Fashion Marketing #11: Tầm ảnh hưởng của stylist đến thời trang bền vững
Trong số tháng 6 này, tôi muốn chia sẻ tầm ảnh hưởng của những người tạo phong cách (stylist) đến thời trang bền vững, với bài dịch từ bài viết của Bella Webb trên Vogue ngày 13/5/2021 và phần phỏng vấn với style coach, cũng là nhà sáng lập Styleline cô Bùi Việt Hà.
Khi COVID-19 làm hầu hết các sự kiện thảm đỏ trên thế giới bị huỷ và là nguyên nhân khiến người tiêu dùng thời trang quan tâm nhiều hơn đến yếu tố bền vững, các stylist từ London đến Los Angeles cũng dần phải thích nghi. Phải chăng họ là mắt xích quan trọng giữa người tiêu dùng và thời trang bền vững?
Quả thật khi bệnh dịch lan ra toàn cầu khiến sự kiện thảm đỏ không thể diễn ra, stylist riêng của các ngôi sao đã phải chuyển sang online và hoà mình vào xu hướng thời trang bền vững ngày càng phổ biến. Tại Los Angeles, Cassandra Dittmer, một stylist kỳ cựu đã khởi xướng dịch vụ làm mới tủ quần áo và đưa ra bảng gợi ý mua sắm cho khách hàng của mình. Tại London, stylist có tiếng Ella-Louise Gaskell đã lập trang P.S. Online Styling với lời hứa khách hàng có thể “mua ít và mua thông minh” bằng cách xây dựng một tủ quần áo có thể sử dụng dài hơi hơn.
Dittmer và Gaskell là hai trong số nhiều stylist góp phần phổ biến thời trang bền vững đến người tiêu dùng bằng cách giúp khách hàng của họ thử những giải pháp khác nhau và làm cho việc sử dụng sản phẩm thời trang secondhand và sản phẩm thời trang đi thuê được chấp nhận rộng rãi trong xã hội. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ những tổ chức hoặc nhãn hàng chuyên gắn mác “thời trang xanh” một cách mập mờ bằng cách hướng khách hàng của mình không chọn những sản phẩm thuộc các đơn vị này.
“Thời trang bền vững không phải là một khái niệm trắng đen rõ ràng”, cô Tamsin Lejeune, nhà sáng lập Common Objective, một tổ chức được thành lập với mục đích biến ngành công nghiệp thời trang ngày càng bền vững hơn. “Các stylist đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục người tiêu dùng, giới thiệu với khách hàng của họ về khái niệm thời trang tuần hoàn (Circular Fashion) và là chất xúc tác đưa những khái niệm còn xa lạ như thời trang đi thuê trở nên phổ biến”.
“Ngày càng nhiều các tín đồ thời trang không chỉ nhắm đến những trang phục nhìn đẹp mà còn phải có mục đích nữa”, cô Sandra Capponi, đồng sáng lập của nền tảng đánh giá thời trang bền vững Good On You cho biết. “Các stylist có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về thời trang bền vững và kết nối họ với những thương hiệu làm tốt việc này”.
Danh bạ các thương hiệu thời trang
Trước khi COVID-19 xảy ra, đã có một trào lưu về mua sắm thời trang secondhand và thời trang đi thuê, tuy còn ở quy mô nhỏ nhưng phát triển nhanh chóng từ những người tiêu dùng có ý thức về môi trường. Sau đó bệnh dịch đã làm cho trào lưu này ngày càng được chú ý vì nhu cầu về một xã hội bền vững thông qua thời trang, thông qua những thói quen mua sắm hướng đến ủng hộ những doanh nghiệp nhỏ lẻ và những tổ chức xã hội. Tuy nhiên, trở ngại lớn là việc thiếu thông tin về hiệu quả đến môi trường và những bài học xã hội từ những công ty thời trang và nhãn hàng của họ.
Để giúp truyền tải ý thức môi trường đến khách hàng, các stylist đã phát triển danh bạ các thương hiệu thời trang, đóng vai trò cầu nối giữa các thương hiệu và người tiêu dùng. Đơn cử như những thương hiệu nằm trong danh sách của stylist Roberta Lee (stylist người Anh nổi tiếng về thời trang bền vững tại London) phải đáp ứng ít nhất một trong 12 hạng mục, từ việc là sản phẩm có nguồn gốc thực vật đến doanh nghiệp nhỏ được lập bởi phụ nữ. Họ đồng thời phải vượt qua thử thách #100 lần mặc, một thử thách đòi hỏi một thiết kế phải dựa trên chất liệu tốt và có cách chăm sóc sản phẩm tốt sau khi mặc. Nếu khách hàng thực sự muốn mua sản phẩm mới, cô Lee thường đưa ra ít nhất 5 cách phối khác nhau cho từng sản phẩm.
Với Dittmer, cô mời các thương hiệu đang cộng tác với mình điền vào bảng câu hỏi “eScale” để giúp cô đánh giá mức độ thời trang bền vững của họ dựa trên các yếu tố môi trường sản xuất, nguyên vật liệu, hoạt động ủng hộ môi trường cũng như ủng hộ cộng đồng. Cô cho biết: “Thực ra không có một chuẩn mực trên toàn cầu cho thời trang bền vững. Tôi đưa ra những lời khuyên cho khách hàng của mình dựa vào thông tin các nhãn hàng cung cấp và vào những giá trị mà khách hàng quan tâm”.
Dittmer kiếm được tiền hoa hồng từ khoảng 20% thương hiệu cô cộng tác. Nhưng mô hình này khác với Lee khi cô để quyền sử dụng danh bạ thời trang bền vững của mình hoàn toàn miễn phí và chỉ giới thiệu mua sản phẩm mới khi không còn sự lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên, cô Kerry Wilde, cựu chuyên gia công nghệ về vải cho thời trang nhanh, hiện đang kết nối stylist và những khoá học phát triển bản thân cho rằng việc tiếp thị liên kết (Affiliate Links) cho phép stylist tăng tầm ảnh hưởng của mình một cách rộng hơn trong hệ sinh thái thời trang bền vững. “Tôi nghĩ stylist sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi lấp khoảng trống trong việc tạo ra cái nhìn cụ thể về thời trang bền vững được thể hiện và trải nghiệm như thế nào và thúc đẩy việc khách hàng mua từ những thương hiệu này”, cô cho biết thêm.
Đẩy mạnh việc tiếp cận thời trang tuần hoàn
“Cách làm của hầu hết các stylist sẽ là điều chỉnh tủ quần áo của khách hàng, vứt bớt một số thứ không cần thiết vào từ thiện và rồi mua mới một số món khác”, Lee cho biết. Tuy nhiên cô khuyến khích khách hàng của mình sửa lại quần áo hiện tại, mượn, thuê, hoặc mua đồ secondhand bất cứ khi nào có thể. Chỉ khi họ thực sự muốn mua mới, cô mới hướng họ đến danh mục các nhãn hiệu bền vững. “Tôi cộng tác với nhiều nền tảng cho thuê như By Rotation, My Wardrobe HQ và Loanhood để giúp khách hàng của mình tận dụng tốt nhất những món đồ của họ. Tôi cũng tìm hiểu những chất liệu thân thiện với môi trường phục vụ cho việc bảo quản, làm sạch quần áo như bột giặt, hoặc túi đựng quần áo để hạn chế tối đa việc dùng túi ni-lông hoặc những loại vải chỉ được giặt khô”, cô cho biết thêm. Để giúp khách hàng quản lý và tiếp cận những dịch vụ này, các stylist có thể cộng tác với những nền tảng như Save Your Wardrobe để số hoá tủ quần áo của khách hàng, giảm thiểu tối đa những lãng phí không cần thiết và kết nối với những mô hình thời trang tuần hoàn.
P.S. Online Styling dùng bảng câu hỏi để kết nối khách hàng với stylist qua email hoặc ứng dụng WhatsApp. Sau đó, khách hàng sẽ nhận được bảng minh hoạ ý tưởng (Moodboard) đã được cá nhân hoá và danh sách hơn 100 thương hiệu thời trang với code giảm giá độc quyền, cùng với các nền tảng thời trang tuần hoàn như ứng dụng Sojo, chuỗi bán hàng vintage Rokit và trang chuyên cho thuê Hurr Collective. Gaskell (nhà sáng lập P.S. Online Styling) cho biết 2/3 khách hàng sẵn lòng nghe theo lời khuyên dùng sản phẩm thuê hoặc secondhand. “Khách hàng cũng muốn tham gia thời trang bền vững nhưng thường không biết bắt đầu từ đâu hay định nghĩa cụ thể thế nào là thời trang bền vững”, Gaskell cho biết. “Chúng tôi muốn mang thời trang bền vững đến gần tầm với của người tiêu dùng hơn”.
Một đối tác khác của nền tảng P.S. Online Styling là Cocoon, nền tảng chuyên cho thuê túi xách xa xỉ. Cocoon hoạt động dưới hình thức bán thẻ thành viên theo tháng, nhưng cũng kèm dịch vụ tư vấn trang phục có tính phí nếu khách hàng có nhu cầu. Stylist có thể có khoản thu nhập từ hoa hồng trên lượng khách hàng đăng ký. “Stylist đóng vai trò to lớn trong việc mở rộng cánh cửa đồ thuê đến khách hàng vì họ tin tưởng vào những lời tư vấn từ stylist”, đồng sáng lập Cocoon bà Ceanne Fernandes-Wong chia sẻ. “Việc dùng đồ thuê cho phép khách hàng của họ có những trải nghiệm táo bạo và cởi mở hơn với những tư vấn theo phong cách vintage hoặc phong cách hoàn toàn mới”.
“Thử thách lớn nhất đối với đồ thuê và đồ đã qua sử dụng là sự không tương xứng từ những món đồ có sẵn”, Dittmer cho biết. “Tôi phải thuyết phục rất lâu trước khi khách hàng đồng ý thử nghiệm vì nó không tiện chút nào và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hàng đã qua sử dụng là bước đi đầu tiên trong hành trình tiến đến thời trang bền vững của người tiêu dùng”.
Tuyên truyền thời trang bền vững đến người tiêu dùng
Stylist có thể làm tăng sự nhận biết về những sáng kiến của thời trang bền vững. CEO Tatiana Wolter-Ferguson của trang HardlyEverWornIt.com khẳng định stylist là một mắt xích quan trọng trong dịch vụ bán hàng thời trang đã qua sử dụng. Họ làm cầu nối cho người tiêu dùng hàng xa xỉ, những người có thể không biết dịch vụ này tồn tại hoặc chưa thấy nhu cầu tiết kiệm ngân sách cho việc này. Bà giải thích thêm: “Có một lượng lớn khách hàng chưa bao giờ mua đồ đã qua sử dụng và stylist chính là người thuyết phục hiệu quả nhất để khách hàng cảm thấy yên tâm”.
Điểm mấu chốt nằm ở thời gian. Lee nói thêm: “Tôi thường nói với khách hàng của mình là họ không thể mua tủ quần áo thời trang bền vững sau một đêm. Chúng ta cần phải điều chỉnh mối quan hệ của mình với quần áo, trước khi tính đến chuyện bền vững”.
Với mục đích tìm hiểu các personal stylist tại thị trường Việt Nam đang ở đâu trong bức tranh này, tôi có bài phỏng vấn với cô Bùi Việt Hà, nhà sáng lập Styleline, công ty chuyên phụ trách tư vấn trang phục và định hình phong cách.
* Cảm ơn Hà đã dành thời gian chia sẻ với độc giả Brands Vietnam. Là người sáng lập Styleline, công ty chuyên về định hình phong cách cá nhân từ năm 2018, Hà nhận thấy thị trường này có những cơ hội và thử thách gì?
Chào chị và các bạn độc giả Brands Vietnam. Hà trở về nước năm 2016 với ý định mang mô hình styling app (nền tảng tư vấn trang phục) được nung nấu khi Hà học và làm việc tại Sans Francisco. Sau một thời gian tìm hiểu, Hà nhận ra rằng cơ hội ở thị trường Việt Nam cho nhu cầu này là rất lớn. Ngành thời trang đã có sự chuyển mình rõ rệt với vô số các thương hiệu nội từ các nhà thiết kế nhỏ lẻ và sự có mặt trên thị trường của các thương hiệu quốc tế. Mức sống nâng cao và nhu cầu làm đẹp của các chị em phụ nữ cũng tăng lên đáng kể.
Đến năm 2018, khi cảm nhận thị trường bắt đầu hiểu và đón nhận dịch vụ này, Hà quyết định thành lập Styleline, nhắm đến đối tượng khách hàng không phải là người nổi tiếng, mà là những chị em phụ nữ có tư tưởng mở, có điều kiện và muốn “nâng cấp” bản thân. Vào thời điểm đó Styleline xuất hiện như một trong những công ty định hình phong cách cá nhân đầu tiên.
Thử thách của Styleline và dịch vụ này nói chung là các chị em phụ nữ thường nghĩ rằng dịch vụ này chỉ dành cho những người nổi tiếng, cần xuất hiện với diện mạo chỉn chu trước công chúng. Họ không nghĩ rằng bản thân mình cũng cần chuyên gia định hướng và đưa ra những quyết định về trang phục phù hợp với môi trường làm việc cũng như phong cách sống của mình nhất. Hơn nữa, họ nghĩ rằng dịch vụ này đắt đỏ. Thật ra đây là khoản đầu tư rất hời vì chị em có thể tiết kiệm được ngân sách mua sắm (vì chỉ mua những thứ thật sự cần và mặc đẹp), có được cảm giác tự tin hơn thay vì luôn phải đắn đo không biết nên mặc gì và mặc như thế nào.
Do đó, trong những năm đầu Hà phải tổ chức nhiều hoạt động để giúp khách hàng có một cái nhìn rõ hơn về dịch vụ này như mở lớp “Vẻ đẹp từ bên trong”, mở các workshop về định hình phong cách, làm khách mời tại các buổi tư vấn phong cách cho các doanh nghiệp… Từ đó, khách hàng hiểu và tin tưởng đầu tư cho dịch vụ này ngày càng nhiều.
Một điểm thú vị nữa là tuy dân số trẻ và lượng dùng internet cũng như các ứng dụng online rất lớn, khách hàng Việt Nam vẫn chuộng hình thức tư vấn trực tiếp face-to-face hơn thay vì online, vì họ cảm thấy thuyết phục hơn khi “tai nghe mắt thấy”. Tuy nhiên, đặc điểm này có thể thay đổi sau hơn một năm cả nước phải sống chung với dịch COVID-19.
* Chân dung khách hàng của Hà như thế nào? Lý do chính họ tìm đến Styleline?
Họ là những chị em phụ nữ với tư duy mở, luôn muốn học hỏi, trải nghiệm cái mới và hoàn thiện bản thân. 80% trong độ tuổi từ 30-39. Đây là độ tuổi chị em phụ nữ có những thay đổi lớn trong cuộc đời. Một nhóm là những nàng nội trợ dư giả tiền bạc, thường mất dáng sau khi sinh và muốn làm mới hình ảnh để không cảm thấy bị tụt hậu và để chiều chồng. Nhóm khác là những người có bước ngoặc trong sự nghiệp và muốn đầu tư vào phong cách cá nhân để tự tin hơn. Hai nhóm này thường có thu nhập khá (20-50 triệu đồng /tháng).
20% còn lại từ 45 tuổi trở lên. Đặc điểm của nhóm này là đã có một số tiền để dành kha khá và muốn hưởng thụ, làm đẹp khi không còn lo lắng về thu nhập.
Lý do chính tìm đến Styleline là họ muốn mặc đẹp hơn, tự tin hơn nhưng không biết bắt đầu từ đâu, hay làm như thế nào giữa một rừng thông tin. Họ gặp khó khăn trong việc lựa chọn phong cách phù hợp với mình nhất. Họ có những băn khoăn về vóc dáng và phong cách, biết là có gì đó không ổn nhưng không biết không ổn chỗ nào và vì sao không ổn. Và khi đến với Styleline, Hà có thể giúp các khách hàng tìm ra giải đáp cho tất cả những băn khoăn đó mà không phải thay đổi chính mình một cách khiên cưỡng.
* Những ngộ nhận khách hàng thường gặp phải về styling?
Khá nhiều và phần lớn do mặc cảm từ những khiếm khuyết cơ thể do tuổi tác hoặc sau sinh của các chị em như người phải cao, ba vòng đầy đủ mặc đồ mới đẹp; đùi to thì không mặc quần ôm; bắp tay to hay bụng to thì phải mặc đồ rộng tay phồng rap-lan để che khuyết điểm; người thấp thì không mặc được đầm maxi… Những mặc cảm này dẫn đến việc họ trung thành với một số kiểu trang phục đôi khi không toát lên ưu thế bề ngoài của họ. Điều Hà vui nhất là khách hàng tự nhìn ra điều đó, khi Hà chứng minh cho họ thấy bằng cách lựa chọn đúng trang phục với vóc dáng của họ, giúp xoá đi khuyết điểm cơ thể.
* Có sự khác biệt nào giữa khách hàng TP.HCM và Hà Nội? Hà nghĩ tại sao có sự khác biệt này?
Điều khác biệt đầu tiên là ở Hà Nội có bốn mùa, còn Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng, nên tủ quần áo của khách hàng hai miền cũng khác nhau.
Thêm nữa, người Hà Nội có gu ăn mặc tinh tế hơn và khó thuyết phục hơn. Nhưng một khi đã tạo được lòng tin với họ thì sẽ rất dễ thuyết phục. Họ cũng có khuynh hướng trung thành với phong cách họ nghĩ là phù hợp.
Người Sài Gòn thì phóng khoáng hơn, dễ tính, dễ thuyết phục hơn, thường hưởng ứng nhiệt tình với những cái mới. Tuy nhiên, họ cũng thích thay đổi để tìm đến những cái lạ hơn.
* Trước đây Hà có chia sẻ mục đích của Hà khi cho ra đời Styleline là giúp khách hàng xây dựng được một tủ quần áo thông minh. Hà có thể giải thích yếu tố “thông minh” là như thế nào?
“Thông minh” ở đây có nghĩa là không cần nhiều nhưng luôn luôn đủ và đẹp trong mọi tình huống.
“Thông minh” ở đây có nghĩa là không cần nhiều nhưng luôn luôn đủ và đẹp trong mọi tình huống. Hà mong muốn các chị em phụ nữ chúng mình trở thành người mua sắm thông minh. Tại sao? Vì chúng ta biết cách vận dụng thời trang để làm cuộc sống tươi đẹp hơn chứ không biến mình thành nô lệ của thời trang.
* Hà có chia sẻ một thực tế rất thú vị là khách hàng thường tăng ngân sách so với ban đầu khi đi shopping cùng Hà, nhưng Hà thường khuyên họ không nên vung tay, mà nên dừng lại khi đủ. Hà có thể cho biết lý do của hai việc này?
Đây là “điểm yếu” dễ thương nhất của các chị em phụ nữ khi mua sắm vì luôn thích có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, mỗi khi khách hàng tăng ngân sách, Hà sẽ đóng vai trò của cái “đầu lạnh”. Đến một thời điểm Hà cảm thấy mình không nhớ hết những món mua lúc đầu, Hà sẽ nói khách hàng dừng lại, quay về nhà để Hà hướng dẫn khách hàng phối đồ mới với đồ cũ, tạo ra những phong cách mới, rồi từ đó sẽ quyết định mình có nên mua sắm thêm nữa hay không. Với cách mua sắm như vậy, khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm, phần vì chắc chắn biết cách tận dụng mọi món đồ, phần họ sẽ nhận ra, thật ra không cần phải sở hữu nhiều món để có thể có được phong cách đa dạng phù hợp với nhiều hoàn cảnh.
* Khi Hà thuyết phục khách hàng về tủ quần áo thông minh, Hà và khách hàng có nghĩ là mình đang hướng đến lối sống chuộng thời trang bền vững hay không? Hay chỉ đơn thuần là giúp mặc đẹp hơn và tự tin hơn?
Thật ra lúc đầu Hà không nghĩ quyết định xây dựng tủ quần áo thông minh là mình đang hướng đến lối sống thời trang bền vững đâu. Chỉ đơn giản là do hoàn cảnh (cười) khi Hà đến học tập vào làm việc ở San Francisco (SF). Ngày trước Hà cũng là người rất thích mua sắm, đặc biệt là giày, nên hành trang khi sang SF là hai vali quần áo và bốn thùng giày. Tuy nhiên sau sáu tháng với nhiều lần chuyển nhà, hành trang theo Hà ngày càng gọn nhẹ, tủ quần áo cũng nhẹ gọn theo. Đến lúc đó, Hà nhận ra rằng mình thực sự không cần nhiều như mình tưởng. Thời tiết ở SF lạnh quanh năm nên phải mặc nhiều lớp, tuy nhiên với những món đồ đã được tuyển chọn, chắt lọc, Hà vẫn có thể phối và tạo phong cách riêng cho mình trong mọi hoàn cảnh.
Thế là Hà bắt đầu áp dụng mindset này cho các khách hàng ở SF. Thị trường nhà đất ở đó rất đắt đỏ nên việc sở hữu một walk-in closet (tủ quần áo mở) là điều xa xỉ. Phần lớn các khách hàng đều ở chung cư và kích cỡ tủ quần áo cũng khiêm tốn. Điều này tương tự như phần lớn khách hàng tại Việt Nam. Do đó việc xây dựng một tủ quần áo thông minh cho khách hàng là một việc rất hợp lý.
Thêm một lý do nữa là khi có quá nhiều sự lựa chọn phụ nữ chúng ta dễ bị rơi vào tình trạng không biết mặc gì. Cho nên, khi có một tủ quần áo thông minh vừa đủ, bạn biết chắc rằng món nào mặc vào cũng đẹp, biết cách biến tấu nhiều kiểu khác nhau thì việc diện đồ hằng ngày sẽ trở nên nhẹ nhàng và trở thành một thú vui nữa.
* Ngoài hướng khách hàng đến việc “mua sắm ít đi (buy less)”, Hà có hướng họ đến “mua sắm tốt hơn (buy better)”, có nghĩa là mua sản phẩm chất lượng tốt có thể sử dụng trong thời gian dài, hoặc sản phẩm vintage, secondhand không? Tại sao?
Quan tâm đến thời trang từ rất lâu, Hà cũng biết thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đứng thứ hai trên thế giới do lượng nước thải và hoá chất từ xử lý sợi nhân tạo, rồi nước thải từ nhuộm vải, cộng thêm sự mua sắm lãng phí của khách hàng vì chạy theo xu hướng thời trang nhanh (Fast Fashion). Hầu hết, những sản phẩm Fast Fashion có độ bền thấp và khó phân huỷ. Do đó, ngoài việc khuyến khích khách hàng mua ít đi khi chọn cho mình tủ đồ thông minh, Hà cũng khuyến khích khách hàng lựa chọn đồ đã qua sử dụng (secondhand).
Điểm lợi là có thể tiết kiệm được ngân sách so với việc mua mới. Tuy nhiên, chỉ khi khách hàng có điều kiện về thời gian và sẵn lòng chờ để mua được món hời phù hợp, vì ở Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn cho mặt hàng này. Hơn nữa vóc dáng (bodyshape) cũng là một trở ngại vì không phải ai cũng tìm được món đồ ưng ý và vừa vặn từ đồ secondhand. Hà cũng thấy khách hàng cũng khá cởi mở với đồ đã qua sử dụng. Vấn đề vệ sinh (hygiene) không phải là điều họ bận tâm vì họ tin những đối tác uy tín cũng đã có quy trình làm tốt việc này.
Việc tìm kiếm hàng secondhand trên thị trường quốc tế qua các ứng dụng online vẫn hiếm vì khách hàng muốn đi cùng với stylist để thử ngay và luôn tại shop và có lời khuyên tại chỗ. Hơn nữa việc này cũng mất nhiều thời gian hơn và phải chờ đợi để thấy “kết quả” nên cả stylist và khách hàng cũng chưa mặn mà lắm. Có thể trong tương lai, khi khách hàng cảm thấy thoải mái với các ứng dụng online và có kế hoạch dài hơi cho tủ quần áo của mình thì nhu cầu này sẽ gia tăng.
* Kế hoạch của Hà trong tương lai cho Styleline? Đặc biệt là để vượt qua thời gian khó khăn mang tên COVID-19 này?
Kế hoạch lớn nhất mà Hà ấp ủ cho Styleline là làm sao có thể lan toả rộng hơn những giá trị tích cực, kiến thức hữu ích để chị em chúng ta trở nên đẹp hơn, tự tin hơn cho dù mình đang sinh sống ở đâu. Kế hoạch sẽ dài hơi, Hà xin không chia sẻ nhiều, sợ nói trước bước không qua (cười).
* Cám ơn Hà đã chia sẻ. Chúc Hà đạt được thành công cho những kế hoạch của mình.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
* Nguồn: Brands Vietnam