Đơn giản hóa việc đăng ký dịch vụ và hoàn tiền trên App Store với Storekit 2

Với người dùng Apple, chắc hẳn bạn đã từ ít nhất một lần thực hiện mua hàng trên App Store. Nếu bạn đã từng mua và sau đó quyết định hủy, nâng cấp, hạ cấp hoặc yêu cầu hoàn lại tiền, bạn có thể đã gặp nhiều khó khăn và mất thời gian vì những thao tác cũng như thủ tục khá phức tạp. Một số người thậm chí vẫn tin rằng họ có thể ngừng trả phí đăng ký chỉ bằng cách xóa ứng dụng khỏi iPhone của mình. Những người khác lại không biết phải vào phần nào để hủy đăng ký dịch vụ và phải nhờ đến sự hỗ trợ của tổng đài viên hoặc những người xung quanh. Trong Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC), Apple đã công bố hàng loạt những tính năng mới của Storekit 2 nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng và có thể quản lý hoạt động đăng ký, hủy dịch vụ hoặc yêu cầu hoàn tiền một cách dễ dàng hơn.

Đơn giản hóa việc đăng ký dịch vụ và hoàn tiền trên App Store với Storekit 2

StoreKit, một framework của Apple dành cho các nhà phát triển tương tác với App Store và mua hàng trong ứng dụng. Trong những năm gần đây, việc mua hàng trên app ngày càng trở nên phức tạp hơn với những gói dịch vụ theo tháng, theo năm hay những tính năng khác nhau. Hiện tại, người dùng muốn xem mình đã đăng ký chưa, đăng ký từ khi nào hoặc hủy đăng ký có thể vào App Store hoặc Setting. Nhưng nhiều người không quen với cách điều hướng trong Setting hoặc App Store nên dù mất bao lâu cũng không thể thực hiện được. Trong khi đó, người dùng có thể yêu cầu hoàn lại tiền bằng nhiều cách. Họ có thể xem trong hộp thư đến của mình mail thông báo biên nhận từ Apple, sau đó nhấp vào liên kết “Báo cáo sự cố” mà liên kết này bao gồm để yêu cầu hoàn lại tiền khi có sự cố. Điều này có thể hữu ích trong các trường hợp mà bạn đã đăng ký nhầm hoặc khi cảm thấy ứng dụng không đạt được kỳ vọng và những tính năng như đã quảng cáo. Apple cũng cung cấp một trang web chuyên dụng, nơi người dùng có thể trực tiếp yêu cầu hoàn tiền. Bạn có thể tìm kiếm trên Google từ khóa “yêu cầu Apple hoàn tiền” hoặc các truy vấn tương tự, nội dung giải thích quy trình thường xuất hiện ngay đầu kết quả tìm kiếm.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là người dùng cảm thấy khá phiền khi phải tìm kiếm thông tin hướng dẫn dù đó là quyền lợi của họ. Đối với họ, cách dễ nhất để quản lý đăng ký hoặc yêu cầu hoàn tiền là làm từ chính ứng dụng đó. Vì lý do này, nhiều nhà phát triển ứng dụng thường cung cấp các liên kết để hướng khách hàng đến những trang của Apple quản lý để thực hiện đăng ký hoặc hoàn tiền ngay trong ứng dụng của họ. StoreKit 2 sẽ mang lại các công cụ mới cho phép các nhà phát triển triển khai các loại tính năng này dễ dàng hơn. Theo đó, StoreKit 2 sẽ cung cấp một API quản lý đăng ký cho phép nhà phát triển ứng dụng hiển thị trang quản lý đăng ký cho khách hàng của họ thao tác ngay tại ứng dụng mà không cần điều hướng khách hàng đến App Store. Tùy theo nhu cầu, các nhà phát triển có thể chọn hiển thị màn hình “Lưu ưu đãi” (save offer) để giới thiệu cho khách hàng một số hình thức giảm giá khuyến khích người dùng tiếp tục sử dụng dịch vụ hoặc có thể hiển thị một cuộc khảo sát để thu thập ý kiến của khách hàng tại sao họ quyết định ngừng đăng ký sử dụng dịch vụ trên app. Với tính năng mới này, khách hàng sẽ có thể xem màn hình bên trong ứng dụng hoàn toàn giống như màn hình mà họ sẽ truy cập trong App Store để hủy hoặc thay đổi tình trạng đăng ký. Sau khi hủy, một màn hình xác nhận với các chi tiết hủy và ngày hết hạn dịch vụ sẽ được thông báo vô cùng rõ ràng.

Nếu khách hàng muốn hoàn tiền, API yêu cầu hoàn tiền sẽ cho phép khách hàng yêu cầu trực tiếp trong chính ứng dụng mà không bị chuyển hướng đến App Store hoặc các trang web khác. Trên màn hình hiển thị, khách hàng có thể chọn mặt hàng họ muốn hoàn lại tiền và nhập lý do tại sao họ đưa ra yêu cầu này. Sau đó, Apple sẽ xử lý theo đúng quy trình và gửi lại thông báo phê duyệt hoặc từ chối đến máy chủ của nhà phát triển. Tuy nhiên, một số nhà phát triển cho rằng những thay đổi này không thực sự có ích. Họ muốn trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý đăng ký của khách hàng và tự xử lý tiền hoàn lại thay vì thông qua Apple sẽ mất rất nhiều thời gian vì có nhiều lượng thông tin cùng phải xử lý một lúc. Ngoài ra, Apple có thể mất tới 48 giờ để giải quyết cho khách hàng về yêu cầu hoàn tiền của họ. CEO của RevenueCat cho rằng: “Đó là một bước đi đúng hướng, nhưng có thể dẫn đến sự nhầm lẫn tai hại giữa nhà phát triển và người tiêu dùng về việc ai chịu trách nhiệm hoàn lại tiền.”

Đơn giản hóa việc đăng ký dịch vụ và hoàn tiền trên App Store với Storekit 2

Một số nhà phát triển đã chỉ ra rằng có vấn đề khác có thể phát sinh mà Storekit 2 chưa giải quyết được. Ví dụ: nếu khách hàng đã gỡ cài đặt ứng dụng hoặc không còn thiết bị được đề cập, họ vẫn cần được hướng dẫn đến các phương thức yêu cầu hoàn lại tiền khác giống như trước đây. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bản update thứ 2 của Storekit. Các thay đổi của StoreKit 2 không chỉ giới hạn ở các API để quản lý đăng ký và hoàn tiền. Các nhà phát triển cũng sẽ có quyền truy cập vào API tra cứu hóa đơn, các giao dịch mua trong ứng dụng của khách hàng, xác thực hóa đơn của họ và xác định các vấn đề xảy ra khi mua. API cũng sẽ giúp các nhà phát triển tra cứu tất cả các khoản tiền hoàn lại cho khách hàng. 

Những thay đổi này rất quan trọng vì doanh thu đăng ký dịch vụ trong app đóng góp vào một lượng lớn kết quả kinh doanh App Store của Apple. Trước thềm WWDC 21, Apple đã báo cáo doanh số bán hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số trên App Store đã tăng lên 86 tỷ USD vào năm 2020, tăng 40% so với năm trước. Đầu năm nay, Apple cho biết họ đã trả hơn 200 tỷ USD cho các nhà phát triển kể từ khi App Store ra mắt vào năm 2008. Trong bài phát biểu của WWDC 2021, hãng đã cập nhật con số lên 230 tỷ USD. Việc để Apple, thay vì chính các nhà phát triển, chịu trách nhiệm quản lý đăng ký và hoàn lại tiền có nghĩa là Apple đảm nhận các trách nhiệm xung quanh việc ngăn chặn gian lận - bao gồm cả hành vi gian lận do cả khách hàng và nhà phát triển thực hiện đồng thời quản lý chính xác lượng tiền ra vào của hoạt động mua bán trên App Store. Trong tương lai, Apple chắc chắn sẽ còn phát triển nhiều hơn Storekit nhưng chắc chắn quyền kiểm soát hoạt động này vẫn thuộc quyền nhà táo!