Marketer Steven Tran
Steven Tran

Senior Growth Manager @ Homebase

Review Sách: Thành trì sáng tạo (Innostack) – Jim McKelvey

Review Sách: Thành trì sáng tạo (Innostack) – Jim McKelvey

Thành trì sáng tạo (Innostack) mang lại cho bạn một niềm tin rằng, nếu nhìn thấy một điều gì đó không ổn, thay vì chấp nhận nó, bạn hãy thử làm điều gì đó mới mẻ. 

Tổng quan về Innostack

Tác giả

Jim McKelvey
Nguồn: caa

Jim McKelvey là một nhà phát minh, doanh nhân, nhà từ thiện, nghệ sĩ, nghệ nhân thổi thuỷ tinh và nhà viết sách. Cuốn sách mới nhất của ông là ‘The Innovation Stack: Building a Unbeatable Business One Crazy Idea at a Time’. Ông là người đồng sáng lập Square và hiện vẫn là thành viên trong Hội đồng quản trị, đồng thời là Giám đốc độc lập của Cục Dự trữ Liên bang St. Louis. Năm 2011, thiết kế đầu đọc thẻ mang tính biểu tượng của ông đã được giới thiệu vào Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Jim McKelvey cũng thành lập Invisibly, một dự án đầy tham vọng để điều hành lại kinh tế của nội dung trực tuyến, vào năm 2016.

Tổng quan sách

Quyển sách có thể gọi nôm na là “hành trình san bằng bất công cùng Innostack”.

Nội dung chia sẻ 2 ý tưởng chính: (1) Truyền tải khái niệm Innostack – chuỗi giải pháp dựa trên việc lựa chọn một vấn đề hoàn hảo và đổi mới phương thức kinh doanh hiện hữu như Square, Bank of Italy, IKEA và Southeast Airlines; (2) Tinh thần của một nhà sáng nghiệp (Entrepreneur) khác biệt.

Điểm thú vị của sách

  • No guideline or to-do list (Không có danh mục việc cần làm): Tác giả muốn trao cho bạn một tấm bản đồ, nhưng bản đồ thường dành cho người đi du lịch chứ không phải người khám phá. “Tôi muốn trải nghiệm nỗi lo từ việc cố làm thử thứ gì đó mà không biết có thể đi đến đâu”.
  • A conversational writing style (Viết theo phong cách tự sự, gần gũi): Là một người có kinh nghiệm trong kinh doanh nên việc diễn đạt thực tế, không mang nặng tính lý thuyết giúp người đọc dễ dàng kết nối và liên tưởng sự việc diễn ra trong bối cảnh hiện tại.

Nguồn: afingersnap

 

5 ý tưởng đáng chú ý

1. Vấn đề hoàn hảo là gì?

Vấn đề hoàn hảo là vấn đề mà chính bạn trải qua với cảm giác khó chịu, khao khát giải quyết nó đến tận cùng.

Câu hỏi khiến tôi phải lăn tăn đó chính là: “Những doanh nhân khởi nghiệp có kỹ năng ‘thần thánh’ nào không?”. Câu trả lời thực ra là không. Bộ kỹ năng của họ không quá hiếm và tôi tin bạn cũng đã sở hữu một vài kỹ năng giống họ. Vậy thì điều đó là gì?

Mọi thứ quy về một lựa chọn duy nhất: Tiếp cận một vấn đề mà chưa ai từng giải quyết và làm mọi cách để giải quyết vấn đề đó.

Bước đầu tiên đó chính là tìm một vấn đề hoàn hảo. Có vô số vấn đề trên thế giới này – nhiều vấn đề tồn tại giải pháp, và có những vấn đề lại nằm ngoài khả năng hiện tại của chúng ta. Một vấn đề hoàn hảo cũng có giải pháp, nhưng giải pháp đó chưa tồn tại.

Vấn đề hoàn hảo là vấn đề mà chính bạn trải qua với cảm giác khó chịu, khao khát giải quyết nó đến tận cùng.

Vậy làm thế nào để tìm ra nó? Nhìn vào những thứ xung quanh bạn. Điều khiến bạn khó chịu. Điều khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Điều khiến bạn cảm thấy lo sợ. Biến tất cả những điều ấy thành một định nghĩa hữu hình nếu có thể. Nếu nó kích thích bạn đến độ: “Đến lúc tôi phải ra tay rồi!”, thì bạn đã tìm ra vấn đề thực sự.

Để tóm gọn, tôi mô tả theo cách hiểu của mình như sau:

Vấn đề hoàn hảo = Trải nghiệm cá nhân + Khát khao giải quyết

Trải nghiệm cá nhân liên quan = Trải nghiệm đau khổ bực bội

Khao khát giải quyết = Muốn xoá bỏ các bất công hiện tại    

2. Innostack là gì?

Innostack là chuỗi giải pháp đổi mới liên kết với nhau giúp giải quyết vấn đề hoàn hảo.

Đại loại nếu bạn phát hiện một vấn đề A, bạn có giải pháp A’, từ giải pháp A’ lại nảy sinh một vấn đề mới là B. Mô hình kinh doanh hay công ty có một chuỗi Innostack càng dài, càng nhiều thì càng có tính kết nối chặt chẽ và khả năng bị đánh bại là rất thấp.

Innostack là chuỗi giải pháp đổi mới liên kết với nhau giúp giải quyết vấn đề hoàn hảo.

Vậy nên, khác với các thuyết giảng thông thường về lợi thế bán hàng độc nhất, Jim mang lại cho người đọc góc nhìn toàn diện hơn về một chuỗi tập hợp các điểm tính năng/ giá trị có tính kết nối (thực ra là phải kết nối) mới đủ sức giữ cho lợi thế cạnh tranh vững chắc.

Như bạn có thể thấy, mỗi công ty được Jim lựa chọn để phân tích Innostack, đều sở hữu một chuỗi giá trị và chỉ có thể phát huy hết khả năng cộng hưởng, nếu tất cả đều được vận hành một cách đồng nhất.

3. Động lực thực sự của Innostack?

Chính là sinh tồn. Bạn có thể sống một cuộc sống tuyệt vời khi sao chép những người có cuộc sống tuyệt vời.

Tại sao bạn phải làm khác đi?

Tại sao bạn lại lựa chọn một cách làm không dự đoán được thành công?

Tại sao sao chép và cải tiến gia tăng thì dễ dàng hơn nhiều trong khi cố gắng tạo ra sự đột phá, thực hiện một cú nhảy vọt lại đầy rủi ro?

Vậy rốt cuộc động lực của họ là gì?

Cơ bản có hai loại động lực quan trọng: (1) là động lực mà tất cả chúng ta đều biết – tạm gọi là sự kiên định, và (2) là sự táo bạo. Kiên định tiếp sức cho ta hoàn thành nhiệm vụ, để bước đi và bước tiếp. Đó là chìa khoá của hầu hết những người nỗ lực.

Còn loại thứ hai chỉ áp dụng cho những nhà sáng nghiệp và nghệ sĩ. Lý do bạn quyết định rời khỏi thành phố và cố làm một chuyện chưa bao giờ thực hiện. Táo bạo thường không được tán đồng hoặc tốt lắm là nể trọng. Một khi đã có dũng khí bước ra khỏi vùng an toàn và làm một điều hoàn toàn mới, bạn sẽ không gặp vấn đề gì về sự kiên định. ­

Động lực của Innostack trong một doanh nghiệp đơn giản là để sinh tồn. Tôi xin nhắc lại, đó không phải là sự lựa chọn giữa có làm hoặc không. Bạn không chọn làm hàng tá thứ để tồn tại, bạn chỉ chọn tồn tại – và bị bắt buộc phải làm hàng tá thứ. Vậy nên lựa chọn thật sự chính là, liệu có nên xử lý một vấn đề hoàn hảo hay không?

Nguồn: Tiki

Cuối cùng, quyết định làm gì đó mới mẻ chính là một cuộc chiến giữa sự táo bạo giải quyết vấn đề hoàn hảo và nỗi sợ thất bại. Giữa việc bạn quan tâm đến vấn đề bao nhiêu và cái giá phải trả là bao nhiêu, nếu đủ quan tâm, chuyện thất bại không có gì là đáng sợ. Sẽ thật tuyệt khi hiểu được động lực phía sau hành vi điên rồ, nhưng bằng cách nào?

Cuối cùng, động lực thôi thúc phía sau tinh thần sáng nghiệp mang tính chất quá cá nhân và gần như không thể nào nghiên cứu được.

4. Đặt cái đế thuỷ tinh phải chú ý điều gì?

Câu trả lời là tính thời điểm. Liệu thời điểm có ảnh hưởng đến thành công sáng nghiệp hay không? Câu trả lời là có. Vậy có cách nào xác định thời điểm để làm một công ty sáng nghiệp hay không? Rõ ràng là không. Kể cả các giáo sư nghiên cứu lâu năm về kinh tế lượng cũng không thể có câu trả lời.

Quay trở lại với nghề thổi thuỷ tinh, Jim đã học được một bài học đắt giá về tính thời điểm. Thợ thổi thuỷ tinh là nghề duy nhất mà tác giả biết rằng mọi người đều nhất trí về việc ai là thợ làm nghề giỏi nhất – Lino đại sư.

Jim cũng tham gia khoá học kéo dài 2 tuần với đại sư, mỗi học viên sẽ chỉ được đặt một câu hỏi duy nhất. Nên ngoài việc học làm nghề, họ đều bị ám ảnh bởi câu hỏi của mình.

Không bất ngờ, Jim hỏi Lino làm thế nào để đặt một cái đế đơn giản lên một cái bình. Một câu hỏi khiến cả tập thể ngao ngán. Dù là việc rất căn bản, Jim đã làm hàng ngàn lần nhưng vẫn chưa thực sự thành thạo.

Jim hy vọng Lino đại sư sẽ chỉ mình thật cặn kẽ về cách làm thế nào để làm đúng kỹ thuật. Theo sự chỉ dẫn từ Lino, Jim bắt tay làm đế. Ngay khi ông chuẩn bị thả phần đế nóng xuống cái bình mát hơn, thầy bảo: Chờ đã. Gần kết thúc bài học thì Lino mới bảo: Làm đi.

Học cách canh thời điểm để làm điều gì đó khó hơn rất nhiều so với học cách làm, vì ta luôn phải học cách làm trước.

Jim mong muốn học bài học về cách làm nhưng thầy lại dạy một bài học về thời điểm. Nếu dùng thuỷ tinh quá nóng, bạn có thể tạo hình nhưng sau đó thuỷ tinh sẽ đổ sụp xuống. Tuy nhiên, để quá lạnh, nó sẽ trở nên quá cứng để có thể tạo hình. Mấu chốt nằm ở thời điểm, không phải cách làm, điều mà Jim đã rất thuần thục.

Học cách canh thời điểm để làm điều gì đó khó hơn rất nhiều so với học cách làm, vì ta luôn phải học cách làm trước.

Bạn có biết ý tưởng Uber đã xuất hiện từ khi nào không?

Nếu nôm na như tác giả thì có lẽ nó đã xuất hiện ít nhất 20 năm về trước tại Việt Nam, khi việc đi xe dù, đứng vẫy tay ven đường và lên xe ngồi vẫn còn phổ biến. Lúc đó, di động vẫn chưa phát triển, hạ tầng kết nối Internet chưa thực sự nhanh, người dân vẫn cảm thấy ổn với việc ra trạm và gọi xe ôm. Sau 20 năm, mọi thứ dần thay đổi.

Đó chính là thời điểm khi ý tưởng nền móng vẫn cần thời gian cho các ngành phụ trợ phát triển, để có thể tạo nên sự cộng hưởng, từ đó hình thành một ngành kinh doanh mới. Thay vì chờ đợi đến thời điểm mọi thứ sẵn sàng để kết nối, bạn cần phải chuẩn bị mọi thứ cần thiết sẵn sàng, để có thể nắm bắt thời điểm để kết nối.

Đối với Square, thời điểm ấy là khi các nhà tín dụng cho phép đấu nối với hệ thống mạng lưới thẻ của họ. Nếu Square ngồi bất động, chưa xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh, MasterCard và Visa chắc cũng chẳng bận tâm về việc viết lại quy tắc của họ. Nhưng nếu thiếu đi bất kỳ một thành tố nào thì Square sẽ rất dễ bị tổn thương. Và khi Steve Jobs lần đầu công bố sự xuất hiện iPhone, Square là ứng dụng tài chính duy nhất trên Appstore của họ.

5. Khi không làm gì là chiến lược

Mùa hè 2014, Square chỉ mới hơn 5 năm tuổi, những đã mất đến 18 tháng chuẩn bị ra mắt sản phẩm, nên Innostack của họ chỉ mới khoảng 4 tuổi. Với mô hình kinh doanh đơn giản, Square tặng một thiết bị đọc thẻ tín dụng hình vuông nhỏ nhưng “ngầu”, thu phí dịch vụ 2,75% và có được một nhóm khách hàng vui vẻ.

Thế rồi, một chiếc đầu ngựa kỳ lân được Jeff Bezos gửi đến bằng gói vận chuyển 2 ngày miễn phí. Rõ ràng, Amazon đã bắt đầu để ý đến doanh nghiệp còn non trẻ này. 3 mũi nhọn mà Amazon nhắm đến đều tỏ ra vượt trội hơn Square: thiết bị đọc, hỗ trợ khách hàng và chi phí.

  • Thiết bị đọc thẻ tín dụng:
    • Square: Nhỏ gọn cùng tỷ lệ thành công khi quẹt là 80%
    • Amazon: Cứng cáp, hơi be dạng hình chữ nhật với mức thành công và ổn định 100%
  • Hỗ trợ khách hàng trực tiếp:
    • Square: Không có ý định hỗ trợ (vì tiết kiệm chi phí và cố gắng dùng nguồn lực để phát triển sản phẩm)
    • Amazon: Tận dụng hệ thống tư vấn viên trong bộ máy “khổng lồ” của mình và chèn thêm một hạng mục nhỏ trong bảng mô tả công việc
  • Chi phí:
    • Square: 2,75%
    • Amazon: 1,95%

Nếu nhìn lướt qua, bạn vẫn có thể biết tỷ số là 3-0 nghiêng về phía Amazon. Vậy cách đối phó của Square là gì? Không làm gì cả, hay nói cụ thể hơn đó chính là Square không làm gì khác. Mọi hành động của họ đều có một lý do chuẩn đằng sau.

Về sản phẩm

Định vị của Square rất rõ ràng – một đầu đọc thẻ thanh toán tín dụng nhỏ nhất thế giới và trông thật “ngầu”. Ngay từ đầu, đội ngũ thiết kế của Square đã chế tác hàng chục bản prototype với đa dạng kích thước nhưng Jim đã có niềm tin tuyệt đối về việc phải luôn giữ thiết kế nguyên vẹn như thế.

Jim cũng đã đi lân la khắp mọi nơi để test sản phẩm từ người dùng. Kết quả khá lạ, nếu được xem cả hai thiết bị, hầu hết họ đều chọn cái to hơn vì tiện sử dụng. Nhưng khi Jim mang ra ngoài chỉ một trong hai. Cái lớn khiến mọi người thấy thú vị, nhưng cái nhỏ hơn mới khiến họ choáng ngộp. 

Thế là đứng giữa hai lựa chọn: Sản phẩm đọc được 100% không có gì sai sót và cái còn lại thì chỉ được 8 trên 10 lần thành công, nhưng kích thước nhỏ nhắn. Cuối cùng, đội ngũ nhà sáng lập chọn “dễ thương”.

Một “cú twist” cực rủi ro nhưng cũng rất “cá tính” ở đoạn này là Jim tin tưởng rằng tỷ lệ thất bại 20% khi quẹt (swipe) sẽ khiến người dùng phấn khích hơn, vì họ có dịp phải bỏ công học cách nên quẹt thế nào. Để chứng tỏ là một “tay chơi” thực thụ, bạn phải có những cú swipe đẳng cấp, thành công 10/10. Chính thiết bị tí hon này đã châm ngòi cho nhiều cuộc trò chuyện. Người ta tập quét cho đến khi học được cách quét chuẩn xác và khoe kỹ năng đó với bạn bè.

Square – một đầu đọc thẻ thanh toán tín dụng nhỏ nhất thế giới và trông thật “ngầu”
Nguồn: tapchicongthuong

Về phản hồi hỗ trợ trực tiếp với khách hàng

Bạn sẽ cảm thấy bất ngờ khi việc giải thích của Jim rất ngắn gọn. Rõ ràng Square không có lợi thế về mặt này, vì đối mặt với Amazon – một cỗ máy khổng lồ đã có sẵn những nhân viên trực hàng thân thiện. Thêm vài đó, đối với Square, rõ ràng việc làm này khá tốn kém về mặt chi phí và nguồn lực. Vì thế, ngay từ đầu, Square đã làm mọi thứ đơn giản nhất có thể, để giảm tỉ lệ khách hàng phải gọi điện để được hướng dẫn.

Jim biết rõ ông và đội ngũ chọn lựa việc không làm gì cũng quan trọng như việc tập trung vào phát triển sản phẩm thay vì chi tiền cho quảng cáo vậy.

Về chi phí

Thật ra tôi cũng muốn đề cập đến vấn đề này. Thế mạnh tuyệt đối của Amazon chính là khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, vậy nên nếu Square lao mình vào cuộc chiến về giá, đó là cách “đi xuống lòng đất” nhanh nhất mà Jim có thể nghĩ ra. Vậy nên, dù muốn hay không, Square cũng không đá động về phần giá cả. Cơ bản, họ đã tính toán phần lợi nhuận thấp nhất có thể đủ sức để vận hành. Nếu ai chi quá tay, đó chỉ là câu chuyện đốt tiền.

Trong khi các công ty khác, họ sẽ tìm cách chống trả quyết liệt như Diapers hay Zappos, nhưng kết quả đều bị sáp nhập với định giá (valuation) rẻ hơn ít nhất từ 20-30% sau khi tham chiến cùng Amazon.

1 năm sau, Square vẫn tồn tại mạnh mẽ với mức tăng hàng chục phần trăm sau mỗi tuần. Còn bên ngoài thị trường, Jim cũng không thấy xuất hiện cái hộp đen của Amazon.

Cuộc chiến kết thúc. Đây là lúc tôi vẫn chưa hiểu được tại sao Jeff Bezos lại buông tha cho Jim và Jack.

Cảm nhận của A Finger Snap

Trên đây cũng chính là 5 ý tưởng tôi thích nhất từ cuốn sách này: Innostack, vấn đề hoàn hảo, động lực thực sự, bài học về tính thời điểm cùng vấn đề truyền cảm hứng – san bằng bất công từ Jim. Ngoài các minh hoạ tôi dùng từ Square cho bài viết này, bạn có thể đọc thêm về các nhà sáng nghiệp khác như IKEA, Southest Airlines và Bank of Italy.

Jim chia sẻ sự thật về thế giới khởi nghiệp, không phải bất kỳ một vấn đề nào cũng đã tồn tại giải pháp, việc của bạn là phải khám phá ra nó. Chuyện đối mặt với tương lai bất định là điều thường tình và “ném đá dò đường” cũng là một cách (thực ra là cách duy nhất).

Tuy nhiên, Jack Dorsey – vốn là người sáng lập Twitter, nên con đường khởi nghiệp của bộ đôi này sẽ có một lợi thế nhất định. Trong buổi ra mắt sản phẩm, Jim chia sẻ họ chỉ bâng quơ đăng lên Twitter một thông cáo nhỏ nhắn và rồi sản phẩm được tiếp nhận.

Sách dành cho ai?

  • Những ai mong muốn tự mình xây dựng nên một sản phẩm
  • Người thích tìm hiểu về sự thành công của các công ty khởi nghiệp
  • Người trẻ đang muốn học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp

 

Đây không phải là sách công thức hay bộ công cụ check-list khởi nghiệp và nó cũng không dành cho những ai đang tìm cách để kiếm được nhiều tiền. Cuốn sách mang lại cho bạn niềm tin rằng, nếu nhìn thấy một điều gì đó không ổn, thay vì chấp nhận nó, bạn nên thử làm một điều gì đó mới. Nó cho bạn một chút cảm giác đồng cảm, một người mentor hóm hỉnh nhưng đủ sâu sắc để hiểu những vách đá mà bạn phải leo qua, một chút lo lắng hoặc cũng có thể là một chút góp nhặt: “Họ đã làm điều đó như thế nào?”.

Đọc cuốn này xong, bạn sẽ khó có thể nhìn vào một vấn đề và nói “Không thể làm gì được”. Bạn chỉ có thể chọn “Tôi sẽ không làm gì cả” hoặc “Tôi sẽ ra tay để xử lý nó”. Chúng ta có rất nhiều vấn đề trên thế giới, hẳn nhiên bạn biết điều đó. Vậy thì, câu hỏi mà tôi thay mặt tác giả đặt cho bạn là: “Liệu bạn có bao giờ tìm ra được một vấn đề hoàn hảo?”. Nếu có, bạn biết phải làm gì rồi đấy.

Bài viết thuộc series “Xôi Sách”, được thực hiện bởi twister thanh noname.

* Nguồn: A Finger Snap