Marketer Đỗ Duy Thanh
Đỗ Duy Thanh

Founder & CEO @ FNB DIRECTOR and Horeca Business School

Kinh nghiệm “xương máu” trong việc xây dựng và quản lý cửa hàng, chuỗi bán lẻ

Kinh nghiệm “xương máu” trong việc xây dựng và quản lý cửa hàng, chuỗi bán lẻ

Bán lẻ là một thị trường hấp dẫn với những ai tham gia vào “cuộc chơi”. Người ngoài cuộc có thể cảm thấy hứng thú, nhưng người trong cuộc lại cảm thấy ngột ngạt và phải hoàn thiện liên tục. 

Với kinh nghiệm setup, vận hành, quản lý cũng như cố vấn cho khá nhiều chuỗi bán lẻ từ ngành hàng ăn uống, thực phẩm cho đến siêu thị mini, siêu thị lớn, tôi xin phép chia sẻ một số kinh nghiệm “xương máu” của người trong ngành để bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn về kinh doanh bán lẻ.

Bức tranh toàn cảnh ngành bán lẻ Việt Nam

Bán lẻ là gì?

Có lẽ không cần nêu ra thì bạn đọc cũng đã hiểu rõ về khái niệm bán lẻ, đây là mô hình phân phối đầu cuối trong chuỗi phân phối giúp tiếp cận khách hàng. Tuỳ theo ngành hàng, sản phẩm có thể được mang về hoặc tiêu dùng tại chỗ. Tại cửa hàng bán lẻ có thể diễn ra hoạt động thương mại đơn thuần (mua đi bán lại hàng hoá), sản xuất chế biến (mua hàng hoá, nguyên vật liệu về để sơ chế, sản xuất, chế biến ra thành phẩm, rồi mới bán lại cho người tiêu dùng) hoặc dịch vụ (có nhân viên tham gia phục vụ khi khách tiêu dùng tại chỗ).

Bán lẻ là mô hình phân phối đầu cuối trong chuỗi phân phối giúp tiếp cận khách hàng

Mô hình hoạt động

  • Bán lẻ truyền thống gồm có các loại cửa hàng như: Street Shops (cửa hàng ven đường), Wet Market (cửa hàng bán đồ tươi sống), Specialty Stores (cửa hàng chuyên đề), Direct Stores (cửa hàng bán lẻ trực tiếp của nhãn hàng) và Other GTs (những mô hình bán lẻ truyền thống khác)... Đặc điểm chung của các loại cửa hàng này là quy mô nhỏ lẻ, thường được quản lý kiểu thủ công với sự tham gia của các thành viên trong gia đình, có hoặc ít ứng dụng công nghệ quản lý. Nhóm này vẫn đang chiếm vị thế chủ đạo trong tổng thị phần bán lẻ cả nước.
  • Bán lẻ hiện đại được tổ chức chuyên nghiệp với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ quản lý và coi trọng việc tuyển dụng đào tạo nhân viên một cách bài bản. Nhóm này có tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ qua mỗi năm, đặc biệt là ở các đô thị, bao gồm: Hyper/ Supper Market (đại siêu thị/ siêu thị), Mini Store (siêu thị mini/ cửa hàng tiện lợi), bán lẻ trực tuyến. Bán lẻ trực tuyến có thể tồn tại ở mô hình tích hợp cửa hàng vật lý hoặc chỉ tập trung vào gian hàng ảo trên internet qua website, sàn thương mại điện tử...

Tỷ trọng thị phần đóng góp của từng mô hình bán lẻ trên cả nước (Q&Me 4/2021)

Những kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản lý cửa hàng, chuỗi bán lẻ

Planning (Kế hoạch kinh doanh)

Từng chữ P trong hình dưới đây đều nằm trong phần kế hoạch kinh doanh, nhưng rất nhiều người tham gia mảng bán lẻ lại bỏ qua chữ P quan trọng nhất – Planning.

Điều kiện tối thiểu để bước chân vào lĩnh vực bán lẻ là có trong tay kế hoạch kinh doanh hàng năm và định hướng kinh doanh trung hạn 2-3 năm tiếp theo.

Với mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, việc lên kế hoạch kinh doanh thường được thực hiện khá bài bản với các thông số về tài chính tương đối rõ ràng, kèm theo đó là các kịch bản sẽ diễn ra với từng tình huống doanh thu thực tế.

Nhà bán lẻ cần phân tích kỹ về khách hàng, đối thủ và mô hình kinh doanh để xác định chiến lược cạnh tranh một cách rõ ràng.

Kế hoạch kinh doanh cần định rõ thời gian thực hiện cho mỗi hạng mục.

Bán lẻ được hiểu là bỏ số tiền lớn và thu về bạc lẻ, điều này không sai và đòi hỏi người kinh doanh cần quan tâm đến số lượng khách hàng sẽ phục vụ và chi tiêu của họ khi đến cửa hàng.

Kế hoạch kinh doanh bán lẻ

Product Assortment & Partners (Supply Chain Management)

Product Assortment (Chiến lược phân loại)

Danh mục sản phẩm quyết định rất nhiều đến sự thành công của nhà bán lẻ. Khách hàng quan tâm đến những thương hiệu phổ biến, còn nhà kinh doanh thường quan tâm đến thương hiệu ít phổ biến vì nó mang lại lợi nhuận gộp cao hơn. Cho nên, việc cân bằng được cả hai nhóm hàng trên là điều cần thiết.

Một cửa hàng chuyên đề cần cân nhắc mở rộng sản phẩm theo chiều ngang hay chiều dọc.

  • Mở rộng theo chiều dọc là tập trung vào nhiều dòng sản phẩm, nhiều thương hiệu của cùng ngành hàng.
  • Mở rộng theo chiều ngang là mở rộng thêm các nhóm ngành hàng gần với sản phẩm cốt lõi.

Ví dụ về cửa hàng rượu nhập khẩu với nhiều nhóm sản phẩm rượu vang, rượu mạnh. Nhà bán lẻ mở rộng theo chiều dọc có nghĩa là tập trung vào nhóm rượu vang, tạo ra bộ sưu tập rượu của tất cả các quốc gia sản xuất rượu vang, tất cả các phong cách sản xuất và đa dạng nhãn hiệu. Tuy nhiên, nếu mở rộng theo chiều ngang, nhà bán lẻ sẽ bán thêm bia nhập khẩu, rượu sake, shochu, thậm chí bán thêm các thực phẩm cao cấp như thịt bò, thịt heo muối, xúc xích nhập khẩu...

Một ví dụ khác dễ nhìn thấy ở thị trường hơn là cửa hàng bán cà phê. Nhiều cửa hàng tập trung vào bán các món liên quan đến cà phê và chỉ mở rộng một vài loại nước giải khát đóng chai. Một số quán khác kết hợp bán đồ ăn sáng, món ăn văn phòng hoặc bán đa dạng các nhóm đồ uống như trà sữa, sinh tố, nước ép, thậm chí là bia và cocktail.

Một ví dụ về Product Category & Assortment trong nhóm ngành hàng tiêu dùng (FMCG)

Ngoài ra, việc thiết lập phong cách phục vụ tại cửa hàng bán lẻ khá quan trọng. Ở đây, tôi sẽ chia sẻ một số phong cách phục vụ phổ biến:

  • Counter Service (Phục vụ tại quầy): Hàng hoá nằm ngoài tầm với của người mua và phải được lấy từ người bán. Loại hình bán lẻ này phổ biến đối với các mặt hàng nhỏ, đắt tiền như đồ trang sức và các mặt hàng được kiểm soát như thuốc và rượu bia.
  • Delivery (Giao hàng tận nơi): Khách hàng có thể đặt hàng qua catalogue/ điện thoại/ đặt hàng trực tuyến từ website nhà bán lẻ, các sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng. Sau đó, hàng hoá sẽ được giao đến tận địa chỉ khách hàng yêu cầu.
  • Pickup (Đặt trước và ghé cửa hàng lấy): Khách hàng đặt hàng qua kênh trực tuyến hoặc qua điện thoại nhưng sẽ nhận hàng trong cửa hàng vật lý.
  • Curbside Pickup (Nhận hàng ở ngoài cửa hàng): Khách hàng đặt hàng qua kênh trực tuyến hoặc qua điện thoại nhưng sẽ nhận hàng ngoài cửa hàng vật lý. Hình thức này tăng trưởng nhanh chóng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
  • Self-service (Tự phục vụ): Mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị là ví dụ điển hình của hình thức này. Khách hàng có thể tự do lựa chọn và sau đó thanh toán tại quầy thu ngân.
  • Door-to-door Sales (Bán hàng tận cửa nhà): Nhân viên sales sẽ đi theo lộ trình đến từng nhà để chào hàng. Hình thức này khá phát triển ở Việt Nam vào cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000. Tuy nhiên vì có nhiều biến tướng như hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái... hình thức bán hàng này ít được áp dụng ở nước ta hiện tại.
  • Digital Delivery or Download (Tải ấn bản điện tử): Hình thức bán hàng này áp dụng với các sản phẩm điện tử như âm nhạc, video, tài liệu, sách điện tử... Sản phẩm sẽ được phân phối bằng cách tải xuống máy tính hoặc điện thoại thông minh của người mua.

Partners (Supply Chain) 

Mối quan hệ với nhà cung cấp là yếu tố then chốt để nhà kinh doanh vận hành thuận lợi mô hình bán lẻ.

Với quy mô nhỏ, bạn chỉ là trung gian thương mại cho các thương hiệu, nên việc có được chính sách chiết khấu thương mại tốt, sự hỗ trợ về thời gian giao hàng, điều kiện đổi trả hàng hoá, thời gian thanh toán... sẽ quyết định đến hiệu quả tài chính. Hãy nhớ rằng chỉ chênh lệch 1% chiết khấu thương mại hoặc công nợ từ tiền mặt qua công nợ 30 ngày đã là một thành công về dòng tiền trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhà bán lẻ cũng cần cân nhắc về chính sách ký gửi cho các nhãn hàng mới. Đây là cơ hội để có lợi nhuận (vì nhãn hàng mới thường mang lại chiết khấu thương mại tốt hơn nhãn hàng phổ biến) và tạo thêm sự lựa chọn cho khách hàng.

Cùng với đó, đối tác giao hàng, đối tác triển khai chương trình Marketing... cũng không kém phần quan trọng.

Mối quan hệ với nhà cung cấp là yếu tố then chốt để nhà kinh doanh vận hành thuận lợi mô hình bán lẻ.
Nguồn: Envato

Place (Địa điểm và kênh phân phối)

Location (Địa điểm kinh doanh)

Vị trí cửa hàng là quyết định tối quan trọng trong kinh doanh bán lẻ và dưới đây là một số lưu ý:

  • Khách hàng mua lẻ ưu tiên tính tiện lợi về khả năng tiếp cận cửa hàng.
  • Vị trí gần nguồn khách hoặc “mỏ neo” với các mô hình kinh doanh có lượng khách phù hợp.
  • Vị trí có lượng khách hàng ổn định quanh năm, hạn chế khu vực kinh doanh có tính thời vụ.
  • Đường hai chiều và không dải phân cách chiếm ưu thế.
  • Mặt tiền rộng tầm 4m trở lên và góc hai mặt tiền chiếm ưu thế.
  • Khu vực an ninh an toàn.
  • Có bãi để xe phù hợp quy mô.

Distribution Channel (Kênh phân phối)

Tích hợp kênh bán hàng online và offline là yếu tố mà nhà bán lẻ cần lưu ý. Việc xuất hiện trên kênh online và giao hàng tận trở thành một xu hướng quan trọng, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Cửa hàng bán lẻ hiện đại có thể xây dựng gian hàng ảo trên Zalo, Shopee, Tiki, Grabmart... hoặc tự xây dựng website thương mại điện tử để tạo sự tiện lợi cho khách hàng, hay đơn giản là bán hàng qua Facebook như fanpage hoặc livestream.

Xây dựng đội ngũ cộng tác viên bán hàng cũng giúp nhà bán lẻ mở rộng phạm vi bao phủ khách hàng bên ngoài cửa hàng.

Tích hợp kênh bán hàng online và offline

Physical Environment & Presentation

Không gian cửa hàng

Với mô hình bán lẻ, việc kích thích khách hàng ở lại lâu hơn giúp tăng khả năng chi tiêu của họ.

  • Kiến trúc cửa hàng ảnh hưởng đến cảm nhận chung của khách hàng khi bước vào.
  • Các yếu tố như nhiệt độ, âm thanh, ánh sáng cũng góp phần tạo điểm chạm.
  • Nội thất, trang thiết bị bao gồm cả kệ hoặc tủ trưng bày sẽ tạo điểm nhấn cho hàng hoá được bày trí trên đó.
  • Cửa hàng thường dùng tường kính ở mặt tiền để lấy ánh sáng mặt trời tạo không khí tự nhiên. Tuy nhiên cần lưu ý về khả năng bảo quản hàng hoá vì bức xạ nhiệt thường tác động khá lớn đến sản phẩm, hàng hoá nói chung.

Kiến trúc cửa hàng ảnh hưởng đến cảm nhận chung của khách hàng khi bước vào

Quản lý trưng bày

  • Layout bày trí hàng hoá phải logic và thuận lợi cho việc di chuyển và tìm kiếm của khách hàng.
  • Hàng hoá để vừa tầm với của khách và được sắp đặt cẩn trọng không gây nguy hiểm.
  • Cần có các bảng hướng dẫn về khu vực bày trí của mỗi ngành hàng.
  • Vị trí trưng bày và số mặt hàng trưng bày cho một mã hàng quyết định quan trọng đến tâm lý người mua.
  • Các vị trí đầu kệ, ngang tầm mắt, quầy thu ngân sẽ kích thích khách hàng mua nhiều hơn các vị trí khác. Đối với những chuỗi bán lẻ có quy mô lớn, nhà bán lẻ sẽ tính phí trưng bày tại các khu vực quan trọng tiếp xúc và trong tầm ngắm của khách hàng.
  • Những quầy trưng bày hàng hoá thời vụ hoặc hàng khuyến mãi sẽ được khách hàng quan tâm nhiều hơn khi tham quan cửa hàng.
  • Trưng bày hàng mẫu hoặc các poster, standee, banner khổ lớn ở mặt tiền (ngoại thất) sẽ kích thích khách ghé qua cửa hàng.

Layout bày trí hàng hoá phải logic và thuận lợi cho việc di chuyển và tìm kiếm của khách hàng

Personal Selling (Bán hàng cá nhân)

  • Up-sell, Cross-sell và Suggestive Selling là những kỹ thuật hiệu quả trong việc làm tăng khả năng chi tiêu của khách hàng, nếu như nhân viên thể hiện tốt vai trò của mình.
  • Việc tuyển dụng với những tiêu chí khắt khe, đào tạo kiến thức sản phẩm và kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng bán hàng cần được quan tâm.
  • Việc đào tạo cần được triển khai liên tục thông qua briefing hàng ngày hoặc định kỳ...
  • Việc bán hàng không chỉ phụ thuộc vào lời tư vấn của nhân viên bán hàng, mà còn đến từ tổng thể trải nghiệm về thái độ phục vụ của tất cả nhân sự trong cửa hàng, từ nhân viên bảo vệ đến nhân viên bán hàng, nhân viên quản lý ngành hàng và kể cả thu ngân, tạp vụ...

Việc bán hàng không chỉ phụ thuộc vào lời tư vấn của nhân viên bán hàng

Price & Promotion (Định giá và truyền thông)

Định giá & chương trình kích thích bán hàng

Hãy cho khách hàng một lý do để ghé vào cửa hàng bán lẻ của bạn. Các chương trình khuyến mãi là một trong số đó. Sau đây là những cách thức định giá linh hoạt và chương trình kích thích bán hàng thường được sử dụng:

  • Thiết lập giá với công thức: Giá bán = Giá vốn / (1 - % tỷ suất lợi nhuận gộp mong muốn). Tuỳ theo ngành hàng mà tỷ suất lợi nhuận gộp có thể từ 10% đến 40%.
  • Định giá tâm lý với đuôi là số 9 cho các ngành hàng phổ thông.
  • Giảm giá sâu dưới mức giá vốn cho một số sản phẩm nhằm thu hút khách hàng ghé cửa hàng và kỳ vọng khách hàng có thể mua thêm những sản phẩm khác kèm theo, ví dụ ưu đãi 50%...
  • Bán hàng giá vốn/ đồng giá cho một số sản phẩm.
  • Chiết khấu/ giảm giá theo số lượng: Mua 2 sản phẩm giảm 5%, 3 sản phẩm giảm 10%, 4 sản phẩm giảm 15%...
  • Giá rẻ mỗi ngày, giá rẻ cuối ngày, cuối tuần...
  • Hoàn tiền mặt hoặc tích điểm khi đơn hàng đạt số tiền nhất định: Hoá đơn 500.000 đồng được hoàn 25.000 đồng).
  • Hóa đơn từ x đồng sẽ được tặng sản phẩm/ mua danh mục hàng hoá với giá sốc.
  • Dùng thử sản phẩm.
  • Quà tặng khi giới thiệu khách hàng mới.
  • Bốc thăm trúng thưởng...

Các chương trình khuyến mãi là một trong số những lý do khiến khách hàng ghé vào cửa hàng

Để triển khai những chương trình này, nhà bán lẻ cần có nhân sự am hiểu về phần mềm bán hàng tích hợp CRM thì mới có thể kiểm soát được. Hãy hỏi rõ đơn vị bán phần mềm quản lý về chức năng, loại chương trình kích thích bán hàng có thể cài đặt trên phần mềm để từ đó định hướng chương trình phù hợp.

Kênh truyền thông

Việc truyền thông chương trình kích thích bán hàng có thể thực hiện qua các hình thức:

  • Ấn phẩm Marketing tại cửa hàng.
  • Lời rao/ chào hàng của nhân viên bán hàng tại cửa hàng.
  • Ấn phẩm Marketing được phân phối offline đến từng nhà hoặc chiến dịch Roadshow.
  • Thiết lập khu vực riêng cho hàng hoá có áp dụng khuyến mãi.
  • Truyền thông online qua các kênh chính thức của nhà bán lẻ.
  • Truyền thông thông qua nhân viên bán hàng hoặc cộng tác viên bán hàng.
  • Tuỳ theo quy mô của chuỗi bán lẻ mà bạn có thể lựa chọn kênh truyền thông phù hợp.

Các hình thức truyền thông chương trình khuyến mãi ngoài cửa hàng

Chăm sóc khách hàng

  • Trong bán lẻ hiện đại, nhà kinh doanh bắt buộc phải có phần mềm CRM tích hợp với phần mềm bán hàng để lưu giữ thông tin khách hàng. Đây cũng là cơ sở để thực thi các chính sách chăm sóc khách hàng trung thành.
  • Tạo thẻ thành viên thông qua số điện thoại, từ đó nhà bán lẻ có thể đếm được tần suất và doanh thu tích luỹ của khách hàng, định hình sự trung thành của họ.
  • Vì tỷ suất lợi nhuận không quá cao, nên việc tích điểm là hướng phổ biến trong bán lẻ. Tuỳ theo định hướng cửa hàng, việc tích điểm có thể là 1-5% doanh thu. Ví dụ, cứ 100.000 đồng khách chi tiêu sẽ được tích 1.000-5.000 đồng vào thẻ thành viên. Điểm tích luỹ thông lệ được cộng dồn và trả thưởng trong vòng 1 năm để phân hạng thẻ.
  • SMS Brandname cũng được ưu tiên sử dụng để truyền thông đến khách hàng các chương trình ưu đãi, chương trình tri ân khách hàng.

Xây dựng cộng đồng cho nhà bán lẻ

  • Cộng đồng về sở thích/ chuyên môn: rượu, bia, ăn uống, thời trang, đồng hồ...
  • Cộng đồng thiện nguyện, hoạt động xã hội.

Khai thác tối đa phần mềm POS và CRM

  • Trong kinh doanh bán lẻ, việc phân tích hành vi mua hàng từ dữ liệu bán hàng là vô cùng quan trọng. Quản lý cửa hàng cần theo dõi và đánh giá xu hướng bán hàng để từ đó triển khai kinh doanh hiệu quả.
  • Các chiến dịch marketing, kích thích bán hàng phải được đo lường từ phần mềm để đánh giá hiệu quả và hiệu chỉnh cho những chiến dịch tiếp theo.

Process & Performance (Quản trị vận hành & hiệu quả)

Hệ thống quản lý

Phần mềm quản lý bán lẻ là yêu cầu rất quan trọng để kiểm soát các vấn đề trong vận hành. Khi chọn phần mềm, hãy chắc rằng nó chuyên dụng cho cửa hàng bán lẻ. Nhà bán lẻ chỉ cần yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm chia sẻ tính năng và những khách hàng nào đang sử dụng hệ thống của họ để có cơ sở ra quyết định. Nếu quy mô chuỗi lớn, bạn có thể cân nhắc xây dựng hệ thống phần mềm riêng biệt. Tuy nhiên quyết định sở hữu phần mềm riêng sẽ rất tốn kém về chi phí thiết kế và thời gian triển khai, cũng như hiệu chỉnh.

Phần mềm quản lý bán lẻ là yêu cầu rất quan trọng để kiểm soát các vấn đề trong vận hành

Một số lưu ý về phần mềm quản lý:

  • Phần mềm phải tích hợp chức năng từ bán hàng (POS) cho đến quản lý kho (Inventory), quản lý quan hệ khách hàng (CRM).
  • Tuỳ theo quy mô chuỗi cửa hàng có thể bổ sung chức năng kế toán, quản lý nhân sự... và thậm chí tích hợp thêm các ứng dụng bên ngoài.
  • Trên phần mềm, tuỳ theo phân quyền, bạn có thể tiếp cận được các dữ liệu khác nhau. Nếu bạn nắm quyền admin, bạn sẽ truy cập mọi dữ liệu từ phần mềm.
  • Ngoài phần mềm, nhà bán lẻ vẫn cần hệ thống văn bản, quy trình, hướng dẫn triển khai và báo cáo công việc hàng ngày.

Hệ thống thanh toán

  • Cần đa dạng, nhanh chóng và tiện lợi.
  • Các hình thức cơ bản như tiền mặt, thanh toán qua thẻ tín dụng.
  • Các hình thức mới như ví điện tử Momo, VNPay được khách hàng ưa chuộng vì những ưu đãi khi sử dụng chúng.

Kiểm soát hàng hoá tồn kho

  • Kiểm kê kho được tiến hành khi cửa hàng ngưng hoạt động sẽ cho kết quả chính xác.
  • Tất cả hàng hoá xuất nhập hàng ngày, hàng hoá hư hỏng/ bị huỷ cần được ghi nhận trên phần mềm và cập nhật vào phần mềm.
  • Tuỳ theo ngành hàng mà bạn định chuẩn thời gian kiểm kê kho. Thời gian kiểm kê hàng hoá càng ngắn thì mức độ kiểm soát hàng hoá càng cao. Ví dụ, cửa hàng kinh doanh đồ uống như cà phê, trà sữa có thể kiểm kê hàng hoá nguyên vật liệu vào cuối mỗi ngày. Với các ngành hàng mà số lượng mã sản phẩm lớn sẽ kiểm kê 1-2 lần/tháng tuỳ theo quyết định của nhà bán lẻ.
  • Việc sắp xếp hàng lên kệ trưng bày, kiểm tra chất lượng/ hạn sử dụng phải được tiến hành như công việc hàng ngày, hàng giờ của nhân viên tại cửa hàng bán lẻ.

Thời gian kiểm kê hàng hoá càng ngắn thì mức độ kiểm soát hàng hoá càng cao
Nguồn: Envato

Giải pháp kiểm soát hàng hoá

  • Tăng cường vai trò của bảo vệ trong kiểm soát ra vào cửa hàng và sử dụng tủ để đồ dành riêng cho nhân viên giúp hạn chế việc mất cắp hàng hoá.
  • Thông điệp tặng quà, voucher hoặc kể cả miễn phí đơn hàng nếu thu ngân không trình hoá đơn mua hàng cho khách hàng.
  • Quy định thưởng phạt phân minh, phạt nặng đến buộc thôi việc với các hành vi gian lận.
  • Thường xuyên tái kiểm tra qua hệ thống camera an ninh.

Quản lý hiệu quả

  • Trên phần mềm, tuỳ theo phân quyền bạn có thể tiếp cận được các dữ liệu khác nhau. Nếu bạn nắm quyền admin, bạn sẽ truy cập mọi dữ liệu từ phần mềm. Đây là cơ sở đánh giá hiệu quả về mặt số liệu.
  • KPI nên được phân bổ đến từng nhân sự trong cửa hàng. Quản lý cửa hàng chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính như doanh thu, chi phí và quản lý nhân viên. Mỗi nhân viên phụ trách ngành hàng sẽ chịu trách nhiệm về ngành hàng đó. Bán lẻ có khối lượng công việc khá nhiều nên mỗi nhân viên cần có checklist công việc và có người giám sát kiểm tra lại checklist đó.
  • Các báo cáo cần được thiết lập và họp bàn hàng ngày trong cuộc họp ngắn vào sáng mỗi ngày, để tất cả nhân viên cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy thực hiện KPI.

Chiến lược tăng trưởng

  • Nhượng quyền thương mại.
  • Đào tạo và phát triển đội ngũ bán hàng, cộng tác viên bán hàng.
  • Đa dạng kênh phân phối ngoài cửa hàng vật lý.