Re-live Who can drive Sales & Marketing 4.0?: “Thời đại Digital cần thế hệ nhân lực omni-talent”
Ngày 17/5/2021 vừa qua, hội nghị trực tuyến ‘Who can drive Sales & Marketing 4.0’ do Talentnet tổ chức đã thu hút sự chú ý của đông đảo người xem. Chủ đề chính của sự kiện xoay quanh: sự phát triển của Digital Marketing và góc nhìn 360 độ về nhân lực trong ngành Marketing & Sales thời đại 4.0. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo “Future of Jobs” do Talentnet khởi xướng.
Bài trình bày 1: Sự chuyển dịch của nền kinh tế số tại Việt Nam
Mở đầu sự kiện là phần chia sẻ của bà Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch Avero Việt Nam & Harrison AI Việt Nam, chia sẻ về sự dịch chuyển và những cơ hội mới của nền kinh tế trong thời đại số.
Bà cho biết thế giới mà chúng ta sống ngày hôm nay là một thế giới số với rất nhiều thay đổi sau khi COVID-19 xảy ra. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam rơi vào tình thế bị động. Tuy nhiên, nhờ cách dập dịch nhanh chóng, kịp thời, triệt để mà tình hình kinh tế tại Việt Nam vẫn có những tăng trưởng tích cực.
Đặc biệt, theo như một khảo sát của Google Temasek và Bain & Company, người dùng chuyển mọi hoạt động lên không gian số, từ học hành, làm việc cho đến mua sắm, dự báo dù cho đại dịch có qua đi, thì thói quen này vẫn còn tiếp diễn. Nên có thể nói, đại dịch là yếu tố tác động tích cực đến cuộc sống của con người, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt việc mua sắm trực tuyến và mảng thương mại điện tử (TMĐT) nhận được một lực đẩy mạnh, bùng nổ trong năm 2020.
Trong bối cảnh đó, một điều không ngạc nhiên, gần 5-6 lần nhà cung cấp, thương hiệu đã bước lên kênh online để tiếp cận người dùng của mình. Và đây chính là cơ hội cho những người làm Marketing và Sales, vì nhu cầu tuyển dụng nhân sự chắc chắn sẽ tăng theo.
Tiếp theo, bà Trang cho biết năm 2020 là thời điểm Việt Nam bứt phá trong nền kinh tế số và đang ở trong đợt sóng mới, vô cùng vững chắc. Nếu như nhìn về năm 2015-2016, tỉ trọng của nền kinh tế số của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 3 tỉ USD so vs các quốc gia khác trong khu vực (Thái Lan với 6 tỉ USD). Vậy mà, đến 2019, con số này đã đạt 12 tỉ USD, bằng Singapore và đâu đó bằng Thái Lan, với tốc độ tăng trưởng bền vững là 16%. Dự đoán trong tương lai, đến 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng là 29%/ năm, tương đương với 52 tỉ USD.
Điều này đặt ra cho thị trường một nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực Marketing và Sales am hiểu về lĩnh vực số. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, lượng cung này chỉ chiếm 1/4 so với mức yêu cầu để có thể thúc đẩy nền kinh tế số.
Bài trình bày 2: Bản đồ nhân lực Sales & Marketing Việt Nam
Trong bài trình bài số 2, bà Lý Ngọc Trân, Head of ESS & HR Outsourcing Services, Talentnet đã có phần chia sẻ về xu hướng nhân sự tại Việt Nam trong thời gian hiện tại.
Đầu tiên, bà chia sẻ về nguồn nhân lực Việt Nam có 4 đặc điểm chính sau:
- Trẻ trung, đông đảo
- Nhận được nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng từ chính phủ cho đến các doanh nghiệp tư nhân
- Nhu cầu nguồn nhân lực trong mảng Digital, TMĐT đang tăng rất cao
- Các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài hiện đang cạnh tranh gay gắt với nhau để tìm được nhân lực chất lượng cao
Tiếp theo, theo báo cáo của Merger, đối tác của Talentnet cho biết tỷ lệ nghỉ việc năm 2020 giảm đáng kể do dịch bệnh. Nhưng sang đến năm 2021, tỷ lệ này tăng trở lại vì nhiều doanh nghiệp cần mở rộng hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Theo một báo cáo của LinkedIn, có hơn 10.000 vị trí Sales đang được các công ty Việt Nam ráo riết tuyển dụng, trong khi số ứng viên là 120.000 người. Với Marketing, có hơn 16.700 vị trí mới còn trống, trong khi số ứng viên lên đến 87.000 người. Nhưng theo nhận định của Talentnet, dù số ứng viên cao, nhưng tình trạng thiếu nhân sự trong 2 lĩnh vực trên vẫn diễn ra.
Ngoài ra, trong năm qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã có nhiều động thái trong việc cải thiện chính sách lương thưởng, phúc lợi cho nhân viên – một cách để giữ chân nhân tài trong thời đại cạnh tranh hiện nay.
Để giải quyết tình trạng trên, cũng như giúp các bạn trẻ tìm được công việc ưng ý trong lĩnh vực Marketing & Sales, bà Trân nhấn mạnh về việc cần phải cập nhật những kỹ năng cần thiết, cũng như tái tạo kỹ năng mới, đặc biệt trong mảng kỹ thuật số. “Ai xác định nhanh, hành động thần tốc thì sẽ thắng lợi”, bà chia sẻ. Cả doanh nghiệp lẫn ứng viên cần phải hiểu rõ về nền kinh tế trải nghiệm đang diễn ra ở thời điểm hiện tại: “Trải nghiệm tốt sẽ sản sinh ra nhiều lợi thế cạnh tranh hơn cho mọi đối tượng trong nền kinh tế số”. Ngoài ra, việc song hành với khoa học, kỹ thuật số sẽ giúp mỗi cá nhân đưa ra quyết định đúng hướng hơn trong công việc.
Phần thảo luận: Góc nhìn 360 độ về ngành Digital Marketing và nhân lực ngành Marketing & Sales 4.0
Phần thảo luận này được chủ trì bởi bà Lê Diệp Kiều Trang, cùng sự tham gia của 3 khách mời có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing & Sales:
- Bà Hoàng Thị Mai Hương, Chairwoman, Publicis Groupe Vietnam & MSLGROUP Vietnam
- Bà Đoàn Thị Diễm Chi, Chief Growth Officer, Onpoint E-Commerce
- Bà Phạm Nhã Uyên, CEO Prôvence Consumer Products Corporation
Chủ đề của buổi thảo luận nói đến thế giới Marketing & Sales đang thay đổi trong nền kinh tế ra sao, cũng như các bạn trẻ cần chuẩn bị gì đế thích nghi với sự phát triển của thị trường, từ đó có thể chủ động đón đầu sự bùng nổ của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Digital Marketing chính là Marketing
Bà Trang đã mở đầu buổi thảo luận bằng câu hỏi, “Mọi người đều biết rằng tiếp thị số chỉ chiếm một tỉ trọng không lớn trong chi tiêu tiếp thị, đặc biệt là của các công ty lớn – hoạt động rất bài bản. Vậy thì có phải khi chỉ đầu tư để phát triển năng lực trong tiếp thị số là một sự lãng phí hay không?”.
Trả lời cho câu trả lời này, bà Hương nhấn mạnh “Đây là một quan điểm vô cùng sai lầm. Vì mức độ đầu tư cho kỹ thuật số của các doanh nghiệp lớn trên thị trường đang ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn. Điều này đến từ nhận định sai lầm cho rằng Digital Marketing là một lĩnh vực khác với Marketing. Tuy nhiên, về bản chất, Digital Marketing chính là Marketing, vẫn phải tuân thủ 3 điều cơ bản nhất: có thị trường, sản phẩm và đối tượng mục tiêu”.
Bà Hương cũng bổ sung kỹ thuật số chỉ là phương tiện giúp thúc đẩy nhanh hoạt động Marketing mà thôi. Marketer vẫn phải nắm vững các nguyên lý Marketing như kể được câu chuyện của sản phẩm, đưa mặt hàng đến đúng đối tượng, thấu hiểu tâm lý của người tiêu dùng.
Đồng ý với quan điểm của bà Hương, bà Uyên cũng cho rằng tỷ lệ đầu tư vào Digital Marketing ở những công ty lớn hiện nay đã lên đến 60-70% và là một con số rất lớn. Còn với các doanh nghiệp SME, tỷ lệ này gần như là tuyệt đối, vì chi phí triển khai trên các kênh digital thấp hơn nhiều. Digital Marketing cho phép các doanh nghiệp triển khai hoạt động marketing, khác với thời xưa khi chỉ có kênh truyền thống.
Hay bà Chi cũng khẳng định rằng các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam cũng lựa chọn kênh online – Digital Marketing để tiến vào thị trường. Do vậy Digital Marketing hiện nay thực sự rất quan trọng và là “cơm, gạo” chứ không còn “là hương, là hoa” như trước đây nữa.
Đặc biệt, Digital Marketing ngày nay cũng trở nên đa kênh – omni-channel hơn. Nhiều mạng xã hội, kênh truyền thông mới ra đời nhưng về bản chất chúng chỉ là những touchpoint mới, hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp vẫn phải đi theo nguyên lý 4P.
Sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và phản ứng của doanh nghiệp
Với việc ngày càng xuất hiện thêm nhiều kênh digital và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hành vi người dùng hiện tại cũng diễn ra nhiều thay đổi. Theo bà Hương, các diễn giả trong buổi thảo luận đều đồng tình có 4 thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng ở thời đại 4.0, gồm:
- Quyền lực hơn: Họ chủ động hơn trong sự lựa chọn của mình vì thị trường có quá nhiều nhà cung cấp sản phẩm/ dịch vụ. Họ quyết định việc tiêu thụ thứ mà họ cho là phù hợp và không phụ thuộc vào nhà cung cấp nữa.
- Ngay lập tức: người dùng hiện nay phản hồi ngay lập tức với quảng cáo, sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, nếu họ thích/ không thích, thì sẽ chia sẻ về trải nghiệm sản phẩm đó cho hàng triệu người khác nhanh chóng.
- Kém trung thành: Vì quá nhiều sự lựa chọn và nhiều kênh digital để tìm kiếm thông tin nên họ không trung thành với bất kỳ một thứ nào quá lâu, nhanh chuyển kênh, không đánh giá kỹ, nhận xét kỹ và thay đổi quyết định trong tức thời, dẫn đến một điều là không có thói quen cố định.
- Nhu cầu ngày càng cao: Người tiêu dùng hiện tại có nhiều sự lựa chọn trên thị trường. Đặc biệt, họ luôn đòi hỏi những trải nghiệm cá nhân hoá: đúng người, đúng thời điểm, đúng thông điệp… Điều này kéo theo việc, đôi khi người tiêu dùng sẽ không đặt chất lượng sản phẩm lên đầu, mà ưu tiên trải nghiệm với chúng. Nơi nào cho họ trải nghiệm tuyệt vời, họ sẽ tin tưởng và tin dùng.
Chính sự thay đổi này tạo ra thử thách ngày càng lớn cho nhà tiếp thị khi quyền lực đang nằm trong tay người tiêu dùng.
Vậy thì để phục vụ những vị “thượng đế” không kiên nhẫn, không trung thành, được săn đón bởi rất nhiều nhà cung cấp khác nhau, cũng như ra quyết định trong tíc tắc, thương hiệu phải làm gì?
Bà Uyên cho rằng thương hiệu nên bắt đầu từ việc thấu hiểu hành trình khách hàng. Những điều nên làm như: (1) phân khúc khách hàng tốt để tiếp cận đúng người, đúng thời điểm, đúng bối cảnh, vì nếu làm sai, thương hiệu sẽ vừa không thu được hiệu quả, vừa làm người tiêu dùng cảm thấy khó chịu; (2) tối ưu hoá trải nghiệm của khách hàng, cụ thể nhất là việc mua hàng; (3) xây dựng CRM để kết nối tốt hơn với khách hàng để giữ chân họ trong “phễu” lâu nhất có thể.
Bà Phạm Nhã Uyên
Bổ sung ý kiến của bà Uyên, bà Hương cho rằng ngoài những hoạt động thiên về tốc độ và kỹ thuật trên, thương hiệu cũng nên đầu tư vào những giá trị sâu sắc hơn, đó là “Brand Purpose”. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa chú trọng nhiều đến phần này, nhưng thực tế nó sẽ là yếu tố quyết định thắng thua trên thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững. Bởi người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến các trách nhiệm xã hội chứ không chỉ là chất lượng sản phẩm đơn thuần.
Bà Chi cũng bình luận, để kéo khách hàng đến gần hơn với doanh nghiệp thì cũng cần phải áp dụng thêm sức mạnh của omni-channel nhờ sự hỗ trợ từ hệ thống dữ liệu hay chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, bà Chi cũng chia sẻ một quan điểm khá thú vị về sự khác biệt giữa nhân viên sales thời kỹ thuật số so với trước đây. Theo đó, khi digital chưa bùng nổ như hiện nay, các đội sales ngày xưa sẽ chia ra làm ở hai kênh chính là GT và MT, nên sẽ không có nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, hiện tại, khi lằn ranh giữa các kênh bán hàng ngày càng mờ nhạt, omni-channel lên ngôi và một người bán hàng có thể bán ở cả kênh truyền thống lẫn kỹ thuật số, thì người sales sẽ cảm thấy rất khó khăn trong việc tiếp cận họ. Điều mà bà Chi nghĩ rằng người sales thời 4.0 cần làm để vượt qua khó khăn trên đó là: đừng tập trung vào các kênh, mà hãy tập trung vào hành vi mua hàng của shopper ở điểm bán. Có nghĩa là người sales phải linh hoạt hơn trên các kênh bán hàng, từ cửa hàng vật lý, kênh thương mại điện tử, hay social commerce. Do đó họ phải tìm hiểu, mở rộng kiến thức về digital nhiều hơn thì mới có thể đa nhiệm được.
Nhân lực ngành Marketing & Sales 4.0 cần sở hữu những yếu tố gì?
Ba vị khách mời đều cho rằng, trong ngành marketing, con người là yếu tố cốt lõi. Với sự chuyển dịch của thời đại số hiện nay, yêu cầu cho nhân lực của ngành ngày càng khắt khe hơn. Qua thời gian, những yếu tố cần có bao gồm: khả năng giao tiếp, sự hài hước, sáng tạo, thích thử thách, đón nhận cái mới, suy nghĩ chiến lược.
Tuy nhiên, bà Hương nhấn mạnh ở thời đại số hoá này, bà sẽ chọn những ứng viên luôn cập nhật các xu hướng mới trên truyền thông xã hội thì mới có thể nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng và tình trạng của thị trường ở thời điểm hiện tại. Điều này yêu cầu ứng viên phải có trực giác và trí tuệ cảm xúc cao hơn và chỉ dùng số liệu nghiên cứu thị trường để đối chiếu, xác nhận lại quan điểm.
Bà Hoàng Thị Mai Hương
Bà Chi cho biết nhân lực ngành Marketing & Sales 4.0 nên có khả năng “learn & un-learn”. Vì theo bà, thời đại thay đổi phát triển hàng giờ, có những điều chúng ta cần phải “xoá” thì mới có thể tiếp cận cái mới được và việc lựa chọn cái nào nên learn/ un-learn cũng là một kỹ năng quan trọng. Nhưng kĩ năng này sẽ được trui rèn qua những trải nghiệm thực tế. Tóm lại, năng lực tự học, cởi mở đón nhận cái mới thực sự là ưu tiên hàng đầu đối với nhân lực ngày nay.
Khi tranh luận về việc nhân lực ngành Marketing & Sales nên sở hữu năng lực trong mảng nghệ thuật (art) hay khoa học (science), cả ba diễn giả đều có những ý kiến khác nhau, nhưng đều cho rằng bất kỳ ai cũng cần sở hữu hai năng lực trên, tuy nhiên mức độ chênh lệch ở mỗi ngành nghề, công ty cụ thể là khác nhau. Ví dụ, bà Uyên cho rằng nếu làm ở nhánh thương hiệu, marketer nên có khả năng phân tích dữ liệu để đọc số liệu và suy ra hành động, cũng như năng lực cảm nhận về mặt trí tuệ cảm xúc: câu chuyện thương hiệu có chạm đến người xem không, hình ảnh thiết kế đẹp hay xấu, chiến dịch có đảm bảo giá trị thương hiệu hay không. Hay bà Hương nói tại các agency quảng cáo, các bạn chuyên làm về ý tưởng sáng tạo nên tập trung vào việc sáng tạo thay vì bị ảnh hưởng bởi con số, vì các bộ phận xung quanh như chiến lược (planner) hay account sẽ đảm bảo ý tưởng bay bổng đó bán được cho khách hàng. Do vậy, mỗi bạn trẻ nên hiểu điều này để xác định con đường nghề nghiệp của mình cho phù hợp.
Cuối cùng, ba vị khách mời đưa ra những lời khuyên thiết thực cho nhân sự khối ngành Marketing & Sales hiện nay. Thứ nhất, mỗi người nên cởi mở trong việc học hỏi, sáng tạo, đón nhận những sự tiến bộ của kỹ thuật số với tốc độ nhanh chóng thì mới bắt kịp sự thay đổi của thời đại. Thứ hai, hãy lựa chọn những công ty có môi trường tạo điều kiện cho bản thân phát triển năng lực cá nhân và con đường sự nghiệp. Thứ ba, kiên nhẫn và đầu tư thời gian cho những công việc mà mình đang làm, đừng liên tục nhảy việc mà nên dành thời gian gắn bó, học hỏi ở mỗi công ty. Và cuối cùng là khả năng tự phát triển bản thân, không chỉ về chuyên môn, kỹ năng mà còn phải thu thập nhiều trải nghiệm thú vị khác trong cuộc sống để trở thành một con người toàn vẹn – omni-talent.
Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam