Marketer Kurokawa Kengo
Kurokawa Kengo

Founder / CEO @ Asia Plus Inc.

Q&Me: Người Việt muốn làm gì sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát?

Q&Me: Người Việt muốn làm gì sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát?

Do ảnh hưởng của COVID-19, ở Việt Nam, nhiều nhà hàng và cửa hàng đã buộc phải đóng cửa, mọi người dân phải thực hiện giãn cách xã hội và làm việc từ xa dẫn đến việc họ ở nhà nhiều hơn. Trong bối cảnh này, người tiêu dùng đang dành thời gian để làm gì và họ có những hy vọng gì khi đại dịch được kiểm soát, kết quả dựa trên cuộc khảo sát vào tháng 6/2021 do Q&Me thực hiện (với 969 người tham gia trả lời).

Bạn làm gì nhiều hơn trong thời gian giãn cách xã hội?

Trong khoảng thời gian dịch bệnh quay trở lại, mọi người có xu hướng thực hiện các hoạt động: "nấu ăn", "xem video" "học trực tuyến"... nhiều hơn. Ở hoạt động nấu ăn, mặc dù các dịch vụ giao đồ ăn công nghệ như Grab Foods, BAEMIN, Now tăng vọt do mọi người hạn chế ra đường, tụ tập ăn ngoài, song tự nấu ăn tại gia vẫn là sự lựa chọn của nhiều người để tiết kiệm chi phí. Các trang mạng xã hội về nấu ăn như Cooky hay Cookpad cũng thu hút được nhiều sự chú ý của người dùng mạng xã hội.

Về việc xem video, khi YouTube đã rất quen thuộc với mọi đối tượng, thì TikTok đang dần chinh phục và trở nên phổ biến trong giới trẻ, còn các nền tảng xem phim trả phí như Netflix thì được phụ nữ trong độ tuổi 20-30 rất ưa chuộng.

Cuộc khảo sát còn cho thấy rằng, nam giới thường dành nhiều thời gian để chơi game và xem video, trong khi phụ nữ có xu hướng dành nhiều thời gian để mua sắm trực tuyến và sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt hơn, các nhu yếu phẩm hàng ngày như: lương thực, thực phẩm và đồ gia dụng được mua sắm trực tuyến nhiều hơn, đây là điều mà trước đây rất hiếm khi xảy ra, và danh mục sản phẩm được mua sắm trực tuyến đã mở rộng nhanh chóng.

Bạn muốn làm điều gì khi đại dịch được kiểm soát?

Các hoạt động được người tham gia khảo sát trả lời nhiều nhất là "đi chơi với bạn bè", "mua sắm" "đi ăn/ đi uống", điều này cho thấy rằng mọi người rất muốn quay trở lại cuộc sống hàng ngày của họ. Ngoài ra, “về thăm nhà” – một đặc trưng riêng của Việt Nam thể hiện mối quan hệ gia đình bền chặt – cũng rất phổ biến. Trong thời gian giãn cách xã hội việc đi lại giữa các tỉnh thành bị hạn chế, nên nhu cầu được gặp gia đình và người thân ở quê nhà đặc biệt phổ biến ở những người lớn tuổi.

Ở những độ tuổi khác nhau thì nhu cầu của con người cũng khác nhau. Những bạn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ muốn đi chơi với bạn bè và người quen, trong khi những người ở độ tuổi 20 muốn thực hiện các hoạt động như mua sắm và ăn uống. Du lịch là câu trả lời phổ biến đối với những người ở độ tuổi 30 trở lên. Họ mong muốn được tận hưởng, trải nghiệm niềm vui du lịch, dù là trong nước hay nước ngoài vì đây là hoạt động đã bị hạn chế rất nhiều trong hơn một năm qua.

Trước khi làn sóng dịch bệnh thứ tư bắt đầu vào tháng 6, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ. Một ví dụ điển hình cho sự phục hồi này là thị trường bán lẻ đã quay trở lại mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy được sự bùng nổ chưa từng có của nền kinh tế kỹ thuật số. Kỹ thuật số đã tạo điều kiện cho mọi người có thể hội họp trực tuyến khi làm việc từ xa, đặt thức ăn trực tuyến thông qua các ứng dụng. Chúng ta phải công nhận rằng đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy quá trình số hoá các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Đọc thêm nhiều báo cáo thị trường của Q&Me tại đây.