Marketer Đặng Công Sang
Đặng Công Sang

Senior Journalist @ Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư

Nhượng quyền thương hiệu #1: Tìm hiểu, tham gia và bước ra an toàn

Nhượng quyền thương hiệu #1: Tìm hiểu, tham gia và bước ra an toàn

Việc tìm kiếm các mô hình đầu tư mới trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát gặp nhiều khó khăn, thì các mô hình nhượng quyền thương hiệu đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Đa dạng mô hình, dễ dàng tham gia với chi phí đầu tư linh hoạt là các lợi thế của hình thức nhượng quyền thương hiệu. Thậm chí, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhìn nhận nhượng quyền thương hiệu đóng góp đáng kể vào GDP hằng năm của một quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhất là khi nước ta có dân số trẻ, yêu thích công nghệ và thích tiếp nhận các xu hướng mới.

Bức tranh nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam

Không lâu sau tin đồn đóng cửa, Lotte Việt Nam đã nhanh chóng phủ nhận việc rút khỏi thị trường Việt Nam. Đằng sau các thông tin xung quanh chuỗi fastfood đến từ Hàn Quốc này, có một thông tin đáng chú ý là trong mạng lưới hơn 200 cửa hàng của Lotte Việt Nam, số lượng cửa hàng nhượng quyền đang chiếm gần một nửa.

Như vậy, có thể nói, để đưa Lotte Việt Nam lên top 3 đơn vị fastfood có doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng có sự đóng góp rất lớn từ các nguồn lực bên ngoài.

Nhượng quyền thương hiệu #1: Tìm hiểu, tham gia và bước ra an toàn

Trong mạng lưới hơn 200 cửa hàng của Lotte Việt Nam, số lượng cửa hàng nhượng quyền đang chiếm gần một nửa
Nguồn: VietnamBiz

Thực ra không riêng gì Lotte Việt Nam, nhượng quyền là cách nhanh nhất để họ đưa sản phẩm dịch vụ của mình tăng độ phủ trong thời gian ngắn. Còn ở góc độ quốc gia, nhượng quyền đóng góp không nhỏ vào GDP hằng năm.

Cụ thể theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, nhượng quyền đóng góp khoảng 5-10% GDP hằng năm. Điển hình như ở Mỹ, cái nôi của mô hình này, đóng góp 5,1% vào GDP.

Ở Châu Á, nhượng quyền phát triển mạnh nhất ở Hàn Quốc với mức đóng góp GDP là 7,8%, kế đến là Malaysia 6,3%, Philippines 5% và Singapore 3%. Thậm chí đối với Malaysia, ngành nhượng quyền được chính phủ nước này lựa chọn như một chiến lược dài hạn để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách xuất khẩu mô hình và thương hiệu, thay vì xuất khẩu hàng hoá và sản phẩm.

Nhượng quyền đóng góp khoảng 5-10% GDP hằng năm.

Ở Việt Nam, khái niệm nhượng quyền thương hiệu bắt đầu được biết đến từ trước năm 1975, với hình thức đầu tiên là nhượng quyền trạm xăng dầu của Mỹ như Mobil, Exxon, Shell…Đến thập niên 90, mô hình này bắt đầu tham gia sâu rộng vào nền kinh tế với “phát pháo” đầu tiên đến từ thương hiệu Phở 24 vào năm 2003.

Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 12/6/2020, Việt Nam đã cấp phép cho 262 doanh nghiệp nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến các thương hiệu lớn của nước ngoài như: McDonald’s, Baskin Robbins (Hoa Kỳ), Pizza Hut, Burger King (Singapore), Lotteria, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensen’s (Malaysia), Karen Millen, Coast London (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi (Italia)… Lĩnh vực nhận nhượng quyền thương hiệu từ các thương hiệu nước ngoài nhiều nhất ở Việt Nam là chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng; cửa hàng bán lẻ nội thất, mỹ phẩm, hàng hoá tiêu dùng khác…; thời trang; giáo dục – đào tạo…

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã hình thành mô hình nhượng quyền thương hiệu để phát triển thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu. Ngoài Phở 24 còn có Trung Nguyên, Kinh Đô Bakery, thời trang Ninomaxx, Foci, giày dép T&T, kinh doanh cà phê Bobby Brewers…

Nhượng quyền thương hiệu #1: Tìm hiểu, tham gia và bước ra an toàn

Thương hiệu Phở 24 xuất hiện vào năm 2003 với mô hình nhượng quyền thương hiệu
Nguồn: Toplist

Trong hơn 10 năm qua, mô hình nhượng quyền bắt đầu mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ quanh ngành F&B như thời trang, giặt ủi và gần đây nhất là nhượng quyền bưu cục trong bối cảnh tăng trưởng “nóng” của thị trường thương mại điện tử.

Dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng nhiều đơn vị nhượng quyền vẫn lên kế hoạch mở rộng thị phần thông qua hình thức này. Điển hình như GS25 Việt Nam, đơn vị này cho biết sẽ tái khởi động hình thức nhượng quyền thứ cấp từ năm 2021. Vào Việt Nam năm 2018, thông qua liên doanh Sonkim Land và GS Retail Hàn Quốc, chuỗi này có tham vọng đạt 2.000 cửa hàng trên toàn quốc đến năm 2028.

Hiện nay, chuỗi có trên 100 cửa hàng. Với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, họ bắt đầu tự tin quay lại kế hoạch nhượng quyền thứ cấp đang bị chậm một năm so với kế hoạch ban đầu. Thậm chí việc nhượng quyền được dự đoán sẽ sôi động hơn trong mùa dịch vì sự tham gia của các thương hiệu phục vụ phân khúc phổ thông. Ông Lê Quốc Thạch, Nhà Sáng lập Kebab Torki chia sẻ với báo giới rằng khi kinh tế khó khăn như hiện tại, nhà đầu tư càng lựa chọn thương hiệu có mức đầu tư thấp hơn.

Bảo vệ khoản đầu tư

Trên thực tế, dù tiềm năng nhưng nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức do tính tự phát và chưa chuyên nghiệp. Hiện nay, xu hướng nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (hay còn gọi là nhượng quyền độc quyền) khi thương hiệu quốc tế trao quyền cho một doanh nghiệp nội địa phát triển hệ thống chi nhánh trên toàn lãnh thổ dưới hình thức tự đầu tư và kinh doanh (gọi là phát triển hệ thống chuỗi).

Rất ít thương hiệu quốc tế tại Việt Nam phát triển thị trường qua hình thức nhượng quyền cấp 2 (nhượng quyền thứ cấp), khi đối tác cấp 1 tiếp tục nhượng quyền từng chi nhánh hoặc từng khu vực cho một đối tác thứ cấp tiếp theo.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu vốn, thiếu trình độ quản lý và kiểm soát, chưa chuẩn hoá được quy trình và thương hiệu, chưa hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp nên hầu như chưa thực hiện được mô hình nhượng quyền toàn diện, ít quan tâm đến bảo hộ thương hiệu.

Nhượng quyền thương hiệu #1: Tìm hiểu, tham gia và bước ra an toàn

Một trong các yếu tố quan trọng nhất trong mô hình này là đồng bộ chất lượng dịch vụ của các chi nhánh
Nguồn: Envato

Một trong các yếu tố quan trọng nhất trong mô hình này là đồng bộ chất lượng dịch vụ của các chi nhánh. Nhiều thương hiệu lớn vẫn không thể kiểm soát được tình trạng này dẫn đến nhiều cách phát triển chuỗi nhượng quyền khác nhau.

Theo ông Đỗ Duy Thanh, Sáng lập kiêm CEO FNB Director cho biết, ở Việt Nam có hai mô hình nhượng quyền phổ biến là toàn phần và bán phần (hoặc một phần). Theo đó với mô hình toàn phần, chủ đầu tư thuê thương hiệu và phần vận hành thuộc về doanh nghiệp cho thuê thương hiệu. Trong khi đó với mô hình bán phần, bên cho thuê thương hiệu sẽ cung cấp một phần nguyên liệu (như thiết bị rang xay cà phê, cà phê) việc quản lý, vận hành sẽ thuộc về bên thuê thương hiệu. Việc lựa chọn mô hình nào thực sự không đơn giản vì phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức, kỹ năng quản lý và tiềm lực tài chính của nhà đầu tư.

Một trong các yếu tố quan trọng nhất trong mô hình này là đồng bộ chất lượng dịch vụ của các chi nhánh.

Một rào cản khác khiến nhượng quyền thương hiệu vẫn chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng ở Việt Nam là khung pháp lý vẫn còn bất cập. Cụ thể, khung pháp lý hiện nay vẫn chưa quy định đầy đủ các vấn đề về hoạt động nhượng quyền như: các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động nhượng quyền còn chung chung, nhiều hình phạt mang tính hình thức, chưa phù hợp với tính chất và quy mô của nhượng quyền trên thực tế. Mặt khác, một số văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động nhượng quyền còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn, tác động đến sự phát triển của hoạt động nhượng quyền, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động nhượng quyền.

Nhìn chung, việc thành hay bại vẫn phụ thuộc rất lớn vào kiến thức và sự nhạy bén của nhà đầu tư. Chính vì thế, thông qua chuyên mục này, bên cạnh giới thiệu đến người đọc các mô hình nhượng quyền phổ biến và mới nổi ở Việt Nam hiện nay, Brands Vietnam sẽ là đi sâu hơn vào các nội dung chưa từng được khai thác như điều kiện tham gia, mức độ ràng buộc và thời gian thu hồi vốn/ tỷ suất lợi nhuận.

Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là các gợi ý về biện pháp bảo toàn khoản đầu tư cho các nhà đầu tư khi cuộc hợp tác chẳng may không thành. Trên thực tế, việc phát triển mạnh mẽ của mô hình nhượng quyền Việt Nam cũng có mặt trái là khi có vấn đề xảy ra, người chịu thiệt vẫn là các nhà đầu tư vì hành lang pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế.

Người tham gia phỏng vấn là CEO/ Founder đại diện cho các thương hiệu nhượng quyền nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư nguồn thông tin chính xác, uy tín nhất.

Brands Vietnam không đưa ra khẳng định cụ thể về khả năng thành bại của bất cứ mô hình nhượng quyền nào, mà thay vào đó chúng tôi kỳ vọng sẽ đem một cái nhìn tổng quát về thị trường, các thông tin chuyên sâu cho từng mô hình để tạo cơ sở cho các nhà đầu tư có quyết định phù hợp.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Công Sang / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam