Onfluencer: Tất tần tật những gì cần biết để triển khai một chiến dịch TikTok Influencer Marketing hiệu quả
Đừng đề cập đến việc triển khai một chiến dịch TikTok Influencer Marketing hiệu quả, vì nếu không thực sự hiểu bản chất của phương pháp này, Marketer không thể khởi động dự án một cách trơn tru.
“Chậm mà chắc”, hãy cùng Onfluencer tìm hiểu những thông tin cần thiết về Influencer Marketing trên TikTok trong bài viết dưới đây trước khi triển khai chiến dịch.
TikTok Influencer Marketing là gì?
TikTok là gì?
TikTok là một nền tảng chia sẻ video trực tuyến được xây dựng bởi ByteDance – một công ty công nghệ internet đa quốc gia của Trung Quốc. TikTok cho phép người dùng tạo lập và chia sẻ những đoạn video dài 15-60s trên tài khoản cá nhân của họ.
Điểm giống nhau giữa TikTok và các mạng xã hội khác là ứng dụng này cho phép người dùng thực hiện các hành động “thả tim”, chia sẻ, bình luận vào video của những người họ theo dõi. Tuy nhiên, TikTok cung cấp cho người dùng (các TikToker) một kho hiệu ứng hình ảnh và âm thanh khổng lồ hoàn toàn miễn phí, giúp họ chỉnh sửa và biên tập video trực tiếp trên ứng dụng.
TikTok Influencer Marketing được hiểu là hình thức Marketing thông qua các Influencer trên nền tảng TikTok.
Chính điểm khác biệt này đã khiến TikTok trở thành cơn “bão”, giúp ứng dụng trở thành đối thủ xứng tầm khi được so sánh với các “ông lớn” Facebook, YouTube, Instagram...
TikTok Influencer Marketing là gì?
Influencer Marketing hiểu đơn giản là một phương pháp Marketing thông qua người ảnh hưởng – những người có lượt theo dõi và tương tác nhiều trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Instagram, Facebook. Đồng thời, họ cũng là những người “nổi tiếng”, có tiếng nói và sức ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng người theo dõi trên các tài khoản mạng xã hội.
Về cơ bản, trong một chiến dịch Influencer Marketing, Influencer có nhiệm vụ phối hợp với doanh nghiệp, sử dụng tiếng nói và hình ảnh của mình để truyền thông tới đối tượng khách hàng mục tiêu sản phẩm, dịch vụ hoặc hình ảnh của doanh nghiệp. Như vậy, TikTok Influencer Marketing được hiểu là hình thức Marketing thông qua các Influencer trên nền tảng TikTok.
Doanh nghiệp khi muốn sử dụng hình thức Marketing này sẽ phải kết nối với các TikToker có nhiều lượt theo dõi và tương tác trên TikTok để xây dựng và chia sẻ những nội dung phục vụ mục đích của doanh nghiệp.
Có nên sử dụng TikTok Influencer Marketing?
Giữa vô vàn những phương pháp Marketing quen thuộc và phổ biến, liệu doanh nghiệp có cần thiết thay đổi chiến dịch Marketing không? Và liệu TikTok Influencer Marketing có phải là sự đầu tư đúng đắn?
Để trả lời hai câu hỏi này, ta cần tìm hiểu một chút về tiềm năng của TikTok.
Tổng quan về TikTok
TikTok chính thức ra mắt vào năm 2016 và ngay lập tức nhận được sự quan tâm của người dùng trong nước. Tuy nhiên, phải đến năm 2018, Tikok mới thực sự bùng nổ khi công ty mẹ ByteDance mua lại Musical.ly và hợp nhất hai đơn vị này làm một, chính thức tạo cơ hội cho TikTok tiếp cận với Gen Z (những người sinh từ 1997-2012, theo US Census Publication)
Sự kiện này đã giúp TikTok thu về số lượt tải ứng dụng tăng gấp 660 lần, thu hút gần 188 triệu người dùng mới chỉ riêng trong quý I/2019 so với một năm trước.
Đặc biệt trong năm 2020, TikTok có mặt ở khắp nơi, thu hút hàng trăm triệu người dùng trên khắp thế giới. Tại thị trường Việt Nam, đến cuối tháng 3/2019, nền tảng này có hơn 12 triệu người dùng mỗi tháng và hơn 1.000 nhà sáng tạo nội dung. TikTok dường như là ứng dụng phổ biến với Gen Z bởi đây là “vùng đất” để các bạn trẻ thoả sức sáng tạo.
Có nên sử dụng TikTok Influencer Marketing?
Theo một số khảo sát, có tới 2/3 tài khoản TikTok có độ tuổi dưới 30 tuổi và trung bình họ dành 52 phút mỗi ngày tiêu thụ nội dung trên nền tảng này. Những con số này không chỉ mang ý nghĩa thống kê mà còn thầm gợi mở cho doanh nghiệp tiềm năng “làm quảng cáo” của nền tảng này.
Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tới quy mô khách hàng rộng lớn hơn, Marketing thông qua Influencer trên TikTok còn giúp doanh nghiệp tạo uy tín trong mắt cộng đồng, tăng độ nhận diện thương hiệu và tối đa hiệu quả Marketing nhờ thay đổi linh hoạt nhiều hình thức quảng cáo.
7 bước triển khai một chiến dịch TikTok Influencer Marketing hiệu quả
Tiến hành một chiến dịch TikTok Influencer Marketing không khó, nhưng muốn chiến dịch ấy đạt mục tiêu đã đề ra thì doanh nghiệp cần tuân thủ các bước sau đây:
Bước 1: Nghiên cứu thị trường TikTok
Tương tự trên các nền tảng khác, trước khi bắt đầu chiến dịch Marketing trên TikTok, doanh nghiệp cần phải hiểu thật rõ thị trường. Nghiên cứu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp trả lời các câu hỏi mang tính quyết định đến sự “thành bại” của chiến dịch như:
- Doanh nghiệp đã sẵn sàng tham gia sân chơi này hay chưa?
- Liệu đối thủ cạnh tranh trực tiếp của doanh nghiệp đã có mặt trên TikTok?
- Nếu rồi, mục đích chiến dịch của đối thủ là gì? Đối thủ sử dụng hình thức quảng cáo nào? Hình thức ấy đem lại hiệu quả ra sao?
Ngoài ra, thấu hiểu thị trường còn giúp doanh nghiệp tránh được những sai sót không đáng có khi triển khai chiến dịch, đồng thời tận dụng được tối đa ưu điểm mà nền tảng này mang lại.
Bước 2: Xác định mục tiêu chiến dịch
Kích hoạt một kế hoạch TikTok Influencer Marketing không có mục tiêu rõ ràng giống như đi trong đêm đen mà không có đèn đường vậy. Bạn không biết mình đang ở đâu, cũng không biết hướng đi nào sẽ dẫn bạn tới đích. Ngược lại, một chiến dịch TikTok Influencer Marketing được đặt ra mục tiêu và các mốc thành tựu cần đạt được cụ thể và rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp triển khai chiến dịch tuần tự và hiệu quả.
Bước 3: Tìm kiếm Influencer phù hợp
Theo báo cáo của Statista được thực hiện vào tháng 7/2020, có tới hơn 3,1 triệu Influencer trên TikTok.
Sau khi xác định rõ ràng mục tiêu chiến dịch, doanh nghiệp cần lên kế hoạch tìm kiếm Influencer phù hợp với mục tiêu đó. Theo báo cáo của Statista được thực hiện vào tháng 7/2020, có tới hơn 3,1 triệu Influencer trên TikTok (bao gồm các nhóm Influencer). Con số khổng lồ này vừa mang lại cho doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn, nhưng cũng khiến doanh nghiệp bối rối và gặp ít nhiều khó khăn khi lựa chọn Influencer.
Dưới đây là một số câu hỏi doanh nghiệp cần trả lời để tìm kiếm được Influencer phù hợp:
- Influencer có bao nhiêu lượt theo dõi? Mức độ tương tác các bài đăng gần đây của Influencer như thế nào?
- “Khán giả” của Influencer thuộc nhóm đối tượng có độ tuổi trung bình bao nhiêu? Giới tính là gì?
- Định hướng nội dung của Influencer trên TikTok là gì?
Bước 4: “Giao phó quyền năng” cho Influencer
Đa số Influencer có thời gian tiếp xúc và sử dụng TikTok lâu hơn doanh nghiệp. Do đó, họ có sự hiểu biết nhất định về nền tảng này, đặc biệt là cách thức xây dựng một nội dung có tính viral (tính lan toả). Doanh nghiệp nên tạo không gian cho Influencer sáng tạo nội dung mang phong cách cá nhân để tiếp cận tự nhiên nhất tới người theo dõi của họ nói riêng và cộng đồng TikToker nói chung.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo Influencer hiểu rõ về mục tiêu của chiến dịch doanh nghiệp đang triển khai. Đồng thời, nội dung quảng cáo phải tuân thủ các quy tắc cộng đồng và không có tiềm năng ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp trong tương lai.
Bước 5: Đo lường hiệu quả chiến dịch
Đo lường hiệu quả chiến dịch Influencer Marketing trên TikTok cũng giống như các nền tảng nào khác, là chìa khoá dẫn dắt doanh nghiệp đi đúng hướng, nhờ đó tối đa hoá hiệu quả chiến dịch.
Bằng cách thường xuyên kiểm tra và xác định các chỉ số thể hiện kết quả hoạt động của chiến dịch, doanh nghiệp có thể biết được yếu tố nào đang hoạt động không hiệu quả, nguyên nhân và đưa ra các biện pháp khắc phục.
Chẳng hạn, với mục tiêu gia tăng sự nhận diện thương hiệu, doanh nghiệp cần thường xuyên đo lường và ghi chép số lượt xem, thả tim, bình luận của người dùng TikTok với video quảng bá đó. Nếu các chỉ số tương tác không khả quan, doanh nghiệp có thể xem xét và điều chỉnh các yếu tố gây nên sự kém hiệu quả đó như: thời gian đăng bài, nội dung đăng tải, concept nội dung... thậm chí là Influencer doanh nghiệp đang hợp tác.
Bước 6: Thử nghiệm nhiều hình thức quảng cáo TikTok
Dưới đây là một số hình thức quảng cáo TikTok doanh nghiệp có thể tham khảo:
- Quảng cáo In-feed
Đây là định dạng quảng cáo có độ dài từ 5-15 giây, xuất hiện chủ yếu ở màn hình “Dành cho bạn” khi người dùng TikTok sử dụng ứng dụng. Điểm cộng của quảng cáo In-feed là cho phép doanh nghiệp gắn lời kêu gọi hành động và link dẫn ngoài trực tiếp lên video quảng cáo. Ngoài ra, định dạng quảng cáo này cũng cho phép doanh nghiệp tuỳ chọn tệp đối tượng quảng cáo theo độ tuổi, giới tính, vị trí địa lý… giúp doanh nghiệp nhắm đúng khách hàng mục tiêu.
- Quảng cáo TikTok Hashtag Challenge
Nếu như có một hình thức quảng cáo TikTok doanh nghiệp được khuyến khích nên thử, đó chắc chắn là quảng cáo Tiktok Hashtag Challenge. Đây là hình thức quảng cáo sử dụng những hashtag kêu gọi người dùng TikTok tham gia một thử thách nào đó. Thử thách này được xây dựng dựa trên sự sáng tạo của Tiktok Creator và mục tiêu chiến dịch mà doanh nghiệp đề ra.
Video quảng cáo theo hình thức này thường xuất hiện trên trang khám phá, đính kém là đường link dẫn các TikToker tới một màn hình hướng dẫn cách tham gia thử thách. Tại đây, bạn cũng có thể xem thử thách đã có tổng bao nhiêu lượt xem, lượt tham gia và video của những người tham gia thử thách.
- Quảng cáo Brand Takeover
Nhìn chung, hình thức video quảng cáo Brand Takeover tương đối giống quảng cáo In-feed. Tuy nhiên, quảng cáo Brand Takeover được hiển thị ở ngoài màn hình chính TikTok. Tức là bạn sẽ “chạm trán” với video quảng cáo này khi đăng nhập ứng dụng. Ngoài ra, quảng cáo Brand Takeover cũng có thể xuất hiện trên luồng tin (Newsfeed) của người dùng TikTok. Vị trí hiển thị này tương đối quen thuộc, nó hoạt động tương tự như các quảng cáo trên bảng tin của Facebook hay Instagram.
- Quảng cáo Branded Lenses
Hình thức quảng cáo cuối cùng là Branded Lenses. Đây là tính năng cho phép bạn sử dụng những filter tương tự như Instagram Stories hay Snapchat để quay clip. Những filter này được nhãn hàng thiết kế riêng và sẽ nằm ở trong danh sách Hot và Trending trong 5 ngày đầu tiên kể từ ngày ra mắt nhằm dễ dàng thu hút sự chú ý của người dùng TikTok.
6 yếu tố cấu thành nên một chiến dịch TikTok Influencer Marketing thành công
Tính độc đáo
TikTok là sân chơi dành riêng cho các “nhà sáng tạo”. Tại đây, bạn được tiếp xúc với hàng ngàn video có nội dung hấp dẫn và lôi cuốn mỗi phút, thậm chí mỗi giây. Do đó, hãy đảm bảo video của doanh nghiệp đủ độc đáo và mới mẻ để không bị nhấn chìm trong hàng vạn video khác.
Dẫn đầu xu hướng
Thay vì là người chạy theo xu hướng, hãy tạo ra xu hướng và trở thành kẻ dẫn đầu. Trở thành “người đầu tiên” giúp doanh nghiệp thu được tối đa tương tác và sự quan tâm của cộng đồng, từ đó hình thành bước đệm để đạt được mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp
Tính thử thách
Không phải tự nhiên mà các “thử thách” trên TikTok xuất hiện ngày càng nhiều và dày đặc. Bằng cách đưa ra những thách thức, bạn đang kích thích khao khát chinh phục của họ. Những thử thách này không cần quá dễ để thực hiện hay quá khó để tạo tính thách thức mà cần có sự độc đáo, mới lạ và bắt kịp xu hướng giới trẻ.
Hiệu ứng hình ảnh và âm thanh
Hình ảnh bắt mắt với hiệu ứng sinh động và âm thanh bắt tai sẽ là con “át chủ bài” giúp doanh nghiệp tạo ra hiệu ứng lan toả tự nhiên và hiệu quả cho chiến dịch. Do đó, để một chiến dịch TikTok Influencer Marketing thành công, doanh nghiệp và TikTok Creator cần chăm chút và đầu tư vào từng thước phim, từng đoạn nhạc được đặt trong video của chiến dịch.
Hashtag
Hashtag được xem là “vũ khí tối thượng” trên TikTok, giúp kết nối những video có cùng chủ đề với nhau thông qua một từ hoặc một chuỗi các ký tự viết liền nhau được đặt sau dấu thăng (#). Doanh nghiệp sử dụng hashtag để “thu gom” hàng ngàn video có nội dung tương tự về một địa chỉ duy nhất, giúp bạn chỉ cần ghi nhớ tên hashtag này để truy cập tới chiến dịch của họ.
Hiệu ứng ghép đôi (Duet)
Duet là tính năng cho phép bạn quay video cùng với một người khác trên TikTok. Màn hình TikTok sẽ chia đôi và hiển thị hình ảnh của cả bạn và đối phương cùng làm các hành động như ca hát, nhảy múa... Tính năng Duet trên TikTok ngay khi vừa ra mắt đã tạo nên cơn sốt, thậm chí trào lưu này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó, đây là một yếu tố đáng xem xét nếu doanh nghiệp muốn chiến dịch Influencer Marketing thành công trên nền tảng này.
3 ví dụ thành công về TikTok Influencer Marketing
Chipotle với thử thách lật nắp #Chipotlelidflip
Chipotle Mexican Grill (thường gọi là Chipotle) là một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ với thực đơn gồm 2 món chính: taco và burrito. Ý tưởng triển khai chiến dịch #Chipotlelidflip của hãng được bắt nguồn từ video ghi lại hình ảnh Frederick – một nhân viên làm việc tại Chipotle khéo léo thực hiện kỹ thuật lật nắp Chipotle trong khi đóng gói món ăn cho khách hàng. Ngay sau khi được đăng tải, đoạn clip nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội và thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Nắm bắt được tiềm năng của TikTok cùng “đam mê” thử thách của giới trẻ, Chipotle đã liên hệ với David Dobrik – một TikTok Creator, đồng thời là một “fan bự” của hãng với mục đích “kích hoạt” một chiến dịch Influencer Marketing trên TikTok với mục đích đẩy mạnh đơn hàng online.
Tận dụng sức nóng của Frederick và đoạn clip, David tung ra video bắt chước lại kỹ thuật lật nắp Chipotle, đồng thời kêu gọi những TikToker khác cùng tham gia thử thách.
Với hơn 3 triệu người theo dõi lúc bấy giờ của David, cùng sự lan truyền mạnh mẽ của TikTok, chiến dịch nhận được hơn 110.000 lượt “thử thách” với tổng lượt xem vượt 104 triệu chỉ trong vòng 6 ngày đầu. Sau một tháng, con số này chạm mốc 230 triệu lượt views.
Kết quả là, chiến dịch đem lại cho Chipotle doanh thu đặt hàng online kỷ lục, đồng thời khiến ứng dụng Chipotle trở thành app có lượt download lớn nhất trong một ngày. Ngoài ra, hình ảnh Chipotle còn xuất hiện dày đặc trên các trang thông tin điện tử nổi tiếng như CNBC, Fast Company, BuzzFeed News và The Atlantic. Theo YPulse – chuyên gia nghiên cứu hành vi thế hệ trẻ, #Chipotlelidflip là một trong top 5 chiến dịch có sức lan toả nhất đối với giới trẻ lúc bấy giờ.
Gymshark với thử thách 66 ngày #Gymshark66
Gymshark là thương hiệu quần áo tập gym dành cho giới trẻ được thành lập bởi Ben Francis khi anh mới 19 tuổi. Hình thành và phát triển chưa đầy 10 năm nhưng Gymshark đã đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt, đây còn là cái tên thường xuyên được đưa ra so sánh với Nike và adidas – hai “ông lớn” trên thị trường bán lẻ đồ thể thao.
Có nhiều lý do dẫn đến sự phát triển bùng nổ của Gymshark. Trong đó, không thể không kể đến sự nhanh nhạy và thông minh của hãng khi tiếp cận mô hình “đại sứ” ngay từ những ngày đầu tiên.
Bằng cách hợp tác với các “đại sứ” – những gymer có nhiều lượt theo dõi trên Facebook, YouTube hay Instagram, Gymshark đã thành công “đánh tiếng” tới nhóm khách hàng mục tiêu – người theo dõi của những gymer này về sản phẩm và thương hiệu của hãng. Phương thức Marketing này được đánh giá cao khi Gymshark tung ra chiến dịch thử thách 66 ngày thay đổi hình thể vào năm 2019 trên TikTok.
Với mục tiêu gia tăng sự nhận diện thương hiệu, chiến dịch này đưa ra lời thách thức giới trẻ thay đổi cuộc sống của mình bằng cách điều chỉnh lại những thói quen hằng ngày trong vòng 66 ngày. Những người tham gia sẽ phải đăng tải một đoạn clip ghi lại hình ảnh bản thân trước và sau khi tham gia thử thách, đồng thời gắn hashtag #Gymshark66 để nhận được phần thưởng là 1 năm sử dụng miễn phí sản phẩm của hãng.
Không nằm ngoài dự đoán, #Gymshark66 nhanh chóng nhận được 12.576 bình luận và 2 triệu lượt “thả tim” – tương đương với 11% người dùng TikTok lúc bấy giờ. Ngoài ra, hashtag #Gymshark66 còn gây ra “cú nổ lớn” trên TikTok với tổng lượt xem thu về vượt con số 193 triệu lượt xem chỉ sau hơn 1 tháng ra mắt.
Mucinex với thử thách #Toosicktobesick
Mucinex là một thương hiệu kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ do tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia RB Reckitt Benckiser sáng lập. Mặc dù kinh doanh sản phẩm thuộc ngành hàng sức khoẻ, Mucinex không hề rập khuôn và cứng nhắc trong các kế hoạch truyền thông và quảng bá sản phẩm mới.
Ví dụ tiêu biểu nhất là chiến dịch ra mắt sản phẩm Mucinex Nightshift Cold & Flu (thuốc đặc trị cơn đau đầu và cảm cúm) của hãng trên TikTok năm 2019. Lấy cảm hứng từ không khí mùa lễ hội Halloween cùng sự liên hệ chặt chẽ với tính chất sản phẩm, Mucinex kết hợp với đông đảo Influencer trên TikTok cùng khởi động chiến dịch #Toosicktobesick nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trẻ.
Đây là thử thách khuyến khích TikToker chia sẻ hình ảnh phờ phạc, mệt mỏi, giống “Zoombie” của họ – trước khi sử dụng Mucinex Nightshift Cold & Flu và cách họ trở nên tràn đầy sức sống, giàu năng lượng, sẵn sàng đi “party” – sau khi sử dụng sản phẩm.
Cùng với hình ảnh “đã mắt”, âm thanh “đã tai” và ý tưởng độc đáo, #Toosicktobesick chỉ mất vỏn vẹn 6 ngày để tiếp cận tới hơn 53 triệu người dùng TikTok, thu về 448 triệu lượt ghé thăm hashtag, gần 193 nghìn video thử thách và ngồi “chễm chệ” trên trang chủ của hàng loạt tờ báo nổi tiếng trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo như: PR Week, Media Post, Fierce Pharma và Mobile Marketer.
Theo Business of Apps, tính đến tháng 7/2020 có tới 689 triệu tài khoản TikTok hoạt động hàng tháng. Con số này chứng minh TikTok là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà quảng cáo và doanh nghiệp khai phá. Cùng với tính hiệu quả của Influencer Marketing, phương pháp Marketing thông qua Influencer trên Tiktok chắc chắn sẽ còn phát triển và trở nên phổ biến hơn trong tương lai. Theo đó, việc nhanh chóng cập nhật và ứng dụng hình thức Marketing này càng sớm càng tốt sẽ tạo nên lợi thế cho doanh nghiệp.
* Nguồn: Onfluencer