Marketer Dương Nguyễn Hoài Đức
Dương Nguyễn Hoài Đức

Giám đốc Kinh doanh @ Công ty Cổ phần Datalytis

4 kiểu chủ doanh nghiệp thường gặp trong ngành thẩm mỹ làm đẹp (Phần 2)

4 kiểu chủ doanh nghiệp thường gặp trong ngành thẩm mỹ làm đẹp (Phần 2)

Trong bài viết trước, tôi đã giới thiệu sơ lược về đặc điểm của 4 kiểu chủ doanh nghiệp thường gặp trong ngành làm đẹp. Ở bài viết này, tôi sẽ chia sẻ sâu hơn về việc họ có thể kết hợp với nhau như thế nào để mang lại thành công cho doanh nghiệp?

Theo kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành thẩm mỹ, tôi thường thấy 5 cách kết hợp sau:

  1. Chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn kết hợp với chủ doanh nghiệp am hiểu Sales, Marketing và tài chính
  2. Chủ doanh nghiệp có trải nghiệm và hiểu biết về ngành làm đẹp kết hợp với chủ doanh nghiệp am hiểu Sales, Marketing và tài chính
  3. Chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn kết hợp với chủ doanh nghiệp có trải nghiệm và hiểu biết về ngành làm đẹp
  4. Chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn kết hợp với chủ doanh nghiệp sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào
  5. Chủ doanh nghiệp có trải nghiệm và hiểu biết về ngành làm đẹp kết hợp với chủ doanh nghiệp sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào

1. Chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn kết hợp với chủ doanh nghiệp am hiểu Sales, Marketing và tài chính

Như tôi đã đề cập ở bài viết trước, chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn  thường là người trực tiếp thực hiện nghiệp vụ, nên sẽ không có nhiều quỹ thời gian để vận hành doanh nghiệp. Với nhóm chủ doanh nghiệp am hiểu Sales, Marketing và tài chính, họ có kiến thức và kinh nghiệm dồi dào trong việc kinh doanh, nhưng vẫn gặp một số hạn chế về kiến thức ngành thẩm mỹ. Chính vì thế khi hai nhóm chủ doanh nghiệp này kết hợp với nhau thì tỉ lệ thành công rất cao, vì họ có thể cùng nhau phát huy được những điểm mạnh vốn có và cải thiện các mặt hạn chế. 

Đầu tiên, họ có thể cân bằng giữa việc giữ chân khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới. Tiếp theo, họ có khả năng duy trì được tính ổn định của lực lượng nhân sự trong tổ chức, nhờ đó việc vận hành hệ thống được diễn ra bài bản và xuyên suốt. Không những thế, hai nhóm chủ này có thể hỗ trợ nhau trong việc kiểm soát dòng tiền và mở rộng các chuỗi hệ thống một cách hợp lý, đạt hiệu quả.

Nguồn: Envato

2. Chủ doanh nghiệp có trải nghiệm và hiểu biết về ngành làm đẹp kết hợp với chủ doanh nghiệp am hiểu Sales, Marketing và tài chính

Khi hai nhóm chủ doanh nghiệp này kết hợp với nhau, tỉ lệ thành công là 9 phần, 1 phần còn lại sẽ phụ thuộc vào lực lượng nhân sự của tổ chức. Do vậy, để thành công, họ nên tập trung vào việc đào tạo kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ nhân viên để duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ một cách tốt nhất.

3. Chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn kết hợp với chủ doanh nghiệp có trải nghiệm và hiểu biết về ngành làm đẹp

Có thể thấy, điểm chung của hai kiểu chủ doanh nghiệp nêu trên là có kiến thức chuyên sâu về ngành làm đẹp nhưng lại hạn chế trong việc vận hành, hoạch định chiến lược kinh doanh. Vì vậy, để cải thiện hoạt động kinh doanh và đạt hiệu quả, các chủ doanh nghiệp cần tập trung kiểm soát kỹ lưỡng dòng tiền, nguồn tài chính và đầu tư về mặt thương hiệu.

Để quá trình vận hành diễn ra suôn sẻ, họ nên tuyển dụng những nhân viên kế toán có kinh nghiệm dồi dào trong việc kiểm soát tiền và quản lý kho của doanh nghiệp. Đồng thời, họ nên thành lập phòng Sales & Marketing. Nhân sự ở phòng ban này giữ vai trò chăm sóc nhóm khách hàng cũ và khách hàng mới, đảm bảo các hoạt động diễn ra bài bản, lượng khách hàng đến các chi nhánh đều hơn. Không những vậy, họ nên đẩy mạnh đầu tư chi phí Marketing với hai hoạt động cụ thể là Performance và Branding.

Nguồn: Envato

4. Chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn kết hợp với chủ doanh nghiệp sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào

Tỉ lệ thành công của hai nhóm chủ doanh nghiệp này nếu kết hợp với nhau là không cao, vì tư duy của họ hoàn toàn khác nhau. Một nhóm thiên về chuyên môn, còn một nhóm thiên về xây dựng hệ thống và phân bổ ngân sách.

Do vậy, để có thể kết hợp với nhau, họ cần tách bạch các bộ phận và phân chia rõ nhiệm vụ theo đúng trình tự. Hơn nữa để đảm bảo được doanh thu, họ nên thành lập phòng Sales & Marketing để kiểm soát lượng khách hàng đến các hệ thống làm đẹp và đẩy mạnh đầu tư chi phí cho hoạt động Marketing.

5. Chủ doanh nghiệp có trải nghiệm và hiểu biết về ngành làm đẹp kết hợp với chủ doanh nghiệp sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào

Tỉ lệ thành công của hai nhóm này nếu kết hợp với nhau sẽ ở mức thấp vì gặp phải hạn chế về mặt vận hành. Chính vì vậy, để thành công, hai nhóm này nên chú trọng vào các giải pháp như: (1) Phân chia rõ nhiệm vụ, chức năng của các phòng ban, (2) thành lập và quản lý cặn kẽ các hoạt động của phòng Sales & Marketing và (3) đầu tư vào chi phí Performance Marketing và Branding để đạt được mục tiêu kinh doanh.

Trên đây là những chia sẻ của tôi về cách thức kết hợp 4 kiểu chủ doanh nghiệp trong ngành làm đẹp. Tôi mong rằng những chia sẻ này hữu ích, có thể giúp các doanh nghiệp đề ra những chiến lược phù hợp và đạt được hiệu quả cao.