúc ấy, ông Pieretti đã phục vụ cho sự kiện này trong 5 năm. Và trong vai trò người chỉ đạo, ông đã quá quen với cách mấy sự kiện đây được tổ chức. “Chúng tôi sẽ làm việc của mình, và rồi buổi lễ cứ thế bắt đầu. Nhưng tôi thì theo dõi họ suốt do cũng thấy quảng cáo thú vị. Clio Awards khá là ngầu mà,” ông Pieretti trả lời phỏng vấn Adweek.

Hình như có chuyện chẳng lành

Buổi trao giải được tổ chức bởi chủ tịch của Clios thời điểm ấy, ông Bill Evans, người đã mua lại thương hiệu này vào năm 1970 với 150.000 USD và biến nó thành một công ty triệu đô. Dấu hiệu của sự đổ bể bắt đầu khi ban tổ chức gặp khó khăn trong việc xác định mấy cái cúp và kịch bản chương trình, ông Pieretti cho biết. “[Năm đó] không được suôn sẻ lắm.”

Ông chia sẻ với Adweek là đã làm việc cùng một người trong ban tổ chức, và cả hai đều mù tịt chuyện đang diễn ra. Ông Evans, người được định là sẽ chủ trì buổi trao giải, thậm chí còn chưa có mặt. “Đêm đó, ổng mất tích cùng toàn bộ kịch bản và slide đã chuẩn bị trước,” ông Pieretti nói. “Chúng tôi đợi mãi, mà ổng thì không xuất hiện.”

Trong khi chờ đợi, việc phục vụ thức ăn cứ diễn ra như lịch trình, bắt đầu khoảng 5:30 chiều, và lễ trao giải thì theo sau vào lúc 8 giờ tối.

Đến 8:30 tối, khi nhận ra mọi thứ đang đi chệch hướng, ông Pieretti vào hậu trường để hỏi thăm xem bản thân có giúp được gì. Một nhân viên của Clio nói rằng cổ chẳng biết phải làm gì. Trong khi khách mời thì đang ngồi kín vào chỗ và mong chờ đến buổi lễ. (Tờ Adweek có mời phỏng vấn người nhân viên này, nhưng cô ấy từ chối do không có mặt tại sự kiện nhưng cho biết không đồng tình với mô tả của ông Pieretti).

Ông David Angelo

Người sáng lập David&Goliath

“Hồi ấy tới mới là một art director non trẻ vừa bắt đầu sự nghiệp,” ông David Angelo, người sáng lập David&Goliath và là một trong các khách mời năm đó, chia sẻ với Adweek. “Vô cùng hào hứng khi tham dự Clio Awards, và mong ngóng chiến dịch của mình được xướng tên.”

Ông ấy nhớ rằng bản thân đã đến một căn phòng chật cứng vào đêm ngày 13 tháng 6 năm đó. “Nhưng tôi đã chú ý đến vài chuyện khác lạ, cũng như nghe được nhiều tiếng xầm xì rằng sự kiện sẽ không diễn ra,” ông nói. “Rồi khi một người phục vụ đột nhiên bước lên chủ trì buổi trao giải, năng lượng của cả khán phòng thay đổi đột ngột. Và khung cảnh lúc ấy trở nên dị thường, như thể những điều tôi mong chờ sẽ không diễn ra.”

Một người phục vụ lên chủ trì buổi lễ là chuyện được mang ra đàm tiếu nhất về đêm trao giải lộn xộn năm ấy. Nhưng thật ra, ông Pieretti đã có kinh nghiệm dẫn chương trình và tình nguyện làm điều đó.

Ông Pieretti cho biết bản thân đã có kinh nghiệm dẫn sự kiện, từ đám cưới cho đến chuyện giới thiệu khách mới. Nhưng thường thì, người chủ trì phải khá nổi tiếng, như người dẫn chương trình buổi sáng hay biên tập viên tin tức truyền hình. Còn năm đó là một người phục vụ.

Lúc đầu, mọi thứ cũng êm xuôi trở lại.

“Do đã quen với cách mà sự kiện diễn ra, nên cô ấy đẩy tôi lên sân khấu luôn,” ông chia sẻ. “Thoạt đầu thì mọi thứ cũng ổn thoả. Tôi xướng tên agency rồi ban nhạc chơi một bản nhạc từ quảng cáo của họ. Quảng cáo được chiếu. Người đại diện lên sân khấu nhận giải, mất khoảng vài giây. Và họ bắt tay tôi rồi quay về chỗ ngồi.”

Mấy người chiến thắng sẽ chụp nhanh một bức cùng Pieretti với một vẻ ngạc nhiên “Anh ta là ai?” trên gương mặt, ông nói đùa.

Steve Pieretti (Trái) chụp ảnh cùng Tony Bennett và Peter Fazio
Nguồn Nypost

Trong cái rủi có cái xui, trước lúc lên sân khấu, ông Pieretti đã không xem hết mấy trang tài liệu.

Chương trình diễn ra được 30 phút, thì ông Pieretti gặp một sự cố bất ngờ. “Chúng tôi đã trao được khoảng 15 giải, nhưng khi lật đến trang bốn, toàn bộ phần còn lại của kịch bản trống không,” ông nói, và thêm rằng ban tổ chức chỉ đưa ông bản dàn ý trong khi chờ bản chính thức. “Tôi không còn biết nói gì. Tôi nhìn ban nhạc. Họ cũng trớ trêu không khác gì tôi. Rồi tôi thông báo rằng mình chỉ là thằng bồi bàn, chúng ta nên tạm nghỉ trước khi bước vào phần kế tiếp”.

Hậu trường cũng trống không

Ông Pieretti vội lui vào hậu trường, nghĩ rằng ông Evans có thể đã đến cùng toàn bộ kịch bản và sẽ kết thúc chương trình thay mình. “Nhưng chuyện tốt đẹp đó nào xảy ra. Chả có ai trong đó cả. Và [người nhân viên Clios] báo rằng cô ấy không có kịch bản hoàn chỉnh.”

Ngoài khán đài, đèn đã được bật và dàn nhạc cũng bắt đầu chơi vài nốt.

“Đó là khi mọi chuyện đổ bể bắt đầu,” ông Pieretti nói. “Tôi đứng sau bức màn và nghe tiếng người đổ xô lên sân khấu.”

Có vài báo cáo khác nhau về sự hỗn loạn trong hậu trường. Vài người nhận thấy mấy chiếc cúp chưa được khắc tên, nên không ít hơn một kẻ hô hào rằng họ muốn cuỗm lấy một cái. Sau khi kẻ đầu tiên trộm được, có hơn 150 người khác lao lên sân khấu để làm điều tương tự. Nhiều người tạo dáng để giữ vài khoảnh khắc bên chiếc cúp vàng lộng lẫy. Sau khi tất cả cúp bị cuỗm mất, dòng khách lũ lượt kéo về lúc 11 giờ tối, để lại một hội trường trống trơn. Chương trình phát sóng truyền hình bị huỷ. Giải Clios năm ấy coi như tiêu tùng, và chắc biến mất mãi mãi.

Tờ Adweek đưa tin về sự kiện đầy tai tiếng này
Nguồn Adweek

Trong vai trò người phục vụ, chúng tôi bằng mọi giá sẽ giúp bảo vệ khách hàng,” ông Pieretti nói. “Nếu có kịch bản đầy đủ thì mọi thứ có đã ổn, và nếu ông Evans xuất hiện thì mọi chuyện đã êm xuôi. Nhưng đời không như là mơ, mọi thứ cứ đổ bể.”

Vinh quang trở lại sau nhiều năm xáo trộn

Ban tổ chức Clio trình đơn phá sản chín tháng sau đó, vào tháng 3 năm 1992, và công bố mức nợ 1,8 triệu USD. Công ty này trải qua vài sự xáo trộn khi các chủ nợ và chủ sở hữu mới cố gắng cứu vãn giải thưởng.

Ruth Ratny, một đơn vị xuất bản tại Chicago, đã mua lại thương hiệu năm 1992 và gộp hai sự kiện và một tối duy nhất, gọi là New Clio Awards. Năm đó, giải thưởng có lượng người tham dự giảm còn 500 khách trả phí, đồng thời mở đăng kí cho các agency nằm ngoài nước Mĩ. Năm 1993, Ratny bán lại Clio cho James Smyth, người đã chuyển địa điểm tổ chức đến San Francisco.

Bất ổn tài chính khiến sự kiện bị trì hoãn trong những năm tiếp theo, nhưng cuối cùng, Clios cũng trở lại vị thế là một trong những sự kiện hàng đầu trong ngành. Năm 1997, Nielsen Global Media mua lại Clios, và hiện nay là một phần của Clio Awards LLC.

“Tôi luôn tin rằng bất kì công ty, hay sự kiện nào đều có cơ hội được trở lại sau những bước đi sai lầm, chỉ cần có một sự thay đổi tích cực trong đó,” ông Angelo cho biết. “Và giải Clios đã làm được điều này. Bởi sau mỗi vấp ngã, là cơ hội để trở lại huy hoàng hơn.

Giải thưởng CLIO là giải thưởng Sáng tạo thường niên của Hoa Kỳ, được thành lập bởi Wallace A.Ross vào năm 1959, nhằm vinh danh những sáng tạo và cải tiến xuất sắc trong ngành Quảng cáo, Thiết kế và Truyền thông. Giải thưởng được hội đồng các chuyên gia thuộc ngành Quảng cáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá và tuyển chọn. Hằng năm, CLIO nhận được hàng chục ngàn các ý tưởng về Sáng tạo, Thiết kế… từ nhiều nơi trên thế giới.

Theo Thành Toàn / Brands Vietnam
Nguồn: Adweek